Nghe thấy tiếng gọi cửa giữa đêm mưa, bà Tư bật dựng dậy nín thở nghe ngóng xem thực hay mơ. Tiếng gọi lần sau rõ mồn một:
- Mẹ mở cửa đi, con đây! Thuần đây!
Thằng Thuần. Tim bà Tư bắt đầu đập loạn, ngực và cổ có cái gì thít lại, nửa sợ hãi, nửa mừng vui. Lấy hết can đảm, bà Tư bò ra khỏi chỗ nằm, ghé mắt nhìn qua khe cửa. Ngoài cửa, mưa gió à à, chớp nhoằng xé màn đêm, những bốn cái bóng đen sì, hai cái bóng nhỏ đứng nép vào một cái bóng to giữa sân, còn một cái khác đang áp sát mặt vào cánh cửa. Mặt hắn chỉ cách mặt bà một mảnh gỗ mít xẻ mỏng. Lại tiếng thì thào lọt qua khe:
- Mẹ! Đừng sợ! Con đây! Thằng Thuần đây mà mẹ! Mẹ mở cửa ra mà xem, có cả vợ và con của con nữa đấy!
Đúng là thằng Thuần. Rút được cái chốt cửa, luống cuống bà Tư chỉ kịp thốt được mấy tiếng: "Trời ơi! Con ơi!…" vậy là hai đầu gối bà đã nhũn ra, mấy ngón tay khô khẳng chạt nhựa rau củ, cố bấu víu vào cánh cửa, nhưng cả người bà đã sụp xuống, nhẹ như tàu cau khô xòa xuống gốc.
Mờ sáng, khi thằng Thuần và ba người lớn bé kia còn đang ngủ mê mệt, bà Tư đã nón áo, túi vải khẽ lách qua khe cửa ra khỏi nhà.
Bà Tư đặt được đôi chân khô khẳng lên quả đồi, có ngôi chùa rộng lớn nhất vùng, cũng vừa lúc khối sương âm u bủa vây đã tan biến, nắng vàng xiên chếch xuống bờ vai.
Vào đến cổng chùa, bà Tư thong thả đưa mắt, tìm một chỗ nghỉ chân để sửa soạn lễ vật dâng cúng, bỗng từ trong cái quán lợp lá cọ, dưới gốc cây đại thụ phủ trắng hoa, phát ra một giọng oang oang của người đàn ông, làm bà đứng dựng:
- Hà, chưa đến chính hội mà người đâu đổ về đông thế. Xem ra năm nay hội chùa vui lắm đây.
Tiếng người đàn ông khác chắc nịch đối lại:
- Ông nói thế chẳng hóa ra, chỉ những người vui mới lên đền hay sao. Ông đã nhìn kỹ những gương mặt trong dòng người đi lễ chùa chưa, không ít người chân thì bước đấy, nhưng thần thái thì mệt mỏi, âu lo? Tôi dám cá, họ đang mang trong lòng nỗi lo lắng, thấp thỏm, thậm chí còn có cả sự bất an.
Bà Tư giật nảy mình. Có phải họ nhìn thấu tim gan của bà, vào cái tội của bà, mà từ lâu, bà vẫn chôn chặt trong lòng cái ý nghĩ, chính bà mới là người có tội.
Bà Tư xách nón áo và đồ lễ sẽ sàng nhích ra xa cái quán lá một chút, để tránh ánh mắt của những người trong quán nhìn thấy, thì: Chát. Ôi giời! Lại thêm một cái giật nảy người, bây giờ thì đầu óc bà Tư như có tia sét đánh ngang qua đến nhoằng, buốt nhói, ruột gan bắt đầu xóc lộn. Chẳng là, từ ngày thằng con trai bà gây nên tội lỗi, thì bất cứ ánh mắt nào của người hàng xứ, câu nói nào dù chỉ vu vơ, bà cũng cảm thấy họ nhìn xói vào mình, họ ám chỉ mình, họ khinh bỉ mình, thế là bà lại rơi vào trạng thái căng thẳng, bất an.
Trấn tĩnh lại, bà Tư lặng lẽ kéo chiếc khăn vuông tùm hụp xuống mặt, kéo thêm cái vành nón lá vàng úa xuống thấp hơn, mới kín đáo đưa mắt nhìn vào chỗ vừa phát ra tiếng đập chát chúa. Thì ra họ chơi cờ. Tiếng chát là của quân cờ bằng nhựa trắng toát, đập xuống mặt cái bàn cũng bằng nhựa trên mặt bàn là vuông giấy trắng, có những đường kẻ chia thành nhiều ô vuông.
Người đàn ông phía đối diện xóc xóc quân cờ trong lòng bàn tay, mắt không rời những đường kẻ và ô vuông, miệng lầm rầm:
- Này, ông có tin không, từ hôm cái bọn lừa đảo bị lôi ra ánh sáng, tôi cứ bị ám ảnh với cái miệng của họ. Gớm, sao cái miệng của họ, bình thường thì chẳng mấy khác người, vậy mà bây giờ cứ thấy nó vẹo vọ thế nào ấy!
Đầu óc bà Tư bấn loạn. Những ý nghĩ đã sắp sẵn trong đầu cả đêm hôm qua, sau khi nghe thằng Thuần giãi bày, những định hôm nay bà sẽ bày tỏ rành rọt với trời Phật, với thánh thần rằng: bà khắc vào tim óc, xương tủy của bà cái ơn sâu của các ngài cả kiếp này bà cũng chẳng trả được. Nhờ các ngài thương xót, ra tay cứu khổ, mà thằng con bà mới được trở về, nó về còn dẫn theo cả vợ con về cho bà, phúc của bà dầy tận trời xanh, chỉ một tích tắc, bà được nhận cả dâu, cả cháu, chúng nó thổi bay cái cảnh đơn độc, cô quả của bà, xóa tan cái cảnh những năm tháng tủi nhục, khổ đau chỉ mình bà gánh gồng mấy chục năm qua. Cây khô mà đâm chồi, nảy lộc là thế. Phúc này bà có tu đến chín kiếp, mười đời cũng chưa xứng, nói gì mấy mươi năm. Bà định bụng phải ơn trời Phật, thánh thần trước, rồi đến người trần cũng chưa muộn. Nghĩ vậy, từ lúc thằng Thuần đưa vợ con về, bà cứ ngồi chắp tay giữa nhà cầu cho mưa tạnh, trời quang để bà được thỏa nỗi lòng.
Vậy mà bây giờ đầu óc bà bỗng trống rỗng, chỉ vì câu chuyện bên bàn cờ của hai người đàn ông xa lạ. Họ cứ như cố tình đào xới vào nỗi đau của bà. Họ không biết chỉ vì cái số phận đen đủi của bà, mà cuộc đời thằng con bà mới ra nông nỗi.
***
Hàng trăm con người ngồi rải kín lễ đường, lòng bàn tay để ngửa, mu bàn tay tì xuống sàn gạch bóng loáng, đầu cúi rạp, miệng đồng thanh: "A Di Đà Phật!", âm thanh chiêm bái vọng lên cả chục tầng thần Phật to cao vời vợi, sáng lòa, vỡ òa qua các khuôn cửa, bay về trời xanh.
Bà Tư khẽ khàng kéo tà áo, ngồi thụp xuống ngay lối cửa ra vào, cúi rạp đầu, khiến cái trán vừa nhăn nhúm, vừa mỏng dẹt va xuống sàn nhà, phát ra tiếng kịch, dù nhẹ nhưng người ngồi bên cạnh cũng nghe thấy, mắt ý nhị liếc sang phía bà, lộ vẻ thông cảm. Thế là máu trong đầu bà dồn cả xuống mặt, xuống hai bên thái dương, chảy rần rật, nóng bừng, tích tắc, bà rơi vào trạng thái mênh mang.
Bà Tư có mấy chục năm bán rau quả ở chợ xép trong khu phố cổ. Nhà bà Tư vừa nhỏ vừa thấp, chỉ gồm một gian và một chái, mái lợp tấm xi măng đen xỉn. Gian ngoài kê vừa đủ tấm phản ghép bằng dăm mảnh gỗ mít, chừa ra một lối đi. Cái tấm phản ngày làm chỗ ngồi ăn cơm, đêm làm chỗ ngủ của thằng con trai, bà chỉ có một cái chái kê vừa cái giường đơn cũng bằng gỗ mít.
Căn nhà nhỏ nhìn ra mảnh vườn, chừng hơn chục mét vuông chỉ gồm vài cây tạp đỏ quạch, vì dưới chân chúng toàn gạch, đá và túi ni lông từ các nơi dồn xuống, ngoài cây cù mộc đứng tận cuối vườn, thân thẳng, cành lá xanh rì. Cù mộc quanh năm xanh tốt, nhưng chẳng mấy khi thấy nó đơm hoa, kết trái, có lẽ do bị mùi hôi thối bốc lên từ con sông dưới chân nó, nước đen như nhựa đường, mà nụ hoa sớm nở tối đã tàn. Vậy mà mỗi lần bạn chợ khen bà Tư là người giàu có, vừa có nhà lại vừa có vườn, có sông. Lần nào nghe những lời khen ấy, nét mặt bà Tư lại giãn hẳn ra, bà cười tủm, nhưng nước mắt lại ứa ra. Cũng đúng. Với bà Tư, ngoài căn nhà, mảnh vườn và thằng con trai thì không còn điều ước nào khác của đời bà, nó khiến bà không quản khuya sớm, nắng nôi hay buốt giá, mà ngày ngày, gù lưng đạp xe thồ rau quả từ chợ cuối về chợ nhà, cấu từng ngọn rau, gọt từng cái củ, làm vừa lòng người hàng phố.
Sau ba cái vái dài, bà Tư ngồi dậy nhắm mắt, hai tay chắp dựng hình tháp trước ngực, để cho dòng hồi ức của bà cứ tự nhiên tuôn chảy trong đầu. Cái cách cầu cúng này hình thành từ ngày thằng con trai bà rơi vào kiếp nạn, và từ đấy, dù no đói hay bệnh tật, bà đều tìm đến trời Phật. Bởi theo bà, trời Phật cho bà niềm hy vọng ở ngày mới. Chẳng thế, đêm qua, ngay từ phút giây đầu tiên nhìn thấy thằng Thuần, cùng người phụ nữ và hai đứa trẻ, nó bảo đấy là vợ và hai con nó, bà đã nghĩ ngay đến trời Phật. Chỉ có trời Phật mới che chở, chỉ lối cho thằng con trai duy nhất của đời bà đường đi, lối lại mà biết đường trở về. Trời ạ, lúc nó bảo đây là vợ con nó, suýt nữa bà đã đổ vì bất ngờ, vì sung sướng đến choáng váng.
Trong đầu bà Tư lúc này cứ ào ạt tuôn chảy dòng đời của bà.
Buổi chiều mùa đông năm ấy, trời đã tối sập, thằng Thuần con trai bà đi học vẫn chưa về. Chờ đợi, bà đem mấy cái xoong nồi ra kỳ cọ. Đến khi nghe thấy tiếng người gọi cổng, bà Tư vui mừng quay ra. Không phải thằng Thuần mà là những ba, bốn người, những công an cùng ông đại tá về hưu trưởng xóm.
Vừa bước vào nhà, một trong số mấy người công an, gương mặt còn khá trẻ hỏi bà:
- Bà là mẹ em Thuần phải không?
Bà Tư hấp tấp:
- Vâng. Đúng tôi là mẹ của Thuần. Em nó có việc gì sao các chú!
Bỗng một người trông vẻ mặt già dặn hơn, giọng cứng cỏi:
- Chúng tôi thuộc công an thành phố, vào thông báo với bà một chuyện, cậu con trai bà tham gia cùng nhóm bạn, đánh nhau làm chết người giữa quảng trường.
Trời đất như đổ nhào xuống chân bà Tư:
- Trời ơi. Em nó có đánh nhau bao giờ đâu? Bây giờ nó đang ở đâu hả các chú ơi?
- Con trai bà bị bắt giữ trên công an thành phố để lấy lời khai, chúng tôi có nhiệm vụ vào nhà kiểm tra, cậu ta có cất giấu hung khí hay chất cấm, đề nghị bà hợp tác.
Nghe xong câu ấy, bà Tư vội bám cả hai tay vào cánh cửa, từ từ ngồi bệt xuống đất, mắt ngơ ngáo, người công an trẻ đứng bên vội đưa tay đỡ bà ngồi lên tấm phản. Ông tổ trưởng dân phố ái ngại, quay sang phân trần với những người trong đoàn, giọng ông trầm đục:
- Các chú ạ, bà ấy tội lắm!
Người công an bỗng hạ giọng:
- Nhìn gia cảnh thế này là chúng tôi biết, cuộc sống của mẹ con bà ấy chẳng sung túc gì, nhưng việc đã xảy ra, thì cứ phải làm đúng pháp luật bác ạ.
Những người khách rút đi, bà Tư đổ xoài trên tấm phản, chẳng còn nhận ra, bây giờ là lúc nào, và bà phải làm gì với thằng Thuần?
***
Bà Tư lấy chồng năm mười chín tuổi, chồng bà là con út, nhà chồng gọi bà là thím Tư. Đất nhà chồng là đất trồng đay. Mùa thu hoạch, từ sáng sớm đến tối mít, nếu không lút đầu trong những thửa ruộng đay cao hơn đầu người để làm cỏ, cắt cây, thì cũng phơi mình dưới cái nắng đốt da phơi bẹ đay. Những đận chạy mưa, hạt mưa chưa rơi, lưng áo thím cùng những người làng đay đã đầm đìa mồ hôi.
Một buổi chiều giữa mùa hè, đang lúc lúi húi giữa ruộng đay, người chị dâu từ đâu chạy ra đầu bờ ruộng, miệng hét gọi:
- Thím Tư ơi… thím Tư! Về thôi, về ngay đi, nhà có sự rồi!
Thím Tư ngơ ngác, lấy hết sức gọi với lên:
- Là sự gì, chị nói to lên?
Người chị dâu lội tắt ruộng ào đến chỗ thím vơ mấy cái quang đòn gánh:
- Về ngay thôi! Chú ấy bị nạn rồi. Người nhà thuyền về báo tin, trong lúc thu dọn đồ trên thuyền, chú ấy bị một cơn lốc bất ngờ đánh văng cả người lẫn lưới xuống sông, cả đống lưới đang đè lên người chú ấy - Chị dâu nghẹn ngào.
Hiểu ra sự việc, thím Tư đổ sụp xuống đám đay, người chị dâu đành xốc nách, vừa kéo thím lê trên mặt ruộng, vừa thất thanh gọi người cứu giúp.
Trong cơn mơ, thím Tư chỉ nhìn thấy gương mặt thằng Thuần. Thằng Thuần khi ấy mới được ba tháng tuổi, giống bố như đúc cùng một khuôn, cặp mắt màu tro, cái trán hơi dô ra phía trước, cái miệng hay cười, làn da ngăm ngăm.
Tỉnh lại, thím đưa cặp mắt ngơ ngác. Người nhà a lên hỏi thím tìm ai? Thím mấp máy môi tìm thằng Thuần. Những gương mặt vừa a lên khi nãy bỗng xịu xuống: Chồng chết còn chưa tìm thấy xác, vợ nằm đây mà mơ với mộng. Vậy là từ đấy người nhà chồng bắt đầu nghi hoặc về cái tình của thím, gán cho thím cái tội nhạt tình chồng vợ.
Chồng thím Tư mất được hơn một năm, người bên nội thằng Thuần bắt đầu xì xầm: Thím Tư càng ngày càng trẻ đẹp, hơn hẳn ngày bố thằng Thuần còn sống? Trẻ đẹp là đúng. Gái một con trông mòn con mắt. Không ai bảo ai, nhưng hình như mỗi bước đi, mỗi cử chỉ của thím Tư, đều có những con mắt theo dõi, dò xét. Cuối cùng họ cũng chộp được một cái cớ, chứng minh cho sự không tử tế của thím Tư.
Đầu xuân năm mới, mưa xuân rắc bụi làm u ám cả cánh đồng. Thím Tư gánh một gánh cây giống lặc lè xuống đồng. Oái oăm người ta mới sửa lại con mương xương cá, đất mới đào lên toàn sét trắng trơn trượt. Vào ruộng của thím Tư phải nhảy qua con mương ấy. Thím Tư đành cậy nhờ người thợ cày hàng xóm, đứng ở bờ bên kia đưa tay ra đón. Vì quá đà, cả thím Tư và gánh cây giống ngã nhào. Cái ngã vô tình vật ngửa người đàn ông tơ hơ giữa đám ruộng ải thâm, thím tư đè lên trên, cây giống vây xung quanh. Oái oăm người nhà thím Tư cũng vừa đi tới. Vậy là cái ngã bên bờ mương của thím Tư và người thợ cày, loáng cái đã tràn ngập hình ảnh trong mắt người làng đay. Đôi trai có vợ gái góa đè nhau giữa cánh đồng. Thật trơ trẽn. Thật liều lĩnh. Thật khốn nạn. Những người vốn ngấm ngầm ganh ghét cái nhan sắc, ngấm ngầm lo mẹ con thím Tư là mối họa, cho sự phân chia gia sản của nhà chồng, được dịp thổi phồng câu chuyện, kết tội thím Tư là người đàn bà lăng loàn, người đàn bà sắc dục khắc chồng, người làm tổn hại thanh danh của dòng tộc trồng đay… họ đi đến bước, không chấp nhận thím Tư là con dâu của dòng họ.
Bị khinh rẻ, ruồng rẫy, thím Tư không còn thiết tha với miếng đất mấy cặp vợ chồng rình rập, với cánh đồng đay bòn rút mồ hôi, nước mắt người trồng đay. Thím quyết ra đi. Đi thật xa. Đi đâu cũng được, dù trời làm chăn, đất làm nệm cũng được. Thím quyết thoát khỏi những cái đầu tham lam, toan tính, những cái lưỡi độc địa. Đi là hơn nhất.
Thím Tư ra khỏi làng vào lúc người làng đay đang trong giấc nồng, chỉ mang theo mỗi thằng Thuần, vài bộ quần áo cùng chiếc xe đạp mồ hôi hai vợ chồng. Nhà cửa, ruộng đay, cả đôi quang gánh từng bào mòn vai, thím để lại tất tật cho anh em nhà chồng.
Đặt chân lên phố thị, ánh nắng đã xiên vai. Thím Tư đỗ chân xuống cái chợ xép, định bụng tạm nghỉ chân lấy sức, rồi mới tìm kiếm cái ăn cùng việc làm. Sức thím khỏe, tay chân lại quen làm, thím chẳng sợ chết đói.
Người quản lý chợ sau khi biết thân phận của mẹ con thím Tư, bèn cho mẹ con thím mượn tạm một gian phía cuối chợ làm chỗ tá túc, cũng lại tạm cho thím cái chân quét dọn chợ, thay người cũ bận trông cháu mới sinh. Ông ta hơi lạnh lùng: Có duyên thì ở lại, không duyên thì tùy. Thím Tư thở phào, gạt mồ hôi: Vậy là mẹ con em có đất sống rồi.
Ngày ngày trời vừa sáng rõ, cái chợ rộng thênh thênh đã sạch như lau, rác rưởi vun quén gọn một đống. Sau khi lót dạ bát cơm nguội, chỉ cần có người ới, là thím nhận việc. Việc của thím ban ngày là bưng bê, kê dọn, rửa bàn ghế, dao thớt. Nhờ trời cho sức khỏe, lại có thằng Thuần bên cạnh, thím Tư làm ngày, làm đêm không biết mệt. Số tiền làm lụng ngoài ăn tiêu, thím đào lỗ chôn xuống dưới chỗ nằm, nuôi ý chí tạo dựng chỗ ăn ở đời kiếp. Vậy mà thím mua được đất thật. Miếng đất thím mua, là góc lượn của con sông nhỏ chảy giữa lòng thành phố, năm tháng gió mưa, đất cát, rác rưởi xô xuống, đọng lại, tạo thành một đám cỏ cây còi cọc, lơ thơ. Ngày thành phố nắn sông, xây bờ kè, thím Tư xin mua đám đất còn chừa lại, cùng khoảng nước trống. Đám đất thím làm căn nhà nhỏ, vụng nước thím nhặt nhạnh đất cát, gạch đá đổ xuống, cạp dần mỗi ngày. Vậy là thím Tư có nhà, có vườn từ nguồn cơn ấy.
***
Thằng Thuần phải đi chấp hành án. Bản án trao cho nó ngót chục năm, chỗ nó đến lại rất xa, nghe nói tận vùng núi cao, rừng sâu, tịch mịch, thím Tư chỉ nghe đã sởn cả gai ốc, chẳng biết đâu mà lần, đành phó mặc số trời. Thím bụng bảo dạ, chỉ còn biết cắm cúi làm lụng, tích góp, chờ ngày nó về.
Từ buổi thằng Thuần đi cải tạo, thím Tư chẳng dám nhìn ai, trò chuyện với ai. Ai hỏi về thằng Thuần, thím lại giật mình thon thót tìm cớ lảng tránh. Thím sợ nhất những người quan tâm đến thím, trong đầu chỉ có một ý nghĩ, họ đang dò xét mình, họ dò xét người mẹ có đứa con tội lỗi. Trong khi thằng con bà mới mười tám tuổi, nó còn ăn chưa biết no, nói chưa biết nghĩ…
Đêm đến, trong căn nhà lụp xụp, chỉ còn thím Tư với cái bóng vò võ, thím càng thấm nỗi lo sợ. Thím sợ tất cả: từ lời động viên, cái nhìn thông cảm, đến ánh mắt soi mói, khinh khi, lời nói ám chỉ, nghiệt ngã… Thím sợ cả cây cù mộc, ban ngày lá cành xanh biếc, gió thổi rầm rì mát rượi, vậy mà đêm về, nó đứng lặng, thả cái nhìn qua hàng trăm mắt lá đen sì, ghẻ lạnh, lúc ấy, chỉ cần một tiếng chuột chạy, một tiếng lá rơi, một tiếng đánh lưỡi của con thạch sùng, cũng đủ làm tim thím thót lại, đầu óc choáng buốt. Buồn. Đau. Đau đến tê tái mà không dám hé răng cùng ai, để mai lại tong tả nón áo, xe đạp ra đường mua bán, làm vừa lòng người hàng chợ.
Thằng Thuần đi là đi biệt. Tính ra từ lúc người hàng phố gọi bà là cô Tư, rồi chuyển sang gọi bà Tư. Cây cù mộc đứng góc vườn không nhớ bao nhiêu lần thay lá, tán nó trùm gần kín mảnh vườn và chờm cả ra một góc sông, lần vỏ ngoài lác đác chỗ mốc mác, rêu xanh, chỗ nổi cục u sần, vậy mà thằng Thuần vẫn chưa về. Đêm ngủ, bà Tư mơ thấy thằng Thuần trở về, nó về đột ngột vào giữa trưa nắng chang chang, người nó gầy khô, lủng lẳng bên hông một cái túi khoác lép kẹp, trong túi duy nhất có một bộ quần áo chẳng rõ màu, vẫn cặp mắt lờ đờ màu tro, hướng nhìn thẳng về phía trước. Trông thấy con, bà ôm chặt thằng Thuần trong vòng tay, đấm thùm thụp lên vai, lên lưng nó mà khóc. Tiếng khóc cứ ngậm nghẹn sâu trong cổ họng, chỉ phát ra tiếng ư ứ. Thằng Thuần cứ đứng yên, cứ mặc cho bà úp mặt vào lưng nó mà khóc, nước mắt bà thấm loang vai áo nó:
- Con ơi, những năm tháng qua con sống thế nào? Làm sao con không nhắn về cho mẹ lấy một câu.
Thằng Thuần lạnh lùng:
- Xa lắm, có ai biết mẹ mà nhắn. Mà nhắn để làm gì hả mẹ, đằng nào thì con cũng không về được, vậy thì cứ ở yên cho mẹ đỡ ngóng trông có tốt hơn không.
- Trời ơi! Từng bấy năm mà con tôi vẫn còn khờ dại làm vậy có khổ thân nó không!
Đang lúc bà Tư định giơ tay đấm thêm một cái vào vai thằng Thuần, bỗng giật mình bởi tiếng đồng thanh của hàng trăm Phật tử: Nam Mô A Di Đà Phật, bà vội cúi rạp người, hai tay tỳ xuống nền gạch, miệng hấp tấp đọc theo: A Di Đà Phật.
Không khí từ ngoài hắt vào trong chùa mỗi lúc thêm oi nồng, mấy chiếc quạt dựng góc nhà quay tít vẫn chưa xả hết hơi nóng. Bà Tư lại chìm vào cõi đời:
- Khổ thân con, cuộc đời mới được vài chục năm, mà con ở tù có đến một nửa chưa con?
Thằng Thuần cúi đầu. Hình như chỉ đến thời khắc này, nó mới thấu hiểu nỗi cô quạnh, trông ngóng của người mẹ đơn thân là thế nào, nó thủng thẳng:
- Hơn ấy chứ! Là cái số của con nó đen, biết làm thế nào?
Thằng Thuần chẹp miệng:
- Là số thì không tránh được mẹ ạ
Buổi chiều hôm ấy, thằng Thuần vừa khoác túi ra khỏi cổng trường, thì một thằng bạn răng hô, mặt xanh lét, đâm bổ đến trước mặt Thuần, nó vừa thở vừa nói đứt quãng:
- Thuần ơi, thằng Hà Còi đang bị cả nhóm thằng Hiền kều đuổi đánh ở đoạn Mả Tàu, mày cùng tao đi cứu nó với.
Chẳng cần suy tính, thằng Thuần quẳng vèo cặp sách vào một cái quán nước cạnh cổng trường, lốc thốc chạy theo thằng bạn.
Đến nơi, nhìn thấy cảnh thằng Hà Còi vừa chạy vừa thở, mặt xám ngoét, chẳng cần suy nghĩ, Thuần lao vào. Không ngờ thằng bạn chạy về gọi Thuần, đã thủ sẵn con dao. Vừa giáp nhau, thằng bạn đã đâm trúng ngực một thằng trong nhóm đối phương, khiến nó từ từ đổ gục xuống, máu chảy đỏ thẫm vạt áo trắng. Thuần run lẩy bẩy, không nhấc nổi chân mà chạy. Khi công an tới, chiến trận chỉ còn trơ khấc một thằng bị đâm và thằng Thuần, thế là Thuần bị xích tay dẫn về đồn cảnh sát. Vận số nó đến bất ngờ và chóng vánh đến thế.
Lại là vận số. Lúc mang thai thằng Thuần, chẳng mấy ngày bà không phải dầm chân dưới bùn, bụng chạm mép nước. Hết đận cấy đến đận làm cỏ, cắt, bóc phơi tuốt bẹ đay, việc nào cũng gấp, cũng phải đúng thì. Làm quần quật, nhưng cái ăn chỉ có hạt gạo với con cua, con tép, ngọn rau muống bòn nhặt quanh vườn tạp, ao tù, ruộng cạn, tạo nên khổ người, nét mặt thằng Thuần vừa nhỏ, vừa tai tái. Chẳng vậy, mới vài ngày nhập trường, mấy đứa bạn cùng lớp, toàn những trứng gà trứng vịt, đã nhìn ra cái riêng biệt trên cơ thể thằng Thuần, rồi cứ réo tên Thuần Cóc mà gọi. Không thưa, không phục tùng, chúng lại hò nhau xúm vào dứt áo, xoa đầu khiêu khích.
***
Thuần được những người quản lý trại thương nó khờ khạo, dễ bảo, mà cho làm cái chân cắt cỏ, bơm nước chăn nuôi đàn cá dưới cái hồ bảy mẫu.
Lần đầu thằng Thuần gọi điện về, bảo mai nó được ra trại. Nó khoe thành tích chấp hành án của nó, nên được về trước thời hạn. Dù sung sướng, chân tay bà Tư vẫn bủn rủn như muốn khụy xuống. Cái thằng, sao nó giống bố nó đến thế, cũng lầm lì, gan cóc tía, cũng nghĩ là làm, lại được cái điếc tai làng, sáng tai họ.
Bà Tư vui lắm, cả đêm nằm nói chuyện với chính mình, rồi lại hứa với mình, từ bây giờ bà sẽ giữ chặt nó bên mình, sẽ bảo ban nó làm ăn, lấy vợ sinh cháu cho bà. Vui, buồn, thấp thỏm làm trí não bà bấn loạn cả lên.
Nhưng mà bà chờ, nửa ngày rồi cả ngày, chờ đến hết đêm, lại chờ sang ngày sau, sau nữa, vẫn chẳng thấy tăm tích thằng Thuần đâu. Bầu trời rộng lớn, mà như có ai bưng mắt bà, bịt tai bà, không biết đường nào mà tìm, không biết câu nào là thật. Mỗi ngày chờ đợi qua đi, đầu óc bà Tư lại thêm hoang mang, cái lưng bà lại còng thêm một ít. Cuối cùng, bà đành tự nhủ, số bà trời bắt phải thế.
Cái mắc mớ cuộc đời mãi tận đêm hôm qua, bà mới được lý giải:
- Đêm hôm ấy, trong phòng có một thằng nhỏ hơn con hai tuổi, nó gầy yếu hơn con rất nhiều, bị đau bụng, xì xục đi vệ sinh, làm mấy người nằm gần chỗ nó mất ngủ hét toáng lên, một người vùng dậy đấm đá thằng nhỏ đến lả đi. Không nhịn được, con cũng vùng dậy vừa đấm, vừa hét lên:
- Tao từng giết người đấy, bọn bay có muốn sống không, thằng này có tội gì với ông mà ông đánh nó tàn bạo thế.
Không ngờ quả đấm của con làm gãy hẳn hai cái răng cửa của người kia. Vậy là con lại phải nhận thêm một cái án gây thương tích. Từ đấy con không dám hẹn. Thà để mẹ quen với sự vắng bóng của con, còn hơn để mẹ phải chờ mong.
Nói đến đây, nét mặt Thuần bỗng tươi rói:
- Nhưng án phạt lần này lại hóa may mẹ ạ! Những người quản giáo hiểu được sự việc, họ chuyển con và thằng nhỏ gầy yếu kia sang tổ ươm cây giống, để trồng cho những cánh rừng phía trong.
Ở đội trồng cây, đất và không khí của núi rừng rộng rãi, thoáng đãng, con lao động từ sáng đến tối mà vẫn không thấy mệt. Thằng bạn đi cùng con cũng béo khỏe hẳn ra, nó vui lắm, cứ đòi làm em kết nghĩa. Cho đến một ngày, con nhận được tin, con đã hết hạn cải tạo. Bỗng nhiên trong lòng lại cảm thấy buồn và hụt hẫng, vì con sắp phải xa những cánh rừng con đã mất vào nó một quãng đời, đã đổ không biết bao mồ hôi cho đất, con cũng đã trút được những ân oán, nỗi buồn đau của con vào những chồi, lá, hoa và quả. Vậy mà con lại phải xa chúng. Lại còn câu hỏi lúc nào cũng bám riết trong đầu con: Ra tù, có ai thuê con làm gì không?
Bà Tư chết lặng khi nghe thằng Thuần giãi bày.
- Nhưng mà rất may, ông trời không để ai chết cả - Thằng Thuần chậm chạp - Buổi tối trước ngày ra trại, người quản giáo gọi con lên phòng bảo:
- Thuần về quê mà không tìm được việc làm thì quay lại với anh. Ông cụ anh có trại ươm cây giống một khu vườn rừng, bây giờ cụ đã già yếu, anh thì đang làm nhiệm vụ, không có người chăm sóc, anh thấy chỉ có em đảm nhận công việc này giúp anh là hợp lý nhất, bởi em đã quen đất, quen việc, em giúp anh theo thỏa thuận, em là người quản lý, anh là người đầu tư.
- Còn nghĩ sao nữa anh. Cái khó nhất trong cuộc đời em, bây giờ anh đã gỡ cho em rồi, em còn nghĩ làm gì nữa!
- Vậy thì em về gặp mẹ và báo tin cho mẹ mừng, nghỉ ngơi cho thoải mái rồi vào với anh.
- Không. Em chưa về được. Em về rồi lại đi, mẹ em sẽ suy sụp mất. Mẹ em đã quen với cuộc sống không có em rồi. Em phải ở mảnh đất này thêm vài năm, có đồng vốn, em mới về thăm mẹ, cho mẹ em ngẩng mặt với xung quanh.
- Thế còn chuyện vợ con con thế nào, hai mặt con mà đến tận bây giờ mẹ mới biết?
Thuần tủm tỉm cười:
- Chuyện của con nó cứ bất ngờ thế đấy mẹ ạ! Ở đây con lại gặp may lần nữa, là con gặp được con dâu của mẹ bây giờ, cũng là người ươm cây trồng rừng. Chúng con sống rất hạnh phúc mẹ à!
***
Bà Tư về đến nhà trời đã tối sẫm. Thằng Thuần quần áo chỉnh chu ngồi trước cửa, hai tay chống cằm, hai đứa con mỗi đứa bám một bên cánh tay, mắt cùng dóng ra phía ngoài cổng. Nhìn thấy bà Tư, Thuần vội đứng dậy, tay run run đón cái nón chuyển cho đứa trẻ, mắt chăm chắm nhìn mặt bà Tư:
- Bọn con đi tìm mẹ sắp hết hơi rồi. Mẹ đi đâu đến tận bây giờ mà không cho chúng con biết. Vợ chồng con và các cháu lo lắng muốn chết. Có việc gì sao mẹ!
Bà Tư nhìn hai đứa trẻ rân rấn nước mắt:
- Mẹ lên chùa tạ ơn trời Phật đã cứu giúp mẹ con, bà cháu mình để có ngày hôm nay các con à!
Đến lượt thằng Thuần gạt nước mắt, đẩy hai đứa trẻ vào lòng bà Tư và bảo:
- Mẹ dắt cháu vào nhà, ngồi lên tấm phản kia, để con kể với mẹ, mười mấy năm qua con đã ở đâu và làm gì? Cũng mười mấy năm qua, con không chỉ được thánh thần độ trì, mà còn được rất nhiều người trần gian đã đưa tay đỡ con, nên con mới có được như bây giờ đấy mẹ ơi!