Nhà nước có Luật Phòng chống tham nhũng. Năm nay, Đảng tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng. Trước đó, Trưởng ban Phòng chống tham nhũng Trung ương – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề xuất, phải thêm vào Luật này nội dung Tiêu cực. Quá đúng, nên dù chưa luật hóa, chúng ta cứ ghi nhận: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cũng theo quyết định của Ban này: Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phải thành lập. Một số nơi đã làm. Các cơ quan công quyền: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát theo chức năng nhiệm vụ của mình phải trực tiếp tham gia. Các cơ quan báo chí (báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử) với khả năng tinh nhạy trong việc nắm bắt thông tin, là một kênh tin cậy phát hiện kịp thời các vụ việc giúp cơ quan công quyền xử lí. Theo chúng tôi, kể cả báo mạng xã hội đích thực, với động cơ lành mạnh, trong sáng cũng có khả năng đóng góp tích cực dữ liệu để ta tham khảo.
Quần chúng nhân dân, với tai mắt của mình, sống gần các quan chức, dù kín cổng cao tường, trong cuộc sống hằng ngày, nhất là những dịp giỗ tết, việc hiếu hỷ… hằng ngày, hằng tháng, hằng năm không thể không để lại dấu vết gì trước tai mắt mọi người.
Cuộc sống hôm nay khẳng định vai trò của truyền thông đại chúng. Thậm chí có người còn coi là cơ quan quyền lực thứ tư. Bởi nó là cầu nối giữa nhân dân với các cơ quan công quyền. Khi truyền thông đại chúng đích thực vào cuộc sẽ gây áp lực như một tòa án – tòa án dư luận, có khả năng buộc một ai đó, muốn bao che một hành vi tham nhũng, tiêu cực cũng không thể làm được. Như giọt nước tràn li buộc những người có trách nhiệm phải xem xét đến tư cách một quan chức địa phương nào đó, một tư lệnh ngành nào đó phải thay thế là chuyện đã có không ít tiền lệ. Thế giới đã chứng kiến một nội các sụp đổ, một nguyên thủ quốc gia ngã ngựa cũng vì truyền thông đại chúng phanh phui.
Báo hình với sức mạnh riêng đánh trực tiếp vào thị giác công chúng qua những phóng sự ngắn, truyền hình trực tiếp, phim truyền hình nhiều tập cũng có khả năng cảnh tỉnh mọi người. Chưa ai đặt vấn đề văn chương Phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Dù nhà văn với trách nhiệm công dân của mình cũng bức xúc chẳng kém ai trước những vụ tham nhũng lớn. Bản thân cũng thấy không ít những vụ tham nhũng vặt khi phải đối mặt với những nhân viên các cơ quan hành chính khi giải quyết các việc dân sự của mình.
Tham nhũng thế nào thì dễ phản ánh. Tại sao tham nhũng tiêu cực thì khó lí giải hơn. Khó hơn là tìm giải pháp khắc phục.
Tự xác định phải lí giải và tìm giải pháp nên tác giả tìm cách mổ sẻ cơ chế này. Hệ điều hành cơ chế này. Con người điều hành cơ chế này nên bộ tiểu thuyết Luật đời & Cha con và Lửa đắng mới ra đời. Thế nên trong Lửa đắng cả một hệ thống nhân vật của một thành phố trực thuộc Trung ương lên đến Trung ương mà cao nhất là nhân vật Tổng Bí thư. Cơ chế điều hành nước ta là “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lí, nhân dân làm chủ”. Nhưng trong thực tiễn lại có chuyện này: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lí, hưu trí điều hành, lão thành chỉ đạo”. Thế nên 8 nhà xuất bản từ chối. Nhà văn Trần Dũng (NXB Lao động) nhìn thấy ruột gan tác giả. Phiếu thẩm định của anh viết: “Bản thào này được viết từ trái tim một người cộng sản, một người trong cuộc. Rất có ích cho đất nước, cho Đảng ta, không chỉ hôm nay… Tôi trực tiếp biên tập và hoàn toàn chịu trách nhiệm”
Vấn đề nhất thể hóa, tác giả chỉ là người đầu tiên đưa ra trong tiểu thuyết, chứ thật ra nó là chủ trương trong cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng, thời ấy (2008) đã thí điểm mà bây giờ Quảng Ninh đã làm thành công ở cấp cơ sở.
Trong Lửa đắng, tác giả còn hiến kế một giải pháp: Tòa án thành phố Thanh Hoa thí điểm truyền hình trực tiếp cho nhân dân theo dõi, để mọi người đều có thể nhận xét, phản biện, nhất là khâu tranh tụng trước tòa – một vấn đề mà nghị quyết của Ủy ban Cải cách Tư pháp Trung ương đặc biệt nhấn mạnh để thực hiện dân chủ, công lí của một chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Trong Lửa đắng, nhân vật Tổng Bí thư còn trả lời báo chí phỏng vấn: “Việc này, tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và trước cả pháp luật.” Vấn đề này là: “Tôi phải nhắc lại một khẩu hiệu: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Pháp luật là trên hết. Không tổ chức nào, không cá nhân nào được cho mình cái quyền đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật. Pháp luật phải như sợi dây điện trần ấy. Ai động vào cũng bị giật. Đằng này, có người bị giật, có người không, mà người đó lại không có khả năng siêu nhiên gì thì nguy rồi… Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát cứ theo phép công mà làm. Thẳng mực tầu, đau lòng gỗ.”
Đến Vỡ vụn & Cuộc vuông tròn, tác giả đã nâng lên một bước, dựng lên một tình huống chạy chức Chủ tịch tỉnh. Phó Chủ tịch Văn xã Lưu Minh Vương – bị dư luận ngầm gọi chệch đi là Lưu Manh Vương đút lót thẳng 500 triệu thân phụ Phó Chủ tịch Kinh tế. Ông vốn là cựu tù chính trị Sơn La, từng là Chủ tịch, Bí thư tỉnh này. Anh ta chơi bài ngửa, “bác bảo anh Chí Thành nhiệm kỳ này nhường ghế Chủ tịch cho cháu (5 năm nữa đến tuổi nghỉ hưu). Số tiền này đủ để bác dưỡng già.” Bao nhiêu người Vua lưu manh này sẽ chạy như thế và hơn thế nữa! Vậy là không thể không chạy. Anh ta chạy tiền thì ông già Sơn La chạy chân. Đến từng người trong Thường vụ, không chút quà cáp gì, nói thẳng: “Nếu thấy con tôi xứng đáng thì ủng hộ nó!” và trúng thật. Bí thư trên điều về, chưa được một nhiệm kì đã phải rút về rồi. Tân Chủ tịch Chí Thành quyết định dồn Trưởng ban Tổ chức (người địa phương này, công tác trên Trung ương, do Bí thư Tỉnh ủy kéo về) vào chân tường trong cuộc họp Thường vụ.
Anh nêu các trường hợp cán bộ cấp sở mới được ông ta đề bạt nhưng đều bị xử lí. Ông ta cãi:
– Có như thế thật. Nhưng tôi đã làm theo đúng quy trình. Đưa ra cơ sở lấy phiếu tín nhiệm. Đưa ra Thường vụ phân tích bỏ phiếu kín cho nên trách nhiệm là của tập thể chứ đâu phải mình tôi?
– Thế ai nắm chắc các nhân sự này? Ai nói hay nói tốt về các nhân sự này nhất? Mấy cán bộ ấy đều có họ hàng với đồng chí. Các bước theo đúng quy trình. Nhưng có đúng quy định bổ nhiệm cán bộ cấp ở sở không? Bổ nhiệm như thế có đúng người, đúng việc không? Vậy mà đồng chí chỉ nhận trách nhiệm như các đồng chí khác đã bỏ phiếu. Có nghe được không? Nếu bảo nghe được thì hãy làm đơn xin từ chức. Nếu bảo không nghe được thì tôi sẽ đề nghị Thường vụ bỏ phiếu chọn hình thức kỷ luật.
Ông ta nhận khuyết điểm nhưng cãi đây chỉ là sai lầm về phương pháp công tác đã nhìn nhận đánh giá không đúng cán bộ chứ động cơ, mục đích vẫn trong sáng, lành mạnh.
– Ai cũng biết câu này: Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu. Giờ, không có bữa nhậu miễn phí. Không ai cho không ai cái gì. Đồng chí bảo động cơ mục đích đúng. Chỉ phương pháp sai gây hậu quả không tốt. Những vụ ấy, ai cũng thấy không ổn nhưng không chứng minh được. Đơn giản vì không ai tố cáo. Tố ra thì mình cũng mắc tội đưa hối lộ chứ gì? Giờ, ta sẽ làm một điều tra xã hội học nho nhỏ với các điều kiện: – Không cần ghi tên.
– Chỉ tính từ nhiệm kỳ này vì thừa biết các vị ngồi đây, ít nhiều tay đã nhúng chàm. Nhất là Lưu Minh Vương giới hạn thế mới phân hóa được.
– Đối tượng điều tra từ phó trưởng phòng trở lên ở tất cả các phòng, ban, ngành, tổ chức, chính quyền, đoàn thể.
– Bộ câu hỏi chỉ có 4 ô: Không tham nhũng – có tham nhũng. Tham nhũng ít, tham nhũng nhiều.
Việc này thế giới vẫn làm. Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã làm: xem ngành nào tham nhũng. Nhưng chưa làm với các cá nhân. Đề nghị biểu quyết có làm hay không. Bó phiếu kín, kiểm phiếu, công bố kết quả tại chỗ.
Kết quả 15 Thường vụ thì 13 đồng ý. 1 phiếu chống. 1 phiếu trắng. Tình hình này buộc ông Quy trình – Trưởng ban Tổ chức phải phân tích, cân nhắc, lựa chọn.
– Đề nghị Chủ tịch không phải làm phiếu điều tra nữa. Tôi nhận là có vụ lợi trong việc bổ nhiệm cán bộ.
– Thế… đồng chí định… – Không nói sửa chữa sai lầm mà bảo – khắc phục hậu quả như thế nào?
– Tôi sẽ hoàn trả lại tất cả những gì đã nhận của mọi người. Đấy là tỉnh lược lại tình huống trong chương 14 “Ông Quy Trình (Cuộc vuông tròn)”. Sách ra năm 2017, tác giả có gửi tặng Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Nhưng không được hồi âm. Có thể là vì những lí do không rõ đã không đến tay người nhận.
Giờ tổng kết 10 năm Phòng chống tham nhũng mới biết số liệu này: Trước đó, chỉ thu hồi được 8% tài sản tham nhũng. Gần đây đã được 46% (61.000 tỉ). Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để người ta không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng. Tác giả tiên lượng, chỉ có thể hạn chế cao nhất có thể. Khi lòng tham lớn hơn nỗi sợ, để bỏ đời bố củng cố đời con thì hơi khó. Vì lòng tham không đáy mà. Nhưng khó cũng vẫn phải làm. Tác giả chỉ góp một tí chút, trước hết là đối với các Ban Phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Hà Nội.