Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Bút ký "Những kỹ sư của đất" của Nguyễn Thu Hằng
08/09/2023 09:14:31

(Tác phẩm từ Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật 2023)
 
 Ngày 20/7/2023, đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương tham dự Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2023 đã có chuyến thực tế sáng tác tại thị xã Kinh Môn. Buổi sáng trời mưa nhưng mọi người rất vui vẻ, hăng hái. Đúng 7h30 xe chuyển bánh, ngoài trời mưa bụi sau cơn bão số một rơi nhè nhẹ làm cho không khí mát mẻ, quang cảnh dọc đường mờ ảo như có những lớp sương mỏng lảng bảng. Tâm trạng ai cũng háo hức khi nhà báo Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Hải Dương giới thiệu điểm đến là phường Thất Hùng, xã Bạch Đằng nơi có những vườn cam, vườn ổi, vườn thanh long đã tạo dựng nên thương hiệu cho nơi đây.

Đi lên từ đất

1. Sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo phường Thất Hùng, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo địa phương dẫn đến thăm vườn cam của vợ chồng bác Trần Văn Thăng. Vừa bước xuống xe đã thấy hương lúa non thoảng lên. Dọc con đường bê tông dẫn vào vườn cam là những ruộng lúa con gái mơn mởn. Bạt ngàn là cam. Trong mưa, vườn cam như xanh hơn, những quả cam vừa bằng nắm tay em bé vỏ xanh căng mướt. Hương trà quyện với hương vườn tược nồng trong câu chuyện bác Thăng. Lúc đầu, vợ chồng bác trồng lúa, nhưng đất ruộng trũng, không năng suất nên bác đã mạnh dạn đưa cây cam về trồng với mong muốn cho kinh tế hơn cây lúa. Nhưng hai năm đầu chưa được thu hoạch, chưa nói đến còn mất mát do cây chết, không hiểu kĩ thuật. Đến năm thứ ba mới cho thu hoạch. Để mở rộng diện tích, bác Thăng thuê lại đất của các hộ trong thôn, mỗi sào một vụ trả 20 kg thóc, vay vốn thêm ngân hàng. Lúc đầu bác trồng giống cam canh nhưng sau đó thấy không năng suất bác đã chuyển sang trồng giống cam Vinh (Nghệ An). Bây giờ vườn cam với diện tích trên 3.000 mét vuông, (hơn một hecta) đã được 10 tuổi nhưng vẫn đang độ sung sức. Là nhờ từ hai năm nay bác tiếp cận khoa học kĩ thuật, chính thức tẩy chay thuốc cỏ mà dùng máy quật cỏ, biến cỏ làm phân bón cho gốc cam, sau đó chăm bón bằng phân hữu cơ, bỏ hẳn phân vô cơ. Bác chia sẻ khi rễ tơ cây cam ăn trên mặt đất mà tưới phân vô cơ vào sẽ làm chết rễ tơ, khi phun thuốc cỏ sẽ làm chết giun, các loại sinh vật dưới đất càng khiến cho đất cằn cỗi, cây không hấp thụ được. Phân hữu cơ bón cho cam chính là đỗ tương nghiền tưới cho cây con, còn cây to thì cho ăn trực tiếp. Để tiếp tục mùa sau, ngay từ tháng 10 đã phun ủ mầm hoa. Tới mùa thu hoạch cắt quả xong thì tỉa luôn cành khô, cắt nước. Tháng 3 đi chặt rễ các gốc để cho ra thêm nhiều rễ giúp cây hút được nhiều dinh dưỡng.

 
Chăm sóc vườn cam ở phường Thất Hùng, Kinh Môn (Ảnh: Phùng Trọng Tuệ) 
 

Giai đoạn đầu đầy những khó khăn nhưng hai vợ chồng bác chưa bao giờ nản chí. Công việc không bao giờ hết nhưng chưa một ngày bác không ra vườn cam. Mỗi khi nhìn thấy một cành sâu, một quả cam cứng hay sâu vỏ, lại phải tìm cách ngăn chặn ngay không cho lây sang cành khác, cây khác. Trời mưa bão, đêm cũng soi đèn ra kiểm tra cam. Mỗi sáng nhìn trang trại xanh mát, bác Thăng như tiếp thêm năng lượng với nghề trồng cam. Năm 2022, trừ chi phí trang trại cam cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng. Bác Thăng không chỉ chăm lo cho vườn cam của mình mà còn đi giúp các vườn cam khác khi vườn bị mắc bệnh. Bác từng đến tận Gia Lâm cứu vườn cam đường khi họ mua 300 cây trồng cứ hỏng dần phải nhờ bác tới trị. Hiện nay ở Thất Hùng có khoảng gần chục hộ gia đình trồng cam, nhưng diện tích và thu nhập bác Thăng vẫn là lớn nhất.

2. Đến xã Bạch Đằng, đoàn chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo xã đón tiếp và dẫn xuống Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng nằm giữa hơn 50 hecta thanh long. Bác Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc hợp tác xã, người tầm thước, cởi mở đón tiếp chúng tôi nồng hậu. Với mong muốn chuyển đổi cơ cấu sản xuất để phát triển kinh tế, từ làm trang trại chăn nuôi lợn, bác Thuấn đã đầu tư mua 1.000 cành giống thanh long về trồng. Sau vài năm nơi đây thanh long là chủ lực. Mọi người học hỏi làm theo và vào hợp tác xã liên kết sản xuất, cung ứng, thành viên đã lên tới 37 người. Có những buổi thảo luận, hội nghị đầu bờ tại vườn thanh long. Bà con ngày càng có kiến thức, kinh nghiệm trồng hơn. Thanh long ruột đỏ nơi đây đã có đủ mã vùng mã vạch, đã đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, Ốt-trây-li-a, Trung Quốc. Đi giữa vườn thanh long đỏ nghe chuyện bác Thuấn tự tay đặt từng bầu ươm, cắt từng cành hỏng để hiểu về cây thanh long như hiểu đứa con của mình thì mới thấy hết sự cần mẫn, yêu cây, yêu đất của người nơi đây đến nhường nào.

Sự tiên phong và sức sáng tạo

3. Để cây cam Vinh của mình đứng bền vững trên mảnh đất Thất Hùng bác Trần Văn Thăng không ngừng cải tiến cách trồng cây cam của mình. Bác trồng bưởi để lấy gốc bưởi ghép mắt cam. Bác tìm mua những gốc bưởi đẹp mang về vườn trồng ổn định sau đó ghép mắt cam vào. Vì bưởi có sức sống mạnh mẽ, kháng bệnh tốt, cành lá nhiều hơn. Bác cho biết: “Nếu một cây bưởi tốt quả cả năm bán được một triệu đồng thì ghép cam vào có thể cho từ một tạ đến tạ rưỡi cam khoảng 6,7 triệu đồng”. Trong vườn nhà bác hiện nay có 80 gốc đang trồng, 40 gốc bưởi đang ghép. Trong lúc trò chuyện với chúng tôi có người gọi điện giới thiệu cho vườn bưởi muốn bán và bác hào hứng nhận lời.

4. Với bác Nguyễn Văn Thuấn thanh long thì lại đang ấp ủ một dự định đột phá mới. Bác chia sẻ: “Đó là một sự mạo hiểm nhưng tôi vẫn muốn làm. Tôi đầu tư gần một tỷ rưỡi để trồng nho. Tự tay tôi chăm bón, tưới tắm, vạch lá bắt sâu, trị bệnh cho nho. Chỉ tháng 11 nho sẽ được thu hoạch. Không cần phải tới Ninh Thuận mới được checkin với nho, các du khách chỉ cần tới Bạch Đằng, Kinh Môn. Là người tiên phong tôi chỉ mong muốn sau này nhiều người cùng chuyển đổi cơ cấu cùng trồng nho. Nơi đây cũng sẽ là một vựa nho lớn. Chúng tôi sẽ có sản vật đặc hiếm mới từ đất này. Sẽ không chỉ cung cấp sản phẩm nho sạch mà sẽ phát triển du lịch trải nghiệm nơi đây. Nho sẽ làm rượu nho, vang nho”. Chúng tôi tới thăm vườn nho giữa bạt ngàn thanh long của hợp tác xã Bạch Đằng. Để đi đến hướng đầu tư mới này, bác đã đi thăm nhiều vườn nho trên đất nước, bác còn mời cả kĩ sư về kiểm tra thổ nhưỡng, khí hậu và tìm mua giống ở trường Đại học Nông lâm Bắc Giang. Có người sẵn sàng đầu tư tất cả cho bác trồng nho nhưng bác đã từ chối: “Tôi muốn tự đứng lên bằng đôi chân của mình. Tôi đã thành công với thanh long thì tôi sẽ làm được như thế với nho. Tôi tin thế”. Vào vườn nho, ai cũng thích mê khi ngắm những ngọn nho đang vươn lên giàn. Nhìn ánh mắt chứa chan tin yêu của bác chủ vườn nhìn giàn nho non, chúng tôi chất chứa đầy tin tưởng về một cánh đồng nho đang dần hình thành nơi đất lành này. Nhờ những người nông dân như bác Thăng, bác Thuấn mà năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở Thất Hùng là 73 triệu đồng/ người/ năm, và Bạch Đằng là 85,6 triệu đồng/ người/ năm. Như lời đồng chí Nguyễn Trọng Thuấn, Bí thư, Chủ tịch UBND phường Thất Hùng mong mỏi: “Những người nông dân nơi đây đã xây dựng nên thương hiệu sản phẩm OCOP, là cánh chim đầu đàn mang sản phẩm OCOP tới mọi nơi”.

Tạm biệt Thất Hùng, Bạch Đằng trong buổi chiều hè hẩng nắng, ấn tượng để lại trong chúng tôi là sự ấm áp về tình đất tình người nơi đây, về truyền thống bề dầy trầm tích văn hoá, và trân trọng ngưỡng mộ những người nông dân, họ là kỹ sư thực sự của đất. Với tình yêu đất, yêu cây, yêu người, yêu đời và sức sáng tạo, họ đã góp phần làm nên diện mạo nông thôn mới cho Kinh Môn hôm nay.

Nông thôn mới chính là từ những con người như thế này.

Cần lắm nhiều người như thế để tiếp tục nâng tầm cao cho nông thôn: nông thôn thông minh. 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Trên đỉnh Mẫu Sơn(08/09/2023)
Men tình xứ Lạng(08/09/2023)
Nhớ làng(18/07/2023)
Hoa rụng(18/07/2023)
Bên sông Đà em nhớ anh(18/07/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na