Kiến trúc
Thư pháp đương đại – gạch nối quá khứ, hiện tại và tương lai
11/02/2022 12:00:00

Sau hai sự kiện thư pháp rất thành công diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo là triển lãm Phiêu diêu và trình diễn Rồng rắn lên mây, buổi trò chuyện “Nghệ thuật thư pháp trong cuộc sống đương đại” cùng các diễn giả: thư pháp gia, nghệ sĩ Nguyễn Quang Thắng, thư pháp gia, nghệ sĩ Phạm Văn Tuấn cùng với sự kết nối, gợi mở của nghệ sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đã mở ra rất nhiều câu chuyện thú vị, giàu suy tưởng và thấm đẫm nghệ thuật.

 
 

Sự hình thành và phát triển của thư pháp đương đại

Mở đầu, các diễn giả đưa người nghe trở về với điểm khởi đầu, căn nguyên dẫn lối họ đến với con đường Thư pháp. Thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng mở đầu câu chuyện bằng mốc thời gian ở thế kỷ 19, dưới sức ép của thực dân Pháp, nhà Nguyễn đã dừng thi Hán Nôm và chuyển dịch sang thời kỳ u hoá. Chữ Nôm, lúc ấy được ví như “chữ nghĩa tan theo mây khói”, chỉ còn lưu truyền trong dân gian và được một số gia đình lưu giữ như một cách để giữ gia phong, nếp nhà. Thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng và thư pháp gia Phạm Văn Tuấn được sinh ra trong những gia đình như vậy, đều được học Hán Nôm từ nhỏ. Sau đó, cả hai người đều bén duyên theo đuổi việc học tập và nghiên cứu các văn tự cổ bằng chữ Hán Nôm, làm việc tại Viện nghiên cứu Hán Nôm

Hai thư pháp gia từng làm “ông đồ” viết thư pháp bên ngoài Văn Miếu Quốc Tử Giám mỗi độ xuân về. Quá trình trở thành những nghệ sĩ thực hành thư pháp đương đại đến với họ khi được tiếp cận với các trào lưu thư pháp hiện đại, sớm nhất có nhóm Thư pháp hiện đại Nhật Bản Mainichi từ những năm 50, rồi đến triển lãm thư pháp đầu tiên ở Trung Quốc năm 1986… Con đường trở thành những nghệ sĩ thư pháp đương đại mở ra khi họ bắt đầu nhóm thư pháp Tiền vệ với 05 thành viên (Ngũ tử Tiền vệ): Lê Quốc Việt, Trần Trọng Dương, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Đức Dũng, Phạm Văn Tuấn. Trong 05 người thì Lê Quốc Việt học mỹ thuật, 04 người còn lại đều học Hán Nôm và không được đào tạo về mỹ thuật. Thư pháp gia, hoạ sĩ Lê Quốc Việt được xem là người dẫn đạo, gom các đốm lửa của nhóm. Theo đuổi thư pháp chữ Nôm – di sản của người Việt, kết hợp tiếp nhận ảnh hưởng của nghệ thuật đương đại, chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng và tư duy thể nghiệm, họ đã định danh tánh của mình từ những triển lãm thư pháp đầu tiên “Nhị Thập Bát Tú” năm 2006, triển lãm “Chữ” năm 2007, triển lãm “Vô ngôn” năm 2010… Thư pháp chữ Nôm như một chất liệu của nghệ thuật đương đại chính thức bắt đầu từ đây. Các tác phẩm được một số nhà sưu tập trên thế giới tìm mua.

Nhóm Tiền Vệ đã đang mang đến cái nhìn mới mẻ cho thư pháp, dẫn lối cho loại “tử ngữ” đi vào cuộc sống đương đại. Điều này đòi hỏi việc thực hành của người nghệ sĩ, thư pháp gia phải song hành cùng việc nghiên cứu sâu sắc, tiếp cận văn hoá đa chiều, học hỏi giao lưu quốc tế… Đây cũng là điều rất hiếm hoi, ít người làm được như các thư pháp gia của nhóm Tiền vệ, vừa sáng tác vừa làm công việc nghiên cứu văn tự cổ. Thư pháp đương đại của nhóm Tiền vệ tạo ra điểm đặc biệt của riêng mình bằng những yếu tố thuần Việt như: sử dụng chữ Nôm, chất liệu giấy dó, mực đất và tinh thần văn hoá Việt khác với thư pháp Nhật Bản hay Trung Quốc.

Giúp khán giả hiểu hơn về nghệ thuật đương đại sử dụng thư pháp, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn – giám tuyển nghệ thuật của Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo, đã mở ra bối cảnh hình thành giải mã cách thực hành thư pháp qua các thời kì. Anh khẳng định thư pháp là chất liệu quan trọng trong nghệ thuật thị giác, nghệ thuật thực nghiệm và đa phương tiện. Anh đưa ra khái niệm “Thư Hoạ đồng nguyên” – Hội hoạ và thư pháp có điểm chung, đều là nghệ thuật thị giác. Anh dẫn chứng các danh hoạ Đông Dương thời kỳ đầu như hoạ sĩ Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Nam Sơn… những tác giả có đề thơ chữ Hán Nôm trên tranh của mình, sau này trở thành thứ khó để làm giả nhất bởi thư pháp rất khó để sao chép. Đến các nghệ sĩ lớn tiên phong nền nghệ thuật đương đại của Trung Hoa như hoạ sĩ Từ Băng, Viện phó Học viện Mỹ thuật trung ương Bắc Kinh CAFA, người biến thư pháp thành nghệ thuật ý niệm, nghệ thuật đương đại; hay như Pan Gongkai, Viện trưởng Học viện Mỹ thuật CAFA, sử dụng thư pháp trong sắp đặt video art… Và cả những thực hành của chính nghệ sĩ Thế Sơn trong các dự án nghệ thuật của mình như: Núi liền núi, sông liền sông (2012); Nước Mặn Làng Sông (2021); Chuyện của 16 chiếc bàn cà phê (2015)…

Thư pháp đương đại – Gạch nối quá khứ, hiện tại và tương lai

Nói về ý tưởng đưa triển lãm thư pháp vào trong Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo, anh Thế Sơn chia sẻ: “Khi tôi được Ban Quản lý phố cổ mời đến đây từ tháng 5, trước lời mời bên Tạp chí Kiến trúc để giám tuyển dự án này. Tháng 5 khi tôi bước vào không gian này cũng là lúc vừa trùng tu xong, tôi đã choáng ngợp trước không gian này. Đọc các câu chuyện trên đại tự, trên các phần điện thờ, lúc ấy chưa ai mời tôi làm cái gì cả thì tôi đã nghĩ ngay, ở đây hợp nhất là làm triển lãm thư pháp. Phải làm triển lãm thư pháp tầm khu vực thì nó mới đối thoại được những quốc gia đồng văn, đồng chủng, chia sẻ được những câu chuyện tiếp biến về nghệ thuật thư pháp trong không gian này là lý tưởng nhất.

Tôi đã mời hai nghệ sĩ hoạt động rất mạnh trong nhóm Tiền vệ làm trình diễn, cũng như từ khoá tôi muốn đưa ra cho các nghệ sĩ là sử dụng yếu tố thuần Việt nhất có thể. Ví dụ: dùng giấy dó mà không dùng giấy xuyến chỉ, dùng mực đất mà không dùng mực tàu, dùng chổi đót mà không dùng bút lông… chẳng hạn. Những yếu tố đó là những cố gắng để tạo ra đối thoại mang tính bản địa với một không gian đã có dấu ấn Trung Hoa rất mạnh mẽ như nơi này. Cách giám tuyển của tôi là cố gắng tìm một tác phẩm sinh ra dành cho nơi chốn, thì rất khó để kiếm ở đâu trong Việt Nam một không gian phù hợp với sắp đặt và trình diễn thư pháp Rồng rắn lên mây như thế này.”

Một điều đặc biệt hơn nữa được các thư pháp gia chia sẻ chính là “tính động” của thư pháp tại không gian này, chính là trình diễn thư pháp ngay tại chỗ sau đó treo lên trưng bày tại chỗ, trong khi đa phần các bức thư pháp được sáng tác từ trước, sau đấy mới được treo tại không gian triển lãm. Đó chính là tính động của tác phẩm được đặt trong không gian.

Đến đây, thư pháp gia Phạm Văn Tuấn làm rõ hơn cách thực hành thư pháp đương đại và của chính nhóm thư pháp: “Nghệ thuật tiền vệ (avant garde) không phải chỉ dùng văn tự thư pháp, mà nghệ thuật tiền vệ là người ta dùng các giá trị cũ đặt sang giá trị mới, người ta giải cấu trúc nó. Ví dụ như Cốc Văn Đạt (nghệ sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ những nghệ sĩ tiên phong xuất hiện ở Trung Quốc cuối thập niên 1980), sử dụng phương pháp cắt dán, dán các bàn tay, các dấu chân dán khắp tường để tạo vết đi. Hoặc như Từ Băng giải cấu trúc bằng phá văn tự. Thì bản thân nhóm của chúng tôi, khi sử dụng chữ Nôm, chúng tôi có rất nhiều bước. Nếu ai có học chữ Nôm thì vẫn đọc được, tuy nhiên nó sẽ tạo ra hiệu ứng thị giác của một tác phẩm nghệ thuật, về nhiễm màu, nhiễm mực, chất liệu, cái độ loang của mực đất lên giấy dó như thế nào.”

Khi được hỏi về tương lai của thư pháp đương đại, thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng cho rằng tương lai là điều khó đoán định nhưng chắc chắn tác phẩm của anh ngày mai sẽ khác hôm nay. Với bất kỳ triển lãm nào, các anh đều không dùng lại chất liệu cũ, không dùng lại các tác phẩm cũ, coi như triển lãm đã xong rồi sẽ không quay trở lại. Anh quan niệm người nghệ sĩ phải luôn vận động, luôn đổi mới mình, như người chèo thuyền ngược dòng sông, chỉ cần anh ta dừng lại thì con sông sẽ nhanh chóng kéo thuyền của anh ta tụt lại phía sau. Với thư pháp gia Phạm Văn Tuấn, dù có triển lãm hay không, anh vẫn làm công việc của một nhà nghiên cứu và “ông đồ”, tiếp tục viết những câu đối hoành phi, những bài nghiên cứu,dịch thuật. Đấy là cách các nghệ sỹ, thư pháp gia tương tác với đời sống cũ. Đấy cũng chính là cách trau dồi, luôn đối thoại với đời sống từ hội hoạ đến kiến trúc, điêu khắc, thư pháp cổ đến chữ quốc ngữ…Và tất cả đều là sự sống động của nghệ thuật.

Một vài phút còn lại của toạ đàm, các thư pháp gia đã có trao đổi thú vị cùng các khán giả. Những câu hỏi, trăn trở không của riêng ai về việc làm sao tiếp nối con chữ hay chính là tư tưởng của ông cha được gửi gắm qua từng thời kỳ biến đổi, làm sao để người trẻ yêu hơn các giá trị truyền thống, để thư pháp hay chữ Nôm không phải là một “tử ngữ” không ai dùng nữa… Từ lúc bắt đầu, tọa đàm đã đi qua rất nhiều câu chuyện lịch sử và kết thúc bằng những suy nghĩ gợi mở, như việc đặt tên cho một đứa trẻ Việt Nam bước vào tương lai. Một cái tên tưởng chừng nhỏ thôi mà chứa đựng cả một nền văn hoá ở đằng sau. Đứa trẻ sẽ mang cái tên của mình cho đến suốt cuộc đời, sẽ phải giải thích với thế giới cái tên của mình đến từ đâu, văn hoá của mình đến từ đâu, cha mẹ mình đến từ đâu.

Chii Nguyễn – Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo
Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
 
Nguồn: https://www.tapchikientruc.com.vn/ 
 
Các tin mới hơn
Hội KTS Việt Nam tổ chức Kỳ thi sát hạch phục vụ Cấp chứng chỉ Hành nghề Kiến trúc kỳ thứ 3(27/09/2022)
Hội thảo trực tuyến về Ngày Kiến trúc Thế giới 2022 với chủ đề “Kiến trúc vì sự khỏe mạnh – hạnh phúc”(23/09/2022)
Tuần lễ Môi trường Xây Dựng Quốc tế – IBEW 2022: Xây dựng bản đồ chuyển đổi Ngành môi trường (ITM)(15/09/2022)
Thi tuyển phương án Kiến trúc “Công trình Đa chức năng Postef”(29/08/2022)
Khởi động Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 15/ 2022(22/08/2022)
Các tin cũ hơn
10 dấu ấn kiến trúc nổi bật năm 2021(01/02/2022)
Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo – Cộng hưởng cảm xúc và đam mê sáng tạo(26/01/2022)
Những ngôi nhà có quỷ(14/01/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na