Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Kiến trúc: "Thành phố và dấu tích những dòng sông" (phần 1) - KTS. Nguyễn Văn Thường
23/11/2023 08:03:25

Một trong những lý do để tôi luôn tự cảm thấy mình rất yêu quý, tự hào về thành phố Hải Dương chính ở hệ thống sông, hồ của nó, đặc biệt với con sông Bạch Đằng vì nhà tôi ở phố Chương Dương, ngày nào cũng ít nhất đôi ba lần đi, về qua cầu Tam Giang để vào trung tâm thành phố. Tôi đã từng đề cập đến con sông này khi viết về Phố đi bộ - Chợ đêm. Chuẩn bị năm tới là kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố Hải Dương (1954 – 2024), kỷ niệm 220 năm khởi lập Thành Đông (1804 - 2024), cảm hứng thôi thúc tôi viết tiếp về những gì mình biết, suy nghĩ về chủ đề này.

Chắc nhiều người đã từng sống ở thị xã Hải Dương cách đây khoảng ba mươi năm còn nhớ một câu chuyện không vui đó là một bài báo đã đăng với cái tít “Hải Dương thị xã đi qua”. Tác giả “chê” bộ mặt của thị xã sau nhiều năm vẫn cũ kỹ và xấu xí không có gì mới trong khi nhiều nơi đã thay đổi rất nhiều. Nghe thấy buồn và có phần mặc cảm. Nhưng nghĩ kỹ thì tác giả viết không sai. Tôi cảm nhận rằng người ấy rất yêu quý nơi này dành thời gian viết ra những điều tâm tình như thế. Vì rằng trong quá khứ nó đã từng được nằm trong “Tứ trấn” ở Bắc Kỳ. Qua một thời gian được nâng cấp lên thành phố, bộ mặt Hải Dương đã thay đổi hẳn. Nhiều tuyến phố chính được nâng cấp, mở rộng. Diện tích cũng không ngừng được tăng lên với nhiều khu đô thị mới được hình thành. Các công trình công sở hành chính, sự nghiệp, dich vụ và nhà ở khang trang, to đẹp hơn trước đây. Tuy nhiên nhiều người cùng cho rằng đô thị vẫn chưa được như mong muốn. Tôi lại nghĩ và tự lý giải rằng điều kiện mỗi nơi một khác. Đô thị của mình hình thành sớm, phố xá sầm uất, ken dày nên khó cải tạo. Nhưng một lần anh bạn thân đã tâm sự với tôi: mỗi khi khách ở ngoại tỉnh đến thăm, loay hoay không tìm được chỗ nào “hay hay một chút” để dẫn bạn đi chơi. Tôi ngay miệng nói rằng: “thì đưa khách lên Côn Sơn, Kiếp Bạc”! Nhưng nói vậy thôi: Côn Sơn, Kiếp Bạc phục vụ nhu cầu tâm linh là chính. Có thể anh bạn tôi muốn có các quần thể công trình văn hóa, dịch vụ, du lịch hoặc các điểm vui chơi giải trí hấp dẫn hơn để khoe với khách chăng? Qua tâm sự của bạn, nghe lời nhận xét không vui của một số làm cho tôi suy nghĩ. Hải Dương không hấp dẫn do cái gì? Do dịch vụ đô thị kém, do hạ tầng kinh tế, xã hội chưa phát triển, hay cảnh quan đô thị xấu... Tất nhiên còn liên quan đến nhiều yếu tố. Nhưng là một kiến trúc sư, trước hết tôi nghĩ ngay đến cảnh quan đô thị. Đành rằng Hải Dương không nhiều lợi thế cảnh quan như những thành phố khác có rừng, có biển; càng không so bì được với một đô thị lớn với những không gian công cộng, khu vui chơi giả trí, các khách sạn, nhà hàng... hoành tráng. Tuy nhiên lại sở hữu một thế mạnh riêng đó là hệ thống sông, hồ rất đa dạng, cùng một số dấu tích đô thị cổ... ở ngay khu vực trung tâm lịch sử. Vậy làm thế nào để những công trình ấy trở nên hấp dẫn?

Để viết bài này tôi đã sưu tầm bản đồ, tìm đọc tư liệu về lịch sử hình thành và phát triển, khảo sát những con đường ngõ, xóm trong nội thành mà trước đây chưa đặt chân đến bao giờ. Sau khi nghiên cứu tôi phát hiện ra rằng nơi đây đang ẩn chứa nhiều di sản văn hóa, lịch sử có giá trị. Nhưng giống như cô bé lọ lem, chưa được để ý, quan tâm đến. Chỉ cần được tắm rửa, gội đầu, trang điểm là duyên dáng, quyến rũ ngay. Nghĩ đến đây tôi thêm tâm đắc với một trong những mục tiêu quy hoạch: “...phát huy tối đa lợi thế về địa lý, di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông để phát triển nhanh và bền vững” được xác định trong “Quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040” của Thủ tướng Chính phủ.

Lợi thế về địa lý. Hải Dương nằm ở giữa đồng bằng Bắc bộ, Trung tâm tam giác tăng trưởng, rất thuận lợi về giao thông... Nhưng tôi lại nhìn “lợi thế địa lý” ở một góc độ khác. Hệ thống sông, hồ còn lại ở khu vực trung tâm do thiên nhiên ban tặng là tài sản quý giá vô cùng. Trước hết để hiểu sâu sắc về lịch sử của chúng cần phải trở về thời điểm hàng trăm năm trước. Dù giàu trí tưởng tượng cũng khó để hình dung khu dân cư trong đó có cả nơi gia đình tôi đang ở lại là điểm hợp lưu của hai con sông Thái Bình và sông Sặt xưa kia. Bản đồ lập năm 1891 làm chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi nhận ra rằng thành phố của mình lại nằm trên một lưu vực thấp, trũng với hệ thống sông ngòi, đầm hồ dày đặc.

Đầu tiên phải kể đến sông Thái Bình. Vốn bắt nguồn từ Lục Đầu giang (một địa danh lịch sử) chảy về phương Nam, đến địa phận thành phố Hải Dương quay ngang theo hướng Đông. Tiếp tục tới bến Hàn đột ngột tách làm hai nhánh. Nhánh Tây đổi hướng Đông Nam chảy chéo qua ga đường sắt đến khu vực Bến Bè (phố Tam Giang) gặp con sông Sặt. Nhánh Đông tiếp tục chảy thêm một đoạn nữa rồi cũng đổi về hướng Nam. Sau đó hai nhánh lại nhập với nhau ở khu vực Cống Câu bây giờ. Hiện nay nhánh Đông vẫn còn là một đoạn của sông Thái Bình. Nhánh Tây bị bồi lắng và thu hẹp dần. Năm 1898 để xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội– Hải Phòng, người Pháp đã lấp phía thượng lưu, dựng kè ở hạ lưu. Bản đồ Thành Đông (lập năm 1909) thể hiện rõ tuyến đường sắt, phố Hàng Bè chặn ngang sông. Bây giờ nhánh sông này để lại những dấu tích rời rạc. Phía Bắc đường sắt còn một đoạn mương từ đê sông Thái Bình chảy chéo theo hướng Đông Nam (dài 640m), ngắt quãng qua đường QL5 rồi đi cạnh đường Vũ Văn Dũng (dài 540m) đến hồ Hòa Bình (18.454m2), hồ Ga mới bị lấp cách đây gần chục năm. Phía Nam đường sắt đến đường Tam Giang có hồ An Ninh (rộng 13.800m2), hồ Bạch Đằng (205.760m2), hồ Quang Trung (hồ Viện Mắt– rộng 7000m2), một đoạn mương cạnh đường Nguyễn Thiện Thuật (dài 440m), một hồ nước phía Nam đường Trần Hưng Đạo (rộng 4.500m2 - đã san lấp xây Trụ sở phường Trần Hưng Đạo và Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh). Phía Nam đường Tam Giang còn đoạn cuối của sông Bạch Đằng (từ cầu Tam Giang đến giáp Âu thuyền, khu đầm trũng ở phía Nam phường Ngọc Châu đến Cống Câu (đã san lấp năm 2018 làm khu đô thị Ecorive).

Sông Sặt chảy vào địa phận tỉnh Hải Dương từ cống Chanh, xã Thúc Kháng, nơi có làng chạm bạc Châu Khê nổi tiếng. Bản đồ lập năm 1891 cho thấy Sông Sặt sau khi chảy qua cầu Phú Tảo đến khu vực ngã ba đường Nguyễn Chế Nghĩa với Bình Lâu bất ngờ uốn ngược lại, vòng qua khu vực ngã tư Hải Tân tạo thành một cung tròn đến quảng trường Thống Nhất. Tại đây một lần nữa lại đổi hướng về phố Bến Bè (nhập với nhánh Tây sông Thái Bình). Đầu thế kỷ hai mươi người Pháp cho đào khúc sông (còn gọi là sông Cầu Cất) nối tắt hai điểm uốn. Làm tuyến đường kết nối vùng phía Nam với thành phố Hải Dương cắt ngang sông Sặt ở ngã tư Hải Tân đến bến phà (năm 1941(1)được thay bằng Cầu Cất). Đầu thập kỷ sáu mươi (thế kỷ XX) sông Sặt được ngăn lại ở khu vực quảng trường Độc Lập bằng trạm bơm Bốn Vòi, đồng thời con kênh mới được đào để nắn dòng chảy thẳng theo hướng Đông ra Âu Thuyền. Cuối thập kỷ tám mươi (thế kỷ XX) trạm bơm bốn vòi được dỡ bỏ để nắn thẳng đường Bùi Thị Xuân, một thời gian sau Quảng trường Thống Nhất được xây dựng. Đoạn hạ nguồn sông Sặt (từ khu vực ngã ba đường Nguyễn Chế Nghĩa với Bình Lâu) ngoài khúc sông Cầu Cất nối với Sông Đào ra âu thuyền hiện để lại một nhánh sông cụt ở phía Tây đường Lê Thanh Nghị (dài 960m), hồ Trái Bầu (rộng 62.000m2) và sông Bạch Đằng (dài 2.550m).

Lưu vực ngã ba sông Thái Bình, sông Sặt vốn là vùng đất trũng với nhiều mương ngòi chằng chịt. Con mương ở phía Bắc Hào Thành chảy ra nhánh Tây sông Thái Bình. Sau năm 1943 đã bị san lấp nhiều đoạn. Hiện chỉ còn lại đoạn cống ngầm dưới ngõ 64 đường Hồng Quang (dài 120m), đoạn mương hẹp cạnh ngõ 53C đường An Ninh đến cống Ba Cửa (dài 125m - thông với hồ An Ninh). Con mương ở phía Nam Hào Thành chảy vòng vèo ra sông Sặt, sau năm 1943 cũng bị san lấp, nạo vét chia cắt làm nhiều đoạn. Dấu tích còn lại là một đoạn mương từ sông Hào Thành ra đường Phạm Ngũ Lão (dài 180m), đoạn mương ngầm qua đường Phạm Ngũ Lão sang hồ Bình Minh (dài 110m), hồ Bình Minh (rộng 65.000m2), hồ Cơ Khí (rộng 22.800m2) và hồ Vệ Sinh (hay hồ Cầu Cất– rộng 19.500m2). Ngoài ra do khai thác đất tôn nền đô thị mà khu vực hai bên đường Hồng Quang hình thành ba hồ gồm hồ Văn Hóa (rộng 4.640m2), hồ Bảo Tàng (9.200m2), hồ sau Chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh (rộng 6.300m2).

Về di sản văn hóa (xin được tạm gọi như vậy), năm 1804 sông Hào Thành được đào cùng với xây dựng Thành Đông. Năm 1889, 1897 người Pháp đã hai lần phá tường, lấp sông Hào Thành để xây dựng Nhà máy rượu ở phía Đông Nam. Những năm sau này dần hình thành khu Đông kiều phố (có các phố nghề như hàng thiếc, hàng đồng, hàng lọng...) từ cổng Đông đến bờ sông Bạch Đằng. Năm 1943 - 1944 tiếp tục phá tường, lấp sông Hào Thành ba cạnh còn lại. Cùng với thời gian thi công tuyến đường sắt Hà Nội– Hải Phòng (1909-1912), người Pháp đồng thời làm con đường từ vườn hoa Bảo Đại (Quảng trường Độc Lập sau này) đến ga Hải Dương (đường Hồng Quang bây giờ). Dấu vết lưu lại chỉ là ba đoạn Hào Thành nêu trên (dài 1260m) cùng bốn tuyến đường Nguyễn Trãi, Tuệ Tĩnh, Chi Lăng đi qua vị trí các cổng Đông, Tây, Nam, Bắc ta vẫn có thể xác định được chính xác hình dạng, kích thước của Thành Đông xưa.

Hệ thống sông hồ ở thành phố Hải Dương làm cho tôi ngầm liên tưởng đến những đô thị như cổ trấn Châu Trang, cổ trấn Tây Đường, cổ trấn Nam Tầm bên Trung Quốc; thị trấn “cổ tích” Giethoorn ở Hà Lan hay Venice ở Italia... Ở những nơi này, sông hồ không chỉ phục vụ cho khách du lịch mà nó gắn liền với cuộc sống đô thị. Hải Dương nằm giữa hai con sông Thái Bình và sông Sặt. Khu vực trung tâm có sông Hào Thành cùng rất nhiều hồ lớn nhỏ. Một câu hỏi cần phải trả lời: Vì lẽ gì mà không đóng góp nhiều cho cảnh quan chung, chưa tham gia phục vụ tốt cuộc sống đô thị? Tôi vẫn tin rằng đến một ngày nào đó Thành phố có điều kiện sẽ quan tâm hơn đến vấn đề này và người dân cũng nhiệt tình góp phần cùng khôi phục, chỉnh trang thì những sông, hồ sẽ trở nên đẹp đẽ, thơ mộng không kém gì những đô thị nêu trên. Khi đó khách các nơi đến Hải Dương chắc chắn sẽ được trải nghiệm một số tour du lịch bằng thuyền cực kỳ hấp dẫn mà tôi xin phép trình bày ở số tạp chí tiếp sau...

 

1. Theo lời kể của Cụ Nhất 94 tuổi (Trước ở nhà 16 phố Xuân Đài, thành phố Hải Dương)

Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Kịch ngắn "Nghĩa cử" của tác giả Công Bằng(23/11/2023)
Trang Văn nghệ trẻ: "Hồn rừng" của Vũ Tuấn Khang(20/11/2023)
Tác giả, tác phẩm: "Nghệ nhân - Họa sĩ Hạ Bá Định Người nặng tình với gốm" - Tác giả Thu Mai(20/11/2023)
Văn nghệ dân gian: "Sự tích "ông Sộp" và "bà Dựa" tại hai làng Ngọc Lập (Tân Trào) và Nhữ Xá (Hồng Quang) huyện Thanh Miện" - tác giả An Văn Mậu (Nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn)(17/11/2023)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Mùa thu trong thơ ca tỉnh Đông" của tác giả Nguyễn Thị Lan(17/11/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na