Mùa thu năm ấy, vùng quê tôi còn đang rã rời trong nạn đói thì trời lại làm lụt lớn, nước ngập đồng ruộng, tràn vào trong làng, xóa cả ranh giới ao chuôm, biến mấy cái ao lớn liền nhau cạnh nhà thành một đoạn sông. Buổi chiều có một chiếc thuyền chở mấy người, vừa đẩy thuyền đi vừa hát. Tiếng hát vang vọng cả xóm làng "Đoàn quân Việt Minh đi chung lòng cứu quốc". Con thuyền có lá cờ đỏ sao vàng, cứ băng băng lướt đi, không bờ bụi nào ngăn cản được. Bà mẹ tôi ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nhưng anh Tào là anh tôi- một người có học, giao đãi rộng rãi, có chí hướng thức thời khi ấy và sau này trở thành cốt cán của chi bộ Đảng thì vui ra mặt. Anh bảo: "Thế là cách mạng đến rồi! Việt Minh về đấy!".
Tôi nghe chưa hiểu gì mấy thì ngày hôm sau, được theo anh Tào cùng mấy người trong làng kéo sang phủ huyện Tứ Kỳ, chỉ cách làng tôi chưa đầy cây số và một bến đò. Đó là con sông Đĩnh Đào chảy qua nhiều địa giới nên đến gần đâu thì gọi tên ấy như sông Bía, sông Vạn… Qua quê tôi- nơi gần phủ huyện có đồn lính gác nên gọi là đò Đồn. Lần đầu tiên mẹ đưa tôi qua đò đến nhà thương uống thuốc giun. Ấn tượng nhất là viên y tá quát "há miệng ra" rồi nhỏ những giọt thuốc tẩy giun, lờn lờn, hắc hắc vào miệng. Còn lần này, đi theo anh Tào, từ xa, đã thấy bến đò rợp cờ đỏ sao vàng. Tới gần, có rất nhiều thuyền to, mủng nhỏ trên cắm cờ soi bóng đỏ dòng sông. Tôi chưa hiểu chuyện gì thì anh Tào bảo đó là thuyền chở thóc do Việt Minh tước từ tay giặc Nhật chia cho người dân đang bị nạn đói, đã nhiều người chết. Ngồi trên thuyền, tôi nhận ra một bác quen quen, vẫn dắt cả nhà đi ăn xin, rồi tối lại về ngủ ở góc đình làng. Vợ bác cũng vừa chết đói mấy hôm trước. Bác gầy còm chỉ còn da bọc xương nhưng vẫn cố vác một bao thóc, chệnh choạng suýt lao xuống sông. Anh Tào vội đứng lên đỡ một tay…
Bước chân lên phố là cảnh tượng tôi chưa từng thấy bao giờ. Người đông, nhà nhà treo cờ, hai bên đường trên các bức tường hay dậu cây xanh đều giăng cờ giấy, hoa giấy... Anh Tào phải nắm tay tôi không sợ lạc, gặp ai cũng tươi cười, hồ hởi. Nhiều người ôm nhau, vừa nói vừa khóc. Cửa miệng là những câu nghe như khẩu hiệu mà thật xúc động "Hoan hô Việt Minh!", "Thoát chết đói rồi!", "Độc lập muôn năm!"…
Chúng tôi đến một khu đất rộng, trước là sân đá bóng. Trên sân có rất đông người xếp hàng, cũng có người mang súng thật, còn phần lớn là súng gỗ, gậy gộc, dáo mác. Họ là dân quân tự vệ, tốp thì tập bắn súng, nơi đấu võ, ném lựu đạn hay đấu kiếm…rất náo nhiệt, sôi động. Anh Tào bảo trong số đó có cả những người là bạn học.
Đi tiếp đến một khu có tự vệ canh gác nên không được vào. Đó là dinh tri phủ Tứ Kỳ trong thời Pháp. Còn chưa biết thế nào thì có một tốp người từ trong cổng phủ đi ra, trong đó có người là bạn thân thiết anh Tào. Họ rất vui và kháo nhau về chuyện đêm qua với vũ khí thô sơ như dáo mác, gậy gộc… Việt Minh đã đột nhập vào phủ Tứ Kỳ. Bị bất ngờ, tri phủ Nguyễn Bá Ngà và toàn bộ lính tráng trong phủ đã ngoan ngoãn đầu hàng, bàn giao quyền kiểm soát cho Việt Minh. Tiếp đó, Việt Minh nhanh chóng phá kho thóc của Nhật gồm 300 tấn ở đò Đồn để cứu đói cho dân. Nghe tin này, người trong phủ kéo về bến đò rất đông nhận thóc, cứu đói cho hàng vạn người trong vùng.
Đó là sự kiện cách đây ba phần tư thế kỷ. Ngày nay, dù huyện lị Tứ Kỳ đã dời đi nơi khác, nhưng bên đường xuống bến đò Đồn vẫn còn bia kỷ niệm và còn cả những nhân chứng của ngày vùng lên giành chính quyền, để từ những người dân nô lệ, đói rách trở thành công dân của nước độc lập-tự do, vượt qua nạn đói kinh hoàng*, để các thế hệ tiếp theo xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc…
*Theo sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam" - Viện Sử học Việt Nam xb 1995" của GS Văn Tạo và GS Furuta Mo Too, thì nạn đói 1945 làm cả nước chết 2 triệu người, riêng tỉnh Hải Dương 20 vạn, huyện Tứ Kỳ trên 1 vạn, xã Quang Khải quê tôi 712 người (19% dân số).