Sân khấu
Những ngày không quên
10/10/2021 12:00:00

NHÂN VẬT:

1. Lực: Chồng Xuân

2. Xuân: Vợ Lực

3. Hải: Con trai Lực Xuân (14 tuổi)

4. Thủy: Con gái Lực Xuân (12 tuổi)

5. Dịu: Hội trưởng phụ nữ phường … khu …

6. Hiền: Công an phường … khu …    

Cảnh 1

Đèn sáng (Chuyện xảy ra tại nhà Lực khoảng 10 giờ trưa)

Lực: (Tay cầm chai rượu, nghêu ngao vài câu chán đời! Từ ngoài vào – loạng choạng)

Thế là hết, hết sạch, chẳng còn một giọt rượu nào (cười)

“Ngâm sổng”: Sống mà khổ cực thế này

Khác chi số kiếp đọa đầy cái thân tôi.

Nửa đời thấm đẫm mồ hôi

Chỉ mong một phút thảnh thơi bằng người

Mà sao, mà sao chẳng được hả trời?

(Nói) Mẹ cha cái dịch Covid, nó đã làm ông mất việc làm, nó làm cho các doanh nghiệp phải khuynh gia bại sản, để rồi cuộc sống ông mày đây phải đọa đầy, phải khổ sở cơ cực… Việc làm không có, tiền hết gạo không thế mà vẫn phải sống, thử hỏi sống thế nào đây? Sống thế nào đây hả?

(Nhìn quanh) Ô hay! Tại sao không có đứa nào ở nhà là thế nào nhỉ! (Quát gọi) chúng mày đi đâu hết cả rồi? Thằng Hải, con Thủy đâu rồi hả?

Xuân: (Vội vàng ra) Mình ơi em đây! Có việc gì mà mình gọi các con toáng cả lên thế ạ!

Lực: Thằng Hải đâu, nó chết ở đâu rồi hả?

Xuân: Thằng Hải, con nó đi học, giờ này đã về làm sao được.

Lực: Nhà nước đã ban hành chỉ thị: Không được hội họp tập trung đông người, các nhà trường phải đóng cửa để cho học sinh nghỉ học. Vậy mà cô bảo nó đi học, đi học hay đi đàn đúm hả?

Xuân: Học sinh không đến trường nhưng phải học ở nhà, các thầy cô sẽ dạy trực tuyến, nhà mình không lắp mạng, không có máy nên con cứ phải đến nhà bạn học nhờ.

Lực: Ôi dào rõ vẽ chuyện, học trực tiếp ở lớp, ở trường còn chẳng ăn ai huống hồ lại học riêng ở nhà với nhau thì chỉ tạo cho chúng nó cơ hội đàn đúm, chơi bời lêu lổng thôi. Không học kiểu này nữa, cô gọi nó về ngay cho tôi.

Xuân: Em đã đến tận nơi xem nó học rồi. Nó bảo học kiểu này cũng dễ hiểu, dễ tập trung, tiếp thu tốt anh ạ.

Lực: Có mà dễ chơi bời đàn đúm thì có, không học nữa gọi nó về ngay. Thế con Thủy đâu?

Xuân: Con Thủy chắc lại chơi quanh đâu đó thôi.

Lực: Người ta đã ngăn cấm ra đường, tránh tụ tập đông người, đi đâu ra ngoài phải đeo khẩu trang để cách ly. Giờ cô để nó đi như thế thì khác nào mang bệnh về nhà hả.

Xuân: Anh đề phòng cho con! Còn anh em thấy có chịu đeo khẩu trang khi ra ngoài đâu.

Lực: Không bì với tôi được, cơ thể tôi đã được kháng khuẩn 100% rồi. Thôi không nói nhiều, đi gọi cả hai đứa về ngay.

Xuân: (Miễn cưỡng) Dạ… Dạ vâng, em đi ngay đây ạ! (Định đi)

Lực: Mà thôi, cứ kệ chúng nó, đói thì phải bò về không tìm kiếm đứa nào cả. Tiện cô ở nhà thì đi làm thay cho chúng nó cũng được.

Xuân: Vâng! Có việc gì mình cứ bảo em làm cho.

Lực: Việc gì à? Đây! Cô xem (Giơ chai rượu) rượu thì hết không còn một giọt, thế mà không có đứa nào ra quán mụ béo mua cho. Cô lấy tiền ra mua cho tôi một chai nữa về, để tôi còn ngất ngưởng say mê với đời.

Xuân: Mình uống nhiều rồi, ăn thì ít, ngày nào cũng say xỉn thế này, cơ thể làm sao mà chịu được. Nhỡ mình ốm ra đấy thì mẹ con em biết tính sao đây.

Lực: Đúng là đàn bà chẳng hiểu gì cả. Cô có biết vì sao tôi phải uống rượu không?

Xuân: Em biết, vì anh bị mất việc làm, buồn chán nên lấy rượu làm vui. Trước kia anh có như thế này đâu.

Lực: Cô nói cũng đúng, nhưng chỉ đúng 50% thôi.

Xuân: Vậy còn điều gì mà mình phải hủy hoại tấm thân như thế chứ?

Lực: Tôi uống rượu là để chống dịch cô vít đấy cô hiểu không?

Xuân: Mình nói thế nghĩa là sao em không hiểu.

Lực: Nghĩa là uống rượu vào, rượu nó sẽ tiêu diệt con vi khuẩn cô vít. Cô vít có vào cơ thể tôi con nào sẽ bị rượu tiêu diệt hết con đấy, hiểu không?

Xuân: Mình chỉ giỏi chống chế ngụy biện thôi, em không tin.

Lực: Tin hay không đó là quyền của cô, còn uống rượu hay không đó là quyền của tôi. Thôi! Đi mua rượu về đây mau lên.

Xuân: (Chần chừ) Nhưng mà …

Lực: Không đi đi, còn những gì nữa hả?

Xuân: Nhưng mà… nhà mình… nhà mình hết tiền rồi.

Lực: Vậy cô đi buôn bán hàng rong đêm ngày, tối sớm tiền để đâu hết rồi hả? Ăn chơi cho trai hết rồi phải không?

Xuân: Mình đừng đặt tiếng ác cho em như vậy! 

Em chỉ buôn bán mớ rau, con tôm, con tép… cả ngày mới kiếm được mấy chục ngàn. Tiền đó phải chi phí ăn uống cho 4 miệng ăn, rồi tiền điện, nước, tiền vệ sinh khu phố… hàng bao thứ phải chi hỏi rằng làm sao mà còn tiền cho anh uống rượu bây giờ.

Lực: Tôi không biết, đó là trách nhiệm của cô, giờ đi vay tiền mua rượu cho tôi.

Xuân: Nhà mình vay nợ người ta nhiều rồi, giờ không ai người ta cho mình vay nữa đâu.

Lực: Á à… như vậy là mày cố tình tìm cách chống đối lại tao phải không?

Xuân: Em đâu dám chống đối lại mình nhưng cả nhà chỉ còn hơn chục ngàn, giờ mua rượu thì chiều các con biết lấy gì mà ăn.

Lực: Ăn gì, uống gì việc đó là của mày, giờ tao đang thèm rượu, tao thích uống là phải có, mẹ con mày phải cung phụng, hầu hạ tao hiểu chưa? Còn đứng ỳ ra đấy à. Chúng mày định để trưa nay tao nhịn đói à?

Xuân: Vâng, vâng! Em sẽ đi dọn cơm cho mình ăn ngay đây, em đi ngay đây (Vội ra)

Lực: (Nhìn theo) Mẹ kiếp! Đúng là nhẹ không ưa, ưa nặng!

Xuân: (Đon đả) Đây, cơm canh của mình đây. Mình ăn đi cho nóng.

Lực: Con Thủy đi lêu lổng đã về chưa?

Xuân: Con nó vừa về đang bị cảm nắng nằm ở trong nhà rồi!

Lực: Suốt ngày công lên việc xuống gì mà cứ lang thang đầu đường xó chợ như trẻ bụi đời ấy. Trời thì nắng nóng như thế, hỏi không ốm mới là chuyện lạ! Thật đáng đời!

Xuân: Thôi mình ăn cơm đi, không bận tâm tới việc đó nữa, để rồi em sẽ khuyên bảo con.

Lực: (Nhìn vào mâm cơm thấy không có rượu liền quát)

Ăn mà không có rượu thế này tao ăn làm sao được đây hả. Đi mua rượu cho tao.

Xuân: Mình cố nhịn rượu bữa nay, chiều em đi mua bán xem có kiếm được đồng nào để còn mua thuốc cho con. Khổ thân con bé, nằm đó mà đã có viên thuốc nào đâu! (Khóc).

Lực: Mày định lấy con ra để đánh đố tao phải không?

Xuân: Đó là sự thật, em đâu dám đánh đố gì mình! Mình hãy hiểu cho em…!

Lực: Này thì thách đố (Hất tung mâm cơm)

Xuân: (Hoảng sợ) Kìa mình! Em xin mình, em van mình!

Lực: (Lao tới đánh vợ) Này thì xin, này thì…

Hải: (Đột ngột về) Bố, bố không được đánh mẹ con như thế.

Lực: Á à... thì ra hai mẹ con mày vào hùa với nhau để chống đối lại tao phải không? Được! Đã vậy: Kể từ ngày mai mày phải bỏ học, ở nhà đi làm kiếm tiền cho tao.

Hải: Không! Con không bỏ học! Con còn nhỏ, con phải đi học, bố mẹ phải cho con đi học.

Lực: Giỏi! Giỏi lắm! Tao nuôi mày lớn bằng này để bây giờ mày cãi lại, và chống đối với tao hả ?

Hải: Nhưng tại sao bố đánh mẹ chứ! Bố ác lắm!

Lực: (Xô đến) Này thì ác! Này thì…

Xuân: Mình ơi! Em xin mình, con nó còn nhỏ dại, mình đừng đánh nó nữa. Kìa Hải! Không chạy đi, đứng đấy bố mày đánh chết à? Chạy đi con!

Hải: (Khóc chạy đi) Bố ác lắm! Con ghét bố!

Lực: (Với vợ) Còn hôm nay tao phải dạy cho mày một bài học để nhớ đời. (Định đánh)

Dịu: (Vào đột ngột) Anh Lực! Anh không được đánh chị ấy nữa! Đã bao lần anh hành hạ đánh đập chị ấy như thế rồi. Sức vóc đàn ông, nhỡ quá tay một cái thì sao đây?

Lực: Chị là ai? Là ai mà dám đến đây can thiệp vào chuyện riêng gia đình tôi hả?

Dịu: Tôi chỉ là bà con hàng xóm, là chị em phụ nữ với nhau.

Lực: Vậy thì xin chị về cho, tôi không khiến chị quan tâm tới chuyện gia đình tôi.

Dịu: Anh Lực, anh đang nóng! Nhưng xin anh hãy bình tĩnh nghe tôi nói đã được không?

Tôi biết, từ ngày anh không có việc làm vì xí nghiệp dừng sản xuất do đại dịch Covid – 19. Đây là tình trạng chung của cả nước. Kết hợp với hoàn cảnh gia đình còn khó khăn túng thiếu nên anh đã sinh ra tư tưởng bất lực, giận cá chém thớt, phó mặc cuộc sống. Giữa lúc mọi người đang đoàn kết chung tay quyết tâm chống dịch, cùng nhau bươn chải cuộc sống thì anh lại vô trách nhiệm với tất cả, không những thế lại còn gây áp lực với vợ con. Khó khăn chồng chất khó khăn hỏi rằng ai mà chịu được. Chính vì lẽ đó mà tôi muốn khuyên anh …

Lực: Thôi, thôi! Tôi không muốn nghe những lời giáo huấn xuông nữa! Tôi mệt mỏi lắm rồi! Chào chị! (Đùng đùng bỏ đi)

Dịu: (Nhìn theo) Một con người cố chấp không chịu nghe ai cả. Tình trạng cứ như thế này, cuộc sống rồi sẽ ra sao? Vợ con còn khổ đến bao giờ nữa đây?

Xuân: Anh ấy như vậy chị bảo em phải làm sao bây giờ?

Dịu: Chị biết. Nhưng khó khăn rồi cũng sẽ qua thôi. Điều quan trọng ở đây là chị cần em phải cứng rắn lên. Chú ấy thực ra không phải là người hư hỏng đâu, chẳng qua cuộc sống khó khăn đã dồn ép chú ấy đến đường cùng nên mới như vậy thôi.

Xuân: Trước đây nhà em rất thương vợ con, chịu khó làm ăn. Chỉ từ khi không có việc làm, rồi đại dịch Covid xảy ra nên anh ấy mới sinh ra hư hỏng rượu chè bê tha, về nhà chửi bới vợ con, một mình em phải vất vả đêm ngày để cố cầm cự giữ vững cuộc sống! Thực lòng em cũng mệt mỏi lắm rồi, quá sức chịu đựng của em rồi chị ạ!

Dịu: Trách chú ấy cũng đúng nhưng có lẽ một phần cũng tại em nữa đấy.

Xuân: Chị nói sao? Tại em nữa ư?

Dịu: Còn không à? Tôi hỏi cô nhé: Tại sao mỗi lần chú ấy gây sự đánh đập cô như thế mà cô cứ im lặng chịu đựng là sao?

Xuân: Em biết làm gì được hả chị?

Dịu: Tại sao em không đi báo chính quyền, đoàn thể để mọi người tìm cách can thiệp giúp em.

Xuân: Nhưng xấu chàng thì hổ ai hả chị?

Dịu: Hành động bạo lực hành hung đánh đập vợ con trong gia đình là vi phạm pháp luật đấy. Việc này trên báo đài, ti vi và các thông tin đại chúng nói rất nhiều rồi, em không biết sao. Hôm nay tôi tới đây với tư cách là người bảo vệ chị em, để chị em được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Nhất định tôi không thể để chú ấy cứ bạo hành với vợ con mãi được. Nhất định phải tìm cách để chú ấy hiểu ra mọi hành vi sai trái của mình.

Xuân: Nhưng làm cách nào đây hả chị.

Dịu: Hãy tìm cách thức tỉnh trách nhiệm của người làm chồng, làm cha trong con người chú ấy. Nghĩa là phải mềm mỏng bằng phương pháp đối ứng gián tiếp để chú ấy tự nghĩ, tự răn dạy mình. Còn cứ phương pháp cứng nhắc, xô đẩy chú ấy đến bước đường không lối thoát, thì chắc chắn gia đình sẽ bị tan nát em hiểu không?

Xuân: Chị nói không sai! Chị giúp em với, em tin ở chị!

Dịu: Cô yên tâm, đây cũng là trách nhiệm của tôi và chính quyền địa phương đối với cộng đồng dân cư. Nghe các thông tin, tôi được biết, kể từ khi có đại dịch Covid - 19 đến nay, mọi người phải sống cách ly, mọi thứ sinh hoạt hàng ngày cũng phải khống chế cách ly. Chính vì vậy mà nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, về tinh thần và tình cảm con người. Bởi vậy mà tình hình bạo lực trong mỗi gia đình đang có chiều hướng gia tăng. Chống dịch, chống bạo lực trong mỗi con người lúc này là rất quan trọng và cần thiết cô hiểu không. Qua đợt này mà chú ấy không chịu hiểu ra, cố tình chứng nào tật ấy thì đành phải giao chú ấy cho pháp luật xử lý.

Xuân: Em nghĩ, nhà em cũng không đến mức ấy đâu chị ạ.

Dịu: Cứ để xem thực tế thế nào đã. Cách thức thực hiện thế nào tí nữa tôi sẽ bàn với cô để phối kết hợp. Giờ cô cho các cháu ăn cơm đi kẻo chúng nó đói quá rồi đấy.

Xuân: Vâng! Chị ngồi chờ em một lúc. (Gọi con) Hải ơi! Thủy ơi! Ra ăn cơm đi kẻo quá trưa rồi. Ăn xong Thủy còn phải uống thuốc nữa đấy. Con Thủy chắc mệt ngủ rồi, để em vào đánh thức cháu dậy (Vào rồi ra vẻ hốt hoảng) Chị ơi ! Chị ơi! Các con em…

Dịu: Có việc gì mà cô hốt hoảng thế. Con em làm sao?

Xuân: Chúng nó bỏ nhà đi hết rồi!

Dịu: Sao, chúng nó bỏ nhà đi? Đi đâu?

Xuân: Em không biết (Khóc) các con ơi! Giờ mẹ biết tìm con ở đâu. Tại sao lại bỏ mẹ, bỏ nhà mà đi chứ.

Dịu: Cô cứ bình tĩnh, chắc các cháu chơi quanh quẩn đâu đó thôi.

Xuân: Không! Bao lần bố nó đánh em, nhưng chúng nó có bỏ nhà mà đi thế này đâu. Chị ơi! Em cảm thấy không ổn rồi! Em phải đi tìm con em đây (Vụt chạy đi)

Dịu: Kìa Xuân! Chờ chị với! (Chạy theo)

(Âm nhạc – cắt cảnh)

Cảnh 2: (Chiều gần tối) Tại một khu phố gần đường quốc lộ 5 - Hải, Thủy đang đi lang thang …

Thủy: Anh ơi! Vào chỗ nào mát nghỉ một tí, em mệt lắm không đi được nữa đâu!

Hải: Cố lên, đi một đoạn nữa đến gốc cây gần chân cầu kia nghỉ một lúc rồi đi tiếp được không?

Thủy: Vâng! Nhưng xong rồi anh đưa em đi đâu bây giờ?

Hải: Anh sẽ đưa em về ngoại.

Thủy: Về ngoại xa lắm! Mấy lần mẹ đưa em về, em biết rồi. Em không đi được đâu.

Hải: Em muốn về nhà để bố đánh chết à?

Thủy: Nhưng em nhớ mẹ! Em thương mẹ và lo cho mẹ nữa.

Hải: Anh cũng thương mẹ, cũng lo cho mẹ…!

Thủy: Vậy thì ta quay về nhà đi anh, đừng đi đâu nữa, giờ này chắc mẹ mong và nhớ anh em mình lắm!

(Nói một mình) Mẹ ơi! Con nhớ mẹ! Con thương mẹ! Chỉ vì bố mà con không dám về nhà với mẹ. Bố không thương con nữa rồi! Bố say rượu đánh mẹ rồi đuổi chúng con đi. Giờ con biết đi đâu, con đói lắm! Con chỉ muốn về với mẹ thôi.

Hải:        (An ủi) Thôi! Đừng khóc nữa, vào đây ngồi tựa vào anh nghỉ đi một lúc cho đỡ mệt. Nào, vào đi, ngồi xuống đây! Thế… Thế! Được rồi.

(Vì đói mệt, Hải, Thủy từ từ chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Trong giấc ngủ Thủy mơ thấy mẹ. Mẹ âu yếm dịu dàng ôm em trong vòng tay yêu thương của mẹ)

 … À ơi!…

 Con ngoan con ngủ cho say

Mẹ còn bươn trải - Đắng cay cuộc đời

Mẹ thương con lắm con ơi

Tuổi còn nhỏ dại mà đời lênh đênh.

Hiền: (Công an phường đi qua chợt phát hiện)

Trời ơi! Sao lại có hai đứa trẻ ngủ vật vạ ở đây thế này (Đến gần gọi) Này cháu ơi! Sao lại ngủ ở đây thế này! Dậy đi cháu.

Thủy: (Từ từ tỉnh dậy hình như vẫn còn mơ màng... em vội gọi) Ôi! Mẹ!

Hiền: (Cảm động) Ừ! Mẹ đây! À không cô đây!

Thủy: Mẹ cháu đâu rồi, cháu vừa thấy mẹ cháu cơ mà.

Hiền: Có cô đây! Hai cháu tỉnh lại rồi cho cô biết: Các cháu là con nhà ai, ở đâu, bố mẹ cháu tên là gì?  

Hải: Thưa cô, anh em cháu là con bố Lực mẹ Xuân, nhà cháu ở khu… số nhà…

Hiền: Vậy là cô biết rồi. Nhưng tại sao hai cháu lại không ở nhà mà lại đi lang thang ngủ vật vạ ở đây thế này?

Thủy: Cô ơi! Cô cứu mẹ cháu với?

Hiền: Mẹ cháu làm sao?

Thủy: Mẹ cháu bị bố đánh đau lắm

Hiền: Nhưng tại sao bố cháu lại đánh mẹ cháu?

Thủy: Bố cháu say rượu suốt ngày cô ạ!

Hiền: Cô hiểu rồi! Giờ cô đưa hai cháu về nhà với mẹ, rồi cô sẽ cứu mẹ các cháu được không?

Cả hai: Dạ vâng! Chúng cháu cảm ơn cô ạ!

Hiền: Thôi được rồi! Giờ hai cháu theo cô về nhà nhé!

Cả hai: Dạ vâng ạ!

Hiền: Nào ta đi thôi!

(Âm nhạc - Cắt cảnh)

Cảnh 3: (Một buổi tối tại nhà Xuân – Âm nhạc bồn chồn lo lắng- Dịu đi đi lại lại – Xuân ngồi một chỗ khóc)

Xuân: Con ơi! Giờ các con ở đâu hãy về với mẹ đi con, đêm tối thế này các con ăn ở đâu, ngủ ở đâu?

Dịu: Cô cứ khóc lóc thế này có giải quyết được việc gì đâu!

Xuân: Nhưng tại sao con em nó lại bỏ nhà, bỏ em mà đi chứ. Em phải làm gì bây giờ hả chị.

Dịu: Tôi và cô đã đi tìm khắp nơi mọi chỗ rồi mà cũng không thấy, hỏi ai người ta cũng không biết. Vậy chúng nó đi đâu? Ở đâu chứ?

Giờ cô có biết bố các cháu ở đâu không?

Xuân: Tâm trạng của anh ấy hôm nay thế này chắc lại đi uống rượu phải 10 giờ đêm mới về chị ạ.

Dịu: Vậy là không còn hy vọng điều gì ở chú ấy nữa, giờ tôi và cô sẽ đi tìm các cháu một lần nữa xem sao, chị tin là các cháu chưa đi xa được đâu.

Xuân: Vâng, em cũng nghĩ vậy. Ta đi thôi chị.

(Hai chị em định đi thì Hiền tới)

Hiền: Em chào hai chị! May quá em gặp được cả hai chị ở đây.

Dịu: Chào cô Hiền, em đi đâu mà gặp các chị có việc gì vậy?

Hiền: Dạ! Em đến để giao hai cháu về cho chị Xuân.

Xuân (Sửng sốt) Sao! Con tôi! Con tôi đâu? Các cháu có làm sao không cô?

Hiền: Chị yên tâm, các cháu không sao (Gọi)

Nào, hai cháu vào với mẹ cháu đi!

Hải, Thủy:          (Vẻ ân hận) Mẹ ơi! Chúng con xin lỗi mẹ?

Xuân: (Ào đến ôm lấy con) Trời ơi! Con tôi! Mẹ thật có lỗi với các con. Khổ thân con tôi, chỉ vì cha mà các con phải bỏ nhà, bỏ mẹ mà đi.

Dịu: Thôi mẹ con gặp nhau như thế này là tốt rồi.

Cô Hiền! Sự việc thế nào mà cô đưa được các cháu về đây vậy?

Hiền: Em đang trên đường xuống khu ta để dự cuộc họp triển khai công việc phòng chống dịch Covid-19 thì phát hiện hai cháu ngồi ngủ ở dưới gầm chân cầu vượt, em liền đến gọi hai cháu dậy và hỏi cặn kẽ mọi chuyện rồi đưa hai cháu về đây luôn, đồng thời cũng muốn tìm hiểu cụ thể sự việc xảy ra như thế nào.

Dịu: Bây giờ thì sự việc không diễn ra nữa. Còn tình tiết nguyên nhân sự việc và phương pháp giải quyết tôi sẽ bàn với cô và mẹ con cô Xuân ngay bây giờ. Nào mời hai cô và các cháu ta vào nhà trong để thống nhất kế hoạch.

(Âm nhạc - sân khấu vắng một lúc thì Dịu và hai cháu ra)

Thủy: Bác ơi! Chúng cháu phải làm ngay ở đây, ngay bây giờ hả bác?

Dịu: Đúng rồi! Nhưng phải chờ khi bố cháu về đến ngoài cổng kia mới làm hiểu chưa?

Thủy: Dạ! Cháu hiểu rồi ạ!

Dịu: Nhớ làm như bác đã dặn hiểu chưa?

Hải Thủy:           Dạ! Chúng cháu hiểu rồi ạ!

Dịu: Tốt lắm! Mà hình như bố cháu đang về rồi kia kìa. Cứ tự nhiên mà làm, đừng lo sợ gì hết. Ở trong nhà đã có bác và cô Hiền rồi, các cháu hiểu không? Thôi, bác vào trong, hai cháu bắt đầu đi!

Hải: Kìa em! Em bắt đầu làm đi!

Thủy: Nhưng anh ơi! Em sợ…

Hải: Đừng sợ! Em cứ làm như bác đã dặn! Em kêu lên và chạy đi! (Quát) Chạy!

Thủy: Bố mẹ ơi! Bà con hàng xóm ơi! Cứu cháu với, anh ấy đánh cháu.

Hải: Đứng lại! Mày chạy đi đâu hả, mày có đưa tiền cho tao để tao đi uống rượu không hả? Ở cái nhà này tao là to nhất, tao bảo gì mày phải nghe, mày phải cung phụng, hầu hạ tao! Tao là chủ, là vua ở cái nhà này mày hiểu không?

Thủy: Ơ... là anh chứ!

Hải: Câm mồm! Cứ cãi bo bỏ! Tao sẽ cho mày một trận để mày nhớ đời!

Thủy: Kìa anh! Em lạy anh, em xin anh!

Hải: (Đánh giả vờ- Miệng quát to) Này thì lạy này, này thì xin này! Hôm nay tao sẽ dạy cho mày bài học (Bê cái ghế lên cao làm động tác định đánh Thủy thì Lực vội quát)

Lực: Dừng lại! Dừng lại ngay! Thằng kia, mày định làm cái trò gì thế, mày điên hả?

Thủy: Bố ơi! Chúng con xin lỗi bố… chúng con chỉ…

Hải: Im mồm!

Thủy: (Lo sợ) À bố ơi! Con có nhiều tiền lắm! Con sẽ cho bố để bố uống rượu. Đây tiền của con đây này (Chạy vào lấy con lợn đất ra đập tan) Bố ơi, đây này, một ngàn, 2 ngàn, 1 ngàn, 5 ngàn nữa này… Ôi nhiều tiền quá bố tha hồ mà uống rượu. Đây! Con cho bố này… (Lực chỉ nhìn con không nói).

Bố ơi! Đây là những đồng tiền con kiếm được từ việc nhặt vỏ lon bia, chai rượu hàng ngày ở ngoài đường rồi con mang đi bán. Đây là tiền của con! Con cho bố mà. Bố cầm lấy đi …

Lực: (Từ từ khụy xuống – đôi dòng nước mắt cứ tự chảy ra – xúc động)

Trời ơi! Con tôi! Con tôi lại khổ cực thế này sao? Bố là người bố chẳng ra gì, một người bố vô tích sự, đã thế lại còn làm khổ mẹ con con. Bố thật có lỗi với các con! Bố thật đáng chết! (Ôm mặt khóc ân hận)

Dịu: (Hiền và Xuân ra)

Anh Lực! Anh đã thấy chưa? Mỗi việc làm, hành vi của người lớn đều là những tấm gương để cho con trẻ soi vào. Nếu tấm gương đó méo mó lệch lạc thì nó sẽ phản chiếu khúc xạ bôi đen tâm hồn con trẻ đến mức nào thì anh biết rồi đấy? Là chỗ tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, tôi mong anh hãy nghĩ lại đừng làm khổ vợ con mình nữa.

Hiền: Vừa rồi Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho những người bị mất việc làm, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thực tế gia đình anh thế này chúng tôi sẽ đề nghị cho gia đình được hưởng chế độ đó, để vượt qua lúc khó khăn chống dịch này.

Dịu: Cách đây một tuần tôi cũng đã đề nghị chính quyền phường liên hệ tạo điều kiện xin cho anh một công việc làm bảo vệ ở công ty… đang đóng trên địa bàn phường, lương được 4 – 5 triệu một tháng. Anh có làm được không?

Lực: (Phấn khởi) Được! Tôi nhất định sẽ làm được.

Dịu: Thế thì tốt rồi! Còn bây giờ, anh có điều gì nói với vợ con anh không?

Lực: Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn chính quyền địa phương. Nhất là chị Dịu đã nhiệt tình giúp đỡ chỉ dạy cho tôi hiểu được đâu là giá trị hạnh phúc gia đình. Tôi xin ghi nhớ và sẽ làm lại cuộc sống từ đây ạ.

Mình và các con ơi! Tôi đã có một thời gian tâm trí bị u mê, hư hỏng. Hôm nay tôi đã hiểu ra rồi. Hiểu ra tất cả rồi!

Thủy: (Reo vui) Ôi ! Bố hiểu ra rồi! Mẹ ơi bố con hiểu ra rồi! Bác ơi! Cô ơi! Bố cháu hiểu ra rồi. (Hải , Thủy ào đến ôm bố và nói) Bố ơi! Chúng con yêu bố!

Lực: Xuân! Hãy tha thứ cho anh được không em?

Xuân: (Từ từ đến bên chồng xúc động) Anh!

   (Mọi người vui mừng hoan hô)

                         (Âm nhạc – kết vở)

 
Xuân Ba
Các tin mới hơn
Phim chuyển thể ‘Xa ngoài kia nơi loài tôm hát’ không gây thất vọng(19/09/2022)
Mùa kịch Lưu Quang Vũ (16/08/2022)
Điện ảnh Việt Nam, cơ hội vàng đã bị bỏ lỡ ra sao?(05/08/2022)
Nhà hát Cải lương Hà Nội khởi công hai vở diễn mới(31/05/2022)
Khai màn Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022(23/05/2022)
Các tin cũ hơn
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na