Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Thời báo Văn học nghệ thuật thực hiện bài viết về các “nữ thuyền trưởng” đang chèo lái con thuyền văn học nghệ thuật nước nhà để lắng nghe câu chuyện về con đường mà họ chọn, về ngôn ngữ riêng của họ, về các thế mạnh và cả những thách thức khi tham gia lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật.
Những “nữ thuyền trưởng” văn học nghệ thuật.
NSNA Trần Thị Thu Đông: Bền bỉ với niềm đam mê nhiếp ảnh
Bằng sự năng động, sáng tạo, bản lĩnh, cùng tính nữ mềm dẻo và kinh nghiệm quản lý nhiều năm, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông là một “nữ tướng” xứng tầm cầm quân, góp phần đưa văn học nghệ thuật ngày càng phát triển.
Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, vị nữ Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam này đã luôn bền bỉ, cố gắng làm thật tốt vai trò trung tâm đoàn kết để tập hợp, phát huy trí tuệ các thành viên trong Ban Chấp hành, của hội viên nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, đưa nhiếp ảnh Việt Nam ngày càng phát triển.
Trưởng thành và gắn bó sâu sắc với nghệ thuật nhiếp ảnh, chị có lẽ là người thấu hiểu hơn ai hết về những nỗi vất vả mà các nữ nghệ sĩ phải trải qua khi nguyện gắn cuộc đời, sự nghiệp của mình với chiếc máy ảnh.
Chị là một "nữ thuyền trưởng" có tình yêu bền bỉ với nhiếp ảnh.
NSNA Trần Thị Thu Đông chia sẻ: “Chúng ta ai cũng biết, sáng tạo nghệ thuật là một công việc đặc thù, vất vả, không dễ dàng, thậm chí có thể nói là rất khó. Để tạo ra được tác phẩm tốt, bên cạnh năng khiếu, kiến thức, lòng đam mê, người nghệ sỹ còn phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ. Có lẽ vì thế mà không nhiều người đeo đuổi, đặc biệt giới nữ thì lại càng là một con số ít trong ngôi nhà sáng tạo nghệ thuật chung của cả nước.
Đối với loại hình nhiếp ảnh cũng không ngoại lệ. Sáng tác ảnh nghệ thuật đòi hỏi người cầm máy còn phải có những điều kiện khác như: kinh phí, sức khỏe, thời gian… phải bám sát thực tế nên đi rất nhiều. Đối với phụ nữ thì nghề này càng vất vả hơn vì điều kiện tác nghiệp rất gian khó”.
Theo chị, bên cạnh việc say mê, tìm đề tài sáng tác, phụ nữ không thể lãng quên thiên chức “người giữ lửa cho gia đình”, chăm sóc chồng con. Ngay cả những phụ nữ đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ từ phía gia đình. Vì thế, có thể nói, phái nam theo đuổi đam mê nhiếp ảnh đã khó, phái nữ lại thêm khó bội phần - họ đã phải đấu tranh, trăn trở rất nhiều và chấp nhận hy sinh bản thân để theo đuổi đam mê nghệ thuật. Tuy nhiên, khi đã hết mình với đam mê, thành quả mà các nhà nhiếp ảnh nữ đạt được chẳng thua kém gì phái mạnh.
NSND Trịnh Thúy Mùi: Người giữ lửa cho ánh đèn sân khấu
NSND Trịnh Thúy Mùi luôn gây ấn tượng với hình tượng một nữ chủ tịch có tài, có tâm, có tầm. Nhìn lại những kết quả mà sân khấu đã đạt được trong những năm gần đây mới thấy nữ “thuyền trưởng” có dáng người nhỏ nhắn đó đã chèo lái con thuyền sân khấu tài tình như thế nào qua bao sóng to gió cả.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Xác định tầm nhìn và hướng đi trong việc đổi mới, nhằm bắt kịp xu thế và nhịp sống của xã hội, mang sân khấu đến gần hơn với mọi đối tượng khán giả, trong vai trò lãnh đạo của mình, NSND Trịnh Thúy Mùi đã góp sức không nhỏ trong việc đưa sân khấu Việt Nam vượt qua thời kỳ khủng hoảng nặng nề. Chỉ trong năm nay, sân khấu đã nổi bật lên với những cuộc thi, kỳ liên hoan, những khởi sắc đầy ấn tượng.
Các cuộc Liên hoan do Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức và phối hợp tổ chức như: Liên hoan sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ hai tại Trà Vinh (4/2023); Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023 (5 – 6/2023); Các cuộc thi Tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2023; Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ XIV năm 2023 và lễ giỗ Tổ sân khấu dân tộc (9/2023); Các Hội thảo, đề án, tọa đàm nhằm xây dựng các chiến lược cho ngành sân khấu;… đã tạo nên những tiếng vang trong dư luận, động viên, cổ vũ tinh thần các nghệ sĩ, để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ lần thứ II đã góp phần bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer, làm phong phú đời sống tinh thần đồng bào Khmer Nam Bộ.
Bên cạnh đó, NSND Trịnh Thúy Mùi còn rất thành công với vai trò Tổng đạo diễn các chương trình nghệ thuật lớn của Trung ương và Hà Nội. Chị được trao tặng Huân chương Lao động Hạng 3 và vinh dự được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” - một danh hiệu dành cho những người có những đóng góp đặc biệt xuất sắc cho Thủ đô đất nước.
Ở cương vị vừa là nghệ sĩ, vừa làm công tác quản lý bận rộn như thế, ít ai biết rằng chị còn là một trong những nghệ sĩ ngâm thơ được hâm mộ nhất nước ta hiện nay với giọng ngâm truyền cảm, lắng đọng và thiết tha.
Với sự tập trung tâm huyết, trí tuệ để tạo nên làn gió mới trong các hoạt động sân khấu, NSND Trịnh Thúy Mùi dù ở trên cương vị Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật truyền thống sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vẫn luôn làm tròn trách nhiệm trong việc xây dựng đời sống hoạt động nghệ thuật, không ngừng sáng tạo và làm mới mình với mong muốn đưa nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống đương đại.
Giữ lửa cho những ánh đèn sân khấu bằng tâm huyết, khát vọng và trách nhiệm NSND Trịnh Thúy Mùi luôn mong muốn phát huy được sức mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ để các anh chị em nghệ sĩ không chỉ có thể sống được với nghề, mà còn vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao nghệ thuật.
Nhà phê bình lý luận Nguyễn Thị Minh Châu: Hết mình với âm nhạc
Là “dân” lý luận âm nhạc chuyên nghiệp, một cây bút phê bình sắc sảo, nhà phê bình lý luận Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã gắn bó cả cuộc đời, sự nghiệp của mình với nền âm nhạc Việt Nam từ Viện Âm nhạc – Múa, phân viện Văn hóa – Nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho đến nay là Hội Nhạc sĩ Việt Nam với nhiều vai trò, trọng trách quan trọng.
Nhà phê bình lý luận Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Trò chuyện với chị trong dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 chị chia sẻ, trong công việc chị không cho mình là một người lãnh đạo mà chỉ là một người nhận nhiệm vụ, chịu trách nhiệm về một vấn đề nào đó.
Là một người nhận nhiệm vụ âm nhạc, chị quan niệm chỉ khi thấu hiểu vai trò và giá trị của văn học nghệ thuật, biết rõ hoàn cảnh sống và những trăn trở của văn nghệ sĩ, sẵn lòng đồng hành cùng họ, thì người quản lý mới có thể giữ vai trò “bà đỡ mát tay” cho những sáng tác giàu tính nhân văn và giá trị nghệ thuật.
Dù trong công việc nào, lĩnh vực nào, vai trò nào thì theo chị chúng ta đều phải hướng đến cái hạnh phúc: “Trong cuộc sống này, quan niệm hạnh phúc rất là rộng, trong bất kể công việc gì, dù là đàn ông hay phụ nữ đều phải sống hết mình, sống với cái tâm của mình, khi mình cảm thấy mình làm cái việc đó mà mình không thấy ân hận, mình thấy hài lòng với chính mình thì đấy là cái có thể coi là hạnh phúc”.
Thường văn nghệ sĩ nữ sẽ có sự nhạy cảm, với những góc nhìn tinh tế, cách biểu hiện cũng mềm mại nhưng cũng có những người phụ nữ rất dữ dội, rất mạnh mẽ. Và chị tin rằng điều hạnh phúc cần phải có trong họ đó là sự dồi dào cái cảm xúc sáng tạo và luôn cảm thấy hạnh phúc khi mình có được những đứa con tinh thần, đóng góp cho cuộc đời những nốt nhạc vui, vần thơ hay, bức tranh đẹp.
Trong sáng tạo nghệ thuật, nhà phê bình lý luận Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng mỗi một người với cái tài năng của riêng mình cộng với sự hiểu biết cuộc sống, vốn sống, vốn nghề, cộng với sáng tạo cá nhân sẽ tạo ra được tác phẩm nghệ thuật, không cần biết họ có giới tính gì.
Nhà văn Niê Thanh Mai: Tô đậm sắc màu cho văn học nghệ thuật Tây Nguyên
Luôn gây thiện cảm với mọi người bằng năng lượng tích cực của sự thân thiện, cởi mở Nhà văn Niê Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk không chỉ là một cây bút tràn đầy nhiệt huyết mà còn là một cán bộ quản lý với năng lực lãnh đạo tài tình.
Nhà văn Niê Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk.
Ở chị người ta còn thấy được những trăn trở, suy tư về sự phát triển văn học nghệ thuật của Đắk Lắk nói riêng và của vùng Tây nguyên nói chung với những mong muốn làm sao có thể làm bật lên nét đẹp về vùng đất, con người nơi đây.
Chị chia sẻ, việc sáng tạo văn học nghệ thuật và công tác quản lý văn học nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức vì vậy sự quan tâm, động viên từ phía gia đình, đồng nghiệp, bạn bè là động lực to lớn của chị. Những sự cổ vũ đó tiếp thêm năng lực để chị sắp xếp công việc một cách hợp lý cũng như dành thời gian cho gia đình và bản thân.
“Các công việc này bù đắp cho nhau, các hoạt động văn học nghệ thuật nhiều khi có được sự hỗ trợ của gia đình là nguồn sức mạnh to lớn đối với chúng tôi, văn học nghệ thuật giúp chúng tôi yêu quý hơn cuộc sống cũng như yêu quý gia đình mình”, Nhà văn Niê Thanh Mai chia sẻ.
Theo chị, tất cả những người phụ nữ đều có những cá tính đặc trưng của họ, cộng với những phẩm chất vốn có của phụ nữ như khéo léo, chỉn chu, giàu sáng tạo,… mỗi người sẽ tạo nên những cung bậc, chiều sâu nhất định. Đặc biệt chiều sâu đó khi được thể hiện trong văn học nghệ thuật sẽ tạo nên những tác phẩm chứa đựng tâm huyết, bản sắc riêng của mỗi người.
Nhà văn Trương Thị Thương Huyền: Cất tiếng nói của mình theo cách riêng
Với tài năng, bản lĩnh và sự nhiệt thành, nhà văn Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Hải Dương, Ủy viên Ủy ban toàn quốc – Phó ban Kiểm tra Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố của một “nữ thuyền trưởng”. Ở chị vừa có sự sắc sảo, linh hoạt lại vừa có sự tỉ mỉ, ấm áp của một người làm báo, viết văn, làm công tác quản lý.
Nhà văn Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Hải Dương, Ủy viên Ủy ban toàn quốc – Phó ban Kiểm tra Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Dù đảm đương nhiều công việc, trọng trách là thế nhưng chị cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống bằng cách thật đơn giản: “Tôi là nhà văn khi ở cơ quan, khi làm việc, khi viết văn và là Đàn bà (là con, là vợ là mẹ) khi tôi về nhà! Xác định rõ vai trò của mình ở mỗi vị trí thì sẽ cân bằng thôi mà”.
Chị chia sẻ, hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật là hoạt động rất đặc thù và với giới nào thì nó vẫn giữ nguyên đặc trưng đó.
Tuy vậy, với nữ giới sáng tạo văn học nghệ thuật có những khó khăn và thuận lợi riêng và với bản năng và phẩm chất riêng mà tạo hoá ban tặng cho phụ nữ thì sự mềm mại, tỉ mỉ, chỉn chu khi sáng tạo họ sẽ gặt hái được nhiều thành tựu, nếu họ thực sự "sống chết" với văn học nghệ thuật họ sẽ làm ra những tác phẩm bề thế, giàu giá trị nhân văn, giàu yêu thương, mạnh mẽ mà vẫn đầy nữ tính!
Và điều những nữ văn nghệ sĩ thu lại nhiều nhất là họ gửi gắm được khao khát và tiếng nói của họ với xã hội thông qua sự nghiệp sáng tạo rất riêng của giới nữ.
Nhân Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, xin chúc các nữ văn nghệ sĩ trên cả nước luôn xinh đẹp cả về hình thể và tâm hồn; giàu có cả ở đam mê sáng tạo và vật chất; ấm áp cả trong hạnh phúc riêng và sự nghiệp chung trong mái nhà văn học nghệ thuật! |
Huyền Thương
(Nguồn: https://arttimes.vn/)