Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Danh xưng của các làng xã xưa và nay"
08/07/2024 12:00:00

Tác giả: Tăng Bá Hoành

 

Về danh xưng các làng xã có ý nghĩa lịch sử sâu sắc không thể xem thường, nó đi vào ký ức và niềm tự hào của nhiều thế hệ, đồng thời cũng để lại dấu ấn lịch sử qua các thời, vì vậy khi đặt tên, đổi tên cần thận trọng, dưới đây chỉ nêu vài ví dụ căn bản.

Đặt tên theo dòng họ: Thời phong kiến, dân số ít, đất đai hoang hóa còn nhiều, nhất là vào đầu thế kỷ XV. Anh em ruột thịt trong một dòng hoặc một chi họ, hoặc một gia đình lớn, khi khai phá khu đất nào được quyền đặt tên xóm, ấp, trại mang dòng họ mình như: Trần Xá, Đào Xá, Nguyễn Xá, Bùi Xá, Phí Xá… Xá () trong ngữ cảnh này chỉ là nơi ở của một nhóm cư dân. Ban đầu, nhóm cư dân chỉ tạo nên xóm, ấp nhỏ dăm mười gia đình. Xóm ấp lớn dần lên thành thôn, rồi xã và đương nhiên mang tên các dòng họ ấy, ở Hải Dương không ít tên xã như vậy. Nhìn rộng ra cả nước cũng vậy, huyện Năm Căn (Cà Mau), lúc đầu chỉ có năm gia đình đến sinh sống, làm ăn, qua hai, ba thế kỷ trở thành một huyện lớn không chỉ là một làng. Cũng có trường hợp làng mang tên một dòng họ nào đấy nhưng nay họ ấy không tồn tại ở xã ấy, bởi vì họ đã thiên di hoặc đổi tên do nhiều lý do.

Đặt tên theo hoàn cảnh tự nhiên: Rất nhiều làng xã đặt tên theo hoàn cảnh tự nhiên. Nơi có núi đồi, gò đống đặt tên thường có chữ sơn, ví dụ Hoành Sơn ở Kinh Môn, Chúc Sơn ở Chí Linh. Có những xã tuy không có tên là sơn nhưng ngữ nghĩa lại gần với chữ sơn như Chi Ngại, tức nơi có nhiều đồi gò, có những hòn đá to chồng, gối lên nhau; Tứ Kỳ (四岐) ở đây có nhiều gò đống từ thời Bắc thuộc. Nơi có rừng, thường có chữ lâm (), nơi gần sông, có chữ giang hay hà, như Hàn Giang, Thanh Giang, nơi giáp vụng sông sâu, thường có chữ uyên (), như Đại Uyên, Ngư Uyên, Ngọc Uyên; nơi gần ao hồ, đầm vạc, thường có chữ trạch (), như Mộ Trạch, Hoạch Trạch. Nơi gần sông suối nhỏ, có chữ khê (), xuyên (). Nơi gần biển thường có chữ Hải ()… Nghiên cứu các địa danh này, chúng ta tìm ra rất nhiều sự kiện lịch sử, địa lý quan trọng.

Đặt tên theo mỹ tự: từ thời Lê Trung Hưng về sau, nhiều làng xã đặt tên theo mỹ tự như Thuần Mỹ, Hưng Long, An Lạc… Làng Chu Đậu, thế kỷ XV viết là Chu Đậu (舟逗) tức là bến thuyền, đến thế kỷ XVIII, vẫn gọi là Chu Đậu nhưng tự dạng hoàn toàn khác (周稌), nghĩa cũng khác. Chu ở đây là sự trọn vẹn, là triều đại nổi tiếng ở Trung Quốc từ trước công nguyên, Đậu nguyên âm là đồ, tức là một thứ lúa nếp, tức nhu mễ nổi tiếng, như vậy Chu Đậu là bến thuyền chuyên chở đồ gốm. Từ thế kỷ XV, thành một đặc sản của lúa nếp liên quan đến men tro trấu của dòng gốm đặc biệt này. Tuy nhiên, một số địa phương muốn cho làng mình vĩ đại hơn, nên không có núi vẫn đặt tên Sơn, không có biển vẫn đặt tên Hải… làm cho việc tìm hiểu địa danh thêm nan giải. Đôi khi còn có cách đặt tên theo nghĩa bóng, không dễ hiểu ngay được, ví dụ xã Mao Điền nơi có trường thi hương và văn miếu hàng tỉnh. Mao tức mao bút, nghĩa là bút lông; Điền tức điền tự, nghĩa là ruộng chữ. Bút lông cày trên ruộng chữ đương nhiên là trường học.

Đổi tên do phạm húy: Thời phong kiến, nếu tên làng xã, huyện tỉnh nào trùng với tên vua, chúa, thậm chí trùng với tên phụ mẫu của vua cũng phải đổi tên như Cối Xuyên (檜川), vốn là tên làng từ thời Trần của Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa, khi Trịnh Cối lên ngôi (1569) phải đổi thành Hội Xuyên (會川), xã Đoàn Tùng, khi Trịnh Tùng lên ngôi (1571) phải đổi thành Đoàn Lâm… Cấp phủ, huyện cũng thay đổi tương tự khi phải kiêng húy. Tránh tên húy nhiều khi phải đọc chệch đi như Giang gọi là Giàng, Mạnh gọi là Mệnh…

Thay đổi địa danh do quá trình phân chia hay hợp nhất: ?ây là câu chuyện vô cùng phức tạp, không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu biết một cách căn bản. Thời phong kiến, thường chỉ thấy sự chia tách hơn là hợp nhất làng xã. Khi các xã lớn dần lên phải chia ra, thường có các từ Đông, Tây (Đoài), Nam, Bắc, thượng, hạ, nhất, nhị… Khi hợp nhất không thể dùng những từ này được. Việc đặt tên xã chia tách, phần nào còn thuận lợi hơn đặt tên xã hợp nhất, khi mà 3-4 xã hợp nhất làm một, thật phiền toái khi phải thỏa mãn ý nguyện của cư dân, trong trường hợp này, thường phải đặt một tên mới thay cho những tên cũ. Hệ lụy của việc thay đổi tên làng xã ảnh hưởng sâu sắc đến những người con tha hương khi tìm về cố quán hay khi nghiên cứu lịch sử một làng xã xa xưa.

Sau Cách mạng tháng Tám, đất nước ta, cụ thể ở Hải Dương đã tiến hành một cuộc hợp nhất xã trên toàn quốc, gọi là liên xã, có khi 3-4 xã thời phong kiến hợp thành một xã. Tên xã thời kỳ này lạm dụng tên các danh nhân, các danh từ mang yếu tố cách mạng. Đặt tên danh nhân nhiều khi cũng bất tiện, khi sử dụng, dân gian thường quên đó là tên danh nhân, vô tình thêm vào đó các từ loại rất phản cảm. Vì thế có lẽ nên giảm cách đặt tên theo kiểu này.

Đến thời kỳ Cải cách ruộng đất (1955-1956), các xã lớn lại được chia tách. Thời nay có cách đặt tên rất đặc biệt, lấy tên huyện làm chữ đầu cho các xã như: Thanh Hà có xã Thanh An, Thanh Lang, Thanh Cường, Thanh Bính… Đặt tên cách này dễ đoán ra xã ấy thuộc huyện nào của tỉnh, nhưng vô tình làm mất một thành tố lịch sử về tên làng cổ, gây hệ lụy cho hậu thế và những người con xa xứ, khi muốn tìm về cố hương thật bâng khuâng. Cách đặt tên này không phải lúc nào cũng thành công. Ví dụ, huyện Kim Thành, nhiều xã bắt đầu bằng chữ Kim nhưng khi đến làng La thì không thể đặt tên là Kim La được. Trường hợp này không khác gì một dòng họ có chữ đệm bất tiện, ví dụ, họ Tôn Thất, thất ở đây là gia thất (家室), nhưng thất còn có chữ đồng âm thất () nghĩa là mất, nên không ai dám đặt tên là Tôn Thất Đức bao giờ.

Tên Nôm: Mỗi làng xã ngoài tên tự, tức tên trong danh bạ hành chính Nhà nước còn có một tên Nôm, tức tên theo tiếng thuần Việt hoặc chỉ gọi một từ theo Hán Việt. Tên Nôm thường rất ngắn gọn, phổ biến là một từ, được dùng hằng ngày trong đời sống dân gian, có sức mạnh phi thường, có khi át cả tên tự.

Tên Nôm theo cách dịch tên chữ, tức từ chữ Hán dịch thành nghĩa Nôm, ví dụ: Hoạch Trạch (穫澤), nghĩa là đầm vạc, nơi trũng thấp có thu hoạch, nơi có thể cấy lúa, vì thế tên Nôm gọi là làng Vạc, vạc đây không liên quan gì đến cò vạc. Mộ Trạch (慕澤), cũng có nghĩa là chằm vạc yêu quý, hay luôn nhớ đến, tên có từ thế kỷ thứ IX, liên quan đến nơi định cư của Vũ Hồn, Nôm gọi là Chằm. Dân gian có câu: "Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm". Làng Chằm tức là làng Mộ Trạch, nơi có số người đỗ đại khoa đứng đầu cả nước, tính theo đơn vị xã thời phong kiến.

Gọi theo cách biến âm: Đình Tổ (亭祖), Nôm gọi là Tó. Chi Ngại (枝碍) gọi là Ngái. Thời Nguyễn, Chi Ngại viết thành Chi Nghĩa (枝義), Nôm đọc chệch đi thành Chi Ngãi, đây vốn là cố hương của danh nhân Nguyễn Trãi. Tráng Liệt (壯烈), Nôm gọi là Sặt. Làng Phì Mao (肥茅), Nôm gọi là làng Quao, tức làng làm nồi đất cổ truyền từ thế kỷ XV. Kệ Gián gọi là Cậy…

Đặt tên để nhớ cố hương: Trong quá trình tồn tại và phát triển, cư dân làng xã nhiều khi di cư đến một vùng đất mới do nhiều lý do đời sống, an ninh, thậm chí cưỡng bức. Ở quê mới, họ đặt tên theo cố hương có thể từ xóm, thôn, phố, phường rồi xã, thậm chí huyện. Phổ biến nhất là thời kỳ miền Bắc di cư vào Nam, năm 1954 hoặc thời kỳ xây dựng khu kinh tế mới, xây dựng đình, chùa, đền, miếu và thờ Thành hoàng như quê cũ. Ở huyện Sông Mã (Sơn La), có một ngôi đền thờ Hai Bà Trưng, phải chăng sinh thời Hai Bà đã đến đây? Thực tế không phải vậy. Trước tháng Tám năm 1945, ở đây có một nhóm cư dân di cư từ tỉnh Sơn Tây đến đây sinh sống, mang theo cả phúc thần của làng.

Tên Nôm thật thiên biến vạn hóa, đây lại là đề tài về ngôn ngữ liên quan đến địa danh, giải mã không dễ. Hải Dương thời Nguyễn có tới 1500 xã, thôn tên tự, đồng thời cũng có từng ấy tên Nôm. Vì vậy cần sớm có từ điển tên xã, thôn qua các thời để tiện việc tra cứu cho dân sinh, Nhà nước và cơ quan nghiên cứu.
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Trưa nay, biển(28/06/2024)
Tản văn "Ngọt ngào hương hoa vải" của tác giả Đào Thanh Tùng(28/06/2024)
Mưa mùa hạ(24/06/2024)
Truyện ngắn "Chân gỗ" của tác giả Tống Ngọc Hân(24/06/2024)
Miền hoa trắng (20/06/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na