Đến 10 giờ ngày 01/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc, 113,9 độ Kinh Đông cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15km và tiếp tục mạnh thêm.
Đến 10 giờ ngày 02/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc, 111,8 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 120km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 -9 (62 -88km/giờ), giật cấp 11.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc bộ kết hợp hội tụ gió lên đến 5.000m hoạt động mạnh nên từ ngày 30/6 đến hết ngày 01/7, khu vực Hải Dương có mưa vừa, mưa to và dông (thời gian mưa lớn tập trung chủ yếu vào chiều tối và đêm). Trong mưa dông có khả năng xảy ta lốc, sét và gió giật mạnh. Lượng mưa cả đợt phổ biến 60 -100mm, có nơi cao hơn.
Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, xử lý kịp thời những tình huống do bão, mưa lớn gây ra, thực hiện Công điện số 17/CĐ-TW hồi 9 giờ ngày 30/6/2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai – Uỷ ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các cấp các ngành:
1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn để chủ động phòng, chống theo kế hoạch. Các địa phương chủ động thu hoạch nhanh diện tích lúa chiêm xuân, cây rau màu, cây ăn quả đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chú ý phương án chống úng các khu vực trũng thấp, khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung, phương án đảm bảo cho các cơ sở nuôi cá lồng trên sông; các vị trí sạt lở kè, bờ sông chưa được xử lý, các công trình, trọng điểm xung yếu, công trình đang thi công; phương ánd đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.
2. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, Công ty CP quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã triển khai phương án phòng chống mưa lớn, úng ngập theo kế hoạch.
3. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, có phương án ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng theo yêu cầu.
4. Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưau lớn và báo cáo kịp thời với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ban Chỉ uy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố để chủ động chỉ huy, chỉ đạo công tác đối phó, khắc phục hậu quả.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin đến các cấp, các ngành và nhân dân để chủ động phòng, tránh, ứng phó.
6. Thực hiện nghiêm công tác trực ban và báo cáo theo quy định.