Âm nhạc-Múa
Hiệu ứng tinh thần, lan tỏa cảm hứng từ chương trình nghệ thuật online
24/12/2021 10:29:06

Trong bối cảnh nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sỹ không thể ra tiếp cận với công chúng theo cách thức truyền thống thì chương trình nghệ thuật online đã tạo ra hiệu ứng tinh thần, lan tỏa cảm hứng lớn.

 
 

Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật "Cháy lên". (Nguồn: baotintuc)

 

Dịch COVID-19 khiến cho hoạt động sân khấu bị đóng băng, các nghệ sỹ không thể biểu diễn, khán giả cũng không thể đến rạp.

Để góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các hội văn học, nghệ thuật cũng đã từng bước triển khai các hoạt động nhằm đưa nghệ thuật đến gần với công chúng.

Nghệ thuật san sẻ yêu thương

Trong thời gian dịch bệnh phức tạp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghệ thuật đến gần công chúng bằng việc triển khai chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật online có chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” do các nhà hát trực thuộc Bộ và các khách mời từ 3 miền Bắc-Trung-Nam tham gia, nhằm tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch COVID-19, góp thêm món ăn tinh thần đến tất cả khán giả cả nước trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Chương trình cũng khơi dậy ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, sự sáng tạo của các nghệ sỹ, lan tỏa thông điệp sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cùng nhau vượt qua đại dịch.

Với một chuỗi các chương trình nghệ thuật online như “Cháy lên,” “Tổ quốc trong tim,” “Ở nhà cùng vui,” “Trung Thu cho em”… được phát trên kênh YouTube của Cục Nghệ thuật biểu diễn và các fanpage của các đơn vị, nghệ sỹ biểu diễn, chương trình đã quy tụ được nhiều gương mặt văn nghệ sỹ nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, còn có những người đang hoạt động ở nước ngoài trong các lĩnh vực nghệ thuật cổ điển, truyền thống và cả đương đại… Họ cũng là những hạt nhân tích cực tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác chống dịch COVID-19.

Ca sỹ Trần Phương Mai (Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam), tham gia biểu diễn trong chương trình “Cháy lên,” chia sẻ sau một thời gian dài không được lên sân khấu, chị nhớ ánh đèn sân khấu và chỉ mong được đem lời ca, tiếng hát để phục vụ khán giả.

Vì vậy, chị rất hạnh phúc khi được tham gia chương trình nghệ thuật online "Cháy lên" để được hát, được lan tỏa, chia sẻ tình cảm yêu thương của mình đối với mọi người vào thời điểm cả nước đang đoàn kết một lòng phòng, chống dịch.

Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng, đại dịch xảy ra, các hoạt động đều bị hạn chế để giữ an toàn, nghệ thuật biểu diễn có một khoảng trống khi không có điều kiện tiếp xúc với khán giả.

Việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức chuỗi chương trình “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” cũng đã phần nào thỏa mãn nhu cầu của người xem, những khán giả lâu nay vẫn yêu mến nghệ thuật biểu diễn, yêu mến các nghệ sỹ của các nhà hát, họ đã được gặp lại các nghệ sỹ thông qua các chương trình nghệ thuật online, đây chính là việc làm cần thiết, đem lại cho khán giả những khoảnh khắc thưởng thức nghệ thuật, những lời động viên an ủi.

Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, nhờ chuỗi chương trình “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch,” các nghệ sỹ vẫn được biểu diễn trên sân khấu, dù sân khấu không có khán giả, nhưng các nghệ sỹ vẫn cảm thấy vui vì được làm nghề, để khán giả còn nhớ đến nghệ sỹ, khán giả được thưởng thức nghệ thuật tại nhà, vừa đảm bảo an toàn, vừa góp phần thư giãn hơn trong mùa dịch bệnh.

Không chỉ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hội văn học nghệ thuật cũng tổ chức các chương trình biểu diễn trực tuyến phục vụ công chúng.

Từ tháng 4/2020, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã phát động một đợt sáng tác những ca khúc về đề tài phòng, chống dịch COVID-19 và đã nhận được trên 200 tác phẩm gửi về hưởng ứng.

Hội đã kịp thời tuyển chọn 100 ca khúc chất lượng và xuất bản một tập ca khúc với tiêu đề “Niềm tin,” xây dựng chương trình nghệ thuật online “Niềm tin - chúng ta là người chiến thắng.” Chương trình đã nhận được sự ủng hộ và ghi nhận của công chúng, có tiếng vang lớn trong xã hội.

Năm 2021, Hội Nhạc sỹ Việt Nam tiếp tục phát động đợt 2 sáng tác các ca khúc hưởng ứng và để góp thêm tiếng nói động viên, chia sẻ những tình cảm đối với đồng bào, chiến sỹ, đặc biệt là các lực lượng trên mặt trận tuyến đầu chống dịch.

Chỉ hơn một tuần cuối tháng 7/2021, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã nhận được trên 400 ca khúc của các nhạc sỹ hội viên và các tác giả trong cả nước gửi về.

Hội đồng nghệ thuật đã chọn 20 ca khúc, phối hợp cùng với một số nghệ sĩ dàn dựng thu âm, ghi hình, dựng thành clip…, kịp thời gửi tới đồng bào, chiến sỹ, đặc biệt là các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch trong chương trình “Tiếng hát át COVID” cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2021.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, thời nào cũng vậy, âm nhạc luôn là vũ khí sắc bén, nhanh nhạy, với sức mạnh lan tỏa sâu rộng trong công chúng, luôn sát cánh đồng hành cùng dân tộc trên mỗi chặng đường cách mạng, những chặng đường xây dựng đất nước.

Trong đại dịch COVID-19, giới nhạc sỹ Việt Nam tiếp tục đồng hành với các hoạt động của Đảng, của nhân dân để mang tiếng nói tinh thần bằng âm nhạc, góp phần phòng, chống, đẩy lùi đại dịch. Thông qua các tác phẩm âm nhạc, các nhạc sỹ đã góp thêm tiếng nói quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng COVID-19.

Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đã kêu gọi và tập hợp các nghệ sỹ múa tham gia tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn,” công diễn dưới hình thức trực tuyến đã gây tiếng vang, chạm vào trái tim của công chúng…

Theo biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, cuộc chiến chống giặc COVID-19 của toàn Đảng, toàn dân ta sẽ đi vào lịch sử, rất cần những tác phẩm nghệ thuật cổ vũ, lan tỏa thành quả nỗ lực “chống dịch như chống giặc” của Việt Nam khi mà COVID-19 đã, đang và sẽ là mối quan tâm chung của toàn thế giới. Nghệ thuật sẽ là “liều vaccine tinh thần,” giúp chúng ta giãn cách mà không xa cách.

Xua tan nỗi lo dịch bệnh

Các chương trình giao lưu nghệ thuật được tổ chức dưới hình thức trực tuyến đã trở thành món ăn tinh thần góp phần xua tan nỗi lo về dịch COVID-19 đối với người dân. Hàng chục nghìn khán giả đã xem trực tuyến; hàng nghìn bình luận đã được khán giả gửi để động viên nghệ sỹ…

Một tiết mục biểu diễn tại chương trình nghệ thuật "Bài ca Đại đoàn kết." (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Các chương trình nghệ thuật trực tuyến cho thấy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng trong thời gian dịch bệnh là rất lớn. Ban Tổ chức kỳ vọng xây dựng nên một thương hiệu nghệ thuật online chính thống, chất lượng cao và thu hút được đông đảo mọi tầng lớp khán giả.

Theo ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, việc tham gia các chương trình nghệ thuật là trách nhiệm chung của các đơn vị nghệ thuật.

Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước về nghệ thuật, khi nhận được chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp cùng các nhà hát Trung ương, các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sỹ trên toàn quốc tham gia thực hiện những chương trình nghệ thuật hay, đặc sắc, có giá trị, phục vụ nhân dân, hướng tới tính chuyên nghiệp và có nội dung tốt đáp ứng được nhu cầu của nhiều khán giả.

Chia sẻ khó khăn khi thực hiện chương trình, ông Trần Hướng Dương cho biết, ngoài khó khăn chung do dịch bệnh không thể tập trung quá đông người, nên khi làm chương trình đơn vị tổ chức phải tính toán cụ thể về thời gian, xây dựng chương trình như thế nào cho phù hợp… thì khó khăn về mặt kỹ thuật là khá lớn.

Bởi thực tế, các đơn vị nghệ thuật trước đây chỉ tổ chức biểu diễn trực tiếp, nên khi mới bắt tay vào biểu diễn online cũng chưa được tốt, nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cùng với đầu tư máy móc, thiết bị… các chương trình nghệ thuật ngày càng chuyên nghiệp và có chất lượng hơn.

Nhà báo, nhà lý luận phê bình sân khấu Cao Ngọc cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các chương trình văn hóa nghệ thuật online là một sự giải tỏa cần thiết. Bởi khi người dân đang căng thẳng bởi dịch bệnh, hạn chế ra ngoài giao lưu thì những chương trình văn hóa nghệ thuật thực sự làm người ta giãn cách, như một “vaccine tinh thần,” làm êm dịu nỗi vất vả lo toan hàng ngày và làm cuộc sống tinh thần thêm màu sắc, ý nghĩa.

Tuy nhiên, theo nhà báo Cao Ngọc, những tiểu phẩm đưa lên chương trình nên chắt lọc hơn, ngắn gọn hơn thì sẽ dễ hấp dẫn khán giả hơn.

Chị Minh Phương ở Bạch Mai, Hà Nội, cũng chia sẻ, chị đã xem một số chương trình và rất xúc động khi thấy giữa nỗi lo dịch bệnh, các nghệ sỹ vẫn “cháy” hết mình để biểu diễn cho khán giả.

“Khi chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh căng thẳng, những chương trình nghệ thuật này thực sự có ý nghĩa, giúp tôi có thêm năng lượng tích cực để có thể chung sống với dịch bệnh lâu dài,” chị Minh Phương nói.

Trong bối cảnh nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sỹ không thể ra tiếp cận với công chúng theo cách thức truyền thống thì chương trình nghệ thuật online đã tạo ra hiệu ứng “vaccine tinh thần,” làm phong phú đời sống tinh thần, dịu bớt căng thẳng tâm lý của người dân./.

 

(Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/)

 
 
 
 
Các tin mới hơn
Âm vang Việt Nam trong Festival Âm nhạc Á Âu mới tại thành phố Kaza(23/09/2022)
Liên hoan “Giai điệu Mùa Thu” 2022 với chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt(15/09/2022)
Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9 năm 2022 - “Hát lên Việt Nam!”(30/08/2022)
Chính thức đưa Nhà hát Ca múa, nhạc dân gian Việt Bắc vào sử dụng(29/08/2022)
Ngày Âm nhạc Mới thế giới ISCM(29/08/2022)
Các tin cũ hơn
Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại(17/12/2021)
Bản quyền Âm nhạc – hồi chuông đã vang lên mạnh mẽ.(02/12/2021)
Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030(29/11/2021)
Câu hỏi còn để ngỏ trong "thương vụ" ca khúc "Tiến Quân Ca"(09/11/2021)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na