Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tác giả, tác phẩm: "Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê và những khoảnh khắc chụp ảnh Bác Hồ"
27/05/2022 12:00:00

Hạnh phúc của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là những giây phút bấm máy lưu lại những hình ảnh quý báu của cuộc sống. Với nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê, niềm hạnh phúc lớn lao chính là những khoảnh khắc chụp ảnh Bác Hồ.

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê tên đầy đủ là Nguyễn Đình Khuê, sinh ngày 25/3/1932 tại TP Hải Dương. Ông là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 1965; hội viên ban Nhiếp ảnh Hội VHNT tỉnh năm 1987.

Kể về chặng đường công tác, 14 tuổi, ông đã làm liên lạc ở Ty Văn hóa Hải Dương. Sau ông học sắp chữ rồi về làm công nhân nhà máy in của Ty. Trải qua nhiều công tác, cái duyên đến với nhiếp ảnh của ông bắt đầu từ khi về Phòng Triển lãm (Ty Văn hóa tỉnh). Đặc thù công tác triển lãm thường xuyên phải có các hình ảnh để trưng bày. Do yêu cầu nhiệm vụ, năm 1959, ông được cử đi học lớp nhiếp ảnh do phân xã nhiếp ảnh của TTXVN tổ chức. Tốt nghiệp năm 1960, ông trở thành tay máy chủ lực của cơ quan.

Là người không ngại dấn thân, ông có nhiều tác phẩm được đăng tải trên báo, tạp chí và trưng bày triển lãm ở Trung ương, khu vực và địa phương. Điển hình là bức ảnh bắt phi công Mỹ ở xã An Bình (Nam Sách) năm 1965. Tác phẩm “Lấp sông” đạt giải Nhì (không có giải Nhất) Báo ảnh Việt Nam năm 1964.

Tác phẩm “Ngăn sông đưa nước vào đồng” đạt giải đặc biệt cuộc thi ảnh quốc tế tại Liên Xô. Tác phẩm “Cá nước ngọt” đạt giải Khuyến khích năm 1985 tại Hà Lan… Ngoài ra ông còn giành được nhiều giải thưởng quan trọng trong nước, quốc tế.

Năm 1967, do yêu cầu của tổ chức, ông về nhận công tác tại Bộ Văn hóa rồi trở thành phóng viên TTXVN. Gần chục năm lăn lộn chiến trường, nay ông vẫn còn giữ được nhiều thước phim chụp đồng chí Huỳnh Tấn Phát, chụp các trận đánh của bộ đội ta ở mặt trận phía Nam, những cuộc trao trả tù binh…

Nói đến cuộc đời hoạt động nhiếp ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê không thể không nhắc đến những tác phẩm chụp Bác Hồ với Hải Dương được đăng tải trên báo, tạp chí, in sách, triển lãm ở tỉnh và Trung ương. Nói về khoảnh khắc chụp ảnh Bác Hồ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê tâm sự: “Đó là những giây phút mà không bao giờ tôi quên được. Giờ mỗi lần nhắm mắt tôi vẫn hình dung ra dáng người dong dỏng cao, phong thái bình dị, gần gũi của Người”.

Qua lời nói, tôi thấy, sự xúc động dâng đầy cặp mắt của người nghệ sĩ già. Ông kể, năm 1961, khi đoàn chuyên gia Trung Quốc giúp xây dựng Nhà máy sứ Hải Dương về nước, ông được Tỉnh ủy giao làm 10 cuốn album về các hoạt động của đoàn. Sau sự kiện này, ông trở thành tay máy chụp ảnh những sự kiện quan trọng của tỉnh, trong đó có việc Bác thăm Hải Dương. Trong đời ông có hai lần may mắn được gặp và chụp ảnh Bác. Với ông, mỗi lần bấm máy là mỗi kỷ niệm, mỗi lần khám phá ra một vẻ đẹp bình dị ở Người. Đồ nghề của ông khi đó là chiếc máy ảnh Đông Đức chụp phim 12 kiểu. Bức ảnh đầu tiên ông chụp Bác Hồ là khi Người làm việc với Tỉnh ủy ngày 26-7-1962. Ông kể: “Khi tôi đến các đồng chí Tỉnh ủy giới thiệu với đoàn, đây người chụp ảnh của tỉnh. Từ đó tôi được tự do đi cùng đoàn chụp hình. Tôi còn nhớ Bác Hồ ngồi ở giữa, dãy hai bàn bên là những người đi cùng và cán bộ tỉnh. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ. Mặc dù chụp ảnh vị Chủ tịch nước nhưng tôi không thấy căng thẳng hay lo lắng bởi sự giản dị, gần gũi toát ra ở Người”. Sau khi làm việc với Tỉnh ủy, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân Hải Dương tại sân Vọng Cung, về thăm xã Ứng Hoè, Hiệp Lực, Nhà máy xay (Ninh Giang), thăm Nhà máy sứ Hải Dương. Lúc ở sân Vọng Cung, cán bộ và nhân dân đến chật cứng. Để chụp được toàn cảnh, nghệ sĩ Nguyễn Khuê đã phải kỳ công chọn góc cạnh và dùng 3 phim ghép lại. Nhưng khoảnh khắc ông nhớ nhất là lúc chụp Bác đạp guồng nước chống úng với nông dân xã Hiệp Lực (Ninh Giang). Lúc đến, Bác xuống xe đi tới thân mật chào hỏi bà con nông dân đang sản xuất. Ông bám sát và chớp được khá nhiều hình. Cùng chụp ảnh còn có ông Đinh Đăng Định phóng viên nhiếp ảnh văn phòng Phủ Chủ tịch. Đến chỗ đạp guồng nước, Bác vẫy chào mọi người rồi nói: “Các cô các chú vừa lao động vừa văn nghệ lên cho vui”. Rồi Bác vịnh Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”. Mọi người cười vui vẻ. Thấy Bác cùng hai đồng chí trong đoàn leo lên guồng nước, mấy phóng viên đi cùng tản ra các bờ đất tìm vị trí chụp. Riêng ông Khuê xắn quần lội xuống ruộng đối diện với guồng nước. Đợi khi guồng quay, nước tuôn về phía mình, ông bấm liền ba kiểu. Mặc dù bị ướt song ông rất hài lòng vì những kiểu phim chớp được. Khi ông Định đến, ông khoe ngay: Anh vừa lỡ mất dịp chụp Bác đạp guồng nước. Ông Đinh Đăng Định sửng sốt và đề nghị ông Khuê cho xin kiểu phim đó để đưa in ở Trung ương. Và bức ảnh “Bác Hồ đạp guồng nước chống úng với nhân dân xã Hiệp Lực” đã trở thành tư liệu lịch sử quý về vị lãnh tụ của dân tộc. Cách đây 10 năm, nghệ sĩ Đinh Đăng Định đã viết bài trên báo Nhân Dân đính chính, bức ảnh “Bác Hồ đạp guồng nước chống úng với bà con nông dân xã Hiệp Lực” không phải của ông mà là của nhà báo Nguyễn Khuê. Sự kiện này khiến báo chí rầm rập tìm về Hải Dương găp nghệ sĩ Nguyễn Khuê.

 
Bác Hồ thăm Nhà máy Sứ Hải Dương năm 1962 
 
 
Bức ảnh Bác Hồ đạp guồng nước chống úng ở xã Hiệp Lực (Ninh Giang), năm 1962 

Có thể nói, ở mỗi địa điểm Bác đến thăm, nghệ sĩ Nguyễn Khuê đều cố gắng tìm ra góc độ, bắt lấy cái “thần” để chụp Bác. Lần chụp ảnh Bác đến thăm Nhà máy sứ Hải Dương, viết lên bình hoa 5 chữ "Phải cố gắng tiến bộ” cũng có nhiều phóng viên nhiếp ảnh đi cùng. Thế nhưng thay vì chụp giống mọi người, ông trèo lên bàn bấm máy đặc tả gương mặt Bác. Trong buồng tráng phim, ông rất hồi hộp. Và khi hình ảnh Bác viết chữ lên bình hoa sắc nét hiện ra ông đã run lên vì sung sướng. Ngày 15-2-1965 khi Bác về xã Hồng Thái (Ninh Giang), thăm xã Nam Chính (Nam Sách), tác giả Nguyễn Khuê cũng vinh dự được chọn chụp ảnh Bác. Ông cho biết, đã chụp được rất nhiều ảnh Bác Hồ về Hải Dương. Tuy nhiên một số hình ảnh Ty Văn hóa lưu giữ nay đã bị hỏng. Ông may mắn còn giữ được 40 kiểu phim chụp Bác Hồ và coi là tài sản quý nhất trong cuộc đời cầm máy. Rất nhiều cơ quan báo chí trung ương đề nghị mua lại nhưng ông không bán.

Một đời cống hiến cho nhiếp ảnh với không ít thành tựu song tôi cảm nhận được ở nghệ sĩ Nguyễn Khuê là sự gần gũi, khiêm nhường đáng kính. Chỉ tiếc cuộc đời vốn vô thường. Do tuổi cao, ông đã tạ thế ngày 09/4/2022 để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người thân, bè bạn và giới nghệ sĩ cầm máy. Chúng tôi, những thế hệ hậu sinh xin được mượn bài viết này thay nén tâm nhang kính mong ông thênh thênh miền mây trắng. 
 
Ngọc Hùng
 
 
 
Các tin mới hơn
Tản văn "Về với mẹ" của tác giả Nguyễn Thế Trường(10/02/2025)
Ngày cuối năm(07/02/2025)
Truyện ngắn "Nụ hôn đầu" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn(07/02/2025)
Ký "Người cựu binh say đắm với những trang sách văn hóa dân tộc" của tác giả Vũ Tuyết Mây(07/02/2025)
Tiếng nạng gỗ(06/02/2025)
Các tin cũ hơn
Mở chiều(26/05/2022)
Bút ký "Những người viết huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển" của tác giả Đinh Ngọc Hùng(26/05/2022)
Âm nhạc: Hải Dương nhớ Bác(26/05/2022)
Về Nà Nưa(25/05/2022)
Lán Khuổi Nặm (*)(25/05/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na