Cái Tết ấy cũng như mọi Tết. Nhưng mọi Tết chưa hẳn đã giống Tết ấy.
Đã bao Tết rồi, nỗi nhớ trong tôi vẫn đằm như bánh chưng nén nơi góc nhà, vẫn xôn xao như bầu trời đêm phút giao thừa rực lóe chùm pháo bông, vẫn trong veo, tí tách như những giọt mưa xuân rơi bên hiên nhà.
Đầu hiên, cội đào già u nần, mốc thếch dồn nhựa nảy những cánh hồng mơ như má con gái cùng nhau chụm đầu thì thầm một kế hoạch bất ngờ sau khi đã nếm hai chiếc bánh chưng con còn nây nẩy nóng, vừa ăn vừa nghe ngoại rủ rỉ “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Những hàm răng đã dính quện trong vị thơm ngậy của bánh chưng, những cái đầu gật gật ra chiều tỏ tường lời dạy của các bậc tiền nhân qua lời giải thích của ngoại. Ai cũng líu ríu nói như bầy chim vừa bay về làm tổ trên vòm mít xanh còn lào xào tiếng bấc hút qua từng kẽ lá: Quê cô tận miền Trung, chồng cô chính là chú bộ đội đã cùng các thầy cô giáo mặc áo mưa đi chằng buộc lại những phòng học, chống mấy cây bàng mới trồng đang vươn tán xanh om trước khi cơn bão số 5 đổ bộ về hồi tháng trước. Chú đã lên đơn vị, tận đồn A Mú Sung ở Lào Cai, nơi đầu nguồn con sông Hồng, trên đó có hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng. Đứa bạn tóc xoăn chốt một câu như thủ lĩnh, không cần đợi mồng ba cho lâu, mồng hai Tết, bọn mình đến nhà cô chúc Tết nhé! Đứa bạn tóc rễ tre nhắc, nhớ giữ gìn quần áo cho mới vào, đứa tóc bện sam khoe có tới hai cái áo hoa mới.
Bếp rực than hồng, nồi nước lá thơm nấu để tắm tất niên cho cả nhà ngát hương, nồi luộc, nồi nấu ạch ạch sôi. Ngoại đang nấu chè kho, đỗ xanh, đường, nước gừng, chè ngoại nấu ăn thơm ngon tắc lưỡi. Tôi chợt muốn học nấu chè kho, tay ngoại vừa ngưng quấy đỗ cho tay tôi đón lấy đôi đũa cả, giọng ngoại phả hơi trầu vỏ, nhẹ, đều, dần dần đỗ sẽ tự tơi ra.
Bữa tất niên ấm cúng, phút giao thừa liêng thiêng, huyền bí và rực rạo, tôi thấy mình bỗng lớn bổng lên như chồi non lộc biếc đang trỗi dậy, sớm mồng một súng sính trong bộ quần áo mới, mùi Tết, vị xuân, tình thương yêu tràn trề trong những ánh mắt tiếng cười xông nhà chúc Tết, tiếng chúc tụng, tiếng cụng ly, cả tiếng bầy chim ríu rít trên mái hiên nhà như tiếng lòng tôi ríu rít. Đêm mồng một sâu giấc để sáng mồng hai vươn vai thức dậy, lại ấp mặt vào chiếc khăn ấm đượm hương lá mùi là nhớ ngay ra cuộc hẹn ở gốc đa, đi chúc Tết cô. Tới đó, tóc rễ tre góp quà Tết cô là chiếc bánh chưng, tết sam là gói chè, gói mứt thập cẩm, tóc bấm vành là chiếc nón trắng mẹ nó quay cho nó khâu, còn tôi là đĩa chè kho của ngoại mà tôi đã góp công nấu. Mưa thoảng rơi như may như hoa trên bờ mương dọc hai cánh đồng dài tít tắp đã găm đầy hai ống quần chúng tôi, đến đoạn đường song song với đường tàu thì gặp cậu đầu cua đang dắt trâu ra cho bố tranh thủ phiên cày bừa ruộng để mạ lên mẹ đi cấy. Đi chúc Tết cô với bọn tớ đi! Thế là đầu cua nhập bọn, sau lưng tiếng vắt thừng của bố đầu cua nhỏ dần.
Sân trường bỗng rộng thênh thênh trong những ngày Tết, lúc đi thì đuổi theo bước chân nhau cứ như thể muốn bay muốn chạy cho nhanh, ấy vậy mà lúc tới dãy nhà tập thể giáo viên thì đứa nào đứa nấy chợt ngại ngùng, đưa đẩy nhau vào trước. Trong nhà, có lẽ nghe tiếng nhí nháu, cô đi ra, nhìn thấy cô, má đứa nào đứa nấy đỏ bừng bừng như ngồi bên bếp củi, chân tay luýnh quýnh như dây diều bị rối, miệng như gói mứt bị phong kín. Cô âu yếm gọi: “Ôi! Các em mau vào đây nào, năm mới cô chúc các em ngoan ngoãn, học giỏi...”, cả bọn ùa vào như cơn gió xuân, nhà cô ngập tiếng nói cười...
Cũng như năm ấy, năm nay gần Tết có rét, cái rét đủ để cho người ta cảm nhận độ ấm áp mà Tết đến xuân về sẽ mang lại nhựa sống mới mẻ cho con người. Cội đào già nhà tôi thêm những sần mốc nhưng vẫn rực rỡ hoa bung. Ơi tóc xoăn, tóc bấm vành, tóc sam, ơi Nhẫn, Hạnh, Phượng ơi, cả cậu đầu cua, Thanh nữa, còn nhớ cái Tết mười hai ấy không? Chúng mình đã ăn hết hai đĩa kẹo, hai chiếc bánh chưng nhà cô, đã thổi bóng bay để chơi cùng cu Tít của cô, đã háo hức nghe cô kể chuyện cô lên thăm đồn biên phòng A Mú Sung, cô còn thái chè kho để tất cả cùng thưởng thức, cô đã đội thử chiếc nón trắng cho chúng mình ngắm, và các cậu chắc vẫn còn nhớ, lúc về qua cánh đồng, bố Thanh vừa bừa xong thửa ruộng, Thanh đã dắt yên trâu gặm cỏ cho tụi mình lần lượt được cưỡi trâu.
Mình sẽ chẳng bao giờ quên cái Tết mười hai kì diệu ấy.
Tết năm nay đang về, cô đã nghỉ hưu được ba năm nhưng cô vẫn ở gần trường.
Bao giờ, chúng ta lại cùng nhau trở về thăm cô, về với cái Tết mười hai ấy các bạn!