Nhân vật đầu tiên của tiểu thuyết là Phác nhà đèn, gọi như thế vì bố cậu bé là ông Tân nhà đèn vận hành đèn biển trên đảo. Cách gọi này thật thân thương, nó gợi cho tôi về những năm tháng tuổi thơ, mà chắc cũng như tuổi thơ của tác giả. Ngày ấy, trẻ con chả mấy khi gọi bạn bè bằng tên không mà luôn kèm theo biệt danh (giới trẻ bây giờ gọi là nick), đứa thì theo đặc trưng màu da: trắng, đen, đứa theo đặc điểm nhận dạng: khểnh, lác, khèo, rỗ, tròn, béo,... đứa theo sở thích cá nhân: chó, mèo, gà, đứa lại ghép luôn với tên bố hoặc mẹ. Và cứ thế, thật dễ chịu với những cái tên xuất hiện tiếp theo,Minh đen, Thắng bò ngu, Mai mèo, Bông xù.. Giờ chẳng mấy ai đặt nick như thế nữa, toàn những Midu, Jolie, Ali,... ngay như con tôi, nick cũng là tên các nhân vật hoạt hình được yêu thích. Những cái nick đó gọi thôi đã thấy ồn ào phố thị, lai căng văn hóa, đối lập với mộc mạc, yên bình và rất Việt của tên các nhân vật trong sách, bọn trẻ con sống trên đảo Song Tử Tây. Một tác phẩm kéo được người đọc đọc hết là thành công phần một, nhớ tên tác phẩm, tác giả là thành công phần hai, nhớ tên nhân vật là thành công phần ba. Nhớ tên nhân vật là nhớ nội dung truyện, và phải như thế nào thì mới nhớ. À, sách của chị đọc đến giờ một năm rồi đấy.
Cùng với những cái tên nhân vật giản dị, đáng yêu thì ngôn từ, giọng văn trong Con của đảo cũng chân phương như thế, và tôi cho rằng lựa chọn như vậy là rất phù hợp với không thời gian của cuốn sách. Trong một số tiểu thuyết tôi đã đọc, có một hai cuốn tác giả lựa chọn ngôn từ và giọng văn mang tính đương đại nhưng không gian, thời gian của truyện lại là bối cảnh của những năm 50-60 của thế kỷ trước. Cũng có thể là chủ ý của tác giả, muốn tiếp cận lớp người đọc trẻ tuổi, vậy những người sắp già như mình, biết nhiều về xã hội ở quãng thời gian đó (do học nhiều, đọc nhiều) thì sẽ nhíu mày “sao ngôn từ lạ nhỉ”. Ở Con của đảo, không gian là hòn đảo nhỏ, rất xa đất liền, điều kiện sống còn đầy những khó khăn. Cuộc sống của cư dân nơi đây rất giản dị, như hòa vào với thiên nhiên, vậy thì viết về nó chẳng gì phù hợp hơn là những ngôn từ, giọng văn giản dị.
Cũng trong các cuốn tiểu thuyết mới đọc, có hai cuốn viết theo kiểu tiểu thuyết trong tiểu thuyết. Một cuốn là nhân vật chính viết chính cuốn tiểu thuyết, một cuốn là nhân vật chính "tường thuật" - chữ của nhân vật - lại chính tác phẩm. Và cũng kiểu vừa đọc và tìm tòi như vậy, tôi gọi thủ thuật trong “Con của đảo” là: “tản văn trong tiểu thuyết”. Mỗi chương của tác phẩm là một câu chuyện khá độc lập, chuyện nối tiếp chuyện và liên kết với nhau bằng nhân vật là chính. Và, từng câu chuyện ấy được tác giả kể lại với giọng văn đẹp, đậm chất tản văn.
Qua từng câu chuyện, không gian của đảo, cuộc sống, sinh hoạt của cư dân trên đảo dần được phác họa qua lúc học, lúc chơi nghịch, khám phá của đám trẻ con theo bố mẹ ra đảo làm việc. Truyện viết dành cho lứa tuổi thiếu nhi (lời tác giả) nhưng chẳng vì thế mà không cuốn hút người lớn. Ai cũng biết quần đảo Trường Sa là của Việt Nam, không biết nhiều thì cũng biết ở đó có Song Tử Đông, Song Tử Tây, nhưng sao lại là Song Tử, dân sống ở đây ra sao, đèn biển rồi bia chủ quyền thế nào... thì ít ai tường tận. Giờ không biết thì hỏi google, nhưng sách mang thông tin bằng những câu chuyện gần gũi, ấm áp mà tác giả đã lượm lặt từ những chuyến đi thực tế, kể lại bằng ngôn từ dung dị, như thế thông tin hẳn có ý nghĩa hơn nhiều.
Cuốn sách được cất lên giá sách khá lâu rồi nhưng chắc chắn nó sẽ được mở ra lại khi cu cậu nhà tôi muốn tìm hiểu về biển đảo. Và tôi nghĩ bất kì ai khi chưa biết về biển đảo, về cuộc sống của cư dân trên đảo, đặc biệt là cuộc sống của bọn trẻ nên đọc cuốn tiểu thuyết này.