Âm nhạc-Múa
Dòng sách về âm nhạc còn bị bỏ ngỏ
01/06/2022 09:54:08

Âm nhạc lâu nay là đề tài nghiên cứu, sáng tạo của nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, tác giả. Nhưng thực tế cho thấy mảng đề tài này dường như đang bị “bỏ quên” trong văn hóa đọc của người Việt.

 
 

TS. Nguyễn Bách bên công trình “Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc”.

“Khoảng trống” âm nhạc

Mới đây, tại Đường sách TP HCM đã diễn ra buổi giao lưu ra mắt cuốn “Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc” của TS. Nguyễn Bách. Ông là một nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà sư phạm, nhạc trưởng và cũng là giảng viên 11 năm tại Nhạc viện TP HCM, người sáng lập hệ thống Trường Âm nhạc B.A.C.H.

Trước các độc giả, TS. Nguyễn Bách đã đưa ra nhận định: “Thị hiếu âm nhạc lan tỏa, thay đổi và phổ cập từng ngày. Ở nhiều dân tộc, quốc gia, âm nhạc đã là thành phần không thể thiếu của giáo dục cộng đồng. Thời gian qua âm nhạc là đối tượng nghiên cứu của nhiều công trình, sáng tạo từ nhiều tác giả. Tuy vậy, vẫn còn thiếu một tài liệu giải thích chính xác, khách quan, tương đối đầy đủ, đề cập đến những khái niệm quan trọng cũng như đặc điểm phát triển âm nhạc qua các thời kỳ”.

Với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, đất nước ta sở hữu nền âm nhạc phong phú với nhiều loại nhạc cụ, thể loại âm nhạc và lượng lớn các tác phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một cuốn từ điển chuyên ngành đầy đủ hay một bách khoa toàn thư về âm nhạc Việt Nam lại như “mò kim đáy bể”.

Giáo sư Thế Bảo từng viết trong lời giới thiệu cuốn sách “Thuật ngữ Âm nhạc Việt - Anh - Ý - Pháp - Đức”, xuất bản năm 1999, tái bản lần 3 năm 2019, cũng của TS. Nguyễn Bách như sau: “Cho đến nay, số từ điển thuật ngữ âm nhạc có lẽ chỉ đếm được trên một bàn tay. Đặc biệt, từ điển có đề cập đến thuật ngữ chuyên ngành công nghệ âm nhạc thì lại càng chưa có”.

Đáng nói, cuốn “Thuật ngữ Âm nhạc Việt - Anh - Ý - Pháp - Đức” cũng được xem là cuốn từ điển âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam đề cập tới các thuật ngữ về “công nghệ âm nhạc” - nội dung này tiếp tục được khai thác trong tác phẩm mới nhất của ông.

“Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc” là cuốn sách thứ 33 viết về âm nhạc của TS. Nguyễn Bách, bao gồm mục từ của nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Ý, Pháp, Đức, Latin, Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Những cuốn sách của TS. Nguyễn Bách đã góp phần vào kho tàng sách về âm nhạc, giúp cho người học nhạc, người chơi nhạc, người yêu nhạc tiếp cận được những giải thích có cơ sở về lý thuyết và khái niệm cơ bản, đồng thời cập nhật những dữ liệu, sự kiện mới nhất về âm nhạc. Đơn cử như ca trù được UNESCO công nhận là “di sản nhân loại” (1/10/2020) hoặc ngày mất các nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Nam (17/5/2020)…

Nhiều sách về âm nhạc chưa được phổ biến đến đông đảo bạn đọc.

Dòng sách bị bỏ quên?

Có thể thấy, ở những nền âm nhạc lớn như Kpop, Âu Mỹ, đi kèm với sự phát triển về âm nhạc, dòng sách về âm nhạc của họ cũng được đông đảo người hâm mộ, người yêu nhạc đón nhận. Năm 2020, cựu thành viên của nhóm nhạc Hàn Quốc SNSD - Jessica Jung, từng xuất bản cuốn tự truyện mang tựa đề “SHINE”, cuốn sách đã được đón nhận trên 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Dòng sách âm nhạc ở các nước Âu Mỹ đều rất đa dạng về số lượng tác phẩm, tác giả và nội dung khai thác, hướng tới mọi đối tượng bạn đọc, không chỉ tập trung vào những người làm chuyên môn.

Còn tại Việt Nam, dòng sách âm nhạc hiện nay chủ yếu tập trung vào các cuốn sách dạy nhạc lý cơ bản hay dạy kỹ năng chơi nhạc cụ, nhằm phục vụ những bạn đọc quan tâm muốn phát triển về âm nhạc. Mặt khác, dòng sách khảo cứu, nghiên cứu về âm nhạc có thể kể đến những bộ sách tìm hiểu về các nghệ thuật truyền thống như: Tìm hiểu về Hát Xẩm, Tìm hiểu về Nhã nhạc triều Nguyễn, Tìm hiểu về Nghệ thuật hát Chầu Văn… cũng như bộ sách Tài danh Âm nhạc Việt Nam như Huy Du, Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Thiện Đạo… Tuy nhiên, dòng sách này thường chỉ thu hút các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật, sinh viên chuyên ngành âm nhạc chứ chưa thể tiếp cận được đông đảo bạn đọc đại chúng.

Đáng nói, dòng sách dịch từ tiếng nước ngoài dù cũng chứa đựng nhiều kiến thức chuyên môn âm nhạc nhưng lại có khả năng thu hút được độc giả đại chúng so với sách được viết bởi các tác giả trong nước. Một nguyên nhân được đưa ra có thể bởi những cuốn sách được chọn thường là sách kinh điển về những danh nhân âm nhạc thế giới hoặc những cuốn sách đạt giải, sách bán chạy nhất (best-seller).

Ví như Beethoven: Âm nhạc và cuộc đời (Lewis Lockwood), Mozart (Maynard Solomon), Những nốt nhạc tỉnh thức (Tricia Tunstall), Shout! The Beatles - Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 (Philip Norman), Liệu pháp tâm lý: Ứng dụng âm nhạc để thay đổi cuộc sống (Kennifer Buchanan), Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và Đêm buông (Kazuo Ishiguro)…

Dù vậy cũng không thể phủ nhận, những cuốn sách hay viết về âm nhạc Việt Nam mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lại nói, để có một cuốn sách hay về âm nhạc, các tác giả nước ngoài có rất nhiều cách tiếp cận khác lạ so với tác giả Việt Nam. Tựa sách “Rock Hà Nội, Bolero Sài Gòn” (2008) của nhà nghiên cứu người Mỹ Jason Gibbs đã “phục dựng” lại đời sống của các thể loại âm nhạc, các nhạc sĩ và bài hát làm nên diện mạo của tân nhạc Việt Nam.

Hay trong cuốn sách “Trịnh Công Sơn và Bob Dylan” (2012), Giáo sư ngôn ngữ học người Mỹ John C.Schafer đã dựng lên một cuộc khảo sát thú vị trên các phương diện: tôn giáo, chính trị, chiến tranh, tình yêu - hai bối cảnh văn hóa đã “hun đúc” nên hai tài năng này, đưa họ vượt ra khỏi khuôn khổ nền văn hóa của mình.

Thưởng thức âm nhạc vốn là nhu cầu của đông đảo công chúng nghe nhạc, không chỉ riêng các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ âm nhạc, người học nhạc. Như vậy, nếu nhìn nhận khách quan thì dòng sách về âm nhạc Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Nhưng thực tế cho thấy, dòng sách này dường như đang bị “lãng quên”. Một phần bởi nhiều sách hay vẫn chưa tiếp cận đến đông đảo bạn đọc hiện đại, một phần bởi việc thiếu vắng những tác giả đam mê khai thác, tìm tòi và viết về những nhân vật, sự kiện trong nền âm nhạc đương đại nói riêng và nền âm nhạc Việt Nam nói chung nhằm phục vụ độc giả đại chúng.

(Nguồn: https://baophapluat.vn/)

 
Các tin mới hơn
Âm vang Việt Nam trong Festival Âm nhạc Á Âu mới tại thành phố Kaza(23/09/2022)
Liên hoan “Giai điệu Mùa Thu” 2022 với chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt(15/09/2022)
Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9 năm 2022 - “Hát lên Việt Nam!”(30/08/2022)
Chính thức đưa Nhà hát Ca múa, nhạc dân gian Việt Bắc vào sử dụng(29/08/2022)
Ngày Âm nhạc Mới thế giới ISCM(29/08/2022)
Các tin cũ hơn
VYMI EduConcert Piano Audition: Cơ hội biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam(01/06/2022)
Đưa Xẩm đến với Trường Sa(31/05/2022)
Âm nhạc trong đời sống cộng đồng Tây Nguyên(26/05/2022)
Cuộc vận động “Sáng tác ca khúc về thành phố Lào Cai”(23/05/2022)
Khai mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc 2022 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk(23/05/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na