Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Tiếng rao đêm" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn
31/05/2022 12:00:00

Đại úy Lê Công Phương, đội trưởng an ninh trật tự thuộc công an phường Hòa Lộc chăm chú đọc từng dòng nhật ký công tác của đồng đội mới ghi trong ngày. Đây là quy định của ngành. Anh cần phải biết hôm nay đội an ninh của mình đã xử lí vụ việc gì và còn lại những gì chuyển giao lại cho ca đêm cần giải quyết. Phương đã rèn luyện cho mình thói quen tận tụy với công việc. Đã gần nửa đêm. Gió lạnh thổi ào ào trên tầng lá, hun hút chạy dọc con phố.

Minh họa: Tiến Quân 

Tiết trời đã vào đông. Mưa phùn lay phay. Thỉnh thoảng một chiếc ô tô, một chiếc xe máy lướt qua vội vã. Ánh đèn thành vệt sáng hắt lên hàng cây ven đường. Chẳng ai muốn phơi mình ra gió tạt mưa bay. Mái ấm gia đình đang gọi họ. Phương xốc nhẹ cổ áo che bớt gió lạnh. Những tiếng rao của người bán hàng rong lúc xa, lúc gần: “Ai bánh mì nóng giòn đây”. “Ai bánh khúc nóng đây”. Phương cố lọc trong mớ âm thanh hỗn loạn ấy một tiếng rao: “Ai xôi nóng giò chả không?” nhưng vô vọng. Đáp lại điều mong mỏi của anh chỉ có tiếng nước mưa chảy tí tách trong ống máng. Chính Phương cũng không hiểu tại sao mình lại mong gặp lại tiếng rao ấy đến thế. Hai năm rồi Phương chưa được một lần nghe tiếng rao thân thương đó. Phương khẽ thở dài quay vào tiếp tục làm việc.

Bảy năm trước, Thiếu úy Phương về phường Hòa Lộc nhận công tác. Ông Thăng, trưởng công an phường phân công anh phụ trách đội dân phòng của phường. Nhiệm vụ của anh là cảnh sát khu vực sáu khu dân cư và thường xuyên tuần tra ban đêm địa bàn do mình quản lý. Qua tìm hiểu ban đầu, Phương biết địa bàn phường Hòa Lộc khá rộng. Một bến xe khách với hàng trăm xe vào ra mỗi ngày. Một cái chợ lúc nào cũng ngàn ngạt người. Một trung tâm thương mại cỡ lớn cùng hàng ngàn người mua sắm. Ông Thăng vỗ vai Phương thân mật: “Khá phức tạp đấy”. Ngừng giây lát, ông nói tiếp: “Nếu có gì khó khăn hoặc chưa thông với nhiệm vụ cậu được phép đề đạt”. Phương đứng nghiêm: “Báo cáo, tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Ông Thăng cười: “Tôi cũng tin như thế”.

Địa bàn Hòa Lộc đã được các thế hệ đi trước Phương phân loại. Đa số là bà con lao động chân chính. Họ làm đủ các nghề. Từ buôn bán nhỏ đến phụ nề, đến lượm bao ni lông. Phần ít còn lại là công nhân các công ty liên doanh và viên chức nhà nước. Nói chung là cuộc sống của họ vẫn còn nhiều khó khăn. Điều mà Phương yên tâm là mọi người đều làm ăn chăm chỉ và chấp hành tốt pháp luật nhà nước. Nhưng vì là khu vực lúc nào cũng đông người nên không thể tránh được sự nhòm ngó của lũ bất lương từ nơi khác đến. Có những tuần Phương phải thức trắng đêm cùng đội dân phòng tuần tra. Nhất là những tháng giáp Tết.

“Ai xôi nóng giò chả không?”. Lần đầu tiên Phương nghe tiếng rao vang vọng trong đêm khuya. Tiếng rao của một người đàn bà cao tuổi nghe khàn khàn. Nửa như mời gọi, nửa như khẩn cầu. Quê Phương không có tiếng rao này. Nếu muốn ăn, người ta làm ngay tại nhà. Cái thú ăn đêm của người quê đơn giản lắm. Một củ khoai, một cái bắp ngô, một củ sắn vùi trong bếp lửa. Lát sau lôi ra vừa ăn vừa thổi. Mồm miệng và hai bàn tay đen nhẻm. Nhìn nhau cười sảng khoái. Ban đầu Phương không chú ý đến những tiếng rao ấy từng đợt len lỏi vào con hẻm sâu, góc phố. Người lao động thường thức rất khuya vì họ còn làm thêm nghề phụ.

“Ai xôi nóng giò chả không?”. Một lần đi ngang qua bà lão bán xôi. Mùi xôi nóng tỏa ra thơm lừng khiến Phương thấy đói. Bữa chiều nay vì đi công tác về muộn nên Phương mới chỉ ăn có một bát cơm rồi vội vã đến địa điểm đội dân phòng tập trung. “Bác bán cho cháu một suất. Bao nhiêu tiền hả bác?”. Trong lúc bà bán xôi hạ cái thúng từ trên đầu xuống, Phương mới có dịp ngắm kỹ bà hơn, nét mặt phong sương, người gầy nhỏ thó. Cái áo nâu cũ, phần vai và khuỷu tay bạc hơn những chỗ khác. Chợt bà hỏi Phương như người thân quen từ lâu nhưng vẫn cắm cúi đơm xôi vào mảnh lá chuối vừa lau lại: “Giờ này chú vẫn còn làm việc sao mà ăn mặc chỉnh tề vậy?”. Phương đáp nhỏ: “Dạ. Cháu đang cùng anh em dân phòng tuần tra ạ. Đêm nào cũng vậy. Tự nhiên đêm nay ngửi mùi xôi của bác, cháu thấy đói quá”. Bà bán xôi ngẩng lên cười, để lộ hai hàm răng khấp khểnh đã xỉn mầu bởi năm tháng. “Các chú vất vả quá. Bù lại được cái an ninh trật tự ngày một tốt đẹp hơn. Dân chúng tôi yên tâm bán hàng lúc đêm khuya vắng. Chứ như ngày xưa thì sợ lắm. Mời chú”. Phương đón gói xôi nóng hổi trên tay bà. Bà còn bốc thêm cho anh một nắm to bằng quả trứng vịt. Phương hỏi: “Nhà bác ở đâu? Con cái bác đâu mà đêm nào cháu cũng thấy bác lọ mọ?”. Bà lão cười buồn, nói với vẻ tâm sự: “Ông nhà tôi mất lâu rồi. Sinh nở năm lần chỉ đậu mỗi đứa con gái út ít đang học ngành y. Ráng nuôi nó ăn học, mai này nó ra trường sẽ nuôi lại mình”. Phương thành thật: “Cháu xin lỗi đã chạm vào kỷ niệm buồn của bác”. Bà lão gạt đi: “Không có gì. Già quen rồi”.

Bà lão bán xôi lại nâng cái thúng lên đầu, vừa đi vừa rao: “Ai xôi nóng giò chả không?”. Nhìn dáng đi liêu xiêu và cái lưng đã bắt đầu còng xuống của bà, Phương nhớ tới cha mẹ ở quê. Bố Phương trước đây cũng là một cán bộ công an. Ông đã xin nghỉ hưu từ lâu, phần không đủ bằng cấp vượt trần, phần do mẹ Phương ốm nặng quá. Bao nhiêu tiền của, công sức của gia đình đều dồn hết cho bà. Một lần Phương ngỏ lời với bố: “Con định xin bảo lưu kết quả học tập, tạm đi làm góp thêm với bố”. “Cảm ơn con đã quan tâm đến bố” - Ông bình thản nói – “Nhưng cũng đừng lo lắng nhiều, ảnh hưởng đến học tập. Bố còn khỏe, còn lo được cho các con ăn học”. Ngày ra trường đi nhận công tác, bố dặn dò: “Con từng đi xe máy tất hiểu nguyên tắc khi lên, xuống đèo dốc. Chỉ cần lơ đễnh một giây sẽ đâm vào núi hoặc lao xuống vực. Đời người chiến sĩ cảnh sát nhân dân cũng thế, mất cảnh giác sẽ bị những viên đạn bọc đường bắn gục ngay. Hãy lấy sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân làm kim chỉ nam cho mình”. Điều này ông nói đúng. Một vài trường hợp đã xảy ra mà Phương được chứng kiến. Anh rưng rưng: “Bố yên tâm, con sẽ luôn soi vào tấm gương của bố để rèn luyện mình”. Sau này vào thực tế Phương mới thấm thía câu nói của người cha thân yêu. Phương càng thấy sức mạnh tiềm ẩn bên trong cái vẻ già nua của cha. Ngày cầm tháng lương đầu tiên cũng là lúc mẹ Phương qua đời. Anh không còn điều kiện để giúp mẹ chữa bệnh nữa. Nó cứ day dứt trong anh cho đến tận ngày hôm nay.

Từ đó, mỗi lần nghe tiếng rao: “Ai xôi nóng giò chả không” là mỗi lần Phương lại nhớ tới mẹ da diết. Nó cứ như miết vào lòng anh. Hầu như tất cả những người mẹ trên thế gian này đều hy sinh vì con cái. Một lần Phương lặng người nhìn bà bán xôi, khiến bà ngạc nhiên: “Có việc gì mà chú buồn vậy?”. Phương giật mình nói dối: “Dạ, cháu hơi bị nghẹn thôi, giờ qua rồi”. Bà lão thở ra nhè nhẹ và nhìn Phương bằng đôi mắt thiện cảm. Hai người một già, một trẻ thỉnh thoảng gặp nhau cũng trao đổi với nhau những câu chuyện không đầu, không cuối như thế. Lần khác Phương hỏi: “Mỗi đêm bác bán có hết thúng xôi này không”. Bà lão bảo: “Hôm hết, hôm không. Đêm nào ế hàng, nhất là những đêm mưa gió, thì hôm sau hai mẹ con phải ăn xôi trừ cơm. Nhiều lần vậy nên thành quen”. Rồi người đàn bà phúc hậu cũng cho Phương biết khách của bà là những ông đạp xích lô, khách xuống tàu đêm, công nhân đi làm ca về muộn. Đôi khi gặp vài đôi tình nhân đi chơi khuya. Mỗi đêm bà lão phải đi bộ hết một phần thành phố. Nghĩ mà thương. Đúng là cá chuối đắm đuối vì con.

Những lần gặp sau, hai người chào hỏi nhau thân thiết như đôi bạn vong niên. Họ thăm hỏi nhau chân tình. Vài ngày không gặp đã thấy nhớ. Đôi khi Phương còn kiên nhẫn đứng nghe bà lão nói chuyện. Chuyện của bà chỉ quẩn quanh trong cái xóm nghèo của bà. Sự xởi lởi của bà lão khiến Phương thấy ấm lòng. Có lần bà đột ngột hỏi: “Sao mấy tối nay không thấy chú đi tuần? Ốm à? Việc nhà nước làm cả đời chứ đâu phải ngày một, ngày hai. Đành rằng tuổi còn đang trai nhưng cũng phải chú ý đến sức khỏe chứ”. Phương giật mình. Ý thức nghề nghiệp trong anh bật lên câu hỏi: “Bà lão này là ai mà theo dõi công việc của đội dân phòng kỹ đến vậy?”. Nhưng rồi anh vội gạt ngay trước giọng nói ân cần, quan tâm như người mẹ đang nói với con trai. Cái nhìn của bà nói lên nhiều điều. Phương thật thà: “Dạ, chúng cháu có hai người thay nhau, mỗi lần trực ba ngày ạ”.

Vào một đêm mưa tầm tã. Ánh đèn đường như vùng vẫy trong không gian sũng nước. Mãi tới gần sáng Phương mới nghe tiếng rao bán xôi của bà lão. Chắc gần trọn đêm đi nhiều, rao nhiều nên tiếng của bà có vẻ như khản hơn, yếu hơn. Phương dừng bước, hỏi: “Bác bán gần hết chưa?”. Bà lão nói, giọng buồn hẳn: “Mưa rét quá nên bán chậm lắm. Còn gần như nguyên vẹn”. Nói xong bà lão thở dài não nuột. Phương thấy miệng mình đắng nghét. Phương nói với anh em trong đội dân phòng: “Anh em mua giúp bà cụ nắm xôi nào”. Tất cả mọi người nhất trí trích tiền bồi dưỡng ca đêm mua mỗi người một nắm. Thúng xôi của bà lão vơi đi quá nửa. Và những nắm xôi ấy cũng có vẻ to hơn mọi lần. Nhìn bà lão ướt lướt thướt trong mảnh ni lông toen hoen, Phương cởi cái áo bạt của mình, khoác lên người bà: “Bác mặc tạm cái áo này cho ấm. Mai mang trả cháu cũng được”. Bà lão đưa tay gạt nhẹ: “Ấy ấy, chú còn phải đi tuần”. “Dạ. Cháu sẽ kiếm cái khác. Bác đừng ngại”. Một anh dân phòng nói vui: “Cậu Phương muốn làm con rể bà đấy”. Bà lão đón chiếc áo bạt từ tay Phương, bảo: “Không phải già nói nịnh, chú quả là người tốt. Con gái nhà nào lấy được chú hẳn có phước lắm. Mà già hỏi lẩn thẩn chút, chú bao tuổi rồi? Có người yêu chưa?”. Phương cười ngượng nghịu: “Bác cứ nói vui. Cháu đâu được cái diễm phúc ấy”.

Cuộc sống thanh bình cứ thế trôi. Ban ngày Phương làm việc của một cảnh sát khu vực, ban đêm lại tuần tra đường phố, bận tíu tít. Ngay cả tập thể công an phường Hòa Lộc cũng vậy, người ít việc nhiều. Có người phải đảm trách vài ba nhiệm vụ cùng lúc. Vào một đêm, Phương và tổ dân phòng nhận được tin báo từ quần chúng có một băng trộm đang đột nhập vào căn nhà vắng chủ. Chúng có 5 tên. Nhóm của Phương cũng có 5 người. Phương tổ chức vây bắt theo phương án đã tập nhiều lần. Một bên quyết bắt. Một bên điên cuồng chống cự hòng tẩu thoát. Bằng một thế võ thuần thục, Phương quật một tên nằm sấp mặt xuống đường. Khi anh cúi xuống vừa bập xong chiếc còng số 8 vào tay tên tội phạm thì một tên khác nhảy từ phía sau đâm anh một nhát rất mạnh. Phương gục xuống đè lên người tên tội phạm, máu phun xối xả. Hai người dân phòng khẩn trương đưa Phương đi cấp cứu. Anh em khác cũng bắt được hai tên. Hai tên còn lại chạy thoát. Không sao cả. Từ ba tên bắt được, công an phường sẽ mau chóng truy tìm ra hai tên còn lại.

Rất may vết thương của Phương chỉ bị vào phần mềm. Đến sáng thì anh tỉnh hẳn và được phép đi lại nhẹ nhàng. Ông Thăng và đồng đội đến thăm hỏi, động viên: “Cứ yên tâm chữa trị vết thương. Khi nào khỏi thì về. Đừng lo công việc ở phường”. Phương nằm viện đến ngày thứ hai thì bất ngờ bà lão bán xôi tìm đến. Phương hỏi với tâm trạng đầy xúc động: “Sao bác biết cháu gặp nạn mà đến thăm?”. Bà lão thong thả: “Hai hôm nay dân tình nói chuyện ầm ầm. Ai cũng cảm phục hành động dũng cảm của chú thì làm sao già lại không biết. Nay già mang hộp sữa, cân cam để chú bồi dưỡng. Nhận đi cho già vui lòng”. Bà lão nói như năn nỉ, khiến Phương rưng rưng không dám từ chối. Ngừng một lát bà lão lại tiếp: “Lúc nghe nói chú mất nhiều máu, già đứng tim luôn. Còn thiếu máu không? Già bảo con gái già đến truyền tiếp cho. Đừng lo, con gái già khỏe mạnh, chẳng bệnh tật gì hết. Thỉnh thoảng nó vẫn đi hiến máu nhân đạo đấy”. Chao ôi, bà lão thật tốt. Bữa cơm hằng ngày bà ăn chưa thật no. Cái áo bà mặc chưa thật lành. Nhưng vẫn đem nghĩa tình san sẻ cho người khác, quan tâm đến người khác. Rồi bà hỏi han Phương đã ăn được chưa, trong người thấy ra sao, vết thương còn đau lắm không, thuốc men điều trị thế nào. Ân cần và dịu dàng như người mẹ chăm con. Chuyện trò một lát, bỗng nhiên bà đổi cách xưng hô: “Phương này, tao nói chuyện này, nếu mày đồng ý tao gả con Liên cho. Không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Nó tuy không sắc nước hương trời nhưng cũng dễ coi ra phết, lại hiền lành chịu khó nữa. Người như nó thời nay không dễ kiếm đâu”. Nghe bà lão tán dương con gái, Phương suýt bật cười, may mà giữ lại kịp.

Trong mắt người mẹ, đứa con nào chẳng nhất, chẳng tuyệt vời. Phương lúng túng: “Dạ, cháu còn trẻ mà. Mới lại cháu cũng chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Bác gả cho người khác đi”. Bà lão có vẻ ngượng, hơi buồn. Phương nhớ đến gương mặt buồn vời vợi của cha mình mỗi lần ông giục anh lấy vợ. Anh em Phương mỗi người công tác một nơi. Cả năm mới tập trung đông đủ một lần vào ngày giỗ mẹ. Một mình ông lủi thủi sân trước, vườn sau. Suốt ngày mở đài ầm ĩ. Không có ai trong nhà cũng mở. Nghĩ mà thương. Nhìn bà lão buồn, Phương biết mình lỡ lời. Nhưng đã trót nói rồi. “Cháu xin lỗi đã làm bác thất vọng. Nhưng dù sao cũng là lời nói thật lòng của cháu”.

Xuất viện được một thời gian ngắn, Phương được cấp trên cử đi học nâng cao.

Mười tám tháng sau, Phương lại trở về Hòa Lộc. Cảnh vật vẫn như hôm anh đi. Chỉ có tiếng rao đêm của bà lão không còn nữa. Vì sao? Phương không biết. Đã sáu tháng nay, kể từ ngày Phương về, không còn nghe thấy. Phương nhớ bà lão bán xôi, nhớ tiếng rao khàn đục của bà. Có lúc anh muốn đến thăm. Nhưng tiếc thay, dù quen nhau lâu mà chưa một lần anh hỏi tên bà. Ngay đến nơi ở cũng chỉ biết chung chung: Khu đô thị phía Tây. Trời ơi, biết cũng như không.

Nắng buổi sáng nơi thành phố không vàng dịu như ở quê. Ngoài đường người dân đi lại nhộn nhịp. Một ngày mới thường bắt đầu như thế. Phương khoác bộ cảnh phục đứng trước gương ngắm nghía. Hôm nay đến phiên anh trực tiếp dân. Chợt có tiếng gọi: “Anh Phương ơi, ra có khách”. Phương liếc nhìn đồng hồ, còn những hai chục phút nữa mới đến giờ làm việc. Khách nào đến sớm thế nhỉ? Tuy vậy Phương vẫn rảo bước ra phòng trực ban. Một cô gái còn khá trẻ, chừng 25 tuổi, xinh xắn ưa nhìn. Đôi mắt cô long lanh bừng sáng. Hẳn cô đang rất vui, nhưng dáng điệu lại có vẻ bẽn lẽn. Mấy cậu đồng nghiệp cùng nhìn Phương nhấp nháy như muốn hỏi: “Ai đấy? Người yêu hả?”. Phương nhè nhẹ lắc đầu. Sau giây phút lạ lẫm, cô gái nói: “Thưa, em xin được gặp anh Phương ạ”. Phương gật đầu: “Vâng. Tôi là Phương đây. Mời cô ngồi”. Cô gái rón rén ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Phương qua cái bàn. Chờ cô gái yên vị, Phương hỏi: “Cô tìm tôi có việc gì vậy?”. Miệng hỏi nhưng thâm tâm Phương lại nghĩ, cô gái lạ này đến công an phường chắc lại trình báo một việc gì đó. Chẳng hạn như xin xác nhận mất giấy tờ, mất tiền hoặc lỡ đường... Mặt cô gái ửng đỏ, hai bàn tay vò xoắn vào nhau, trông thật đến duyên. Cô im lặng khá lâu chừng như cân nhắc điều cần nói. Phương động viên: “Cô cứ thong thả trình bày, giúp được gì chúng tôi xin hết sức”. Phải chờ Phương nhắc đến lần thứ hai, cô mới ngập ngừng: “Dạ… Mẹ em bảo đến mời anh hôm này tới... dự… dự đám cưới… của em ạ”. Phương ngỡ ngàng. Anh không hề quen cô gái này. Mọi người dân trong phường Phương biết hết, kể cả những người đến tạm trú lẫn tạm vắng. Hẳn nhìn vẻ mặt ngạc nhiên đến ngơ ngác của Phương, cô gái nói tiếp: “Em là Liên, con gái bà bán xôi đêm. Anh còn nhớ không? Mẹ em nghỉ bán gần năm nay rồi. Giờ mẹ em chỉ làm việc nhà thôi. Bà cũng đã yếu, cần có thời gian nghỉ dưỡng tuổi già”. Thì ra cô gái này đã tốt nghiệp y khoa, có việc làm ổn định và bắt đầu giúp đỡ được mẹ. Thế là bà lão bán xôi đã toại nguyện. Mừng cho bà. “Ai xôi nóng giò chả không?”. Tiếng rao đêm của người mẹ tảo tần bất chợt ngân lên trong ký ức Phương. Đón tấm thiệp hồng từ tay Liên trao, Phương cười rất tươi: “Cảm ơn bà, cảm ơn cô Liên nhiều lắm. Nhờ cô Liên nói với bà nhất định tôi sẽ đến. Nhất định tôi sẽ đến”. 
 
 
 
Các tin mới hơn
Tản văn "Về với mẹ" của tác giả Nguyễn Thế Trường(10/02/2025)
Ngày cuối năm(07/02/2025)
Truyện ngắn "Nụ hôn đầu" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn(07/02/2025)
Ký "Người cựu binh say đắm với những trang sách văn hóa dân tộc" của tác giả Vũ Tuyết Mây(07/02/2025)
Tiếng nạng gỗ(06/02/2025)
Các tin cũ hơn
Triển lãm Mỹ thuật họa sĩ PHẠM TRÍ TUỆ (1942 - 2021) (30/05/2022)
Thương nhớ mùa hoa xoan(30/05/2022)
Mưa mùa hạ (30/05/2022)
Trường Sa, Hoàng Sa(27/05/2022)
Dòng sông quê (27/05/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na