Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tản bút "Tôi đã giẫm lên vạt cỏ lần đầu…" của tác giả Khúc Hà Linh
10/11/2023 09:07:58

Mảnh đất này từ năm 1923 đã được cấp “căn cước” danh xưng thành phố. Thế rồi năm 1947 (thời Pháp tạm chiếm), nhà cầm quyền chia thành phố thành 2 quận, rồi ít lâu sau lại chuyển thành thị xã. Cái tên gọi “Thị xã” bám suốt 50 năm (1947-1997)!…

***

Bàn chân non nớt của tôi lần đầu đặt lên hòn đất, vạt cỏ thị xã, là khi rời khỏi con thuyền gỗ cũ kỹ, sần sùi ở bến Hàn, rồi ngu ngơ bước trên vệ đê sông Thái Bình ngàn ngạt gió, từ hơn sáu mươi năm trước.

12 tuổi, học hết lớp 4, tôi được thầy mẹ cho về thăm quê cha đất tổ ở Thái Bình.

Từ nhà quê ra tỉnh, phải qua đò Bình sông Kinh Thầy và đò Hàn sông Thái Bình, lúc bấy giờ nhìn cái gì cũng lạ. Ấn tượng đầu tiên về thị xã, là đến đây bỗng được nghe tiếng hát trên loa đài, cảm giác thật thú vị. Ở nhà thỉnh thoảng tôi cũng được nghe đài, nhưng mà từ chiếc máy “Galen”. Làng tôi có một người vào loại có “máu mặt”. Ông này móc dây ăng ten treo trên cột tre đầu hồi, thế mà nghe được tin tức khắp nơi. Tối tối người hàng xóm kéo đến nghe nhờ. Người nọ thay người kia đeo cục sắt vào trong lỗ tai mới thấy tiếng ò è nhỏ như nói thầm rất thích… Còn bây giờ, tiếng loa phóng thanh, tiếng hát vang vọng khắp mọi nơi.

Rồi tới nhà ga. Lần đầu trong đời tôi mới được nhìn thấy xe lửa, dài loằng ngoằng như con rắn khổng lồ. Lại ngạc nhiên vì con rắn biết nhả khói lên trời, phát ra tiếng hú dài thôi thúc. Đi tiếp, anh bảo đấy là nhà bách hóa tổng hợp, kia là cửa hàng ăn số 1, số 2.

Thời bao cấp, ở đây có câu chuyện ăn phở “không người lái”, nghĩa là phở không có thịt. Khách mua bia hơi phải kèm gói lạc. Nhưng thích nhất là có quầy bán bánh mỳ. Chỉ cần 225 gr tem gạo, đổi được một chiếc bánh với giá rất rẻ, làm quà… Bánh mỳ nóng giòn, thơm ngon. Đứng gần người nhai bánh mà thèm đến ứa nước miếng.

Thời ấy ở đây có nhà bưu điện, lắp đồng hồ ba mặt, nhìn thẳng ra quảng trường Độc Lập. Người đi từ đại lộ Hồ Chí Minh, phố Trần Hưng Đạo hay đường Hồng Quang từ xa, vẫn nhìn rõ chiếc kim cần mẫn báo giờ. Thời ấy đây là khu vực sầm uất, có thể coi là trung tâm thị xã. Cũng là định mệnh, rồi sau này tôi đã trở thành công dân thị xã, sống và làm việc tại đây, chứng kiến những bước đi của thị xã - thành phố thân yêu.

Có thời gian rất dài, đường Năm còn chạy qua phố Trần Hưng Đạo, vượt qua cầu sắt Phú Lương, tiếp tục về Ngã Ba Hàng đi xuống cảng Hải Phòng… Đêm đêm, những chiếc xe tải ì ạch leo lên cầu, bóp còi inh ỏi xin đường lao vụt đi về phía Hà Nội, để lại sau hai vệt đèn pha loang loáng.

Thị xã bấy giờ chỉ có mấy phố chính…

Sau này tiếng là bắt đầu đô thị hóa, vẫn chưa xóa hết dấu vết xóm làng trong phố. Vẫn còn nhớ, phía sau phố Quang Trung, gần Viện Mắt vẫn còn ao chuôm đặc kín bèo tây và bồng bềnh bè rau muống già. Cây si bên bờ ao bèo, tua tủa những chùm rễ trắng nõn nà, như tín hiệu gọi những trận mưa về, rồi các loài lưỡng cư, chão chụôc, ếch nhái ào ào từ đâu nhảy ra mừng nước, miên man kêu gọi bạn tình. Giữa hai đầu hồi của hai nhà xây, vẫn còn sót một vài lùm tre. Từ phảng phất đâu đó, cây cau gầy guộc vươn thẳng, rung rinh chùm hoa vàng nhạt. Ban ngày ồn ào, dân phố thị mải mê chợ búa chẳng mấy ai để ý, nhưng đêm về tĩnh lặng, hương cau thơm nồng nàn một thứ hương thơm dìu dịu, mơ hồ chỉ những kẻ tĩnh tâm mới nhận thấy. Nó bị chiếc mo cau buộc hương lại, ủ cả ngày, hình như đến bây giờ mới được cởi nút ra cho gió tải đi xa?... Ngoài sông Sặt, đoạn chảy trong thị xã, ở phía bờ Nam là cánh đồng rộng phẳng lì, năm hai vụ nông dân Hải Tân sớm khuya cày cấy.

Ngày ấy, tôi đã mang hộ khẩu thường trú tại phường Trần Hưng Đạo. Ban ngày đứng trên tầng thượng khu nhà Tỉnh ủy, nhìn ra xa mênh mông một màu vàng lúa chín, đẹp như bức họa đồng quê. Những làn gió mang hương thơm của lúa, của rơm rạ, cả mùi cỏ cháy lãng đãng bay vào. Ban đêm, trên những mái ngói dọc phố Bạch Đằng mặt hướng ra sông Sặt chảy trong lòng thị xã, hàng trăm bóng đèn nhấp nháy, chơi vơi, chập chờn cao thấp, ánh điện ẩn hiện như những ngôi sao trên trời đang muốn sà xuống đất…

Những hình ảnh ấy đã ngấm dần, rồi biến hóa thành con chữ nhảy nhót trong bài thơ “Thị xã xuân đêm” của tôi, nhiều người vẫn nhớ:

Bầu trời căng phông nhung

Sao chín vàng mái phố

Gió nồng nàn hương lúa

Thị xã dìu dịu đêm…

Lại nói, từ xưa tại ngã tư Đông Thị (giao cắt phố Nguyễn Du- Quang Trung - Trần Hưng Đạo) có cửa hàng sách ngoại văn, chả biết tự khi nào thấy quầy bán bánh đậu, bánh khảo, bánh gai… Thế nên chỗ này thơm lắm, vị thơm chất phác, dân gian, hương thơm của đặc sản quê nhà:

Ngã tư ngào ngạt thơm

Bánh gai ai chín tới?

Bánh đậu nào đang gói?

Gió bến Hàn rời rợi

Tải hương ra ngoại ô…

Ngoại ô ấy, bây giờ cũng thành nội thị rồi. Những cánh đồng, ao làng các xã thuộc huyện Nam Sách, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Hà ở xung quanh… trở thành phố phường, biệt thự, khu đô thị mới tấp nập đông vui…

Ngày ấy phố Bắc Kinh yên ả, không ồn ào chợ búa như bây giờ. Ở đấy có trụ sở của Xí nghiệp in Hải Hưng và Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh. Đầu phố có vườn hoa chéo. Người ta đắp một chiếc bàn xi măng, để cho thiếu nhi làm bàn bóng pinh pông công cộng. Chỉ cần một sợi dây căng qua bàn, trẻ con có thể mang vợt đẽo và bóng ra chơi. Có phải vì thế, mà một thời gian dài, thị xã Hải Dương được mệnh danh là vương quốc bóng bàn, nổi lên những ngôi sao sáng lừng danh cả nước: Nguyễn Đức Long, Vũ Mạnh Cường… Có phải vì thế mà sau này Hải Dương thành nơi đã hai lần tổ chức Đại hội SEA Games 22 và SEA Games 31 có hàng trăm vận động viên bóng bàn các nước Đông Nam Á về thi đấu?

Ký ức về thị xã còn là rạp chiếu bóng Hòa Bình giữa phố Trần Hưng Đạo. Ngày ấy rạp Hòa Bình giống như một “cô gái đẹp kiêu kỳ”, được nhiều người mê say, ngưỡng mộ. Đây là nơi giới thiệu những tác phẩm điện ảnh (còn gọi là “nghệ thuật thứ 7”) rất hấp dẫn. Rạp chiếu một ngày ba, bốn “xen”, vẫn còn khán giả chen chúc nhau xếp hàng mua vé. Những bộ phim đặc biệt “ cháy vé”, nhà rạp phải phân phối vé cho các cơ quan… Mua được 1-2 vé xem phim là sướng lắm, còn ai được tấm giấy mời thì như được vé du lịch thời nay…

Chính ở đây, năm 1965 tôi từng là ứng viên thi tuyển và trở thành cán bộ thuyết minh điện ảnh chuyên nghiệp, bước đi đầu tiên ghi dấu ấn cuộc đời, đưa tôi đến con đường nghệ thuật sau này.

Giống như cô gái nhà nghèo, rồi một ngày đến tuổi dậy thì, da dẻ mịn màng thắm tươi. Năm 1968 thị xã trở thành thủ phủ của tỉnh Hải Hưng (khi Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất).

Ngót 30 năm, cái thị xã nghèo oằn mình trong sản xuất, chia lửa với chiến trường và dựng xây, làm tròn bổn phận của “ trái tim” vùng quê văn hiến. Có một thời cây đay thẳng dáng giữa đạn bom; quả vải thiều ngọt lòng người tháng ngày chống lụt, phân lũ. Tiếng hát trống quân từ Đình Cao, Ân Thi làm xúc động anh lính bên ụ pháo bảo vệ cầu Phú Lương.

Lẽ đời tan hợp. Xuân 1997 tái lập hai tỉnh. Kẻ ở, người về xây quê mới, tâm tư xao xuyến, đầy vơi. Bạn bè, anh em chia tay. Cốc bia hơi, củ lạc luộc… mà bịn rịn bâng khuâng “tách tỉnh nhưng chẳng tách tình”.

Ngày chia tay còn là thị xã. Chỉ 7 tháng sau, thị xã mang tên mới “Thành phố Hải Dương”. Rồi 12 năm sau (tức 2009) thành phố được nâng cấp lên đô thị loại 2.

Bạn tôi quê cha ở Ân Thi, lấy chồng thị xã. Phận “gái theo chồng” xin ở lại công tác và sinh con… Em bé chào đời năm ấy, bây giờ đã 26 tuổi, đã là một kỹ sư trẻ, đầy năng lượng. Người nông dân ở ngoại thị qua 26 mùa hái quả ngọt thơm. Là “đô thị loại I”, thành phố trong vị thế mới đi lên với diện mạo đổi thay đến sững sờ. Cô em tôi đi lao động ở Séc vài năm, nay trở về quê không nhận ra lối cũ. “Đường 52” rộng dài nối vào những tòa nhà cao tầng, những khu biệt thự sang trọng, khu công nghiệp, nhiều siêu thị đã xuất hiện khắp nơi. Hòn đất đã hóa thân, biết dâng hiến đầy khát vọng. Những công trình chuyển dần về phía Đông, với không gian sống cân bằng giữa con người và thiên nhiên. Ở đây có trường học, nhà trẻ, bệnh viện, công viên cây xanh, quảng trường, trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm hội nghị và văn hoá.

Trước công nghiệp Hải Dương chỉ có máy xay, máy sứ, đá mài. Bây giờ là những khu công nghiệp lớn: Đại An, Việt Hòa, Nam Sách, Thạch Khôi, Ngô Quyền… và những bao nhiêu dự án mới.

Trước, cây cầu sắt Phú Lương chật hẹp, nhưng chứa bao nhiêu hoài niệm trong ký ức… Bây giờ, Nhà thi đấu bên sông, như một chiếc tàu đang băng ra biển lớn. Trung tâm Văn hóa xứ Đông nằm trên đường Thanh Niên trẻ trung, khỏe khoắn và tràn đầy khát vọng.

Đường phố Chương Dương, Bạch Đằng vào ban đêm thứ Bảy, Chủ nhật dưới ánh điện ảo huyền, thật là lãng mạn. Chiếc cầu cong ghé sát mặt nước, in bóng cặp tình nhân dìu tay nhau thả hồn trong phút giây đi bộ, hóng gió từ sông Sặt thổi về...

Hải Dương - mảnh đất tôi đặt bàn chân lên từ 65 năm trước, nay đang sống trong những giờ phút sôi động huy hoàng.

Thật là ấn tượng và ngoạn mục trong Lễ hội Carnaval - 2018; càng xúc động Lễ hội hoành tráng với chủ đề “Ánh sáng Thành Đông”- 2019; rồi lắng đọng đêm giao thừa “Xuân khát vọng”.

Đã đi vào dĩ vãng cái tên gọi “Thị xã đi qua” mấy chục năm trước.

Hải Dương thành phố tôi yêu, đang hướng về phía mặt trời, đón dương khí từ miền biển chiếu rọi về.
 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Những bông hoa tình yêu" của tác giả Trần Thuý Lành(10/11/2023)
Anh về Thành Đông(10/11/2023)
Tháng Mười của mẹ(10/11/2023)
Sinh nhật mẹ (10/11/2023)
Trang Văn nghệ Trẻ: "Là con suốt đời" của Lê Hứa Huyền Trân(11/10/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na