Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tác giả, tác phẩm: "Người có duyên với ca khúc cổ động, tuyên truyền"
23/04/2024 12:00:00

Tác giả: Kim Xuyến

Nói đến các ca khúc cổ động, tuyên truyền, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Mai Đoan. Khán thính giả trìu mến thường gọi bà với cái tên Nhạc sĩ “huyện ca, xã ca, ngành ca”. Bởi trong gia tài âm nhạc của bà với trên 200 ca khúc, có đến quá nửa là ca khúc cổ động, tuyên truyền.

 

Nhạc sĩ Mai Đoan 

 
Hồi nhỏ, nhạc sĩ Mai Đoan đã có năng khiếu ca nhạc, luôn là con chim đầu đàn hoạt động phong trào đoàn đội của lớp, của trường cấp II Hoàng Diệu - Gia Lộc. Bà luôn được bầu làm quản ca. Giữa năm 1969, trường Trung cấp Lý luận và nghiệp vụ- Bộ Văn hóa về tuyển học viên. Nhà trường giới thiệu nhạc sĩ Mai Đoan và bà làm hồ sơ dự tuyển. Qua hai vòng sơ tuyển, bà trúng tuyển vào trường.

Không khó để biết tại sao nhạc sĩ Mai Đoan lại chọn và chuyên tâm cho dòng ca khúc này. Theo nhạc sĩ, trước hết bởi nhiệm vụ công tác luôn gắn với phong trào quần chúng. Tốt nghiệp Trung cấp Văn hóa quần chúng, thuộc trường Trung cấp Lý luận và nghiệp vụ - Bộ Văn hóa, khóa 1969-1972, nhạc sĩ dự tuyển và trúng tuyển diễn viên ca của Đoàn ca múa nhạc, kịch Hà Bắc, nhưng vì điều kiện gia đình, bà muốn ở gần giúp đỡ bố mẹ già. Tháng 10-1972, nhạc sĩ Mai Đoan về công tác tại phòng Văn hóa quần chúng - Sở Văn hóa, Thông tin Hải Dương. Ngay khi vào công tác, bà đã hoạt động phong trào Đoàn rất sôi nổi, nhiệt tình, đào tạo hạt nhân cho phong trào. Nhạc sĩ thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên huấn Tỉnh Đoàn mở các lớp ca múa nhạc, đặc biệt phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”; phối hợp với trường Đoàn ở Lai Cách, Cẩm Giàng tập huấn phong trào ca múa nhạc cho thanh thiếu niên. Vì vậy, bà đã được tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ”. Không dừng ở đó, công tác được vài năm, nhạc sĩ Mai Đoan tiếp tục học phân ban âm nhạc, khoa Văn hóa quần chúng, Đại học Văn hóa Hà Nội, khóa 1978-1982. Trong thời gian học tại trường, nhạc sĩ Mai Đoan luôn học tập nghiêm túc và nhớ lời thầy Thế Vinh, Trưởng khoa Lý luận- Sáng tác và Chỉ huy của Nhạc viện Hà Nội khuyên: “Đoan nên đi vào sự nghiệp sáng tác”. Từ đó, nhạc sĩ Mai Đoan tập sáng tác. Ca khúc đầu tay được ra đời trong một lần nhạc sĩ đi kiến tập tại xã Đại Hà, huyện Đồ Sơn, Hải Phòng, đó là ca khúc “Qua đất Đại Hà quê em”. Sau khi ra trường, tháng 10-1982, nhạc sĩ trở lại cơ quan cũ công tác.

Trong quá trình công tác, nhạc sĩ Mai Đoan luôn phát huy năng lực, sở trường và sâu sát với quần chúng nhân dân. Nên sau thời gian công tác, năm 1988, nhạc sĩ được đề bạt lên Phó phòng Văn hóa quần chúng, phụ trách mảng Nhà văn hóa và phong trào ca múa nhạc. Năm 1989, Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh được thành lập, có địa chỉ tại số 8 Hồng Quang- Thành phố Hải Dương, nhạc sĩ Mai Đoan được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách Nhà Văn hóa và phong trào ca múa nhạc của tỉnh.

Không chỉ là người trực tiếp tổ chức, quản lý và hướng dẫn hoạt động phong trào văn hóa quần chúng của tỉnh, nhạc sĩ Mai Đoan còn say mê sáng tác ca khúc. Bà muốn dùng những kiến thức đã được học, kiến thức trong thực tế và năng khiếu bẩm sinh để sáng tác những ca khúc phục vụ cho nhu cầu của quần chúng nhân dân. Vì thế, công việc của một công chức văn hóa luôn song hành với công việc của một nhạc sĩ. Bà cho rằng, để sáng tác các ca khúc mang tính cổ động, tuyên truyền không quá cầu kỳ, nhưng nội dung phải sâu sắc và dễ hiểu, phù hợp với quần chúng nhân dân, để quần chúng có thể hưởng ứng và hát theo, và quan trọng, tác phẩm phải “chạm” được vào quần chúng thì mới có đời sống lâu dài. Trong mảng ca khúc này, phải kể đến những ca khúc: “Hành khúc cảnh sát bảo vệ và cơ động”, “Niềm tin doanh nghiệp trẻ Hải Dương”… Nhiều bài hát của bà đã trở thành bài hát truyền thống của các ngành, đơn vị, địa phương.

Nhạc sĩ Mai Đoan được kết nạp vào Ban Âm nhạc và Múa, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh năm 1989 và vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2001. Ban Âm nhạc và Múa là một trong những ban có ít hội viên, số nhạc sĩ sáng tác ca khúc mang tính chuyên nghiệp càng ít, đếm được trên đầu ngón tay. Vào Hội, nhạc sĩ Mai Đoan được tiếp xúc, giao lưu với nhiều văn nghệ sĩ của Hội, được học hỏi thêm thế hệ đàn anh đi trước như nhạc sĩ Trọng Vinh, Ngô Khải, Minh Tuệ... Năm 1991, ca khúc “Nhớ hương đêm thành phố”, sáng tác trong Trại sáng tác miền duyên hải tại Hải Phòng, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, do ca sĩ Huy Hùng thể hiện; năm 1992, ca khúc “Em là mùa xuân” phổ thơ Minh Tuệ, được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam; ca khúc “Đi tìm dòng sông tuổi thơ” viết về đề tài môi trường, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam kết hợp với Trung ương Đoàn, Ban Dân số, sức khỏe và môi trường tổ chức, đoạt giải Ba; năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ca khúc “Vui cùng tiếng trống hội Thăng Long” được giải C của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 2010, đặc biệt được biểu diễn trong chương trình Kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long của Đài Tiếng nói Việt Nam, là nguồn động lực thổi bùng lên ngọn lửa đam mê trong bà. Nhạc sĩ Mai Đoan cũng có nhiều cảm xúc với các nhà thơ, nên cũng có nhiều ca khúc phổ thơ, điển hình như ca khúc “Tình anh trong cây lá”, phổ thơ của tác giả Nguyễn Ngọc San, ca khúc đã đoạt giải B giải thưởng âm nhạc hàng năm của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, năm 1997. Nhạc sĩ Mai Đoan cho biết, bà viết ca khúc ấy bằng một sự rung động tình cờ. Một lần, tác giả Nguyễn Ngọc San cầm tờ Báo Hải Dương có in bài thơ “Nhìn cây nhìn lá” của ông sang Nhà Văn hóa Trung tâm, gặp nhạc sĩ Mai Đoan và gợi ý nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ này. Bà không thờ ơ nhưng cũng không dám nhận lời, mà chỉ hứa sẽ đem về đọc xem sao. Đọc xong, bà cảm thấy có một cảm xúc sâu nặng, thiêng liêng bùng lên trong tim, bởi mối tình đầu của bà là một người lính, nên thơ đã chạm tới nỗi niềm riêng. Thế là nhạc sĩ bắt tay ngay vào việc, trong 3 ngày, đêm, bà đã hoàn thành ca khúc. Trong qua trình sáng tác âm nhạc, bao giờ nhạc sĩ cũng muốn đứa con tinh thần của mình phải khỏe khoắn, tươi sáng và lạc quan, nên ở bài này, bà mạnh dạn sửa ý, thêm lời vào thơ để mô tả sự hy sinh của người lính cao đẹp, bất tử như chúng ta đã thấy. 7 năm sau, ca khúc thiếu nhi “Điều con cần có” lại đoạt giải C, giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 2004. Hai giải thưởng chuyên ngành Trung ương trong một khoảng thời gian không xa, đã khẳng định được tài năng của nhạc sĩ Mai Đoan.

Đến năm 2007, nhạc sĩ về nghỉ hưu, bà càng có thời gian chuyên tâm cho văn học, nghệ thuật. Năm 2008, tại Đại hội lần thứ VI, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, bà được bầu vào Ban Chấp hành Hội, giữ cương vị Trưởng Ban Âm nhạc và Múa. Trải qua ba kỳ Đại hội, bà đều được tín nhiệm và tái cử vào cương vị Trưởng Ban cho tới Đại hội X (nhiệm kỳ 2024-2028). Trong năm 2023, bà đã tiến hành các thủ tục trình cấp trên thành lập Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hải Dương. Đến tháng 11/2023, Chi hội đã tổ chức Đại hội lần thứ Nhất (nhiệm kỳ 2023-2028). Nhạc sĩ Mai Đoan được tín nhiệm bầu là Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Việt Nam tỉnh Hải Dương.

Từ khi nghỉ hưu, bà dành hết tâm huyết cho phong trào văn hóa, văn nghệ, tham gia Ban Chấp hành Hội, Trưởng Ban chuyên môn, cùng các hội viên của Ban gặt hái được nhiều giải thưởng, phát hiện và bồi dưỡng thêm lực lượng sáng tác và biểu diễn cho Ban. Riêng cá nhân nhạc sĩ đã đoạt nhiều thành tích và nhiều giải thưởng các cấp: 4 giải thưởng toàn quốc; 5 giải thưởng cấp khu vực; 5 lần đoạt giải thưởng Côn Sơn (từ lần thứ 4 đến lần thứ 8); 8 giải thưởng cấp ngành, cùng nhiều bằng khen, giấy khen, huy chương, kỷ niệm chương của các cấp, bộ, ngành.

Ở tuổi trên thất thập, bà vẫn miệt mài truyền dạy các lứa học trò. Học trò của bà có đến trên 300 em. Nhiều em đã thành danh trên con đường nghệ thuật trở thành ca sĩ, nghệ sĩ, giáo viên,... Tuy không hoạt động trong ngành giáo dục, nhưng điều bà vui nhất là trong ngày Hiến chương các nhà giáo 20-11, vẫn nhận được những tình cảm ấm áp, những lời động viên, thăm hỏi từ học trò cũ. Ngoài ra, vẫn có nhiều địa phương, đơn vị mời bà tham gia sáng tác ca khúc để tuyên truyền, biểu diễn, giao lưu hoặc chào mừng các ngày kỷ niệm của ngành. Nhạc sĩ Mai Đoan tâm sự: “Tôi rất thích mảng sáng tác ca khúc cổ động, tuyên truyền, bởi nó phong phú và gần gũi với cuộc sống. Vả lại nhu cầu của hoạt động phong trào rất cần âm nhạc. Âm nhạc phản ánh cuộc sống và tâm tư của người lao động. Âm nhạc khích lệ cho người lao động thêm tích cực, yêu thương, gắn bó giữa người với người và tình yêu nghề nghiệp. Tác phẩm của tôi ghi dấu ấn ở cả 12 huyện, thị, thành phố và một số tỉnh bạn như: Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh. Tôi coi đó là sự đóng góp nhỏ bé của mình vào phong trào văn hóa xã hội của tỉnh, của toàn quốc và các tỉnh bạn.
 
 
 
Các tin mới hơn
Đọc sách hội viên: "Vẻ đẹp của những vần thơ "Vụn"" (Đọc tập thơ “Vụn” của nhà thơ Hà Cừ -NXB Thông tin và Truyền thông, tháng 12/2023) (03/05/2024)
Kiến trúc: "Thành phố Hải Dương và những kỳ vọng"(02/05/2024)
Sân khấu: Kịch bản "Phương thức làm giàu" của tác giả Phương Hạnh(02/05/2024)
Trang Văn nghệ trẻ: "Ngày đầu tiên" của Ngân Thuận(02/05/2024)
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Tạp bút "Lạt mềm buộc chặt" của tác giả Văn Duy(22/04/2024)
Chờ sáng(22/04/2024)
Cố hương(19/04/2024)
Tháng Ba tìm lối ta về (19/04/2024)
Tản văn "Đêm nay hoa bưởi dậy thì" của tác giả Lê Phương Liên (19/04/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na