Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Tình bạn" của tác giả Nguyễn Thị Mai Phương
04/04/2024 12:00:00

Ông Thực cầm tờ báo mới lên xem, ghi chép điều gì đó vào cuốn sổ tay rồi để ngay ngắn trên bàn. Ông có tiêu chuẩn báo biếu của cán bộ lão thành cách mạng. Ông rất quý sách báo, đọc xong là cất ngay ngắn trên giá cho con cháu xem. Lát nữa, ông sẽ chọn thêm dăm tờ báo cũ, cho vào một cái túi, rồi mang đi. Mấy tháng nay, ngày nào ông cũng khoác túi báo đi ra khỏi nhà. Cuốn sổ nhỏ đã cũ luôn theo ông, trong đó chép những câu danh ngôn, tục ngữ ca dao, những mẩu chuyện thú vị, nhất là những bài thơ hay phù hợp tuổi già. Gặp bạn, ông cùng chia sẻ để thấy cuộc đời thêm ý nghĩa.

Minh họa: Bùi Quang Đức 
 
 
Ông nhìn ra ngoài ô cửa nghĩ, mùa xuân năm nay kỳ dị khác thường, mưa phùn hàng tuần liền rồi rét liên miên, giờ lại thêm dịch cúm Corona hoành hành. Cả thế giới căng mình chống dịch, ở thành phố này cũng vậy ai cũng hạn chế đến chỗ đông người. Nhưng có lẽ, nhất định, lát ông sẽ đi, sẽ đeo khẩu trang cẩn thận rồi đạp xe đi. Ông không thể cứ mù mịt tin tức về người đó được, biết đâu, chỉ chiều nay ông ở nhà là lỡ mất, không gặp được thì sao. Ông vừa đọc câu chuyện rất cảm động trên báo, rằng người dân Nhật Bản gửi gói quà đựng khẩu trang, thiết bị y tế cho người dân Vũ Hán (Trung Quốc) chống dịch. Trên mỗi gói quà đều ghi dòng chữ: "Sơn xuyên dị vực/ Phong nguyệt đồng thiên" (nghĩa là: Sông núi khác vực (nước)/ Trăng gió cùng trời). Ông đã chép lại câu nói đó. Ông cũng thấy sống mũi cay cay khi Việt Nam mình cũng gửi khẩu trang và tiền tặng cho nước bạn. "Lúc gian khó này mà" - Ông nhẩm thế rồi mặc thêm áo khoác.

- Sao ông đi đâu hay đi thế, chiều nào cũng đi vậy nhỉ? - Bà giáo Lưu - vợ ông vừa mang nước cam cho ông, vừa hỏi.

- Cái bà này, tôi đi đạp xe quanh quanh rồi ra công viên đọc báo, hàng chục năm nay tôi đi thế rồi, bà không hỏi, sao giờ lại hỏi? Già rồi theo bà thì đi đâu?

- Ai biết được ông. Ông đừng có đua đòi tập tành theo tà đạo nào đấy nhé.

- Ơ hay, tôi mà lại thế à? Bà ăn nói hay nhỉ.

- Đời ối chuyện không tin được đâu, ông ạ! - Bà nói vậy, rồi kể cho ông nghe câu chuyện về một ông lão nào đó, ở đâu đó mang cầu lông đi tập, nhưng thực ra đi hẹn hò người tình. Bà vợ đã cắt rách lưới vợt mà không biết, hỏi nay ông đi đánh cầu không, vẫn trả lời là có. Lập tức chiến trận xảy ra, sự thật phơi bày…

Ông Thực phá lên cười rồi bảo: "Đúng là các bà khiếp thật. Người mà tôi định gặp lần này là đàn ông, khi nào gặp lại ông ấy, tôi sẽ kể cho bà nghe". Bà chụp cho ông cái mũ lên đầu, rồi đóng cửa. Ông Thực đi ra ngoài. Phố xá thênh thang, vắng vẻ khác thường, ai cũng đeo khẩu trang. Mấy chỗ mọi ngày bọn trẻ hay tụ tập, giờ chẳng có bóng người. Chợt ông nghĩ lại, không biết ông ấy đã đi đâu? Sao mấy tháng nay không hề xuất hiện? Bét ra có việc gì cũng nên chào nhau một tiếng chứ nhỉ…

Ông đến chỗ mà mấy tháng trước hai ông vẫn ngồi trò chuyện, đọc báo. Có bà đi qua hỏi: "Sao dạo này chỉ có mình ông vậy, cái ông râu dài kia đi đâu rồi?". Ông Thực lúng túng: "Chính tôi cũng không biết". Ông Thực đạp xe qua gốc cây cổ thụ bên hồ… Đúng rồi, sao mấy tháng nay ông không hề nghĩ ra cách đi tìm ông lão…

Nhiều năm nay, người dân phố Phủ, nhất là khu chợ Bến Cá đều quen thuộc với ông lão tóc bạc trắng, râu dài ngồi mài dao bên gốc cây cổ thụ. Ông lão đựng đồ nghề và những con dao mới trong một cái bao tải, đạp xe đi mài dao khắp nơi, mãi ông mới trụ lại cố định nơi này. Ông mài dao cho mấy dãy hàng bán thịt quanh chợ, mấy bà bán trầu vỏ, dân chẻ lạt đan mành, và cả người dân thành phố. Ai có nhu cầu, ngồi chờ ông mươi phút là có con dao sắc. Ông làm việc tận tụy và cẩn thận, công xá vừa phải nên khá đông khách. Hết khách, ông kê cái gối mây lên gốc cây rồi nằm ngả lưng. Nhiều người ái ngại cho hoàn cảnh của ông, nhưng tuyệt nhiên, ông lão không bao giờ xin ai thứ gì. Ai cho đồ ăn mà không có thái độ tử tế, ông không nhận. Chiến tranh năm nào đã cướp đi hết gia đình ông, một mình tha phương cầu thực, sau lấy bà vợ bán xôi ở chợ Cầu Mới nhưng bà lại bị tai nạn chết mất. Ông bỏ xuống thành phố thuê trọ một căn nhà giá rẻ, mưu sinh bằng nghề mài dao. Có ông cán bộ hưu tuần nào cũng ra mài dao, nói đủ thứ chuyện khá hóm hỉnh, thân thiện. Biết ông lão mài dao làm việc cả ngày cũng cần giải trí nên thi thoảng ông cán bộ mang cho tờ báo. Thật không ngờ, ông lão mài dao khá hiểu đời, ca dao thuộc làu làu, thông tỏ chuyện kim cổ. Hai ông hẹn nhau cứ vài ngày, vào cuối chiều lại ra công viên ngồi trò chuyện cho mát và thư thái. Ông Thực mang cho ông bạn mấy tờ báo đọc trong vài hôm. Hết thì lại đổi đợt mới. Nhưng có lẽ bây giờ ông Thực mới sực thấy mình sơ tâm, không hỏi kỹ hơn về cuộc đời ông lão mài dao. Đến cái tên cũng không rõ ông tên thật là gì. Thật ra, ông Thực cũng không biết ông Hai trọ ở khu nào. Cơ bản thấy ông Hai luôn vui vẻ, hợp chuyện, nên cứ gặp là hai ông nói đủ chuyện từ thế giới đến trong nước, rồi tình hình xã hội hiện nay. Nghĩ bạn già vậy là vui, chứ đôi khi ông Hai cũng tránh không đi ăn uống gì với ông Thực bởi một người sống lang bạt sao lại so với ông cán bộ.

Nhưng xem ra, mấy tháng nay ông Thực thấy buồn. Hóa ra, ngoài ông Hai, không có ai trong đám bạn cũ hay xóm giềng thực tâm nói chuyện hay đọc báo với ông, con cái thì đứa nào phận nấy. Chẳng hiểu ông Hai đã đi đâu. Có người trong công viên bảo ông ấy chuyển đi nơi khác rồi. Ông Thực đạp xe ra gốc cây cổ thụ dạo trước. Vắng hoe, chỉ có mấy ông xe ôm nằm trên yên xe máy đợi khách. Hỏi đến ông Hai, cánh xe ôm chỉ tay về phía quán bà già dưới Bến Cá. Ông Thực đi bộ xuống bến. Dưới bãi sông có một cái miếu nhỏ, cạnh miếu là cái quán xiêu vẹo của một bà già không biết từ đâu đến bán quán đã vài năm. Hàng hóa chỉ lèo tèo mấy cái chén uống chè, mấy bao thuốc, lon nước và vài cái bánh rẻ tiền. Ngồi quán là dân đi chợ cá và bốc cát sỏi trên thuyền. Ông Thực vừa đến cửa quán, bà già đã nhanh nhảu: "Ông tìm ông Hai đúng không? Sao giờ ông mới đến?". Ông Thực sững sờ ấp úng: "Vâng, sao bà biết?".

Bà già không trả lời, rót mời ông một chén trà nóng rồi đi vào trong lều, mang ra một bọc gói giấy báo đưa ông. "Ông Hai gửi cho tôi hôm trước thì hôm sau đi đấy. Dặn thể nào rồi cũng có ông già cán bộ tìm đến. Tôi nhìn ông đoán ra ngay, quán tôi có bao giờ có khách như ông đâu". "Ông Hai đi đâu vậy bà?". Bà già không trả lời. Ông Thực run run mở gói giấy báo ra: Một con dao to bản còn mới, trên cán dao khắc dòng chữ "tặng bạn vàng của tôi". Có dự cảm không lành, ông Thực ngồi xuống ghế chờ đợi bà chủ quán cất lời. Bà già kể, đêm ấy mưa gió, có người tận Kiếp Bạc cho thuyền lên đón ông Hai đi bốc mộ. Ông Hai vẫn làm việc đó giúp đỡ người nghèo khó, không lấy tiền. Sau khi xong việc quay về thì thuyền đắm, ông Hai đã về giời. Hôm sau, người ta mới vớt được thi thể ông. Nhưng chắc linh tính mình chả sống được bao lâu nữa, ông Hai đã gửi bà bọc giấy này, và dặn: "Nếu tôi có chết thì hỏa thiêu rồi mang tro tôi gửi vào đền bên Bến Cá". "Khổ lắm, làm nhưng có tiêu tiền bao giờ đâu, ông ấy nhờ tôi giữ đây này, bảo nếu trên đời có ai đó thật cần thì bà nên giúp" - bà chủ quán nghẹn ngào nói. Ông ấy kể về ông rồi, chính những tờ báo của ông đã khiến ông ấy sống vui vẻ hơn, bớt tội nghiệp hơn…

Con dao trên tay ông Thực bỗng trĩu xuống. Ông Thực thấy ân hận, ông chưa bao giờ hỏi về những góc khuất hay quan tâm đến phía sau đời sống của ông Hai. Ông không ngờ, người đi bốc mộ thuê chết đuối ngoài sông mà dân phố Phủ dạo đó bàn tán lại chính là ông Hai. Ông Thực chết lặng, ngồi bất động, mắt cay xè, lòng trào dâng bao xót xa. Bà già chủ quán dẫn ông Thực vào đền Bến Cá thắp hương. Ông Thực đặt những tờ báo cũ và ít bánh kẹo lên bệ thờ rồi khấn vong linh ông Hai.

Bà giáo Lưu ngạc nhiên khi ông chồng về, im lặng vào nhà. Ông Thực đưa cho vợ con dao và kể lại. Bà Lưu quay đi lau nước mắt. Ông Thực mở ti vi nghe tin tức về dịch Corona trên thế giới, số người chết ngày một nhiều lên. Đúng là, nghe tin về dịch bệnh, rồi qua câu chuyện ông Hai, cuộc đời người ta sao mà mong manh, vô thường đến thế. Mọi chuyện, chỉ có sinh mạng mới là chuyện quan trọng mà thôi, mình rõ ràng phải sống khác đi. Ông Thực nảy ra ý nghĩ, sẽ tặng lại toàn bộ sách báo gia đình mình cho thư viện thành phố. Ít ra, mỗi ngày qua thư viện, nhìn vào trong, ông còn thấy rất nhiều những trang báo cũ lưu giữ tình bạn đẹp của mình với ông Hai.

Cuối mỗi tuần, người phố Phủ đều thấy ông Thực đạp xe mang theo hoa tươi vào đền Bến Cá. Lần này, ông Thực mang theo một cái giỏ mây đựng toàn hoa gạo đỏ chót. Ông Hai từng kể về loài hoa đã cứu ông khỏi nạn đói năm nào. Ông Thực thì thấy lần đầu tiên sau cả một đời làm cán bộ, nhìn hoa gạo ông nhận ra rằng, trên đời đúng là chỉ chữ tình còn lại, mình đã sai lầm quá nhiều… Người hàng phố lấy làm lạ, cứ mỗi lần từ Bến Cá về, ông Thực lại đứng trước thư viện thành phố rất lâu.
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Cảm xúc Đền Hùng (01/04/2024)
Tản mạn trước xuân(01/04/2024)
Ra Giêng(29/03/2024)
Hào khí nước Nam(29/03/2024)
Nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng(29/03/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na