1. Người xưa nói: “Vạn vật khởi ư xuân” (Vạn vật bắt đầu từ mùa xuân). Trong bốn mùa, có lẽ mùa xuân được thơ ca ưu ái hơn cả. Mùa xuân đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các thi nhân. Các nhà thơ danh tiếng của Việt Nam từ cổ chí kim dường như không ai không có một đôi câu, đôi bài về mùa xuân.
Điều này có lý do. Quy luật vận hành khái quát nhất của sự sống trong tự nhiên là: “Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng” (Mùa xuân là mùa sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng chất chứa). Mùa xuân thật ấm áp, không quá nóng nực oi bức như mùa hè, cũng không quá lạnh lẽo buốt giá như mùa đông. Mùa xuân là mùa của sinh sôi bừng thức, của vạn vật hồi sinh, mùa của cảm xúc thăng hoa, của tình yêu và những khởi đầu tốt đẹp.
So với mùa thu - một mùa cũng đẹp trong năm - thì mùa xuân mang đến những cảm xúc tích cực hơn, đó là mùa của lạc quan và hy vọng. Mùa thu tuy đẹp, quyến rũ nhưng thường đi cùng với nỗi niềm bâng khuâng, man mác, u hoài… Mà “người ta không thể bước tới tương lai bằng nỗi niềm man mác ấy”.
2. Thời trung đại Việt Nam, vẻ đẹp của mùa xuân đều in dấu trong thơ ca của các thi nhân.
Nói đến thơ xuân của thời trung đại trước hết phải nhắc đến những câu Thơ Thiền của Thiền sư Mãn Giác (1052-1096) đời Lý, qua bài kệ nổi tiếng “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người):
“Xuân đi, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa tươi
Trước mắt, việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi.
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua xuân trước một nhành mai”.
Bài thơ cho thấy nhà thơ đã nắm được quy luật vô thường của vạn vật, quy luật của tạo hóa “sinh, trụ, dị, diệt” (hoa rụng, hoa nở), quy luật vô thường của con người “sinh, lão, bệnh, tử” (tuổi già, bệnh tật...). Nhìn thấy được quy luật, chấp nhận được quy luật, người thơ không còn sợ hãi lo lắng, bình thản ra đi và luôn thấy mùa xuân với nhành mai tươi tắn đang trổ bông. Bài thơ với tư tưởng Thiền Tông, lạc quan và an nhiên biết bao, đã được truyền tụng suốt ngàn năm nay.
3. Đời Trần, các vị vua không chỉ là những bậc minh quân, giỏi cầm quân đánh giặc trị nước mà còn là những nhà thơ lớn. Riêng vua Trần Nhân Tông (1258- 1308) -Đức vua, Phật hoàng, vị tổ Thiền phái Trúc Lâm đã có đến cả chục bài thơ xuân, trong đó có ba bài nổi tiếng: “Xuân hiểu” (Buổi sớm mùa xuân), “Xuân cảnh” (Cảnh xuân), “Xuân vãn” (Cuối xuân).
Buổi sớm mùa xuân
Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay
Song song đôi bướm trắng
Phất phới sấn hoa bay”
Xuân đã về từ tối hôm qua mà thi nhân chẳng hay. Sớm nay ngủ dậy muộn vừa mở cửa sổ ra xem mới biết là xuân đã về. Thi nhân biết bao ngỡ ngàng, ngạc nhiên và xúc động trước cảnh xuân với bướm và hoa. Bằng cái nhìn non tơ, thi nhân đã cảm nhận và miêu tả một cách thi vị, đáng yêu cái sắc xuân, tình xuân.
Bài “Xuân cảnh” (Cảnh xuân) cũng vẫn cái sắc xuân và tình xuân ấy. Cõi lòng người nhìn ngắm thật tự tại, an nhiên.
Cảnh xuân
Chim nhẩn nha kêu liễu trổ dày
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế
Cùng tựa lan can nhìn núi mây
(GS Nguyễn Huệ Chi dịch)
4. Đời Lê, Nguyễn Trãi (1380-1442), nhà thơ lớn của Đại Việt cũng có nhiều câu thơ, bài thơ về mùa xuân. Ngoài những áng văn có sức mạnh như mười vạn quân, Ức Trai - Nguyễn Trãi còn để lại hai tập thơ - hai viên ngọc quý lấp lánh trong nền thơ cổ điển Việt Nam: “Quốc âm thi tập” bằng chữ nôm và “Ức Trai thi tập” bằng chữ Hán. Trong những tập thơ ấy, Nguyễn Trãi đã dành cho thiên nhiên một vị trí cao sang, đặc biệt Ức Trai có nhiều bài thơ xuân tuyệt tác. “Bến đò xuân đầu trại” là một bài thơ xuân đẹp trong “Ức Trai thi tập”. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, Ức Trai đã viết trong những năm tháng sống ở Côn Sơn.
“Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vỗ trời
Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
Con đò gối bãi suốt ngày ngơi”.
Bài thơ tả cảnh một ngày mưa xuân trên bến đò xuân đầu trại. Cảnh vật như mờ đi, chìm đi trong một không gian bao la tĩnh lặng. Bao trùm lên không gian bến đò là một màu xanh thẫm, xanh đen như khói của cỏ xuân. Rồi dòng sông với những con sóng “nước vỗ trời” - một biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của mùa xuân. Câu thứ ba mở rộng không gian nghệ thuật nói về những con đường trên đồng nội đi tới bến đò vắng teo khách. Cảnh vật lặng lẽ thấm buồn vì mưa xuân đã kéo dài nhiều ngày. Câu thứ tư tả con đò, hình ảnh trung tâm của bến đò xuân đầu trại. Trời mưa không có khách qua, con đò trở thành mồ côi, đơn độc (câu thơ dịch là: Thuyền mồ côi suốt ngày gác đầu lên bãi mà ngủ).
Bốn câu thơ, câu nào cũng nhẹ nhàng, đầy thi vị, tĩnh lặng, bình yên. Tâm tình trong những ngày dài đi ở ẩn được nhà thơ giãi bày kín đáo: nhàn tản, thư thái, ung dung tự tại và một thoáng cô đơn. Bài thơ là một bức tranh xuân xinh xắn, đáng yêu nơi làng quê Việt trong thế kỷ XV.
5. Đến thế kỷ XVIII (đời Nguyễn), đại thi hào Nguyễn Du (1766- 1820) trong Truyện Kiều cũng có những câu thơ tả vẻ đẹp trong ngần, tinh khôi, đầy ắp sức sống của mùa xuân:
“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Người xưa nói: “Thi trung hữu họa”, cặp thơ lục bát là bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân. Thảm cỏ non trải rộng đến tận chân trời là tấm phông nền. Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Hai màu “xanh”,“trắng”có sự hài hòa tuyệt diệu. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp mới mẻ, tinh khôi, thanh khiết, giàu sức sống của mùa xuân. Qua bức tranh đó, người đọc cảm nhận được tâm hồn nhạy cảm, tha thiết trước cảnh sắc thiên nhiên trong trẻo, tươi tắn, ấm áp của nhân vật trữ tình. Câu thơ đã trở thành kinh điển mà dường như không một người Việt Nam nào yêu Truyện Kiều của Nguyễn Du không thuộc.
Cũng trong Truyện Kiều, chữ “xuân” còn được Nguyễn Du dùng để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ:
“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
“Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai”
6. Cùng thời với Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương (1772- 1822)- “Bà chúa thơ Nôm”, một danh nhân mang tầm nhân loại, một nhà thơ mang tầm vóc thi hào, một con người thông minh trác tuyệt, tài năng hơn người, khinh khi mọi sự, nhưng tâm hồn nữ sĩ từng mềm yếu trước nàng xuân, khi so sánh vẻ đẹp của mùa xuân với thiếu nữ trong tranh:
“Ấy bao nhiêu tuổi hỡi cô mình
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Trăm vẻ như in tờ giấy trắng
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh”
(Đệ nhị mỹ nhân đồ)
Tuy nhiên, với Hồ Xuân Hương mùa xuân không chỉ gắn với niềm vui của tuổi trẻ, mùa xuân còn gắn với nỗi buồn, nỗi cô đơn lẻ loi của một khát khao hạnh phúc, một vô vọng trong tình yêu và tâm trạng bi kịch của nữ sĩ:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”
(Tự tình)
Với nữ sĩ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của mùa xuân là của ai đó chứ đâu phải là xuân của người thiếu phụ. “Xuân lại lại” tức là xuân lại về, lại đến, nó chỉ báo hiệu người ta thêm già, thêm hẩm hiu bẽ bàng. Vậy sao tránh khỏi “ngán nỗi” mỗi khi xuân đến, xuân đi. Ngán ngẩm hơn nữa là tình duyên không thỏa ý: “Mảnh tình san sẻ tí con con”.
Rồi:
“Chơi xuân đã biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không”
(Đánh đu)
Đó là tấn bi kịch của một phụ nữ làm lẽ trong xã hội phong kiến “năm thê, bảy thiếp” mà chính Hồ Xuân Hương là nạn nhân.
… Mùa xuân đến mang cảm hứng cho các thi nhân và đến lượt mình thi nhân trả lại cho mùa xuân những vần thơ đẹp đẽ. Ngàn năm trước đã thế, ngàn năm sau chắc vẫn còn như thế. Xuân của đất trời, xuân trong lòng người, mỗi cuộc đời chúng ta hãy là mùa xuân đẹp nhất.