Tin tức
Hệ thống di sản và xu hướng khai thác giá trị di sản tại Việt Nam
20/07/2022 12:00:00

 
 

Di sản là những giá trị văn hóa, thiên nhiên kết tinh, là giá trị trường tồn mà các thế hệ đi trước để lại cho đời sau, là quà tặng mà thiên nhiên ưu ái cho loài người. Di sản không chỉ đóng góp các giá trị văn hóa xã hội mà còn có vai trò đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt trong nền kinh tế dịch vụ và kinh tế tri thức. Đối với một số ngành công nghiệp mới nổi hiện nay, di sản được coi là tài nguyên đầu vào với các thế mạnh về thương hiệu, giá trị văn hóa. Khai thác di sản trong các hoạt động kinh tế là xu hướng được nhiều quốc gia quan tâm và thực hiện. Việt Nam là quốc gia nắm giữ kho tàng di sản với trữ lượng lớn. Bài báo sẽ đem lại góc nhìn về các hoạt động khai thác di sản trên thế giới, tại Việt Nam và đưa ra hướng giải pháp khai thác di sản theo xu hướng thế giới.

Công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và chính phủ Việt Nam. Từ năm 1987, Việt Nam tham gia Công ước Di sản thế giới, và vào năm 2013, Việt Nam chính thức là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017. Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hội thảo nghiên cứu về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, trực tiếp thực hiện các chương trình, đề án bảo tồn di sản của nhà nước.

Trên thực tế, Việt Nam đã khai thác sử dụng giá trị di sản như hình ảnh để làm các sản phẩm văn hóa như tranh, ảnh, lịch, tem, tiền,…Nhưng nhìn chung công tác khai thác di sản phần lớn thông qua các hoạt động du lịch kèm lưu trú nhà hàng là chủ yếu và vẫn còn gặp một số vấn đề như sau: Thiếu công tác bảo tồn di sản khi khai thác do nhận thức và đặt các mục tiêu kinh tế cao hơn mục tiêu bảo vệ di tích; công tác quản lý di tích chưa hiệu quả trong việc xử lý các vi phạm, tổ chức hoạt động văn hóa; thiếu chính sách, chế tài khuyến khích xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, các nguồn lực chưa được quy tụ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước; thiếu đồng bộ cho việc đầu tư trùng tu di tích, thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết, phòng cháy, trộm, hệ thống giao thông tiếp cận, cơ sở dịch vụ, quản lý..; công tác quảng bá giới thiệu di sản chưa hiệu quả; thiếu sự kết hợp giữa khai thác di sản vật thể và phi vật thể; các dịch vụ như sản xuất đồ lưu niệm tự phát, chưa được đầu tư chú ý về thẩm mỹ và chất lượng dẫn đến giá trị dịch vụ trong khai thác di tích rất thấp; công tác giáo dục tuyên truyền, đào tạo cán bộ khai thác hoạt động du lịch chưa được coi trọng[1].

Vì vậy, để Việt Nam có thể khai thác nguồn tài nguyên di sản một cách hiệu quả và bền vững thì cần thực hiện các nghiên cứu đa chiều và chuyên sâu.

Khai thác các giá trị di sản trên thế giới

1. Hệ thống di sản trên thế giới

Tính tới thời điểm hiện tại, theo thống kê của Ủy ban di sản thế giới WHC có tổng số 1154 di sản được chứng nhận là di sản thế giới, thuộc về 167 quốc gia thành viên.

Mỗi năm, định kỳ các quốc gia thành viên của các khu vực sẽ tham gia đánh giá mức độ bảo tồn và hoạt động của di sản theo chương trình của UNESCO nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và xây dựng kế hoạch hành động thông qua các chương trình hợp tác gắn với trung tâm World Heritage Centre.

2. Xu hướng khai thác di sản kỹ thuật số, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Số hóa di sản đang là một hướng đi được nhiều quốc gia quan tâm thực hiện, đặc biệt tại các quốc gia có kinh tế xã hội phát triển, có ngành công nghiệp văn hóa phát triển và sở hữu lượng lớn di sản. Các tổ chức và cá nhân thực hiện bao gồm: Chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học,…

Tại các quốc gia Châu Âu, Ủy ban Châu Âu (European Commssion) đã xây dựng các điều kiện khung cho số hóa di sản thông qua Khuyển nghị của ủy ban về số hóa và khả năng tiếp cận trực tuyến tài liệu văn hóa số và bảo tồn kỹ thuật số (Commission Recommendation on the Digitisation and online accesibilit of cultural material and digital preservation) vào 27/10/2011 và thành lập nhóm chuyên gia của Ủy ban châu âu về Di sản văn hóa KTS (Expert Group on Digital Cultural Heritage and Europeana-DCHE).

Bảng 1. So sánh số lượng di sản thế giới tại các khu vực trên thế giới

Tại Mỹ, các công ty công nghệ và các doanh nghiệp khác cũng nhanh chóng thực hiện các dự án liên quan tới số hóa di sản. Viện văn hóa Google được thành lập vào năm 2011 có nhiệm vụ số hóa di sản văn hóa thế giới trên toàn cầu và phát hành rộng rãi trên nhiều nền tảng: Ứng dụng di động, màn hình laptop, bảo tàng số Google, thiết bị thực tại ảo Google. Dự án đã số hóa rất nhiều cổ vật, di sản văn hóa trên toàn thế giới với hàng trăm đối tác và thu hút sự quan tâm của cộng đồng [3]. Ngoài ra còn có rất nhiều bảo tàng, thư viện số khác.

Tại Trung Quốc, các dự án số hóa di sản thế giới và di sản quốc gia liên tục được thực hiện bởi các viện nghiên cứu trong nước. Hàng năm các hội thảo về chủ đề di sản kỹ thuật số được tổ chức thu hút các viện nghiên cứu, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực bảo tồn di sản bằng công nghệ số, các ngành công nghiệp sáng tạo liên quan tới di sản. Mục đích các cuộc hội thảo nhằm đáp ứng chính sách của Trung Quốc cũng như ủy thác của UNESCO về khám phá tiềm năng di sản như một động lực cho tăng trưởng kinh tế [4].

Bảng 2. Một số ví dụ khai thác di sản kỹ thuật số . Hình ảnh thực Vạn lý Trường Thành – Trung Quốc
Khai thác di sản kỹ thuật số Di sản kỹ thuật số có thể tạo hiệu ứng bị phá hủy

Các dữ liệu số hóa di sản thông qua các công nghệ kỹ thuật số phù hợp sẽ được chuyển hóa thành các định dạng như hình ảnh 2d, mô hình 3d kỹ thuật số, âm thanh kỹ thuật số và các định dáng số khác. Đây là tài nguyên tinh các giá trị di sản và có thể được đưa vào trong các chuỗi sản xuất công nghiệp để tạo ra sản phẩm.như in mô hình 3d, làm đồ họa, làm bối cảnh phim,…. Đặc thù của nguồn tài nguyên này là có thể tái sử dụng nhiều lần mà không gây hao mòn, hư hại, thậm chí còn góp phần quảng bá, gia tăng thương hiệu cho chính tài nguyên gốc- di sản thực. Ví dụ trong một cảnh phim, một tòa thành có thể bị sụp đổ nhờ hiệu ứng VFX, nhưng không cần phải tác động tới di sản thực để tạo cảnh quay đó.

Bên cạnh đó, các dữ liệu được số hóa tuy không có định dạng vật lý, nhưng lại lưu trữ lượng thông tin lớn, dễ dàng chuyển hóa hơn dữ liệu vật lý, và quan trọng là dễ dàng lưu trữ và truyền thừa. Do vậy khai thác di sản với công nghệ số là một giải pháp hiệu quả, hạn chế tác động gây rủi ro và góp phần bảo tồn cho di sản.

Bảng 3. Các di sản phân bố trên 63 tỉnh thành tại Việt Nam [tác giả]

Giới thiệu hệ thống di sản tại Việt Nam

1. Các khái niệm và danh hiệu di sản được công nhận tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Di sản văn hóa là sản phẩm vật chất, phi vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm: Di tích lịch sử- văn hóa; Danh lam thắng cảnh; Di vật; Cổ vật; Bảo vật quốc gia. Trong đó Di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng cách truyền khẩu, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác, bao gồm: Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian. Tiêu chí Di sản phi vật thể: Có tính đại diện thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Di sản được công nhận dựa trên các tiêu chí đánh giá di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của tổ chức thế và của Việt Nam. Các chứng nhận di sản hay thương hiệu di sản tại Việt Nam được phân loại như sau: Di sản Thế giới tại Việt Nam; Di sản Châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam; Vườn ASEAN tại Việt Nam; Di sản cấp quốc gia đặc biệt; Di sản cấp quốc gia; Di sản cấp tỉnh [5].

2. Hệ thống và mật độ di sản được công nhận tại Việt Nam

Tới nay, hệ thống di sản được chứng nhận của Việt Nam có khoảng 3.000 di tích xếp hạng quốc gia, trong đó 107 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt (đã bao gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới do UNESCO công nhận) và hơn 7.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Các tỉnh có mật độ di sản cao là Hà Nội, Hải phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình,Hưng Yên, Bắc Giang… Các vùng miền núi phía Bắc, khu vực Tây nguyên và miền Tây có mật độ thấp hơn. Tuy nhiên, hệ thống di sản được phân bố trải dài trên khắp đất nước. Các đặc trưng khác nhau về địa lý thổ nhưỡng, văn hóa, tập tục tạo cho hệ thống di sản tại Việt Nam sự đa dạng và độc đáo.

3. Một số giải pháp khai thác di sản tại Việt Nam theo xu hướng thế giới

a) Ứng dụng công nghệ trong khai thác di sản tại Việt Nam

Trong khi trên thế giới việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động khai thác di sản đã khá phố biến thì tại Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ. Hiện nay với sự giúp sức của các thiết bị công nghệ có thể giúp gia tăng trải nghiệm của người tiếp cận di sản thông qua các hoạt động như tham quan, triển lãm.

Sau đây là một số công nghệ kỹ thuật số ứng dụng có thể phục vụ cho quá trình khai thác di sản.

b) Đánh giá và phân cấp mức độ số hóa các di sản

Tại Việt Nam, số hóa di sản vẫn còn rất hạn chế, hiện nay mới chỉ được thực hiện tại một vài công trình di sản. Bên cạnh đó còn thực tại hạn chế là sau khi quét (3D scanning) tạo được đám mây dữ liệu số (đám mây thông tin), di sản số còn cần có các chuyên gia và kỹ thuật phục dựng chuyên ngành để chuyển thành các hình ảnh, không gian kỹ thuật số 3D, âm thanh… Từ những mô hình 3D này được sử dụng để tạo ra các sản phẩm văn hóa như phim, ảnh, mô hình vật lý. Đây là công tác đòi hỏi cao về nhân lực và thiết bị chuyên ngành, thời gian, sự giám sát của cơ quan quản lý và kết hợp của các chuyên gia trong lĩnh vực số hóa, kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ, kỹ thuật phục dựng và các chuyên ngành khác để chuyển thành các hình ảnh, không gian kỹ thuật số 3D, âm thanh…

Đối với mỗi loại hình di sản, nhiệm vụ số hóa sẽ khác nhau. Đối với các di sản là công trình đơn lẻ có quy mô nhỏ, không gian dễ thực hiện thao tác thì nghiệp vụ quét thực tiến hành được nhanh chóng thuận lợi. Ngược lại với các công trình ngoài trời hoặc khu di sản có không gian rộng thì công tác này gặp nhiều khó khăn về sự hạn chế của máy móc, con người và cả các điều kiện khác.

Có thể thấy, đối với di sản là những công trình kiến trúc có diện tích càng nhỏ sẽ dễ dàng được số hóa hơn, các công trình toàn vẹn cũng thuận lợi trong việc số hóa và phục dựng mô hình. Ngược lại các di sản là công trình do thiên nhiên tạo tác với quy mô lớn sẽ khiến công việc số hóa gặp nhiều khó khăn do diện tích lớn, địa hình phức tạp….

Chính vì vậy, khi thực hiện số hóa cần phân loại để đánh giá quy mô thực hiện, và đưa ra các giải pháp phù hợp. Có thể quét toàn phần hoặc một phần để tạo mô hình chính xác đối với các công trình nhỏ hoặc sử dụng hình ảnh để tạo lập mô phỏng tuy nhiên độ chính xác ko cao, thích hợp với những di sản thiên nhiên hoặc có diện tích rộng.

Lời kết

Di sản không chỉ đóng góp về giá trị văn hóa xã hội mà còn có vai trò đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế. Trên thế giới các hoạt động khai thác di sản rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên một xu hướng chung diễn ra đó là xu hướng số hóa và khai thác di sản số.

Bảng 4: Giới thiệu một số công nghệ có thể ứng dụng trong công tác khai thác di sản
Bảng 5: Ví dụ khả năng và mức độ thực hiện công tác số hóa với 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia có nhiều di sản văn hóa có giá trị, thương hiệu, đây là nguồn tài nguyên quý giá cần khai thác. Khai thác di sản cần phải đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Số hóa di sản là giải pháp hiệu quả cho công tác khai thác di sản tại Việt Nam. Trong đó, cần nghiên cứu ứng dụng theo chiều rộng và chiều sâu các công nghệ kỹ thuật số nhằm thúc đẩy quá trình số hóa và hỗ trợ khai thác trực tiếp di sản. Bên cạnh đó, còn cần đánh giá mức độ khả năng thực hiện tại từng di sản để đưa ra phương án thích hợp. Vì vậy để khai thác, sử dụng di sản và di sản số cần phải có sự hợp tác triển khai của nhiều nguồn lực, sự hợp tác của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, sự hợp tác nghiên cứu của viện khoa học, trường đại học có liên quan bao gồm: công nghệ, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật,.., sự hỗ trợ của doanh nghiệp, và hỗ trợ quản lý thực hiện của các cấp có thẩm quyền.

Vì vậy, cần huy động các nguồn lực nhằm sớm thực hiện công tác số hóa hệ thống di sản, trong đó có 2 nhiệm vụ chính: i) Xây dựng hệ thống di sản kỹ thuật số; 2) Quản lý và đưa vào khai thác hệ thống di sản số trong các lĩnh vực kinh tế.

 Nguồn: https://www.tapchikientruc.com.vn/
 
 
Các tin mới hơn
Xã hội hóa để lan tỏa các giá trị của văn học nghệ thuật(17/04/2024)
Giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng tại Hải Dương(29/03/2024)
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương(29/03/2024)
Giới thiệu giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ nhất ở Hải Dương(29/03/2024)
Giới thiệu Giải thưởng Văn học Kim Đồng với các tác giả viết cho thiếu nhi tại Hải Dương(29/03/2024)
Các tin cũ hơn
Thêm một giải thưởng văn học lớn ở Anh tuyên bố dừng lại(18/07/2022)
Cuộc thi "Cuốn sách thay đổi cuộc đời năm 2022(18/07/2022)
Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch(18/07/2022)
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khai mạc Lớp Bồi dưỡng, sáng tác Văn học - Mỹ thuật trẻ hè năm 2022(15/07/2022)
Tập huấn nghiệp vụ về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí năm 2022(15/07/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na