Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Trang Văn nghệ Trẻ: "Hạ ơi" của tác giả Nguyễn Hưng Thiện
26/07/2024 08:04:13

Dưới cái nắng chói chang 40 độ C nhưng người nông dân trên cánh đồng Tây Nguyên vẫn cắm cúi cuốc từng nhát đất nặng trĩu. Khí hậu đặc sản là nắng và gió, cộng với địa hình sườn núi nên hình ảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để sống qua ngày chẳng có gì lạ lẫm với những con người ở nơi đây.Cẩn, Thủy, Tí, và tôi là những người bạn chí cốt, đến độ chúng tôi đã từng bắt chước cắt máu ăn thề giống như một bộ phim trung cổ. Như để biểu lộ nghĩa tình, mặc dù thằng lớn nhất trong nhóm là Cẩn chỉ vừa bước sang tuổi thứ 10. Nó lớn hơn chúng tôi một tuổi, nhưng cả 4 đứa đều học chung một lớp, vì nó học giỏi quá nên cô giáo muốn giữ nó lại để học lớp 2 thêm một năm nữa. Cẩn có dáng người cao to, nên cả cái trường này chẳng tìm được đối thủ nào về đấm đá với nó cả, nói chung khi chơi với nó thì chỉ có thầy cô là nỗi sợ trong trường của chúng tôi thôi. Ba má thằng Thủy quá ngán ngẩm vì hai người anh nghịch ngợm, quậy phá của nó, nên khi sinh nó ra, ba má nó quyết định đặt cho cái tên vô cùng nữ tính. Và mong rằng nó sẽ ngoan ngoãn, hiền lành. Tí là đứa học giỏi nhất trong nhóm, à không, phải là học giỏi nhất lớp, nên nó được làm lớp trưởng. Tuy nhiên, vóc dáng nhỏ con, tóc bổ luống hai mái lãng tử, gương mặt thư sinh nên trong lớp chẳng có ai nể nang lớp trưởng Tí cả. Tôi sống với gia đình có đông anh em, nên ba mẹ tôi luôn vất vả làm lụng để có tiền cho anh em tôi đi học đến nơi, đến chốn. Ba tôi đi lái xe ủi, xe múc ở tận biên giới nên lâu lắm mới có dịp về thăm gia đình. Tôi ít được tiếp xúc với ba nên luôn nghĩ rằng ba là người khó tính.

Vì kinh tế khó khăn, nên điều kiện sống và sinh hoạt của những đứa trẻ ở nơi đây không được đầy đủ, tiện nghi như bạn bè đồng trang lứa ở thành phố. Hầu hết trẻ em nơi đây có tuổi thơ rất dữ dội. Mùa hè năm nay đến với chúng tôi cũng giống như bao mùa hè khác, chúng tôi dứt khoát bỏ sách vở sang một bên. Đầu óc chúng tôi bây giờ thư thái hưởng thụ một mùa hè trên những cánh đồng lúa bát ngát, những con suối thơ mộng, và bầu trời xanh trong.

Buổi chiều, kim đồng hồ chỉ sang giờ thứ bốn, thì tiếng chuông báo thức mang tên Cẩn đã réo gọi tôi ở giàn mướp bên cạnh nhà. Tôi biết đã đến giờ tập hợp cho một trận đấu bóng đá mà ngày nào nó cũng diễn ra giữa đội chúng tôi và đội xóm bên. Tôi đi cùng Cẩn đến gốc đa đầu làng thì đã thấy Tí và Thủy mà không cần phải nhắn tin, hay điện thoại, với lại kiếm đâu ra điện thoại mà nhắn. Cả 4 thằng cùng chạy đua xem ai đến cánh đồng nhanh hơn, cũng như để khởi động cho trận đấu cân não. Nổ cho nó gay cấn vậy thôi, chứ trước giờ bóng lăn thì tôi đã biết đội thắng, vì nếu chúng tôi thua thì đội kia sẽ được nếm trải cú đấm uy lực từ tay thằng Cẩn. Trận đấu kết thúc là màn thư giãn xương khớp trong con suối mát lạnh, tắm xả láng đến lúc mặt trời ửng hồng vẫy chào xuống núi thì tôi biết mình có bổn phận phải về nhà.

Đường về nhà đầy rẫy những chiến tích trên môi miệng của trận đấu ngày hôm nay, bất chợt đằng xa chúng tôi thấy bóng dáng ai đó đang cắm cúi giữa những lùm cỏ cao vút. Vì trời đã mờ tối, chúng tôi lại gần hơn mới nhận ra bà Sáu đang tranh thủ cắt những bó cỏ sau một ngày làm việc mệt mỏi. Thủy đưa tay lên miệng như kiểu im lặng, và ra lệnh tất cả nấp vào cái cây cạnh đó. Cái cây khá to nên đã ôm trọn cả 4 đứa vào sau lưng, trông rất kín đáo và an toàn. Tôi ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì thằng Thủy nói thầm vào tai, bàn về kế hoạch hù ma bà Sáu. Tôi và Tí khuyên ngăn nhưng thằng Thủy khơi lại chuyện xưa: Vụ bà Sáu mắng vốn ba má nó về chuyện nó ăn hiếp cháu trai của bà Sáu, tôi nghe xong chuyện liền bị thuyết phục ngay.

Thằng Thủy mở màn bằng những tiếng khóc nghe có phần man rợ. Lạ lùng thay, khi thằng Thủy cất giọng thì đột nhiên xuất hiện những cơn gió vi vu, kéo theo những chiếc lá khô bay bay, một sự kết hợp vô cùng hoàn hảo. Bà Sáu đứng khựng người dậy, mắt nhìn chăm chăm về phía cái cây, với một người mê tín như bà Sáu thì có lẽ bà đang tin mình gặp ma thật. Thiên thời địa lợi thúc đẩy tôi tiếp bước bằng những tiếng kêu la: "oan ức quá, oan ức quá", bắt chước theo từ đĩa truyện ma mà anh tôi hay nghe. Thằng Cẩn giả tiếng quạ kêu, còn thằng Tí vẫn ngồi im theo chỉ dẫn. Bảng cửu chương thì Tí đọc vanh vách chứ mấy cái trò này nó ngây thơ, trong trắng như tờ giấy kiểm tra của tôi. Cả 4 chúng tôi cùng phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển, nghe thảm thiết vô cùng. Đến nước này, bà Sáu hét toáng lên: "Làng xóm ơi, có ma", nhưng ở giữa cánh đồng này ai nghe, bà chạy toán loạn trong sự sợ sệt. Chúng tôi cảm thấy sung sướng vô cùng như vừa chiến thắng đội bạn, bằng những tiếng cười và những cái đập tay ăn mừng, một sự trả thù ngọt ngào dành cho bà Sáu.

Chúng tôi bước đều đến chiến trường của bà Sáu trong tiếng cười khoái chí, thì mới phát hiện ra bà Sáu sợ đến độ bỏ của chạy lấy người. Đôi dép cũ kỹ cùng cái liềm nằm vất vưởng trên bó cỏ đang cắt dở. Thằng Cẩn nảy ra ý định chiếm lĩnh chiến lợi phẩm ấy để đi đổi cà-rem của ông Chín hay đứng ở đầu làng. Vì cái bụng đã đói meo và chúng tôi cũng mệt rũ, nên chúng tôi đều đồng ý tán thành cho một ý kiến không hề tồi lúc bấy giờ. Trong giỏ cà-rem của ông Chín chỉ còn lại vỏn vẹn 4 cây, đã được chúng tôi quy đổi bằng đôi dép và liềm một cách nhanh gọn và dứt khoát. Hình như ông Chín đã quá hời trong thương vụ này, nhưng chúng tôi cũng chẳng có lỗ thiệt gì nên cả hai bên đều vui. Cây cà-rem ấy ngon lành một cách tột độ, chúng tôi ngồi cạnh con đê để thưởng thức một cách trọn vẹn.

Chúng tôi chia tay nhau ở ngã ba, sắp đến nhà, tôi liên tưởng một bữa ăn đạm bạc hôm nay do mẹ tôi nấu, vì hôm nay ba tôi có dịp về thăm nhà. Tôi hào hứng nhảy qua cái hàng rào hoa râm bụt vào nhà, thì nhận ra cái bóng dáng ai đó quen thuộc đang nói chuyện với ba mẹ trong phòng khách. Nhìn thoáng qua khe cửa tôi thấy vẻ mặt của ba tôi trông rất giận dữ và đáng sợ, tôi hy vọng rằng câu chuyện họ nói không phải là của chúng tôi vừa mới gây ra. Nhưng cuộc sống mấy khi có phép màu, tôi nghe loáng thoáng có tên Tí, Thủy, Cẩn và tôi được đề cập đến trong câu chuyện, nên tôi không còn đủ bình tĩnh để nghe tiếp. Chiến tích hào hùng của chúng tôi đã bị thổi bay để nhường cho sự lo sợ mà tôi biết chắc mình sẽ bị một trận no đòn từ ba. Tôi mới chợt nhớ ông Chín đổi cà-rem là em ruột của bà Sáu, có thể họ đã biết hết mọi mưu mẹo của chúng tôi, cộng thêm cái giọng khàn đặc, chua lè đặc trưng của tôi làm cho bà tìm được manh mối dễ dàng. Tranh thủ lúc gia đình chưa phát hiện tôi đã về nhà, nên tôi đã chuồn thật nhanh theo hướng giàn mướp theo lối thẳng chạy đến nhà của Cẩn. Tôi bất ngờ khi thấy Cẩn vẫn đang tắm phía sau nhà một cách ung dung, tự tại như chưa có chuyện gì xảy ra. Chắc bà Sáu tiện đường nên đã ghé nhà tôi trước. Tôi gọi Cẩn bằng cái huýt sáo quen thuộc, hắn chạy ra. Nghe tôi nói vài câu, hắn đã hiểu chuyện, bèn vơ lấy bộ đồ mặc vào và ra hiệu phải đến nhà Thủy ngay bây giờ. Cả ba cùng bàn kế hoạch để tránh trận đòn roi đang chờ, ý kiến bỏ nhà ra đi của Thủy được tán thành một cách tuyệt đối, vì đó là con đường duy nhất để chúng tôi thoát thân. Cả ba khẩn trương kéo đến nhà Tí để đưa nhau đào tẩu. Từ đằng xa chúng tôi đã nghe tiếng roi vọt của ba má Tí, kèm theo hàng tá câu răn đe, cấm cản không được giao du với nhóm chúng tôi nữa. Cả ba tuyệt vọng trong việc giải cứu cho Tí, nhưng chúng tôi không còn thời gian nữa, phụ huynh sẽ tóm được mất, chúng tôi phải đi ngay bây giờ, "xin lỗi Tí". Bộ thiếu Tí là một mất mát vô cùng to lớn, thiếu đi một người thông minh để đưa ra sáng kiến giải quyết sự tình cho những khó khăn phía trước.

Ngọn núi cuối làng là địa điểm chúng tôi chọn để ẩn náu. Chúng tôi đang từng bước tiến đến đó với khung màn đen tối bao trùm. Vất vả trèo lên hòn đá cao, ngồi bệt xuống, thở phào nhẹ nhõm sau khi trải qua cuộc hành trình đầy hiểm trở, chúng tôi chia nhau ra, người đi kiếm củi, người hái lá, bẻ cây để dựng một cái lều, đêm nay chúng tôi sẽ ngủ tại đây. Ngọn lửa từ cái bật của thằng Thủy đã nhen nhóm lên một bếp lửa đỏ rực, bên cạnh cái lều xộc xệch bằng lá cây. Ngồi trong chiếc lều, đưa tay hơ lửa để giữ ấm cho cơ thể, chúng tôi hớn hở khi vừa thoát được trận đòn từ phụ huynh. Ngồi bàn về tương lai, chúng tôi đều mơ về việc làm ra được một khối tài sản kếch xù ở ngọn núi này, sau đó trở về trong sự ngỡ ngàng của dân làng. Tìm gặp Tí là việc đầu tiên, hỏi thăm Tí có ổn không? Và đón Tí đến ở cùng, cho Tí thưởng thức những món ăn thượng hạng để bù đắp cho Tí những ngày tháng qua. Nhắc đến ăn, chúng tôi nhớ ra cái bụng đang trống trơn, hồi chiều đến giờ chỉ lót dạ bằng cây cà-rem bé tẹo của ông Chín. Chúng tôi phải chia nhau ra đi kiếm thức ăn, mà ở cái đồi núi hoang sơ đầy sỏi đá và cây cổ thụ này thì đào đâu ra cái ăn để nhét vào bụng bây giờ? Đang loay hoay tìm giải pháp thì bất chợt một cơn mưa nặng hạt đổ xuống, khiến cho túp lều sơ sài của chúng tôi đổ sập xuống, bếp lửa tắt lịm. Ba chúng tôi chỉ còn lại cảm giác hụt hẫng, bế tắc trong cái run cầm cập. Quần áo, căn lều, những cây củi, cái bật lửa cũng đã ướt nhẹp. Chúng tôi rơi vào đường cùng. Cơn gió lạnh thổi ngang qua, sấm chớp, pha trộn với tiếng dế, tiếng ếch làm sự liên tưởng về những câu chuyện ma bắt đầu hiện lên trong đầu chúng tôi. Bây giờ thì chúng tôi đang thực sự trải qua cảm giác của bà Sáu lúc chiều, giá như thời gian quay lại, thì chúng tôi đã rút lại cái màn dọa ma đó với bà Sáu. Nhưng cuộc sống này làm gì có chuyện giá như, bây giờ chúng tôi phải lãnh chịu cực hình ở nơi đây với cảnh tượng ớn lạnh này. Nhìn về phía ngôi làng nhỏ với vài ánh đèn le lói, im lặng, ôm chầm nhau để giữ ấm, cố quên đi cái lạnh, cái đói, cái sợ. Thủy tự dưng khóc òa lên. Đúng lúc tôi cần sự lì lợm, mạnh mẽ từ nó thì nó lại nũng nịu, yếu mềm như cái tên của nó vậy. Nó làm tôi và Cẩn cũng khóc theo một cách không thể kìm chế. Lúc này tôi cảm thấy nhớ nhà, bình thường trời mưa thì tôi đã chui vào cái giường tuy không sang trọng nhưng ấm áp với một cái bụng no nê. Sự kiên nhẫn cho kế hoạch bỏ đi của chúng tôi đã hết, chắc bây giờ đang là 10 giờ đêm. Chúng tôi quyết định về nhà, sẽ quỳ ngoan ngoãn trước phụ huynh, và gồng mình chịu những trận roi vọt ấy. Chúng tôi chia tay nhau, ai về nhà nấy.

Khi tôi thấp thoáng đến sân, hình ảnh mẹ tôi chạy vội thật nhanh ôm chầm lấy tôi với nét mặt chẳng hề có một chút căm phẫn. Thay vào đó là giọng nói đầy trìu mến của mẹ thường ngày: "Con đi đâu bây giờ mới về, ba và các anh sốt ruột đang đi tìm con". Tôi vẫn chưa biết mở miệng như thế nào, thì mẹ đã bế tôi vào nhà, lúc này tôi cảm nhận rất rõ hơi ấm của mẹ, là thứ mà không có gì bằng. Tôi tắm nước ấm, thay đồ mới, và được ngấu nghiến chén cơm nóng hổi, với miếng cá ngon nhất trần gian bởi mẹ nấu. Nhưng trong lòng tôi vẫn chưa hết lo sợ vì vẫn chưa vượt qua được cái ải tra xử của ba. Đúng lúc ấy, ba và các anh của tôi cũng đã về với những bộ đồ lấm lem, và cái đèn pin trên tay. Tôi đã sẵn sàng tâm lí để tự động tiến lại góc nhà, vị trí quen thuộc mà ba luôn bắt tôi quỳ mỗi khi mắc tội, thì bỗng dưng có cánh tay ai đó níu kéo tôi lại. Tôi đứng giữa ba và các anh với vô vàn lời hỏi han. Lúc này tôi thấy ân hận vì lỗi lầm của mình đã làm liên lụy đến gia đình. Hôm nay, tôi cảm nhận được sự dịu dàng, nhân hậu đến lạ thường từ ba với những lời giảng dạy, hóa ra ba luôn yêu con.

Mặt trời đã lên cao, tôi thức dậy tận hưởng những tiếng chim ríu rít trong vườn, ba mẹ và các anh đã ra đồng lúc nào mà tôi chẳng hay. Tôi chạy nhanh đến nơi tập hợp quen thuộc thì đã thấy Cẩn và Thủy ở đó rồi. Tôi khá bất ngờ vì chẳng có đứa nào phải chịu đòn roi từ phụ huynh, nên trông đứa nào cũng yêu đời cao độ. Nhưng nhân vật Tí vẫn chưa đến, có lẽ qua vụ này, chắc ba má cấm nó không được chơi với chúng tôi nữa, tôi hụt hẫng vô cùng. Đến lúc chúng tôi định đi về thì Tí hốt hoảng chạy đến, trên tay cầm những túi bột canh từ mì gói, tặng cho từng đứa như lời xin lỗi chân thành vì hôm qua không đi với chúng tôi được. Tôi giải thích: "Giữa chúng ta không có lỗi với nhau, nhưng có lỗi cực nặng với bà Sáu". Tí tiếp thêm, tối hôm qua, phụ huynh của chúng tôi đã đến nhà bà Sáu để xin lỗi và đền bù cái liềm lẫn đôi dép cho bà trong sự vui vẻ tha thứ của bà Sáu. Chúng tôi thấy mình phải đến tạ tội với bà Sáu, bởi vì chúng tôi đã rất ân hận và phải chịu hậu quả khôn lường. Ánh mắt của bà Sáu trở nên dịu dàng, đằm thắm biết bao so với mọi khi. Bà không để bụng, coi đó như một trò đùa của lứa tuổi học trò. Nhưng với tôi, từ nay không dám đùa cợt như vậy thêm một lần nào nữa. Bà Sáu cho chúng tôi mỗi đứa một trái xoài như một lời tha thứ chắc nịch trước khi cả bọn chào bà để cáo lui. Mọi hôm bột canh của Tí là một món ăn xa xỉ của trẻ em chúng tôi, hôm nay đi kèm với những trái xoài của bà Sáu nữa thì đúng là thượng hạng.

Nắng đã thưa dần, cánh phượng nay cũng tàn phai, chỉ còn lại lác đác những tiếng ve yếu ớt. Vậy là một mùa hè nữa lại sắp trôi qua. Chúng tôi ngồi bệt trên hòn đá hôm trước, ngắm nhìn ngôi làng mình với khung cảnh tươi đẹp, yên bình, phản chiếu vào mắt. Đưa tay vẫy chào mùa hè với những kỷ niệm buồn vui, ngày mai chúng tôi bước vào năm học mới, viết vào trang giấy nhỏ những điều ước nguyện cho năm học mới thật nhiều thành công, để cùng dựng xây ngôi làng thân yêu.
 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn
Sân khấu: Kịch ngắn "Đêm văn nghệ mừng công" của tác giả Trần Phương Hạnh(10/07/2024)
Hoài niệm ngày nắng nóng(10/07/2024)
Ngọn đuốc (10/07/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Danh xưng của các làng xã xưa và nay"(08/07/2024)
Trưa nay, biển(28/06/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na