Tác phẩm xoay quanh nhân vật Kya - “cô gái đồng lầy” - người bị bỏ rơi cũng như cô lập ở phần hoang dại của vũng Berkley vào những năm 1960. Một ngày cô bị nghi ngờ giết chết Chase Andrews - người tình của mình. Liệu cô có phải là thủ phạm, và làm thế nào để cô chứng minh bản thân trong sạch trong khi mọi lời ngụy biện đều hướng về mình?
Nhắc đến thách thức của việc chuyển thể, thì Xa ngoài kia nơi loài tôm hát có thể nói là một “dự án” khó nhằn cho các biên kịch. Bản thân là một nhà tự nhiên học đã hoạt động rất nhiều năm ở các khu vực không có người sống, nên tác phẩm này đối với tiểu thuyết gia Delia Owens như sự phản ánh tuổi trẻ của bà. Nó vừa mang tính cá nhân trong cảm xúc của bà, mà cũng đồng thời là các cảm nhận về thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ.
Do đó khi được chuyển thành những thước phim, câu văn lập tức mất đi sức mạnh để nhường chỗ cho những tưởng tượng của độc giả được tái hiện. Bởi các mô tả thiên nhiên của Owens vô cùng xuất sắc, nên bối cảnh là một yếu tố quan trọng. Và đoàn làm phim đã làm thành công ở điểm này.
Bối cảnh phim đáp ứng được liên tưởng của người xem đã đọc tiểu thuyết.
Tuy vẫn tồn tại khá nhiều khác biệt so với bản gốc, nhưng vùng đầm lầy mà Kya ở vẫn mang được sự hoang dã cũng như thơ mộng. Việc thiết kế cảnh quan với các thực vật kí sinh buông rũ từ những thân cây hay cảnh bãi biển ở các thời điểm bình minh - hoàng hôn… ít nhiều đã đặc tả trọn vẹn vẻ đẹp của vùng đầm lầy.
Nói về dàn diễn viên, dưới sự chỉ đạo của nữ đạo diễn Olivia Newman cùng biên kịch Lucy Alibar, Daisy Edgar-Jones trong vai Kya đã có thành công tiếp theo của mình. Từng được đề cử ở giải Quả cầu vàng cho vai Mariane trong loạt phim ngắn Normal People (cũng chuyển thể từ tiểu thuyết Giữa hai chúng ta của Salley Rooney), Daisy Edgar-Jones cho thấy một sự trưởng thành trong màn hóa thân.
Là một diễn viên người Anh chính gốc, Daisy đã rất cố gắng để biến hóa mình trở thành một thành cô gái hoang dại, ở đó chính ở giọng nói không chuẩn đậm chất miền Nam nước Mĩ đã cho thấy được sự nghiên cứu kĩ lưỡng của cô. Tuy thế khác biệt về mặt ngoại hình giữa hóa thân của Daisy và những trang văn của Owens dễ bị nhìn nhận như một nỗ lực “mĩ hóa” cái xấu. Có thể thấy rằng Kya của bộ phim này chỉ mới dừng lại ở độ “lem luốc”, còn để trở thành “chú chuột đồng lầy” hay “rác rưởi đồng lầy” như Owens miêu tả, thì bộ phim vẫn chưa đạt được.
Ở tác phẩm này, Daisy Edgar-Jones chứng minh nhận định có “nhiều khí chất của một ngôi sao điện ảnh cổ điển” dành cho mình là hoàn toàn đúng. Trong cái hoang dại của Kya, các biểu cảm của cô vẫn rất thanh lịch mang nhiều suy tư. Như cảnh cãi nhau với Tate (Taylor John Smith thủ vai) sau khi anh trở về nhà sau nhiều năm biệt tích, cơn giận của Kya được Daisy kiểm soát một cách hoàn hảo. Đó chính là sự kết hợp giữa nỗi đau phụ tình với tình cảm vẫn còn cũng như lí trí liên tục cố hiểu cho sự bào chữa.
Daisy-Edgar Jones có màn hóa thân thành công tiếp theo của mình.
Tuy thế đối trọng diễn xuất của Kya trưởng thành cũng chính là… Kya nhỏ, do diễn viên nhí Jojo Regina đảm nhận. Vai diễn của Jojo có thể còn thiếu chiều sâu cũng như những sự phức tạp trong các diễn biến nội tâm. Tuy thế với khuôn mặt đáng yêu và nhiều biểu cảm, những phân đoạn tập trung vào gương mặt cô bé dễ khiến bất cứ người nào cũng phải cảm động.
Âm nhạc trong phim cũng là một điểm nhấn chính. Sample của những sinh vật đồng lầy như cóc, ếch, nhái… tuy nhỏ nhưng lại xuất hiện xuyên suốt bộ phim, gợi lại những sự thân quen. Thêm vào đó, tiếng guitar thô được sử dụng trong các phong cách âm nhạc truyền thống - dân gian có phần độc đáo và cũng khác lạ góp phần mở ra một vùng đồng lầy còn nhiều kì bí cũng như ẩn chứa rất nhiều sự thật ở dưới lớp bùn.
Kịch bản cũng được tinh chỉnh một cách phù hợp hơn với bộ phim. Thay vì chất thơ của những bài thơ mà Delia Owens khoác lên cho chính Kya trong tiểu thuyết gốc, thì biên kịch đoạt giải Oscar, Alibar, đã khai thác nhiều hơn vào sự hoang dã cũng như bản tính tự nhiên trong các câu thoại có phần buồn cười. Điều này phản ánh bài học Kya đã quan sát thấy cũng như học từ tự nhiên, từ đó làm rõ ràng hơn cá tính của mình.
Do đó bộ phim chuyển thể là hướng đi mới, cho thấy một Kya cởi mở hơn, mạnh mẽ hơn và tin vào chính mình hơn nếu so với trong tiểu thuyết gốc. Điều này được coi như một lựa chọn thích hợp, bởi nhẽ tính thơ và sự ẩn giấu không dễ khắc họa, và phương án thay thế vẫn đảm bảo được tính chất này, mặc cho đôi khi các khung cảnh tình cảm vẫn hơi cường điệu và còn ngượng nghịu.
Trailer có phần ma mị của Xa ngoài kia nơi loài tôm hát.
Nói về những điểm chưa đạt, thì Xa ngoài kia nơi loài tôm hát dường như đang quá dàn trải vào trong cuộc đời hồi tưởng của Kya, để bỏ qua những mạch vận động có phần nhanh chóng cũng như thức thời trong phiên xử án giết người. Trong tác phẩm gốc, Delia Owens đã chứng minh mình cũng là một người viết trinh thám “chắc tay”, khi bà sử dụng các yếu tố tự nhiên như ánh trăng, thủy triều… để làm bằng chứng ngoại phạm cho Kya. Tiếc là bộ phim không cho tái hiện lại những điều này, ít nhiều gây ra sự bất cân xứng ở phần hồi tưởng và ngày hiện tại.
Ngoài ra các phản ứng “chemistry” giữa Daisy Edgar-Jones và Taylor John Smith (vai Tate) vẫn chưa thật sự bùng nổ. Tuy Daisy làm tốt những biến chuyển nội tâm của nhân vật mà mình đảm nhiệm, thế nhưng với những cảnh quay có hai diễn viên, khán giả không thấy mối tình nguyên sơ có phần thuần khiết. Họ dường như là những người bạn đang cố trưởng thành hơn là sống trong tình yêu tươi sáng thuần chất.
Tuy thế có thể nói rằng, Xa ngoài kia nơi loài tôm hát ít nhiều đã cho thấy được những điểm mạnh của tiểu thuyết gốc. Đó là bối cảnh cũng như màu phim ít nhiều tương đồng, diễn xuất hợp lí của Daisy Edgar-Jones và âm nhạc chiếm giữ vai trò lớn. Khi phát hành ở nước ngoài, bộ phim liên tục nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn cũng như khán giả. Hơn 96% đánh giá tích cực từ phía khán giả, và có điểm số IMDb là 7.1/10. Tác phẩm sẽ được ra rạp từ ngày 1/9 tại Việt Nam.
Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/