Với đề tài về nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Hải Yến phần lớn được viết với thi pháp trữ tình cổ điển. Tác phẩm của chị thường nghiêng về cái đẹp của cuộc sống. Lớp học trong ngôi chùa cổ" (Tạp chí Văn nghệ Hải Dương 11/2023) là một truyện ngắn như vậy.
Truyện đẹp như một bài thơ. Chất thơ bàng bạc suốt truyện từ cái nhìn "hồi cố" của nhân vật "tôi""- người kể chuyện. Cũng như nhiều truyện ngắn khác, chọn vai tôi để kể chuyện, tác giả đã tăng thêm niềm tin với người đọc và nhờ đó câu chuyện ám ảnh.
Chất thơ trước hết toát ra từ thời gian và không gian nghệ thuật của truyện. Thời gian là từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, từ đó đến nay trên 40 năm, đã xưa rồi. Câu chuyện được "đẩy""ra xa, khi người kể ngoái lại, nhìn ngắm, nhớ nhung nên rất giàu những ký ức, hoài niệm về một thời đã xa, vì vậy truyện đậm chất trữ tình.
Chất thơ còn toát ra từ bối cảnh của truyện, nó được "mở" ra từ những câu văn đầu tiên: "Kim Trang Tây của tôi xưa là làng cổ, gần sông, đất trũng nên năm nào cũng lụt". Làng rất nghèo nên những lớp cấp 1 phải "tùy nghi di tản", đi học nhờ mỗi lớp một nơi: nhà kho hợp tác, giải vũ đình và cả ở trong chùa. Cái lớp 1 (ngày xưa gọi là vỡ lòng), nơi có nhân vật tôi- người kể chuyện- học ở chùa.
Ngôi chùa cổ như bao chùa cổ ở những làng quê nghèo xưa. Nó bé tẹo, nằm gọn dưới gốc cây muỗm cổ thụ. Chùa đã xuống cấp, cái gì cũng tàn tạ, cũ càng. Tường của chùa thì tường vôi, lúc nào cũng ẩm sì, quanh năm rêu phủ. Cánh cổng gỗ đã ải, mục, khập khiễng có thể sập bất cứ lúc nào. Vườn chùa thì quanh năm âm âm bóng cả- bóng nhãn, bóng xoài sẫm trong hơi đất. Chùa hoang vắng đến mức sân chùa lát đá xanh mà cỏ mềm trổ hoa quanh mép đá, tĩnh lặng đến mức có thể nghe thấy tiếng chim lích tích trên mái ngói và nhìn thấy những vòng khói hương trầm lang thang trong không khí. Rồi ngôi mộ tháp giữa vườn cây… Chùa bé nhỏ, lại bị những tán cây che khuất nên nhìn từ đồng Ngoài về chỉ thấy những tán cây như những quả đồi con. Cái âm âm, u u, tĩnh mịch và cả cái nghèo ở nơi đây là cái đẹp trong khó khăn nhọc nhằn, trong thiệt thòi. Nó gieo vào lòng người đọc một nỗi niềm bâng khuâng, trắc ẩn.
Chất thơ của truyện còn toát ra từ phong cảnh nơi đây. Truyện rất giàu thiên nhiên, một thiên nhiên bình dị, quê kiểng của làng quê Việt xưa, rất thân thuộc với những tâm hồn thuần Việt. Không chỉ có những muỗm, xoài, nhãn, hoa cỏ, chim chóc ở chùa mà theo bước chân của bọn trẻ đến lớp còn có một thiên nhiên đẹp đẽ, trong lành. Đó là những con ngõ dài đầy những hoa giun nở đủ màu, những rặng duối già quả chín vàng mọng như hạt ngô lai, những ổi xanh, sung chát… và con đường dẫn vào chùa là vết đường xanh um ngang đầu gối những bụi thèn đen, quả tím ngọt như mật. Tất cả thật hấp dẫn, như mời gọi lũ trẻ nghèo. Rồi sau chùa có cái cánh cổng phụ hướng ra bờ sông lúc nào cũng rộng mở, ở đó có hàng cúc tần đầy dây tơ hồng như những sợi chỉ vàng lấp lánh trên nền lá xanh, có những con đò dọc cập bến. Không gian truyện được mở ra. Ai bảo không gian đó không mở rộng tâm hồn của lũ trẻ quanh năm sống trong ngôi làng cổ, bao bọc bởi lũy tre xanh?
Giữa cái "nền""thiên nhiên cảnh vật mát lành ấy, lũ học trò nhỏ 5-6 tuổi hiện ra thật ngây thơ, hồn nhiên, trong trẻo, đáng yêu và làm cho truyện càng chan chứa chất thơ.
Với giọng văn tưng tửng có phần dí dỏm, Nguyễn Hải Yến đã "đưa" người đọc về một lớp 1 thời bao cấp cách đây trên bốn thập kỷ. Vì làng nghèo nên lớp phải học ở chùa, không có bàn ghế "lũ bàn học được làm từ mấy tấm ván, kê hai đầu bằng hai chồng gạch xếp. Đứa nào đi học phải cắp theo một cái ghế gỗ. Hết buổi, bàn xếp vào một góc, ghế lại cắp nách mang về". Nghèo nên ngày khai giảng "không có quần áo mới hoặc lành lặn đến lớp, lũ trẻ phải diện bộ quần áo mặc lại của ai đó đã được mẹ cẩn thận vá dặm từ hè"...…
Nghèo nhưng vẫn vui, vẫn hồn nhiên. Đi học thì phải rủ bạn "bởi vì ngày ấy chẳng ai đi học một mình". Quãng đường đến lớp chỉ non nửa cây số mà vòng lên lộn xuống con ngõ rủ nhau phải đến hai tiếng đồng hồ; lại còn dắt theo em đến lớp, vừa trông em vừa học. Đến lớp thì "cãi nhau inh ỏi loạn cào cào,"nháo nhào, nhộn tít như chợ vỡ"". Rồi vở đứa nào cũng quăn tít, mực hôm nào cũng bị đổ đầy sách, đầy quần áo, đầy mặt. Rồi "nhếch nhác, nhãi nhai với đống chữ cái". Rồi "Nghiến răng, vẹo cổ, tô mòn bút chì, rách cả giấy". Rồi bị cô quát...
Không khí một buổi học của lũ chim sẻ, chim ri ấy được tôi kể lại với rất nhiều hình ảnh, âm thanh sống động: "Tiếng bà Ninh oang oang quát át cả tiếng thưa cô, tiếng gào từ đầu lớp đến cuối lớp để mượn tẩy, mượn ngòi bút, tiếng chân chạy huỳnh huỵch để chấm mực nhờ, để chạy đi vệ sinh kẻo lại ra quần. Tiếng đứa em nào đó khóc ré lên... Tiếng bà Ninh dỗ dành...… Thậm chí cả tiếng hát ru". Đoạn văn tả thật sinh động, hấp dẫn đến nỗi người viết bài này không thể không trích dẫn. Hành trình biết chữ của lũ trẻ thật gian nan, "nhưng loanh quanh mấy hồi, ngoảnh đi ngoảnh lại biết chữ lúc nào không nhớ". Cái lớp học ấy đáng yêu và dễ thương quá, khiến người đọc không thể mỉm cười và nhớ lại tuổi thơ của mình.
Nổi bật lên giữa đám học trò lít nhít ấy là hình ảnh cô giáo Ninh: giản dị, mộc mạc, nhân hậu, yêu trẻ, tận tụy với công việc. Gốc gác ở nông thôn, là cô giáo nhưng cô giáo Ninh cũng cấy hái, lợn gà như bao người dân quê khác. Cô dạy học ở chùa nên kiêm cả việc trông nom và quét dọn chùa. Nếu mỗi truyện ngắn là một chỉnh thể nghệ thuật thì chi tiết nghệ thuật là một trong các thành tố quan trọng làm nên tác phẩm tự sự. Chi tiết nghệ thuật trong truyện này được tác giả đặc biệt chú ý. Về cô giáo Ninh, người viết đã xây dựng nhiều chi tiết khá điển hình để nói lên phẩm chất nhân vật: chi tiết sát ngày khai giảng cô Ninh đến từng nhà học sinh gọi ngày mai đi khai giảng; chi tiết cô dặn dò tỉ mỉ trong ngày khai giảng (chắc vì trẻ nhỏ mải chơi, hay quên); rồi cô vừa dạy vừa dỗ dành những đứa em nào đó của học sinh; mùa cây muỗm ra quả, bao giờ cô Ninh cũng dựng sẵn một cây sào dài, có ngoéo, nối vào cái giỏ đan bằng cật tre để lũ trẻ con lấy quả, khỏi trèo. Gần cuối truyện là chi tiết cổng sau chùa hướng về phía bến, bao giờ cũng rộng mở "để từ bi đón những kiếp người phiêu dạt ghé nương nhờ". Người phụ nữ chốn quê ấy thật Từ, Bi, Hỷ, Xả có cái tâm rộng lớn biết bao. Đó là những trang viết ấm áp, thật đẹp, chan chứa chất thơ, làm rung động lòng người.
Và sau hết, chất thơ của truyện nằm ngay trong giọng kể của người viết- một giọng trữ tình, lôi cuốn. Văn của Nguyễn Hải Yến đẹp: đẹp ở ý tình, đẹp ở lời văn với những hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu… Đó là, cuối tác phẩm có hình ảnh của "một bà giáo, mái tóc dài như nước, ngồi giữa lớp học không bàn ghế, thỉnh chuông gọi hoàng hôn buông xuống, cầu bình an cho muôn triệu kiếp người" trong nỗi nhớ của cả trẻ con và người lớn hai làng Kim Trang Đông và Kim Trang Tây. Đó là, khi mấy đứa trẻ cấp 1 học trong chùa Chè ngày xưa, gọi nhau về tiễn bà Ninh đi khúc cuối, mấy đứa giục tôi gọi: "Bà ơi! Chùa Chè- Lớp học ngày xưa của bà đấy! Nhưng khi nào về bà nhớ tìm đất cũ chứ đừng tìm dáng cũ. Bà nhìn đi, chùa cũ phá hết rồi, chùa mới đang dựng lại. Mới có nền thôi mà đã ngang tầm chùa cũ, lớp cũ ngày xưa. Chỉ còn cây muỗm già trăm năm buông bóng cả, làm điểm tựa để muôn linh hồn nương theo, về cùng gió nghe cầu siêu cho trọn kiếp luân hồi". Truyện kết thúc ở đó. Đoạn văn thật cảm động, chan chứa chất thơ- chất thơ của một ngòi bút tinh tế, giàu cảm xúc. Nhân vật trữ tình không ngại bộc lộ cảm xúc của mình. Tiếng gọi nhớ thương của cô trò nhỏ năm xưa với cô giáo đã khuất của mình, chạm đến trái tim người đọc.
Tuổi thơ là một vùng đất mà ai cũng du hành đến đó. Đọc truyện "Lớp học trong ngôi chùa cổ" của Nguyễn Hải Yến, người đọc như được sống lại với những khoảng lặng bình yên, những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ và cả những ký ức về một thời gian khó mà yên bình của đất nước. Truyện để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. Phải chăng, đó là hạnh phúc không dễ có của người viết.