Sau mấy tuần hẹn hò, liên lạc khó khăn, ngắt quãng, tôi tới thăm nhà cô Hồng Hải đúng ngày Noel 2021. Cô Hồng Hải hiện nay đang ở một mình trong căn phòng nhỏ ở tầng 2, dãy nhà số 17, phố Thành Công. Trên giấy tờ, đây là khu nhà tập thể dành cho các nghệ sĩ đã từng công tác ở Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhưng hiện nay, trên thực tế chỉ còn ba, bốn nghệ sĩ cao tuổi sinh sống quây quần thành một nhóm “cư dân nghệ sĩ” nương tựa nhau lúc tuổi già. Đến nhà gặp cô Hải thì phải liên lạc qua cô Ninh (họa sĩ Đỗ Thị Ninh). Vừa đi lên tầng 2 bằng cái cầu thang cũ kỹ để chuyện với cô Hải thì cô San (họa sĩ Mai San) đã đon đả pha trà mang sang uống. Trước lúc chuyện trò thì cô Ninh lại gọi một bán bún riêu thơm phức cho cô Hải ăn kẻo đói. Theo lời cô San kể thì hàng ngày cô Ninh nấu cơm cho cô Hải ăn cùng. Cuộc sống neo đơn lúc xế chiều dựa vào nhau vẫn thật đầy ấm áp, mến thương.
Cô Hồng Hải năm nay đã ở tuổi 88. Tuy lưng còng, đi lại khó khăn, trí nhớ đã giảm sút nhiều nhưng vẫn rất tươi tắn và có giọng nói rành rọt, rõ ràng. Vì trí nhớ suy giảm nên câu chuyện trở lên khó khăn hơn bởi chỉ chuyện trò một lúc thì cô lại bắt đầu lặp lại câu chuyện từ đầu. Tôi phải “bẻ lái” lại từ đầu để cô đi vào nội dung cho gọn gàng. Nói chuyện với cô, tôi nhớ lại buổi trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vào năm 2015 cũng trong hoàn cảnh tương tự như vậy. Phải mất đến hai buổi chiều mới có thể ghi lại đủ ý để viết trong bài phỏng vấn. Thế mà đã 7 năm trôi qua và “bác Nghiêm” đã đi xa…
Cô Ninh gõ cộp cộp vào cánh cửa he hé, rồi mở cửa vào…gọi to “Bà Hải ơi, cháu nó lên chơi đây này…”.
Nhà báo Hoàng Anh (H.A): Cháu chào cô Hồng Hải “xinh đẹp”!
Ngày xưa cô Hồng Hải xinh gái lắm, rất xinh, nàng thơ của bao anh nghệ sĩ…
Trong căn phòng bộn bề, lờ mờ ánh sáng đèn tuýp, cô Hồng Hải lưng còng xuống, lụi hụi đi ra đón tôi và cô Ninh. Đáng lẽ, cô Hải đã ở tuổi 88 thì tôi phải gọi là “bà Hồng Hải”, nhưng tôi xin phép gọi là cô cho thân mật, cho trẻ trung bởi cô Hải sống một mình, chưa từng kết hôn và không có con…
Họa sĩ Hồng Hải: Cháu ngồi đây, ngồi xuống đây, ăn bát bún riêu cùng cô nhé. Bún riêu ngon lắm. Quay sang nói với bà Ninh: “Thế đã ăn gì chưa, gọi 3 bát bún nhé”. Tôi và cô Ninh đều đồng thanh trả lời là đã ăn sáng mất rồi.
Cô Ninh ới ới qua lan can xuống sân khu tập thể, một lát sau bát bún riêu cua thơm phức, óng ánh vàng của hành phi mỡ và đo đỏ của màu cà chua đã được mang lên.
Cô Hồng Hải nhìn bát bún lẩm bẩm với cô Ninh: “Này sao nhiều thế nhỉ, tôi ăn một nửa, còn một nửa để đến trưa ăn nốt…”.
Sau đó với cái lưng còng, cô lọ mọ đi tìm cái bát nhỏ để san bún, nhất định không cho tôi giúp với cái gạt tay dứt khoát, mạnh mẽ, ý là “chuyện nhỏ, cô làm vô tư”.
Úi giời, “găng xơ tơ” đến thế là cùng he he he…
Sau khi ăn uống, yên vị xong tôi và cô mới bắt đầu câu chuyện.
H.A: Cô ơi, cháu muốn hỏi những chuyện về Tết xưa, cụ thể ở đây là về cụ Nguyễn Tiến Chung cùng với các bạn nghệ sĩ. Cô có nhớ gì thì kể cho bạn đọc Tạp chí nhé.
Họa sĩ Hồng Hải: Tạp chí Mỹ thuật à. Cháu làm ở đấy lâu chưa? Sao cô không biết cháu nhỉ?
Giời ơi có buồn không cơ chứ. Giới thiệu ra rả 5,6 lần từ lúc liên lạc cách đây mấy tuần, rồi từ lúc bước chân vào nhà đến giờ là cháu công tác ở Tạp chí, ở Hội Mỹ thuật…một lát sau cô lại quên mất luôn. Chưa kể thi thoảng, đi dự đám cưới mà gặp cô Hải, cô Ninh, cô San ngồi cùng bàn là tôi toàn phải rót bia cho các cô. Các cô keng keng rất rôm rả, uống ngon lành, thích thú…
H.A: Cô ơi, vâng ạ. Cháu làm ở Tạp chí Mỹ thuật đây ạ. Cô kể cho cháu nghe chuyện cụ Chung cùng các cụ họa sĩ khác nhé. Ví dụ Tết chẳng hạn. Tết thì các cụ chuẩn bị Tết như thế nào, đi đâu, ăn gì, gặp gỡ bạn bè như thế nào?
Họa sĩ Hồng Hải: À Tết à, Tết vui lắm (nhưng ngay sau đó cô lạc chủ đề). Để cô tả cho cháu ngôi nhà bác Chung ở nhé. Bác Chung mua căn nhà hồ Tây. Giữa sân là cái giếng rất đẹp. Từ vách nhà ra đến mép hồ chỉ có mấy bước chân. Đêm thinh không nằm nghe sóng hồ vỗ ì oạp rất to; nhiều khi sóng vỗ to quá không ngủ được. Nhưng bác Chung rất thích thú, thường bảo đấy là âm nhạc của thiên nhiên. Bước chân vào giữa nhà là có ngay cái bếp bằng đất sạch sẽ, ấm cúng. Bác Chung dành riêng cho bác gái một căn bếp xây bằng gạch khác để nấu nướng; còn chỗ bếp bằng đất liền phòng khách để bác tiếp khách. Bác muốn tự tay đun nước, pha trà chuyện trò cùng các bạn nghệ sĩ. Mùa hè thì các cụ kê bàn ghế ra ngay sát mép hồ ngồi đàm đạo cho mát. Mà mỗi lần họ gặp gỡ là cả nửa ngày trời. Những buổi gặp gỡ ấy thường có bộ tứ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái. Chuyện nổ như pháo rang…
Cô nghĩ, sở dĩ họ vui vẻ, nhiều chuyện như vậy vì các cụ phục tài nhau mới đến. Các cụ luôn phiên đến nhà nhau chơi. Đặc biệt họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, sống chết gì cũng phải đến nhà bác Chung tụ họp. Bác Chung đặc biệt hợp ông Sáng nhất. Có điều lạ là cô chưa bao giờ thấy các cụ đến nhà họa sĩ Trần Văn Cẩn chơi và ngược lại. Cô nghe các cụ nói chuyện thì hiểu đại ý là “các cụ có cái đầu suy nghĩ riêng” nên không đến nhà cụ Cẩn chứ không phải vì cụ Cẩn là thủ trưởng thì cần phải thăm nom nhiều. Hơn nữa thi thoảng vẫn gặp cụ Cẩn ở Hội rồi,…
H.A: Vậy, trong các buổi gặp gỡ ấy các họa sĩ thường bàn những chuyện gì thưa cô?
Họa sĩ Hồng Hải: Các cụ chỉ bàn đến nghệ thuật và chỉ nghệ thuật mà thôi. Cô thấy các cụ rất hay bàn về tính dân tộc trong sáng tác. Ví dụ như bác Chung luôn nhấn mạnh về sự quan trọng của tính dân tộc. Bàn bạc bất cứ vấn đề gì về nghệ thuật, một lúc sau bác Chung lại quy về tính dân tộc. Dân tộc đến nỗi khi nào ăn cơm cũng phải có cà; nhà thì để sàn đất, tường đất,…bảo đấy mới là dân tộc.
Hồi cô lên nhà bác, ngoài quần áo còn đem theo 14kg gạo. Hai bác cháu hợp nhau lắm, nói chuyện suốt ngày. Bác Chung kể hồi đó “tao đỗ số 1 ở trường”. Các thầy tây bảo đây là “tương lai, tương lai” của Việt Nam. Họ dậy nhiều thứ Tây hóa nhưng bác không vẽ theo đâu nhé. Bác nhất định sử dụng các motif dân tộc vào tranh. Nhất định giữ gốc dân tộc…
H.A: Cô có câu chuyện nào rõ hơn về tính dân tộc mà cụ Chung tâm đắc nhất không ạ?
Họa sĩ Hồng Hải: (nói ngay lập tức) Hồi cụ Chung đi tham gia triển lãm phòng tranh quốc tế ở Đông Âu thì phải. Khu trưng bày Việt Nam có tranh Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Chung, Bùi Xuân Phái…Khi đến gần, các bạn quốc tế phát hiện ra ngay, reo lên hồ hởi: “Việt Nam, Việt Nam”. Điều này chứng tỏ sáng tác của các họa sĩ Việt Nam mang tính dân tộc cao, bản sắc dân tộc trong tranh nổi trội nên có thể nhận ra ngay giữa bạt ngàn tranh của các quốc gia khác.
H.A: Cháu thấy cô chỉ nhắc tới mấy người bạn của bác Chung như Nghiêm, Liên, Sáng, Phái hoặc những họa sĩ cùng thời. Còn những họa sĩ khác thì bác Chung vẫn giao lưu chứ ạ?
Họa sĩ Hồng Hải: Có chứ, bác Chung gặp gỡ nhiều. Nhưng để nói câu chuyện nghệ thuật thì chỉ có những họa sĩ “cũng đẳng” để tâm giao. Những năm thập niên 60, 70 gì đó, hồi bác Chung đã về hưu. Trong câu chuyện các cụ hồi đó rất hay nói chuyện về họa sĩ trẻ, họa sĩ lớp mới. Ví dụ như nói đến họa sĩ A, họa sĩ B có tranh đẹp lắm, có triển vọng, có tương lai, vẽ phong cách mới lạ là các cụ rủ nhau đi tới nhà họa sĩ đó xem ngay. Rất vui, rất chân tình. Các cụ khen chê rất đúng, thẳng thắn lắm. Còn bàn luận xem học trò nào sẽ là tương lai.
Khi tôi gặng hỏi xem “những tương lai ấy cụ thể là những cái tên nào” thì cô Hồng Hải nghĩ tới nghĩ lui một lát cũng không nhớ ra. Cô nói bây giờ cô chả nhớ một cái tên một ai nào nữa he he…
H.A: Quay trở lại câu chuyện ngày Tết cô nhé…
Họa sĩ Hồng Hải: Bác Chung thích Tết lắm. Mỗi khi gần Tết, bác lăn lộn đi chơi ở các chợ quê để tìm tranh dân gian. Tết của bác Chung nhất thiết phải có cành hoa đào mua ở chợ hoa Hàng Lược. Gần Tết, bác Chung hay qua nhà ông Phái chơi sau đó mấy ông cùng đi chợ Tết.
Bác bảo bác gái, tôi bày Tết theo kiểu của tôi, bà đừng có ý kiến gì đấy. Bác luôn cắm cành hoa đào giữa sân, bên cạnh là giếng nước. Bác gái nhiều lần muốn lấp cái giếng đi nhưng bác Chung bảo phải để lại, đấy là dân tộc, không được bỏ đi. Cháu thấy có gớm mặt không. Cái gì cũng quy về dân tộc…
Cô lên ở với cụ từ bé. Cô nhớ hồi đó khi gần Tết, cô nhìn thấy hoa gì đẹp lắm ấy, cô nói cô mua về nhà bày Tết thì bác Chung liền gạt ngay. Với bác Chung chỉ hoa đào, hoa mai, quất thôi. Như thế mới là Tết. Như thế mới đúng là dân tộc.
H.A: Tôi chỉ vào bức khắc gỗ “Phong cảnh Sài Sơn” hỏi cô Hồng Hải.
Thế bức này có phải bác Chung vẽ Tết ở Sài Sơn không cô?
Họa sĩ Hồng Hải: Không, bác đi chơi ở Sài Sơn, ngắm cảnh sau đó về nhà mới khắc họa lại theo trí nhớ. Cháu thấy không, màu sắc rất dân tộc, tạo hình cũng dân tộc, cái gì cũng dân tộc…
H.A: Cô cho cháu hỏi chút, cô là người học trò gần gũi nhất, cũng thường hay được giúp cụ mài tranh sơn. Cô có thấy bác Chung sáng tác hai, ba bản cho một tranh không ạ?
Họa sĩ Hồng Hải: Không, không bao giờ. Nhưng bảo tàng thì có chép lại đấy. Nghe đâu để lưu trữ hay đi ngoại giao gì đó. Hồi đó, còn có cả phòng làm tranh riêng cơ. Tranh chép la liệt.
H.A: Thế các họa sĩ có kiểm soát số lượng tranh được chép lại không ạ?
Họa sĩ Hồng Hải: Làm sao mà biết được cơ chứ. Họ mua rồi, họ trả tiền rồi, họ có quyền chứ. Cũng có lần họ làm tranh sơn mài xong, họ gọi bác Chung đến nghiệm thu xem chất lượng có được không để sau đó cho vào kho…
H.A: Thế cô nhớ bức sơn mài, lụa nào mà bác Chung có đến mấy bản không ạ? Ví dụ như bức sơn mài “Nguyễn Du đi câu”?
Họa sĩ Hồng Hải: Cũng có thể lắm, vì đôi khi có người đặt hàng để chép lại mà giá các bản cũng đắt tương đương nhau đấy. Khi có người đặt tranh sơn mài, cô thường giúp bác làm một số công đoạn.
Chỗ này là cô Hồng Hải nhớ lẫn khi lúc nãy cô nói bác Chung không bao giờ làm mấy bản tranh. Nhưng trên thực tế, họa sĩ Nguyễn Tiến Chung cũng đã làm thêm khi có đặt hàng đặc biệt.
H.A: Cô có thể ước lượng bác Chung sáng tác được khoảng bao nhiêu tác phẩm không ạ?
Họa sĩ Hồng Hải: Cô không nhớ rõ lắm, chỉ biết là nhiều đấy, không ít đâu. Sáng tác đều các chất liệu. Tranh lụa cũng tương đối.
H.A: Cô Hồng Hải không lập gia đình nhỉ? Cô có bao giờ tiếc nuối về điều đó không?
Họa sĩ Hồng Hải (trả lời ngay): Không, cô thấy vui vẻ, hài lòng, cuộc sống tự do, làm những điều mình thích.
Rồi cô cười thoải mái, cười sảng khoái.
H.A: Đến tuổi này, cô nghĩ thế nào về cuộc đời ạ?
Họa sĩ Hồng Hải: Cô lên Hà Nội khoảng giữa những năm thập niên 50. Lúc đó cô khoảng trên dưới 20 tuổi. Cô ở với bác Chung từ đó. Kỷ niệm của cô về bác Chung còn nhiều hơn cả với bố đẻ. Cô sinh ra ở Hải Dương, cái tên Hồng Hải cũng xuất phát từ đó. Bố cô cũng là người thuộc tầng lớp tri thức, làm bàn giấy. Nhưng ký ức về bố chỉ vẻn vẹn như vậy. Với cô, bác Chung vừa là người có công nuôi cô khôn lớn, dạy cô làm nghề, nuôi dưỡng tâm hồn, truyền cho tình yêu với hội họa. Bác vừa là bố, vừa là thầy, vừa là đồng nghiệp. Bác đã cho cô mọi thứ. Tự đáy lòng cô luôn biết ơn và ghi nhớ…
Sau đó cô lại kể lẫn một số chi tiết đã nhắc đi nhắc lại mấy lần trong buổi trò chuyện. Thú thực tôi hơi tiếc vì đã không phỏng vấn cô từ nhiều năm trước khi cô còn thật minh mẫn để hỏi nhiều chuyện cần hỏi hơn nữa…Nhưng thôi, đành vậy. Đầu xuân xin chia sẻ với bạn câu chuyện nho nhỏ xinh xinh, ấm áp này…
Sau đó hai cô cháu lịch kịch lôi tranh ra, loay hoay chụp rất khó khăn trong căn phòng đầy ắp đồ, thiếu thốn ánh sáng. Họa sĩ Hồng Hải sáng tác khá nhiều tranh, có những bức tranh đẹp, đặc biệt những bức khoảng thập niên 1960…
H.A: Cháu cảm ơn cô nhiều nhé ạ. Nhân dịp đầu xuân năm mới, thay mặt Tạp chí Mỹ thuật cháu xin kính chúc cô và các bạn nghệ sĩ thân thiết của cô sức khỏe, bình an, vui vẻ nhé ạ…
Nguồn: http://tapchimythuat.vn/