Âm nhạc-Múa
Nguyên bản trong thị trường văn hóa
29/04/2022 12:00:00

Cùng với làn sóng tiêu dùng nhanh, bộ mặt văn hóa đương đại Việt Nam cũng chuyển sang “tiêu dùng nhanh”, với những sản phẩm được sản xuất theo công thức, và nguy hiểm hơn, mất đi tính nguyên bản cần có của nghệ thuật.

 
 

Đừng bàn chuyện đạo đức

Sáu năm trước, Tòa án Los Angeles đã ra phán quyết xử phạt Pharrell Williams số tiền trị giá 7,3 triệu USD sau cáo buộc đạo nhạc của cố nghệ sĩ Marvin Gaye.

Con gái của Marvin Gaye đã đâm đơn kiện sau khi phát hiện bản hit “Blurred Lines” do Pharrell Williams và Robin Thicke sản xuất có giai điệu giống với ca khúc “Got to give it up” của cha mình sáng tác vào năm 1977. Vào thời điểm ấy, “Blurred Lines” đã là một chiến thắng lớn trên thị trường âm nhạc với 7,3 triệu bản đã bán ra, còn Pharrel Williams là một tượng đài. Quan trọng hơn, một vụ kiểu này chưa hề có tiền lệ: Pharrell Williams và Robin Thicke đã phải chịu trách nhiệm cho việc vi phạm bản quyền dù ít nhất một thành viên trong bồi thẩm đoàn không thể tìm thấy điểm giống nhau rõ ràng nào giữa hai bài hát.

Pharrell Williams và Robin Thicke. Ảnh: S.t

Pharrell Williams cảm thấy ấm ức, và phản đối phán quyết của tòa án rất dữ dội: anh tuyên bố rằng mình chỉ sử dụng chất liệu âm nhạc để tái tạo lại cảm giác của thập niên 1970, và sự làm mới này không thể xem là đạo nhạc. Trước đó, các tòa án thường xử lý dựa trên lập luận rằng không thể đăng ký bản quyền cho các ý tưởng, chỉ có thể làm thế với sự thể hiện các ý tưởng. Việc vay mượn các ý tưởng hầu như không bị xem là đạo nhạc.

Án lệ này đã tạo ra một bước ngoặt sâu rộng: từ thời điểm ấy, việc mượn các ý tưởng hay khái niệm từ quyển sách bạn đã đọc, phim bạn đã xem hoặc thậm chí một “câu nhạc” trong bài hát bạn đã nghe đều có thể xem là đạo. Trước đó, đạo nhạc chỉ là vấn đề đạo đức, và bên bị vay mượn thường thua ở tòa, nơi nó được xem xét dưới góc độ pháp lý, rằng tác phẩm này có thực sự đã bị vi phạm bản quyền hay không?

Những gì vụ “Blurred Lines” đã làm là cho phép người ta nghĩ đến một thứ mà trước đây họ chưa từng tưởng tượng: ý tưởng rằng “cảm giác” của một bản ghi có thể được đăng ký bản quyền. Peter Mason, một chuyên gia về luật âm nhạc tại hãng luật Wiggin nói trên tờ The Guardian: “Phần lớn cảm giác của một bài hát được tạo ra bởi nhạc cụ, kỹ thuật sản xuất và các yếu tố khác mà nhiều người không xếp nó vào một phần của bài hát”. Khác với vụ “Blurred Lines”, bồi thẩm đoàn trong vụ Led Zeppelin bị kiện đạo nhạc bản hit “Stairway To Heaven” chỉ xem xét giới hạn trong bản ký âm của sáng tác, vốn đã được đăng ký bảo hộ tại văn phòng bản quyền Hoa Kỳ.

Nó tạo ra một chuẩn khắt khe hơn với những tác phẩm đạo nhái: những nghệ sĩ có tiếng tăm trên thế giới giờ đây thậm chí phải thuê những chuyên gia thẩm âm để lọc ra xem liệu tác phẩm của họ có “nhỡ” nghe giống một bài hát nào đó trước đây hay không. Họ không muốn vướng vào một vụ kiện cáo giời ơi đất hỡi có thể hủy hoại danh tiếng lẫn tài sản của mình. Bản hit “Uptown Funk” nổi danh toàn thế giới của Mark Ronson ghi nhận một số lượng tác giả kỷ lục được đề tên: 11 người, sau khi các ý tưởng của họ có phần giống một đoạn nào đó trong sáng tác.

Tiền lệ kiểu này chưa có ở Việt Nam. Nếu một bài hát hay bộ phim dính nghi vấn đạo chất xám, nó sẽ không được đưa ra tòa, nơi sẽ cố định tính xem ý tưởng ấy rốt cục có phải vi phạm bản quyền hay không. Thay vào đó, báo chí, chuyên gia, và dư luận sẽ vào cuộc, với bàn luận chín người mười ý, rồi rốt cuộc kết thúc của vụ việc sẽ dựa trên độ thành khẩn của nghệ sĩ bị tố đạo nhái: ai thấy áy náy thì xin lỗi, không thì… thôi.

Các MV mới ra mắt liên tiếp bị Youtube gỡ vì vấn đề bản quyền, và các nghệ sĩ Việt dường như đã quen với việc lên báo kiểu vậy. Thậm chí một ca sĩ hạng A có đến 12 lần dính vào nghi án đạo nhạc chỉ trong 8 năm. Và thế là chúng ta bàn về các nghi án đạo nhạc như cơm bữa, như bao câu chuyện đạo đức khác ở trên đời: gã đó xấu lắm, không có đạo đức nghề nghiệp gì đâu, nhưng chẳng làm gì được.

Vì đơn giản là chúng ta chưa bao giờ nhìn nhận nó như một vấn đề pháp lý nghiêm túc. Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung vào năm 2009, việc vi phạm bản quyền chỉ đơn giản là “lấy lại nhạc từ bài hát của người khác, chỉnh sửa lại lời mà không được sự cho phép của tác giả”, thì “hành vi đó được xem là sao chép, vi phạm”.

Nhưng việc tự ý lấy nhạc các ca khúc nước ngoài, đặc biệt là nhạc Hoa, phổ lời mới vào và trình diễn, thậm chí đã định hình một thời kỳ âm nhạc Việt Nam được biết đến với dòng “nhạc trẻ”, với một loạt các ngôi sao nổi lên nhờ hành vi mà trong luật quy định là vi phạm mười mươi này. Trong các lĩnh vực sáng tạo, chúng ta đã đi đến hiện tại với một “nền kinh tế sao chép” nặng nề: các phim nhái ý tưởng từ Trung Quốc, Thái Lan, thậm chí với những góc máy y hệt; các bài hát phổ lời Việt nhan nhản, với beat có khi lấy nguyên từ trên mạng; và các chương trình giải trí thậm chí sao chép cả logo hoặc thiết kế đồ họa, chỉ chỉnh sửa đôi chút.

Đạo đức dường như không phải là câu chuyện mà các nghệ sĩ đạo nhái quan tâm nữa, trước vụ “Blurred Lines”. Nhưng việc Pharrell Williams thua kiện và phải nộp hàng triệu USD tiền phạt đã rẽ thị trường sang một hướng khác: bất kỳ nghệ sĩ tên tuổi nào giờ đây cũng phải “phòng thủ” kỹ lưỡng và cố gắng tránh cả những trường hợp sáng tác giống nhau một cách vô ý, nếu không muốn rơi vào một cuộc chiến pháp lý mà nhiều khả năng là họ sẽ thua.

Chúng ta chờ một tiền lệ như thế. Nói chuyện đạo đức giờ nhàm mất rồi. Chỉ có pháp lý mới tạo ra tổn thất cho các hành vi sai, và đưa một thị trường trôi nổi trở về với những giá trị căn bản.

Phạm An

Đi tìm nguyên bản

Chúng ta vừa trải qua một thập kỷ u buồn của âm nhạc: nhiều “khai tông lập phái” của âm nhạc hiện đại Việt Nam đã đến tuổi rời cõi tạm, và cứ năm này qua năm khác, chúng ta phải nói lời chia tay.

Và khi nói lời chia tay với một tượng đài âm nhạc, ta lại nhận ra rằng mình đã hát bài hát của họ nhiều như thế nào. Cảm giác rằng trong phòng karaoke của ta với bạn bè, ai cũng có thể hát được một câu của Phú Quang, của Thanh Tùng hay xa hơn là Lam Phương, Phạm Duy.

Rồi một câu hỏi được đặt ra: sau 30 năm nữa, các bạn trẻ có ứng xử với các bài hát V-Pop nổi tiếng như thế không?

Câu trả lời có vẻ khá dễ dàng. Là không. Vì ngay bây giờ số lượng các ca khúc có tuổi đời trên 15 năm được trình diễn trên sân khấu lớn đã vô cùng hiếm hoi. Sẽ là bất công nếu bàn về chất lượng âm nhạc (kiểu “Bên em là biển rộng” của Bảo Chấn thì không hay bằng “Điều giản dị” của Phú Quang?), nhưng sẽ là công bằng, nếu nhận định rằng chúng ta đang sống trong một thời đại của các xu hướng: nghe nhiều, nghe nhanh, quên nhanh và tạo ra cái thay thế cũng nhanh.

Không chỉ có âm nhạc. Mọi sản phẩm văn hóa bây giờ đều trở thành “hàng tiêu dùng nhanh”. Có thể nhiều độc giả chưa biết đến quy trình sản xuất của mặt hàng này. Cách đây ba thập kỷ, một ca khúc, một tác phẩm có thể là sự thai nghén tự thân của tác giả: anh ta đi thực tế, quan sát cuộc sống, thậm chí là trong nhiều năm, anh ta nếm trải các cảm xúc, rồi viết nó lên trang giấy. Ngày nay, phần lớn “hàng hóa” được sản xuất với mục tiêu kinh tế rõ ràng.

Một ca sĩ cần bài cho album mới, một nhãn hàng cần ca khúc quảng cáo, họ đến tìm nhạc sĩ, đặt cọc 150 triệu (ví dụ), rồi bắt đầu giao cho một cô trợ lý làm việc tiếp với nhạc sĩ đó. Cô trợ lý này viết email giục người sáng tác theo lịch định kỳ: nhiệm vụ của cô không hẳn là quan tâm đến chất lượng âm nhạc, mà là hoàn tất dự án. Người nhạc sĩ sẽ sáng tác theo công thức, để hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng.

Hãy thay thế hình ảnh người nhạc sĩ bằng bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, bạn cũng sẽ có bức tranh của thị trường ngày nay. Một tập đoàn khách sạn cần hệ thống tranh, tượng trang trí lại cho một resort 5 sao mới khai trương. Họ sẽ chờ một họa sĩ sáng tác như Leonardo Da Vinci vẽ trần nhà nguyện Sistine mất mấy năm trời chăng? Tất nhiên là không. Họ lại đặt cọc một tỷ rưỡi (vâng, đây là những con số rất sát với thực tế nếu họa sĩ đó có tên tuổi), và chờ đợi khoảng 50 bức tranh cho các đại sảnh của mình.

Không thể nói rằng không còn nhạc sĩ, hay họa sĩ sáng tác cho cảm hứng, cho riêng bản thân mình. Nhưng chúng ta cũng biết rằng vẫn còn đầy nghệ nhân ẩm thực vẫn đang làm dưa góp cho nhà ăn, vẫn đang ủ tương đậu để bán. Chúng ta đơn giản là không hoang tưởng đến mức nghĩ rằng lọ dưa góp và tương đậu mình mua trong siêu thị là của một nghệ nhân được làm bằng tình yêu của họ. Ta cũng không hoang tưởng đến mức nghĩ rằng ca khúc nhạc phim hay bức tranh treo trên sảnh khách sạn kia là thứ được ấp ủ suốt 20 năm. Thị trường có nhu cầu, và có quyền năng để tạo ra những thứ “sản xuất hàng loạt”.

Sản xuất hàng loạt thì phải có công thức. Và công thức là thứ có thể được sao chép. Ngay cả đến các nền giải trí lớn nhất thế giới, nơi người ta trả hàng triệu USD cho một bài hát hay một kịch bản phim, ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy sự sao chép. Suốt thập kỷ 90, ta xem các cuốn băng video trong đó anh cảnh sát bị bọn tội phạm có tổ chức giết hại cả gia đình. Anh ta trả thù, bằng súng, hoặc bằng võ thuật, đánh hạ toàn bộ băng đảng trong tiếng thuyết minh lơ lớ - cả xóm ngồi quanh cái đầu VHS xem hết từ cuốn này sang cuốn kia.

Vậy thì sự nguyên bản liệu có thể tồn tại theo cách nào trong thị trường của những đơn đặt hàng và những sản phẩm làm theo công thức này? Sự nguyên bản, không thể tồn tại như thời các nhạc sĩ gạo cội viết nhạc Đỏ nữa: họ lúc ấy thậm chí còn chẳng nghĩ đến việc có tiền nếu viết ra một ca khúc, mà chỉ được tặng thưởng bởi chính cảm hứng của mình. Sự nguyên bản lúc này, chỉ có thể được đảm bảo bằng sự khắt khe của chính thị trường, qua đó tạo ra sự khắt khe của chính người sáng tác.

Đúng, anh ta là người nhận đặt hàng theo đơn và đang bị giục ời ời bởi một cô trợ lý không quan tâm gì đến nghệ thuật. Nhưng nếu công chúng không dễ dãi, anh ta cũng không có quyền sao chép, đạo nhái, viết ra những thứ rập khuôn, vay mượn. Anh ta đứng trước sự phán xét của thị trường.

20 năm trước, chúng ta có thể đưa một người nhạc sĩ lên “dàn thiêu”, đấu tố bằng hàng trăm bài báo, dè bỉu và thậm chí hủy diệt sự nghiệp của anh ta vì một vài nốt nhạc giống nhạc nước ngoài. Đạo nhạc hồi đó là một tội ác gì rất ghê gớm.

Nhưng thời ấy có vẻ như đã qua? Công chúng bây giờ cũng tặc lưỡi và dễ tha thứ hơn, như thể là họ trót mua phải lọ dưa góp không ngon trong siêu thị. Lần sau họ mua lọ khác, thế thôi?

Có lẽ là chính sự dễ dãi của công chúng đã quyết định bộ mặt của thị trường nghệ thuật. Một thị trường vắng thưa nguyên bản.

Đức Hoàng

Không thể có một nền sáng tạo nhàn nhã

Trước một nghệ sỹ, những người bình thường vốn dĩ không có trình độ chuyên môn ở lĩnh vực mà nghệ sỹ ấy hoạt động chắc chắn sẽ có những ngưỡng mộ nhất định. Sự ngưỡng mộ ấy không chỉ đến từ cảm thức của một người vô danh trước một người nổi danh. Nó còn đến từ cảm thức của một người khiêm tốn khi hiểu mình không có trình độ chuyên môn và được diện kiến một “kho tàng chuyên môn”.

Và trong sự ngưỡng mộ kể trên, người thường luôn mang một suy nghĩ đại ý “chắc để nghệ sỹ kia hình thành nên một tác phẩm, anh ta cần rất nhiều thời gian”. Những câu hỏi kiểu như “bao lâu thì hoàn thành một ca khúc/bài thơ/bức tranh/bộ phim?” sẽ luôn được đặt ra. Cơ bản, người thường vốn không thể tạo ra một sản phẩm sáng tạo như vậy nên họ nhìn sự việc bằng đôi mắt bất khả. Còn nghệ sỹ thì sao? Thực tế, có nhiều tác phẩm phải mất cả cuộc đời để hoàn thành, có những tác phẩm đòi hỏi nhiều năm thai nghén nhưng cũng có những tác phẩm được hình thành chỉ trong một thời gian rất ngắn. Ít ai biết rằng, có những bài hát chỉ cần 1 tiếng đồng hồ để hoàn thành, thậm chí, nếu cơn hứng khởi dồi dào và ý tưởng cũng cuồn cuộn, nhạc sỹ có thể chỉ mất 15 phút để viết xong ca khúc rồi.

Nhưng câu chuyện thời gian bao lâu cho một tác phẩm kiểu như nói ở trên chỉ là những biến động về thời gian sáng tác tùy theo nguồn cảm hứng, năng lượng sáng tạo, ý tưởng và nhiều khi còn là cả duyên. Còn những sản phẩm âm nhạc (hãy nhớ là sản phẩm âm nhạc) thì sao? Cha đẻ của chúng không bao giờ chấp nhận câu chuyện cả năm trời mới làm xong một sản phẩm. Thời gian luôn được tính bằng ngày, theo một kế hoạch sản xuất cụ thể được đặt hàng bởi đối tác, hoặc bởi một dự trù của cả một equipe trong thời buổi giải trí đã trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền.

Bên cạnh sự bức bách về thời gian như vậy, cộng hưởng thêm là sự bức bách về xu hướng. Sẽ không ít người đặt ra câu hỏi rằng “chẳng hiểu tại sao đám trẻ bây giờ hát cứ như méo tiếng?”. Câu trả lời chính là xu hướng. Sự ảnh hưởng quá lớn của K-pop đã tạo ra một thế hệ nhân vật giải trí ở Việt Nam hát như vẹt. Cách hát cũng sao chép từ các ngôi sao giải trí xứ Hàn bởi cách hát đó mới “hợp tai” khán giả đang say đắm trong thứ văn hóa ngoại lai kia. Và khác hoàn toàn với nghệ sỹ, những người làm nghệ thuật đơn thuần vì mục tiêu tối thượng là săn tìm sáng tạo nghệ thuật trước đã, sự đồng cảm từ khán giả sẽ xếp hàng sau, những nhân vật giải trí săn tìm số đông. Họ sẽ làm những thứ số đông muốn nghe. Do đó, từ thể loại, phong cách cho tới cả hiệu ứng âm thanh… đều được các nhân vật giải trí cố gắng bắt kịp với xu hướng thời thượng nhất nhằm tối ưu hóa hiệu quả phổ cập sản phẩm. Từ đó dẫn đến câu chuyện làm việc trên các “mẫu”. Mẫu này có thể là ăn cắp (vi phạm bản quyền bằng cách tải miễn phí trên mạng) hoặc được mua lại. Công chính hay không thì nó cũng không còn đáp ứng được tiêu chí lớn nhất, cơ bản nhất của sáng tạo là tính nguyên bản nữa. Giá trị của nguyên bản đã bị xếp xó. Thay vào đó, giá trị của công thức và thực hành (cái gọi là) nghệ thuật nhàn nhã đã lên ngôi.

Bởi thế, trên thị trường âm nhạc hiện nay đã bắt đầu tồn tại một hình thức khá đáng ngại là một người được xem là một nhạc sỹ trẻ (thậm chí là nổi tiếng) có thể nhoay nhoáy thực hành âm nhạc trên máy tính chỉ với một cây midi controller và cho ra những sản phẩm được lọt “top hits” này kia ở các trang mạng nhưng khi cần ký âm sản phẩm của mình ra giấy thì anh ta lại không làm được, hay tệ hơn, khi cần tham gia trình tấu sản phẩm của mình với các nhạc công, anh ta không thể hòa nhập. Nhiều người nói vui “đó là thứ âm nhạc tự kỷ” bởi người sản xuất ra nó chỉ có thể chơi nhạc cùng máy chứ không thể chơi nhạc cùng với người.

Nhưng đó là lựa chọn cách thực hành âm nhạc của mỗi người và trên thế giới việc thực hành âm nhạc kiểu này là quá phổ biến nên không thể trách thế hệ trẻ với những trang bị công nghệ tận răng. Điều đáng nói là sự sao chép cố ý khi họ buộc phải làm việc trong bức bách về thời hạn, bức bách về xu thế. Nó dẫn tới việc nếu nước ngoài có một loạt bản hits nào đó đang thắng, những nhạc sỹ kiểu này dễ đi trên con đường nhàn nhã hơn nữa là sử dụng cái xảo thuật của mình để viết ra một thứ gì đó na ná thế. Sản phẩm của họ không bị coi là đạo nhái, do nó không giống bất kỳ một sản phẩm sẵn có nào nhưng nó không có căn cước sáng tạo riêng. Nó chỉ là sự góp nhặt từ các ý tưởng gốc đã được phát hành và trở thành một thứ không thể định nghĩa. Nếu nói cho sang, người ta có thể gọi là phái sinh hiện đại nhưng thực chất cũng không hẳn là phái sinh khi ý tưởng gốc vẫn luôn bị chủ nhân của sản phẩm phủ nhận nếu có một ai đó tinh ý đặt câu hỏi.

Không chỉ âm nhạc, các lĩnh vực sáng tạo khác cũng thế. Một đạo diễn điện ảnh có tiếng từng nổi nóng trong một buổi nói chuyện trà dư tửu hậu khi nói về các bộ phim “remake” hiện nay của điện ảnh Việt Nam. “Đó là copy, không phải remake. Remake vẫn phải là một bản phim có chữ ký của đạo diễn trên đó cho dù kịch bản gốc của ai khác đã từng được sản xuất thành các bản phim khác đi nữa”, người đạo diễn kể trên đã nói. “Hãy xem Ben Hur bản mới nhất và so sánh với các bản trước đó, các bạn sẽ thấy đấy mới là remake. Còn những cái gọi là remake ở Việt Nam thậm chí giống đến cả cách đặt sáng, cả góc máy, cả khuôn hình thì là sao chép chứ remake cái gì”, anh bổ sung thêm. Và râm ran trong giới làm điện ảnh là một câu chuyện về một đạo diễn trẻ lừng danh, được xem là “triệu đô” hiện nay, khi đi làm phim với iPad. Nói làm phim với iPad không có nghĩa là anh ta quay phim bằng iPad mà ở mỗi cảnh, anh ta lôi phim gốc ra, trình chiếu nó trên iPad để equipe sắp đặt mọi thứ “y như bản gốc”. Ở một lĩnh vực mà có nhiều góc độ để xét về tính nguyên bản như điện ảnh, việc từ khước mọi khả năng để tạo ra nguyên bản của riêng mình càng cho thấy người ta xem thường giá trị nguyên bản thế nào khi đứng trước hấp lực của danh vọng và tiền tài.

Chính một xã hội chạy theo cái nhàn nhã, cái “kết quả ngay” đã định hình một diện mạo văn hóa khước từ giá trị nguyên bản như thế. Ngay cả câu chuyện chơi mạng xã hội thôi cũng đủ thấy. Rất nhiều chủ tài khoản có những bài viết rất hay và chỉ sau khi đăng tải chừng vài phút, vô vàn người khác đã chép y nguyên bài viết đó và đăng tải trên trang cá nhân của mình mà không cần trích dẫn nguồn sao chép. Nó tạo ra một xu hướng xã hội nghiễm nhiên lấy của người khác về làm của mình, miễn là thu hút được nhiều công chúng. Từng có chuyện cười ra nước mắt khi một KOLs viết rất nhiều dòng trạng thái thú vị, lên tới cả mấy chục ngàn lượt likes, bị phát hiện ra đã sao chép toàn bộ nội dung từ một vài nhà báo nước ngoài. Nhiệm vụ của KOLs kia chỉ là dịch lại nếu thấy bài đăng gốc bằng tiếng Anh có khả năng phù hợp với khẩu vị của người Việt. Bị chỉ trích nhưng sự việc chỉ tạm dừng lại một thời gian. Sau đó, đâu lại vào đấy. Ở đây, áp lực giữ lượt follow, lượt likes để ngày nào cũng phải viết cái gì đó vừa thị hiếu đã khiến người ta bỏ quên mất năng lực sáng tạo và thay vào đó, dùng năng lực sao chép làm chủ đạo.

Và câu chuyện xa rời tính nguyên bản này cũng nằm trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Hãy nhớ tới những ngày cả phố bán trà chanh, cả phố bán bún đậu mắm tôm cho tới các sản phẩm công nghệ vẫn vỗ ngực về “căn tính Việt”, “tự hào Việt” suốt thời gian qua. Thực chất, đều là những sao chép có chủ đích từ những thứ thế giới đang làm, và đang thu lợi. Tất cả những hoạt động ấy đủ dấy lên một cảnh báo thực sự. Muốn phát triển, không thể xem sáng tạo như một trò đùa nhàn nhã và dễ dãi theo kiểu “Tây làm sao, ta cứ làm y như thế”.

Hà Quang Minh

(Nguồn: https://antgct.cand.com.vn/)

 
 
 
Các tin mới hơn
Âm vang Việt Nam trong Festival Âm nhạc Á Âu mới tại thành phố Kaza(23/09/2022)
Liên hoan “Giai điệu Mùa Thu” 2022 với chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt(15/09/2022)
Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9 năm 2022 - “Hát lên Việt Nam!”(30/08/2022)
Chính thức đưa Nhà hát Ca múa, nhạc dân gian Việt Bắc vào sử dụng(29/08/2022)
Ngày Âm nhạc Mới thế giới ISCM(29/08/2022)
Các tin cũ hơn
Giải thích những ca từ khó hiểu trong 10 bài hát nổi tiếng của Trịnh Công Sơn(26/04/2022)
"Khoác áo mới" cho nghệ thuật dân tộc(22/04/2022)
Nhạc Việt đang chạy đà cho 'bình thường mới'(15/04/2022)
Sự vĩ đại của con người(14/04/2022)
Khai trương Trung tâm đào tạo tài năng trẻ và sáng tác âm nhạc tại Quảng Ninh - chùm ảnh 2(12/04/2022)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na