Văn xuôi
Chuyện đêm trăng
18/05/2022 09:30:45

Chiến tranh kết thúc, anh tôi trở về với một cánh tay gửi lại chiến trường. “Có đáng gì đâu, trung đội tao có ba sáu thằng, giờ chỉ còn ba, mà tao là thằng bị nhẹ nhất”. Anh nói nhẹ bẫng như mình vừa đi đâu đó rồi trở về thôi chứ không phải là vào sinh ra tử. Mẹ tôi khóc như mưa ngày anh nhập ngũ. Năm năm sau anh về, tôi nhìn thấy anh từ ngoài ngõ, một bên tay áo phất phơ. Mẹ tôi chạy ra, đã biết trước rằng anh sẽ về nhưng bà vẫn sững sờ. Nhìn một bên tay áo anh đang đùa với gió, bà chạy vào buồng sụt sịt một lát rồi lau khô nước mắt bước ra nói cười tiếp chuyện bà con đến chơi, như chưa hề có năm năm mất ngủ ngóng tin biên giới.

Tôi vào bộ đội cũng vì lời khuyến khích của anh. “Hết chiến tranh rồi, nhưng thời nào làm bộ đội cũng oách cả. Đi đi cho ra dáng thằng đàn ông”. Ngày tôi nhập ngũ mẹ không khóc. Câu duy nhất mẹ dặn tôi trước lúc lên đường: “Mẹ thấy cái Liên nó có cảm tình với con đấy, giữ liên lạc với nó nhé. Ba năm nghĩa vụ về rồi mẹ hỏi cưới cho”. Tôi hơi ngỡ ngàng vì lời nói của mẹ. Tôi và Liên chỉ là bạn học, đã có ý gì riêng với nhau đâu. Mà anh tôi lớn hơn tôi cả gần chục tuổi, giờ vẫn còn ở không đó. Sao mẹ đã tính chuyện cho tôi.


Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Những ngày huấn luyện vừa gian khổ vừa háo hức nhanh chóng làm tôi quên đi nhiều chuyện khác. Thỉnh thoảng nhớ lại lời anh, tôi chưa thấy oai oách ở đâu, nhưng thấy mình phù hợp với môi trường này. Tôi học xong cấp ba khi đất nước bước vào đổi mới, thị xã quê tôi thì đã manh nha thay đổi từ mấy năm trước rồi. Quả thực tôi cũng không biết mình nên theo ngành nào để thoả cái tính nửa lãng đãng mộng mơ, nửa lí trí và thực tế của mình. Nơi tôi đóng quân cũng là mảnh đất mà mấy năm trước anh tôi cùng đồng đội cầm súng đánh đuổi xâm lăng. Vết tích của chiến tranh vẫn còn trên từng mảnh đất bị pháo đạn cày xới, nhưng cũng trên mảnh đất ấy bà con đã dắt díu nhau về dựng lại làng bản. Sự sống đã hồi sinh, nảy nở ở nơi đã từng chôn vùi bao nhiêu bộ đội và dân lành.

Kết thúc thời gian huấn luyện chúng tôi được phân công đi giúp dân khai hoang, cải tạo đất. Cánh lính trẻ hào hứng với nhiệm vụ mới, bởi được ra khỏi doanh trại, khám phá vùng đất mới, đặc biệt trong quá trình giúp dân được gặp gỡ, làm quen với nhiều cô gái trong bản.

Tiểu đội tôi được chia thành 3 tổ đi giúp dân trong bản. Tổ của tôi gồm Long, Sảng và tôi được phân công đến giúp gia đình ông bà Sở vỡ đất trồng cam. Ông bà có một người con gái, đó là chị Hà, chị lớn hơn chúng tôi năm tuổi nhưng không hiểu sao vẫn chưa lấy chồng, ở tuổi đó các cô gái miền núi hầu hết đã có vài ba đứa con. Chị Hà rất đẹp, chúng tôi chỉ biết to nhỏ thắc mắc với nhau nhưng không ai dám đem điều thắc mắc ấy đi hỏi. Chúng tôi được ông Sở dành cho hẳn gian nhà ngoài để ở, ông bà ở gần gian bếp, còn chị Hà ở căn phòng bên phía chái nhà. Đang sức ăn sức ngủ nên sau một ngày lao động trên nương trở về, chúng tôi tắm rửa ăn cơm, sinh hoạt tiểu đội một chút rồi đi ngủ, đứa nào cũng ngủ thẳng một giấc đến sáng.

Đêm ấy trăng rất sáng. Tôi nằm phía cửa sổ, ánh trăng rọi qua khe cửa khép hờ khiến tôi trăn trở không sao ngủ được. Nhìn ra ngoài thấy trăng tãi bạc trên mảnh vườn khuya khoắt, tôi ngồi dậy mở hẳn cửa sổ để nhìn ra và thiếu chút nữa tôi đã kêu lên vì giật mình. Phía ngoài, cách cửa sổ phòng tôi hơn chục mét, bóng một người con gái đang ngồi im như tượng trên mỏm đá. Tôi cố gắng định thần lại, nhìn kĩ xem hay do mình hoa mắt hay ảo giác. Nhưng đúng là dáng một người con gái, cô ấy vừa đưa tay lên vén lại mái tóc xoã dài. Khi tim đã đập lại những nhịp bình thường, tôi nhận ra đó là chị Hà. Chị ngồi nghiêng, khuôn mặt trắng ngần, ánh trăng chiếu xuống càng dáng người chị trở nên mê mị. Chị ngồi rất lâu mặc cho sương khuya đã lấp lánh trên cây cỏ. Con gái thường kín đáo nên thật khó để biết được điều gì ẩn giấu bên trong họ. Tôi vẫn thường quan sát chị Hà mỗi lần đi làm chung trên nương. Chị vốn cởi mở, xem chúng tôi như những đứa em trai, hướng dẫn chúng tôi làm những việc mà ở dưới xuôi không quen làm, dành cho chúng tôi những món ăn đặc trưng của miền núi. Nỗi buồn của chị không hiện diện trên khuôn mặt mà lặn vào trong vóc dáng vừa như kiêu kì vừa như cô độc.

Một buổi chúng tôi cùng chị Hà đi nương về thì thấy ông Sở có khách. Vừa thoáng thấy người ngồi trong nhà chị đã tỏ vẻ khó chịu, buông con dao ở ngay chái rồi bước thẳng vào buồng. Chúng tôi ý tứ không đi vào nhà. Long và Sảng rủ nhau sang xóm bên thăm mấy thằng ở nhóm khác, còn tôi xuống bếp chuẩn bị bữa tối cùng bà Sở. Nhìn mặt bà buồn rười rượi chứ không đon đả như mọi khi thấy chúng tôi về. Bà thở dài buông một câu, không rõ nói với ai “Khốn khổ thay”, rồi sụt sịt khóc. Nhìn bà khóc, tôi lại nhớ tới mẹ lúc vào buồng lén khóc ngày anh tôi về. Không rõ có chuyện gì nên tôi đánh liều hỏi: “Có chuyện gì vậy bác? Chúng cháu có thể giúp hay chia sẻ được gì không?” Như có nơi để trút nỗi lòng, bà Sở buông phịch nắm rau trên tay rồi ngồi xuống, nước mắt ngắn dài: “Thì chuyện con Hà nhà này đấy. Hồi còn chiến tranh nó phải lòng một chú bộ đội, chú ấy cũng thương nó lắm. Oan khổ sao thằng Năng cũng thương con Hà. Lúc ấy chiến tranh liên miên, sống nay chết mai chẳng biết thế nào, vợ chồng tôi đánh liều nhận lời bố mẹ thằng Năng để lo cho xong. Lễ lạt nhận rồi mà con Hà nhất quyết không chịu, một lòng chờ chú bộ đội…” Bà Sở ngưng lại chặm nước mắt như thể cố lắng những giông bão đang bùng lên trong lòng mình. “Thế rồi chú bộ đội ấy có trở lại không bác?” “Có, chú ấy trở lại sau ngày quân xâm lược rút về bên kia biên giới. Nhưng cũng trong ngày đó cả bản đồn ầm lên rằng con Hà nhà này là ma cà rồng không ăn cơm, chỉ ăn đất…”. Quá bất ngờ với câu chuyện của bà Sở tôi thốt lên: Sao lại có chuyện như vậy được ạ! Bộ đội sẽ không tin vào điều đó đâu. “Chẳng biết tin hay không nhưng chú ấy nói lời chia tay với con Hà. Và ở vùng này ai cũng tin, có người tin cho đến tận bây giờ nên không ai dám đến với nó. Chỉ có thằng Năng. Có điều về sau gia đình tôi biết là tin đó do thằng Năng bịa ra để con Hà không thể lấy ai. Nhưng con Hà cương quyết lắm, nó không khóc lóc đau khổ và cũng quyết từ mặt thằng Năng”. Vậy người khách ngoài kia là… Tôi vồn vã hỏi. “Thằng Năng chứ ai. Sau khi không thuyết phục được con Hà, nó đi lấy vợ, nhưng năm rồi nó bỏ vợ vì không thể có con. Nó lại tìm đến đây…”.

Câu chuyện của bà Sở đã giải toả những thắc mắc trong lòng tôi bấy lâu nay. Tôi thương chị Hà và cố gắng làm thân với chị nhiều hơn.

Một hôm đang làm nương thì trời bất ngờ đổ mưa to, Long và Sảng trú vào lán tạm, phía bên tôi và chị Hà đang làm có một hốc đá khá to nên hai chị em chạy vội vào đó ngồi. Mưa có vẻ còn lâu mới tạnh. Chị Hà ngồi chống cằm nhìn mưa, ánh mắt mông lung vời vợi. Tôi đánh liều hỏi chị: “Chị có giận anh bộ đội năm ấy không?”. Chị Hà không tỏ vẻ gì bất ngờ với câu hỏi của tôi và có lẽ chị hiểu là tôi đã biết chuyện. “Chị thương anh ấy nhiều hơn. Em không sợ chị là ma cà rồng à?”. Làm gì có chuyện đó. Em không hiểu sao anh bộ đội kia lại tin lời bịa đặt này. “Anh ấy không tin. Anh ấy sợ làm khổ chị”. Tại sao chị biết là anh ấy không tin? “Chị đã tìm đến đơn vị của anh nhưng anh ấy đã giải ngũ. Người chỉ huy nói cho chị biết rằng anh ấy không tin chị là ma cà rồng. Nhưng anh ấy không muốn đến bên chị bởi sợ làm chị khổ. Anh ấy không thể giúp chị lên nương trồng cấy. Lúc mới yêu, bố chị đã đánh tiếng xa gần là ai lấy cái Hà thì phải ở rể...”. Tôi gay gắt: Ở rể và làm nương thì đã làm sao, nếu đã tin yêu? Chị Hà ngậm ngùi: “Anh ấy bị thương nặng và mất bên tay phải, do pháo địch”. Tôi bàng hoàng, tai như ù đi, là do mưa to hay do ý nghĩ vừa xẹt qua đầu. Cố gắng giữ bình tĩnh, tôi hỏi chị: Anh ấy ở đơn vị nào? “Là đơn vị em đang đóng quân đó”. Giọng chị đã bình thản trở lại nhưng tôi lúc này đã không còn giữ được sự bình tĩnh nữa. Lòng tôi như lửa cháy, rối bời. Thật may là chị đang nhìn ra mưa nên không thấy được sự thất thần, rối bời của tôi. Tôi không hiểu nghị lực ở đâu mà một người con gái Tày lại vững vàng và bình thản đến thế, sau bao nhiêu đau buồn.

Tôi viết thư về cho anh. Đó là lần đầu tiên tôi nói những lời nặng nề với anh: “Anh bảo đi bộ đội cho ra dáng đàn ông, vậy mà anh đã cư xử thế nào để chị Hà một đời lỡ dở…”. Thư anh tôi viết lại không còn là những lời nhẹ bẫng, tưng tửng như tính cách của anh mà là biết bao nhiêu day dắt trăn trở và cả đau khổ. Lòng tôi nặng trĩu, thương anh, thương chị vô cùng.

Đêm ấy trăng sáng lắm, chị Hà vẫn ngồi như tượng trên phiến đá ngoài vườn, dáng ngồi ấy làm tôi nhớ đến phiến đá nàng Tô Thị ở trên chính mảnh đất này, bất giác tôi sợ hãi khi nghĩ rằng một ngày chị sẽ thành phiến đá. Tôi quyết định rẽ trăng bước ra để nói với chị sự thực mà lâu nay chị chưa biết đến.

Bây giờ, khi tôi ngồi kể lại chuyện này thì anh tôi và chị Hà đã đến được với nhau sau bao xa cách và chịu đựng, họ đã có một đứa con nuôi ngoan ngoãn. Tôi cũng đã hiểu, vì sao ngày tôi lên đường mẹ lại dặn dò điều đó. Chiến tranh không chỉ lấy đi của anh tôi cánh tay phải, chiến tranh còn lấy đi rất nhiều thứ trong cuộc đời mà những người trong cuộc mới có thể biết và hiểu được.

Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/ 
 
 
Các tin mới hơn
Mắt phù sa(23/09/2022)
Trương và Nguyễn(21/09/2022)
Nàng Sita cù lao(25/08/2022)
Tiếng trăng(11/08/2022)
Tiếng rắn hoang(10/08/2022)
Các tin cũ hơn
Thành phố mở và không ngừng mới – Tùy bút của Trần Nhã Thụy(13/05/2022)
Mật gấu(29/04/2022)
Bóng lửa(27/04/2022)
Rừng của mùa sau(15/04/2022)
Ngày tháng cũ – Truyện ngắn của Y Ban(14/04/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na