Kiến trúc
Hội KTS Việt Nam làm việc với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: “Nâng cao hợp tác trong lĩnh vực Kiến trúc & Văn hóa”
18/07/2022 02:30:47

Ngày 13/7 vừa qua, Hội KTS Việt Nam đã có buổi làm việc với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhằm thống nhất triển khai các chủ trương đường lối của Đảng đến cơ quan quản lý nhà nước, phối hợp với Hội nghề nghiệp có liên quan theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo TƯ tại văn bản số 130 – KH/BTGTW, ngày 30/3/2022 về triển khai thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ năm 2022.

 

Tham dự buổi làm việc có Ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam và đại diện các Vụ, Viện chuyên môn của hai bên.

 

Đặt vấn đề về Chương trình làm việc và hợp tác, TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam KTS Việt Nam khẳng định: “Kiến trúc là một trong 7 ngành nghệ thuật nền tảng trong lĩnh vực văn hóa và Hội KTS VN là tổ chức Chính trị – Xã hội – Nghề nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật, thuộc hệ thống Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch theo dõi, nên rất cần có sự phối hợp giữa hai cơ quan trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực Văn hóa Kiến trúc và thực hiện Luật Kiến trúc 2019.”

 

Cụ thể, TS. KTS Phan Đăng Sơn đã đưa ra một số vấn đề sau:

  • Thứ nhất, việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
  • Thứ hai, thực hiện có hiệu quả theo luật việc bảo tồn, tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị các di sản, di tích kiến trúc văn hóa lịch sử trong quá trình phát triển thời kỳ trước cách mạng.
  • Thứ ba, phát hiện, đánh giá, xếp hạng các công trình kiến trúc mới có giá trị về văn hóa và kinh tế được xây dựng từ 1945 cho đến nay.
  • Thứ tư, phối hợp giữa Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Bộ VHTTDL, Bộ Xây dựng trong xây dựng cơ sở dữ liệu để lập ngân hàng số về bảo tồn, kế thừa, phát huy, làm mới và tiếp biến văn hóa nghệ thuật kiến trúc của Việt Nam đến nay.
  • Thứ năm, đổi mới nội dung, hình thức giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, giải thưởng về kiến trúc uy tín nhất của nước ta do Bộ VHTTDL, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Bộ Xây dựng đồng tổ chức. Trong đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam là đơn vị chủ trì theo Quyết định của Thủ tướng.
  • Thứ sáu, đề xuất các nội dung thích hợp và kịp thời về phát triển kiến trúc trong đẩy mạnh phát triển “Công nghiệp văn hóa” theo đường lối của Đảng, đặc biệt là Đại hội lần thứ XIII vừa khẳng định cụ thể rõ ràng với yêu cầu cấp thiết.

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã cùng thảo luận, đóng góp ý kiến và thống nhất quan điểm liên quan đến 6 nội dung được Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất thực hiện.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương

Đồng tình với những vấn đề đặt ra, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định, những nội dung mà Hội KTS đưa ra đều có liên quan đến xây dựng và thực thi chính sách pháp luật về văn hóa, kiến trúc, và trách nhiệm triển khai, phối hợp của Bộ. Hai bên đã trao đổi cụ thể về từng vấn đề, tổng kết những công việc đã đạt được và phân tích những tồn tại, hạn chế do sự thiếu hợp tác và đồng bộ từ các bên có liên quan.

Cũng liên quan đến việc thực hiện Luật Kiến trúc đối với quy định về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản, di tích kiến trúc văn hóa lịch sử trong quá trình phát triển thời kỳ trước cách mạng, Ông Trần Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản chia sẻ, tại Điểm c khoản 2 Điều 6 Luật Kiến trúc: Bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình kiến trúc có giá trị chưa được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa. Theo đó, Các công trình này không phải đối tượng điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật (trừ các công trình đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương). Tuy nhiên, khi nhận được đề nghị tham gia ý kiến góp ý đối với dự án cải tạo, sửa chữa, tu bổ công trình kiến trúc có giá trị chưa được xếp hạng, Cục Di sản văn hóa đã khuyến nghị chủ đầu tư khảo sát kỹ lưỡng tình trạng kỹ thuật, kiểm định chất lượng công trình để đề xuất giải pháp gia cố, gia cường, bảo tồn lâu dài công trình; đồng thời, việc cải tạo, sửa chữa, sử dụng công trình cần được can thiệp, ứng xử theo quan điểm, nguyên tắc về bảo quản, tu bổ, phục hồi công trình có giá trị lịch sử – văn hóa. Vì vậy, đề nghị Hội Kiến trúc sư Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương liên quan tuyên truyền, vận động hội viên tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình, đồng thời thực hiện Luật Kiến trúc và Luật Di sản văn hóa nhất là các công trình kiến trúc thuộc phạm vi điều chỉnh của cả 2 luật.

Đối với những Công trình kiến trúc có giá trị, cụ thể là phát hiện, đánh giá, xếp hạng các công trình mới có giá trị về văn hóa và kinh tế được xây dựng từ năm 1945 đến nay, vẫn cần sự phối hợp của địa phương trong rà soát, đánh giá hồ sơ tư liệu công trình để lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giá trị nghệ thuật kiến trúc vẫn chưa được xem xét và đặt đúng vai trò trong các tiêu chí đánh giá xếp hạng công trình.

 

Trước những vấn đề trao đổi, Bộ VHTTDL đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa và đề nghị Hội KTS Việt Nam nghiên cứu và có nội dung đề xuất cụ thể liên quan đến quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Hội KTS cần phối hợp thực thi chính sách pháp luật liên quan đến di sản văn hóa, kiến trúc, cùng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch, chương trình bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa, công trình kiến trúc đã được xếp hạng và bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình kiến trúc có giá trị chưa được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa nhưng là công trình kiến trúc có giá trị được lập danh mục để tổ chức quản lý.

Đối với các vấn đề liên quan đến Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, đây là một giải thưởng quan trọng và rất có ý nghĩa, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh thêm, Trung tâm Công nghệ thông tin, Cục Di sản Văn hoá tăng cường việc truyền thông quảng bá, phối hợp tổ chức các cuộc thi và thu hút các đơn vị tham gia.

 Nguồn: https://www.tapchikientruc.com.vn/
 
 
 
Các tin mới hơn
Hội KTS Việt Nam tổ chức Kỳ thi sát hạch phục vụ Cấp chứng chỉ Hành nghề Kiến trúc kỳ thứ 3(27/09/2022)
Hội thảo trực tuyến về Ngày Kiến trúc Thế giới 2022 với chủ đề “Kiến trúc vì sự khỏe mạnh – hạnh phúc”(23/09/2022)
Tuần lễ Môi trường Xây Dựng Quốc tế – IBEW 2022: Xây dựng bản đồ chuyển đổi Ngành môi trường (ITM)(15/09/2022)
Thi tuyển phương án Kiến trúc “Công trình Đa chức năng Postef”(29/08/2022)
Khởi động Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 15/ 2022(22/08/2022)
Các tin cũ hơn
Thể lệ cuộc thi “Ngôi nhà mơ ước” 2021-2022: “Cá tính của không gian ở”(11/07/2022)
Phát triển đô thị bền vững: Cần phân quyền, tránh ‘tư duy lãng mạn’(08/07/2022)
Khai mạc Triển lãm ALP Pavilion 2021-2022: Tương lai Không gian sống Việt Nam – Giấc mơ đô thị(04/07/2022)
Ứng dụng xu hướng màu sắc 2022 – 2023 vào không gian sống(27/05/2022)
Từ kế hoạch tập trung đến kinh tế thị trường quy hoạch đô thị trong bối cảnh chuyển đổi(16/05/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na