Âm nhạc-Múa
Câu hỏi còn để ngỏ trong "thương vụ" ca khúc "Tiến Quân Ca"
09/11/2021 10:17:20

Đằng sau "thương vụ" bản ghi "Tiến Quân Ca" giữa BH Media và Hồ Gươm Audio vẫn còn câu hỏi để ngỏ và những tranh cãi quanh việc BH Media thu tiền bản ghi "Tiến Quân Ca" của Hồ Gươm Audio hiện chưa có hồi kết.


Xét về lý

Theo Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn - Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh, câu chuyện này về lý thì không sai. "Để một tác phẩm âm nhạc đến được với khán giả và công chúng, sẽ phải đi qua rất nhiều khâu sáng tạo, với sự đóng góp của rất nhiều người.

Đầu tiên là nhạc sĩ sáng tác nhạc và lời. Đó là người viết nhạc và viết lời cho ca khúc. Thứ đến là ca sĩ trình bày ca khúc. Sau đó, là các nhạc sĩ hòa âm, phối khí. Sau nữa là nhạc công, ban nhạc trình diễn. Và cuối cùng là phần ghi hình, ghi âm cho ca khúc" – Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn phân tích.

Xung quanh tranh cãi liên quan đến ca khúc “Tiến Quân Ca“, nhạc sĩ Giáng Son cho biết, quyền tác giả phải được đặt lên trên hết, nếu Hồ Gươm Audio không có quyền tác giả, thì BH Media cũng liên đới. Ảnh: VTV

Theo Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, “Sự thành công của một tác phẩm âm nhạc có sự đóng góp, tham gia của rất nhiều người, và mỗi người đều có sự sáng tạo riêng, độc lập. Nhạc sĩ hòa âm, phối khí giúp tác phẩm hay hơn. Ca sĩ trình bày sẽ làm nên sức sống mới cho ca khúc. Cả những đơn vị thực hiện ghi âm, ghi hình – họ cũng mất rất nhiều công sức, tiền của, và cũng có sự sáng tạo riêng.

Đơn vị ghi âm phải thuê nhạc công, thuê máy móc ghi âm, thuê nhạc sĩ làm bản phối riêng, xin phép nhạc sĩ... Nói như vậy để thấy, mỗi người đều đã có phần sáng tạo và công sức độc lập bỏ ra để hoàn thiện tác phẩm. Những nhạc sĩ sáng tác có quyền tác giả. Còn phần ghi hình, ghi âm là quyền liên quan, và việc bảo hộ quyền liên quan là đúng luật”.

Xét về luật

Tuy nhiên, nhạc sĩ Giáng Son cho biết: “Quyền tác giả là quyền lớn nhất. Nếu như bản ghi âm của Hồ Gươm Audio chưa chưa xin phép tác giả, thì rõ ràng BH Media đang liên đới”.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, Hồ Gươm Audio khi ghi âm "Tiến Quân Ca" đã xin phép quyền tác giả?

Ca khúc "Tiến Quân Ca" được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng Nhà nước từ năm 2016. Nếu Hồ Gươm Audio thu âm ca khúc này trước năm 2016, phải xin phép gia đình nhạc sĩ Văn Cao. Nếu Hồ Gươm Audio ghi âm "Tiến Quân Ca" sau năm 2016, đơn vị này phải xin phép Nhà nước - vì Nhà nước sở hữu "Tiến Quân Ca" sau khi gia đình nhạc sĩ hiến tặng.

Phóng viên liên hệ với Hồ Gươm Audio nhiều lần, nhưng chưa nhận được câu trả lời của đơn vị này.

Trong khi đó, trả lời báo chí, nhạc sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao cho biết: ""Gia đình tôi đã hiến tặng ca khúc này cho Tổ quốc, Nhà nước vào năm 2016. Do vậy, hiện tại ca khúc thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Tôi tin các cơ quan chức năng sẽ có cách xử lý trường hợp này theo đúng quy định của pháp luật".

Nhạc sĩ Giáng Son. Ảnh: NVCC

Theo Luật sư Trần Thị Tám (Công ty IPCom): “Quyền sở hữu bản ghi âm chỉ được coi hợp pháp khi việc tạo ra bản ghi âm đó hợp pháp tức là, bản ghi âm phải được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Cả quyền tác giả và quyền liên quan đều được bảo hộ cho chủ sở hữu những đối tượng đó trong thời hạn theo quy định của pháp luật”.

Chưa kể, các bản ghi âm trước đây thường là bản ghi vật lý, chưa được số hóa, và khai thác online như bây giờ. Ở góc nhìn luật sư, điều này cũng phải cần được thỏa thuận lại.

“Khi mạng xã hội chưa ra đời, khoa học công nghệ chưa phát triển rực rỡ như ngày nay thì việc khai thác tác phẩm âm nhạc thường chỉ thông qua bản ghi vật lý. Nhưng khi khoa học công nghệ phát triển, các sản phẩm âm nhạc có thể số hóa và khai thác online thì phạm vi khai thác này cũng phải được thống nhất, nếu từ đầu chưa có thỏa thuận thì bây giờ phải thỏa thuận lại để rõ quyền của đơn vị sở hữu bản ghi” - Luật sư Trần Thị Tám nói.

Năm 2015, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, từng đề xuất thu phí bản quyền khi được sử dụng ca khúc "Tiến Quân Ca" để biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật đã gây tranh cãi trong dư luận. Ngay sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị dừng việc thu tiền bản quyền tác phẩm.

(Nguồn: https://laodong.vn/)

Các tin mới hơn
Âm vang Việt Nam trong Festival Âm nhạc Á Âu mới tại thành phố Kaza(23/09/2022)
Liên hoan “Giai điệu Mùa Thu” 2022 với chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt(15/09/2022)
Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9 năm 2022 - “Hát lên Việt Nam!”(30/08/2022)
Chính thức đưa Nhà hát Ca múa, nhạc dân gian Việt Bắc vào sử dụng(29/08/2022)
Ngày Âm nhạc Mới thế giới ISCM(29/08/2022)
Các tin cũ hơn
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na