Văn học
Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài: Cần tầm nhìn chiến lược
19/04/2022 08:12:49

Sự mất cân đối giữa công tác dịch, giới thiệu văn học nước ngoài tại Việt Nam (tạm gọi là “dịch xuôi”) và giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài (hay “dịch ngược”) từ lâu đã được bàn thảo. Nhưng có một “cú hích” khiến người ta nghĩ nhiều hơn tới “dịch ngược” là việc Hội đồng giải thưởng Nobel vừa qua đã gửi thư mời Việt Nam dự giải ở sân chơi văn chương lớn nhất thế giới, dù lá thư đến muộn.

 
 
 

KTS Nguyễn Trường Lưu dẫn ví dụ về cuốn sách Đẹp là một nỗi đau làm ví dụ về việc lần đầu tiên được biết tới một tác phẩm văn chương của Indonesia thông qua bản dịch tiếng Việt từ bản chuyển ngữ tiếng Anh của tác phẩm này. Ảnh: Hồ Duy Sơn

Văn chương Việt Nam từ xưa tới nay có rất nhiều tác phẩm xuất chúng. Đội ngũ dịch giả của chúng ta không hề kém hùng hậu, nếu không muốn nói trong quá khứ chúng ta có một lượng lớn các dịch giả tài danh như Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Ngô Tất Tố… Nhưng vì sao cho tới nay, những gì thế giới biết về văn chương Việt còn quá khiêm tốn?

Đó là câu hỏi từng làm nhiều thế hệ nhà văn cũng như dịch giả trăn trở. Hội Nhà văn Việt Nam những năm trước từng tổ chức các hội nghị lớn về giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài với sự tham dự của rất nhiều nhà văn, dịch giả trong và ngoài nước. Song, để công việc này có một lộ trình dài và hiệu quả, rất cần một chiến lược ở tầm quốc gia chứ không chỉ dừng ở phạm vi các hội nghề nghiệp, và càng không thể chỉ trông đợi vào tâm huyết cá nhân của các dịch giả.

Quyết tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh

Vừa qua, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ mới đã thành lập Hội đồng Văn học dịch. Theo nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, dù việc thành lập này rất muộn nhưng vẫn vô cùng cần thiết. Bên cạnh mong muốn tôn vinh công việc sáng tạo của đội ngũ cầm bút của thành phố, đây cũng là bước đi của hội nhằm góp sức giới thiệu, quảng bá và về lâu dài là nâng tầm văn học Việt Nam trong khu vực cũng như thế giới.

NSƯT Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, đồng tình cho rằng để công cuộc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài có thể phát triển lâu dài và hiệu quả, nhất thiết phải có một cơ chế, chính sách cụ thể chứ không chỉ là những sự hỗ trợ đơn lẻ với các dự án dịch thuật. “Chúng ta không thể đứng ngoài ngành công nghiệp văn hóa”, NSƯT Thanh Thúy nói, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cần hội nhập và quảng bá sâu rộng hơn của văn học Việt Nam.

KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học – Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những quan sát đầy tâm tư khi thấy các kệ trưng bày ở đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) ngày càng bị lấn át bởi các đầu sách nước ngoài và thưa vắng dần văn chương trong nước. Ông Lưu nhắc tới 2 cuốn sách khiến ông nghĩ nhiều về việc quảng bá văn chương ra thế giới, đó là Tình yêu sau chiến tranh do Wayne Karlin và Hồ Anh Thái chủ biên, chuyển ngữ, được Nhà xuất bản (NXB) Curbstone Press (Mỹ) ấn hành năm 2003 gồm truyện ngắn của nhiều nhà văn Việt Nam. Đến tháng 10-2005, NXB Hội Nhà văn đã in lại cuốn này với độc giả trong nước. Theo ông Lưu, câu chuyện “đi đường vòng” này sẽ không có nếu chúng ta có thể chủ động dịch và giới thiệu văn học của mình.

Ông Lưu còn nói về cuốn Đẹp là một nỗi đau (tiểu thuyết của nhà văn Indonesia Eka Kurniawan đã được Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam phối hợp với NXB Hội Nhà văn dịch, ấn hành). Theo ông, cuốn sách cho biết thêm về nền văn học Indonesia vô cùng ấn tượng nhưng lại chưa phổ biến, và nếu không có bản tiếng Anh của họ, hẳn không dễ có bản tiếng Việt chuyển ngữ ở Việt Nam.

Đi “đường dài”

Để có thể đi “đường dài” trong việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới, nhiều quan điểm đồng thuận cho rằng, phải có một chiến lược ở tầm quốc gia chứ không chỉ là nỗ lực ở các hội nghề nghiệp và đội ngũ dịch giả, hệ thống NXB.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi chia sẻ câu chuyện về chiến lược đầu tư hàng triệu USD của chính phủ Indonesia trong nhiều năm qua cho vấn đề này. Cụ thể, năm 2014, Indonesia chi khoảng 1 triệu USD để dịch các tác phẩm xuất sắc của họ từ tiếng Indonesia ra tiếng Anh. Trong một lần dự Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Đức), khi Indonesia tham gia với tư cách khách mời danh dự của nước chủ nhà, bà Chi cho biết, gian hàng của họ đã trưng bày hàng trăm tác phẩm của nhà văn Indonesia được chuyển ngữ sang tiếng Anh.

Với riêng dịch giả Nguyễn Lệ Chi, người từng góp nhiều công sức trong việc giới thiệu tác phẩm của nhà văn Mạc Ngôn ở Việt Nam, bà còn có một trải nghiệm sâu sắc hơn nữa về “bài học thành công” trong việc quảng bá tác phẩm sang ngôn ngữ quốc tế. Bà Chi kể, giai đoạn đầu những năm 2000, bà sang Bắc Kinh (Trung Quốc) để tìm gặp nhà văn Mạc Ngôn sau khi đã đọc nhiều tác phẩm của ông và rất ấn tượng. Lúc đó, ngay cả nhiều người dân Trung Quốc cũng chưa biết về ông. Sau này, năm 2012, khi được trao giải Nobel văn chương, Mạc Ngôn đã dành rất nhiều lời tri ân các dịch giả đã chuyển ngữ tác phẩm của ông ra tiếng Anh, vì nếu không có họ, hẳn là nhà văn lớn này của Trung Quốc chưa được thế giới biết tới nhiều, và ông chưa chắc đã đoạt giải Nobel.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân không thể quên câu chuyện về nhà văn Xuân Đức, người từng được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2007. Cho tới khi nhắm mắt, ông vẫn chưa kịp thấy tác phẩm của mình được chuyển ngữ và ấn hành vì khi mọi việc còn dang dở thì ông bị tai nạn và qua đời. Nhà văn Trịnh Bích Ngân kể, nhiều năm trước, sau khi được mời dự một hội nghị văn chương quốc tế, nhà văn Xuân Đức gọi điện nói rằng ông rất buồn khi các đại biểu khác đều mang sách của họ (đã được dịch sang tiếng Anh) tới giới thiệu với mọi người, ông là người duy nhất không có gì để chia sẻ. Từ hội nghị trở về, nhà văn Xuân Đức đã dành một phần tiền lớn có được từ viết kịch bản sân khấu để thuê người chuyển ngữ tác phẩm của mình. Nhưng tác phẩm chưa hoàn thành thì ông qua đời vào tháng 6-2020.

Nguồn: https://vanvn.vn/
 
Các tin mới hơn
Tương lai nào cho trinh thám Việt Nam?(23/09/2022)
Delia Owens đã viết ‘Xa ngoài kia nơi loài tôm hát’ trong 10 năm(31/08/2022)
Cơn gió lạ từ tiểu thuyết gia 12 tuổi Cao Việt Quỳnh(31/08/2022)
Những bí ẩn vẫn chưa có lời giải của văn học Anh(31/08/2022)
Ngày càng vắng những tác phẩm viết về công nhân mỏ(31/08/2022)
Các tin cũ hơn
Một bộ phận của văn chương tiếng Việt(14/04/2022)
Phát triển văn học thành thương hiệu mạnh của quốc gia, tại sao không?(13/04/2022)
Hậu hiện đại có phải là cái cớ của sự tù mù vô nghĩa?(07/04/2022)
Bước tiến của văn học mạng(05/04/2022)
Tạm thu hồi Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 đối với tác phẩm “Phê bình phân tâm học - phía của những ám ảnh nghệ thuật” của tác giả Vũ Thị Trang(04/04/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na