– Đấy nhà đấy, cứ đẩy cửa mà vào. Tôi đứng ngoài này chờ.
– Lâu đấy, chờ được không?
– Lâu cũng chờ. Lâu lắm rồi mới được một cuốc xe.
Hai người đàn bà đi vào, một người gõ cửa nhè nhẹ.
– Cứ vào đi.
Ngọn đèn điện 110W yếu công suất chỉ tỏ mờ mờ nửa mặt người đàn ông đã ngồi sẵn ở bên cạch cái bàn nước cáu bẩn.
– Hai cô ngồi đi, cô này xem trước, đọc đi ngày tháng năm sinh, giờ sinh.
Người đàn ông nhỏ thó ngồi trên chiếc ghế đẩu thu cả hai chân lên ghế chỉ người đàn bà cao to có da có thịt. Còn người đàn bà kia bé nhỏ.
– Dạ tuổi Sửu, giờ Sửu…
– Hai năm nữa cô sẽ đẻ thêm đứa nữa, nó là con trai. Nhà cô phải có con trai thì mới ăn ra làm nên. Nhất là bố nó, có thằng này mở mặt mở mày với thiên hạ, mới có tiền chứ không thì lẹt đẹt cho đến chết.
…
– Còn cô này xem gì? Nếu cô chưa có chồng có con thì tôi xem cho, nếu cô có chồng có con rồi thì tôi không xem đâu, hai cô về đi.
– Hừ chồng con gì, chồng chết chồng bỏ chồng chê chồng đi tu chồng đi tù rồi lấy đâu ra con.
– Cô đừng nói thế; cô có con hẳn hoi. Hai năm nữa cô sẽ có con, con gái. Tôi dặn cô đừng có bắt đền người ta, đến năm 12 tuổi thì người ta sẽ đến nhận. Nó có chị có em có gia đình.
…
– Thế thôi hai cô về đi, muốn đưa bao nhiêu tiền thì đưa.
Hình như trong nhà có một người nữa; lúc hai người đàn bà đứng dậy một đôi mắt từ trong bóng tối nhìn theo.
Hai năm sau một người đàn bà sinh một đứa con con gái, muộn hơn mấy tháng người đàn bà nhỏ bé cũng sinh một đứa con trai.
Khi hai đứa bé vào lớp 1 hai người đàn bà quay về con phố cũ của thành phố cũ, tìm người đạp xích lô năm ấy. Người đạp xích lô vẫn ở đấy.
– Ông ấy mất rồi, mất lâu rồi, mất bảy năm rồi. Có muốn xem chỗ khác không tôi đèo đi.
– Không chúng tôi không muốn xem chỗ khác.
Đứa bé gái được sinh trong gia đình đầy đủ tuy không đúng như ông thầy phán nhưng nó được yêu thương vô bờ bến. Bố nó thì đúng là phất lên như diều chứ không lẹt đẹt như trước. Các dự án của bố nó mang về tiền tỷ, đi nước ngoài như đi chợ. Mỗi lần bố đi công tác về nó nhận cả vali quà, áo quần hàng hiệu, búp bê Barbie cả chục con, tất cả đều không khiến con bé vui. Mỗi khi đón con ở trường mẹ nó không khỏi trút tiếng thở dài; nó luôn đứng một góc như một dấu lặng đơn trong bản nhạc vang vọng những âm thanh vui bất tận của lũ trẻ. Năm lên bảy tuổi nó lần đầu nhìn thấy ma khi cả nhà đi nghỉ mát ở biển. Resort rất đẹp, thức ăn ngon và phòng ngủ thơm ngát mùi lavender. Mà mọi người bồn chồn không thể ngủ.
– Bố mẹ ơi có nhiều người lắm, họ đang đòi trả chỗ cho họ.
– Họ là ai thế, đâu bố có thấy ai ở đây đâu.
– Họ rất buồn, họ chỉ buồn thôi. Họ nói chúng ta nằm đè lên họ khiến họ không ngủ được.
Mẹ ấn đầu nó xuống giường, ngủ đi con đừng nói linh tinh thế.
– Họ nói nếu không trả chỗ cho họ, họ sẽ lắc giường đấy mẹ ơi.
Giường quả nhiên bị lắc như đưa võng.
Bố mẹ nó lập tức gọi cho lễ tân để đổi phòng.
Nó được học trường Tây, thầy Tây bạn Tây, đến năm lớp 10 dứt khoát không chịu đi học nữa. Bố mẹ mang nó đi gặp đủ loại thầy thợ, thầy thuốc thầy tu thầy cúng. Làm sơ sơ ba cái lễ to, lễ trục vong, lễ cắt dây tiền duyên, lễ đội bát nhang. Trừ việc nó nhìn thấy ma thì nó chẳng động tay động chân làm việc gì. Gần sáng nó mới đi ngủ nên ngủ xuyên sang đến chiều. Đến năm 20 tuổi việc nhìn thấy ma của nó cũng được việc khi bố nó chuyển sang nghề môi giới đất. Nó đi theo bố để xăm đất có mồ mả gì không? Đất này chỗ nào chẳng có mồ mả hay xương cốt người. Nó còn nghe được cả tiếng ma nói chuyện với nhau. Bố nó phất to, càng đất có ma càng bán được tiền. Bố nó sẽ làm một cái lễ đậm, đốt nhiều giấy tiền cho các vong ở trên đất đó như kiểu mua chuộc, y như rằng bán lãi ròng luôn.
Đến năm 25 tuổi nó đòi bố mẹ xây cho một cái điện thờ. Bố mẹ trù trừ, nó làm tới.
– Con chỉ lấy lại tiền của con, là con làm ăn cùng với bố mà. Con đã nói chuyện với ma để họ giúp bố bán được đất.
– Cũng không hẳn chỉ con nói chuyện với ma để họ giúp bố bán được đất. Có những ma khó tính, quyết phá, bố phải điều âm binh.
– Bố, bố dám điều âm binh?
– Không phải bố mà là thầy phù thuỷ.
– Bố tin phù thuỷ à.
– Vậy theo con bố chỉ nên tin ma thôi sao.
– Hết cách với bố rồi.
– Bố biết làm sao đây khi có một đứa con gái như con.
– Bố mẹ ơi chúng ta hết duyên rồi, con xin chia tay hai người tại đây. Đừng mất công tìm con. Con xin hai người hãy nghe con lần cuối, cha mẹ bán hết của cải đất đai. Đi về hướng tây đến một ngọn núi đá vôi cao sừng sững thì gặp một mảnh đất bằng phẳng rất đẹp. Cha mẹ dựng một ngôi chùa thỉnh Phật về ngày ngày đọc kinh, một lòng hướng về Phật, bình an sống hết cuộc đời còn lại. Kể cả kiếp sau cũng không gặp nghiệt duyên nữa. Con xin cúi đầu lạy cha mẹ kiếp này đã yêu thương con.
Nó đi ra khỏi nhà không mang theo một vật dụng nào.
Thằng bé kia chỉ có mẹ; mẹ vừa là bố vừa là mẹ. Nó ăn nói khôn ngoan từ bé. Lên 5 tuổi nó bảo mẹ:
– Con là cháu đích tôn đấy con được hưởng hết gia tài của ông bà nội nhưng con không tham đâu con sẽ chia cho các chị em con.
Mẹ nó dịch nghĩa ra thành, năm 12 tuổi bố nó sẽ về nhận nó cho nó anh chị em họ hàng, nhà ông nội nó chỉ có nó là con trai nên nó sẽ được hưởng hết gia tài.
Nó giống mẹ nhỏ thó và thông minh. Nó học đâu biết đấy ngoan ngoãn cho đến năm học lớp 8. Đến lớp 9 thì chểnh mảng rồi dừng hẳn việc học hành. Mẹ nó rất buồn về thực trạng của nó nên quên hẳn nỗi buồn năm nó 12 tuổi mà chẳng có ông bố nào về nhận để cho nó một họ hàng đằng nội. Thằng bé hư theo kiểu của nó, cứ đi chơi triền miên và không động tay chân làm gì cả. Nó ngủ đến hết trưa dậy lục tủ lạnh có gì ăn lấy. Cứ 3 giờ sáng nó gọi điện thoại cho mẹ, vừa gọi vừa khóc, mẹ ơi con muốn về nhà. Mẹ hỏi nó ở đâu, nó tắt máy. Mẹ nó cũng mang nó đi gặp đủ loại thầy thợ, thầy thuốc thầy tu thầy cúng thầy phù thuỷ… Rồi làm sơ sơ ba cái lễ to vật, lễ trục vong lễ đội bát nhang lễ cắt dây tiền duyên. Gặp thầy nào cũng mất điện với nó. Khẩu khí của nó khôn ngoan từ bé. Vừa nhìn thấy thầy phù thuỷ nó hô toáng lên, kìa thằng kia đứng đấy làm gì, lại đây mau, âm binh lũ âm binh mau đến đây trói người. Gặp thầy cúng nó đọc một lèo: Thiên chi đại đức viết sinh tương đế thể hiếu sinh chi đức nhân chi giả thọ chí tâm… ăn miến nó mới dễ ỉa con ạ. Gặp ông thầy thuốc Tây y nó bảo, bác sỹ biết Đông Tây y kết hợp là như thế nào không? Là lấy kháng sinh chữa tâm bệnh phải không? Tâm bệnh bác sỹ biết là gì không? Là cái bóng ấy, mỗi người có một cái bóng, cái bóng ấy nó bị bệnh. Chỉ số tâm linh trong bản đồ sinh trắc vân tay của tôi là 15, 5 đấy, để tôi xem cho bác sỹ, xem kiếp trước của ông ra sao. Ông bác sỹ hãi vãi đái ra khi thấy thằng ranh con 13 tuổi phán như đúng rồi. Gặp sư thầy nó bảo, thầy ơi theo thầy tu chùa Người hay tu chùa Phật vậy? Mà thì ai làm ra Phật vậy thầy? Con người, thần thánh hay vũ trụ? Thầy giải thích hộ tôi, rồi tôi tin thầy.
Năm 25 tuổi nó khăng khăng đòi mẹ xây cái từ đường họ Trần. Nó khai sinh theo họ mẹ, họ Lý. Nó nói, nó là cháu đích tôn, họ nhà nó đang phân ly nếu nó không làm gì thì sẽ ly tán hết.
– Họ Trần rất đông, nhiều Ngành Chi Nhánh Họ… Từ đường con muốn làm thuộc chi nhánh họ nào thuộc vùng đất nào?
– Đi về phía Biển Bắc?
– Biển Bắc?
– Không phải Biển Trung Nam.
– Làm sao mà biết được chỗ nào? Con có biết bờ biển của chúng ta rất dài không.
– Chỗ đấy con biết rất rõ cứ đi là thấy.
– Mẹ không có tiền.
– Biết ngay là mẹ sẽ nói như thế.
Nó đi chơi về sớm hơn mọi lần, cổ nó như đeo một vật nặng.
– Mẹ ơi con không thở được, nó kẹp chặt lấy cổ con rồi.
Nó đi vào phòng nó trên tầng hai.
Mẹ nó lấy củ gừng giã nhỏ cho vào cái bát thêm chút rượu trắng rồi cầm lên phòng nó. Nó gào lên, đi ra đi cút ra đi. Mắt nó như mắt cá ươn, mẹ nó đấu mắt với con ma, một lúc con ma cụp mắt xuống mẹ nó tiến lại gần. Nó chạy ra hành lang. Mẹ rất sợ con ma ủn nó xuống đất nên không tiến lại nữa. Nó lại trợn đôi mắt cá ươn nhìn mẹ. Mẹ nó với con ma đấu mắt tiếp. Con ma cụp mắt xuống mẹ nó bèn ném gừng trộn rượu vào mặt nó rồi hét lên, mày là thằng con nào mà nhập vào con tao, vừa hét vừa sáp lại gần tát bôm bốp vào mặt nó. Nó rùng mình rồi rên rỉ, mẹ đừng đánh con nữa con đau lắm.
Nó chì chiết:
– Bà sinh tôi ra trên đời này làm gì, bà để tôi khổ sở thế này.
– Mẹ để con khổ sở ư? Con có bị đói bao giờ đâu; mẹ cho con ăn học bằng chúng bằng bạn nhưng con không chịu đấy thôi.
– Thứ vớ vẩn vậy mà cũng kể ư?
– Vậy con muốn gì?
– Xây cái từ đường họ Trần, phúc phận của cả bà với tôi.
– Mẹ không có liên quan gì với họ Trần, sao cứ phải xây từ đường họ Trần.
– Kiếp này bà không hiểu được hết đâu. Tôi chỉ hỏi bà đơn giản thế này, bà bảo bà yêu tôi mà bà chỉ làm theo ý bà, bà chẳng bao giờ làm theo ý tôi.
– Tao chán mày lắm rồi, tao yêu mày mà mày có yêu tao đâu, mày làm tao đau đớn khổ sở. Giờ mày muốn làm gì thì làm tao không cần mày nữa, ra khỏi cuộc đời tao đi.
Nó ngồi hớ hênh trên lan can tầng hai. Nó nhắn vào messenger: Chào mẹ con đi.
Mẹ nó lặng ngắt cứ ở im trong phòng.
Suốt từ trưa nó cứ ngồi lủng lẳng ở lan can mẹ nó thì ngồi tịt trong phòng. Nhập nhoạng tối nó trèo xuống rồi đi vào phòng mẹ:
– Con thua rồi mẹ ơi, con không tính kỹ khi mượn thân xác mẹ để làm người. Kiếp này con không làm được điều con muốn rồi. Con với mẹ cạn duyên rồi.
Mẹ nhìn trân trối vào mặt nó. Mắt nó sáng rực chứ không phải đôi mắt cá ươn.
– Con đi đâu, con cứ đi chơi đi rồi về nhà.
– Không mẹ ơi con không về nữa đâu, mẹ bảo trọng. Mà mẹ ơi mẹ cũng cần phải sống nốt kiếp người của mẹ trong an lành chứ. Đừng tìm con nha. Con yêu mẹ.
Nó đi tay không ra khỏi nhà không mang theo vật dụng nào. Vừa đi vừa lẩm bẩm:
– Không tính kỹ nên đầu thai ngay vào dạ một bà nhà văn, bà ấy có thể để mình chết như nhân vật trong trang sách của bà ấy mà thôi, muốn cho sống được sống muốn cho chết phải chết. Uổng thế không đúng như trù tính. Sai một li đi một kiếp luôn.
Ngôi chùa cạnh núi thanh vắng nên vẫn giữ được nếp rêu phong. Ngôi chùa không có sư trụ trì chỉ có hai vãi già không xuống tóc áo nâu sòng hàng ngày lên hương quét chùa. Một bận có khách đường xa ghé thăm, mấy người đàn bà nhan sắc vẫn mặn mà. Họ dâng lễ vật thành tâm khấu đầu khấn vái, xong họ ra ngồi dưới gốc thị. Cây thị cuối thu đã hết quả nhưng vẫn còn lưu hương trong đám lá. Vẻ mặt ai cũng đầy suy tư. Hương tàn họ đốt giấy tiền để lại lễ vật rồi ra về.
Câu chuyện của họ đã lọt đến tai hai bà già đã lãng tai, rằng ở con phố cũ thành phố cũ có một ông thầy tử vi rất giỏi. Ông ấy nhỏ thó ngồi trên chiếc ghế đẩu thu cả hai chân lên. Ghê sợ nhất là đôi mắt trong bóng tối, đen thẫm hơn bóng đêm…
– Người ta cấm xích lô từ lâu rồi hai bà già âm lịch ơi nhưng nhà ông thầy tử vi đó thì cháu có biết, để cháu gọi thêm một thằng xe ôm nữa chở hai bà đi.
Con phố cũ thành phố cũ, rẽ vào con ngõ dằng dặc, nhà vẫn không chịu dùng đèn led, vẫn bóng đèn điện sợi tóc. Cửa mở sẵn hai bà già bước vào nhà. Người đàn ông nhỏ thó bỏ hai chân xuống đất, đôi mắt trong bóng tối đi ra.
– Đã bảo đừng đi tìm mà.
– Sao mà không đi tìm được chứ, đã từng là mẹ con mà.
– Mẹ con chỉ mượn thân xác thôi chứ duyên gì đâu chứ.
– Thân xác cũng mang nặng đẻ đau chứ.
Cuộc đối thoại thứ nhất giữa bà già nhỏ thó với con trai.
– Cớ sao lại không quên được kiếp cũ thế? Không qua cầu Nại Hà, không uống canh Mạnh Bà sao?
– Không uống. Chưa kịp qua cầu đã vội đầu thai rồi.
– Sao lại nóng vội thế?
– Hôm thấy hai bà đến đây ngày tháng cũ chúng tôi đã rắp tâm.
Cuộc đối thoại thứ hai giữa bà già to lớn với con gái.
– Bây giờ vẫn rắp tâm phải không? – bà già nhỏ bé hỏi.
– Vẫy chưa hết nợ đời.
– Trả đến bao giờ cho hết đây. Nhà ngươi đã từng khuyên bà ấy xây một ngôi chùa, ngôi chùa xây rồi ngươi có biết không?
– Có biết – người đàn ông nhỏ thó xen vào.
– Vậy giờ làm sao? – bà già nhỏ bé hỏi.
– Xem cho chúng ta đi, ngày giờ nào thì chúng ta tịch?
– Biết trước để làm gì? Đằng nào hai bà cũng sống thuận theo gió rồi mà.
– Nhưng vẫn canh cánh về đứa con mà đã đẻ ra nó nên không yên lòng nhắm mắt – bà già to lớn nói.
– Quên luôn ở trần thế đi được không? – Bà già nhỏ bé – Quên được thì quên luôn đi, tha được thì tha luôn đi chứ chờ gì phải qua cầu Nại Hà với uống canh Mạnh Bà.
Bà già to lớn đi về phía đôi mắt trong bóng tối. Đó là một người đàn bà trung tuổi.
– Con về ngôi chùa đi vương vấn chi mãi lộc thánh, ăn mày cửa Phật mà lòng dạ thênh thang.
– Một ngôi từ đường hay là cả một thánh đường liệu có cứu được sự chia rẽ không? Khi lòng người muốn chia rẽ. Đừng phải khoác lên mình những thứ lớn lao như thế, rồi không làm được thì đau khổ. Nếu số phận phải làm thì phải làm khác đi, phải khác. Một thánh đường hay một ngôi từ đường không phải là lòng người đâu, lòng người ly tán rồi thánh thần cũng bỏ đi mà.
Những gì cần nói đã nói xong, tất cả cùng im lặng. Sự im lặng kéo đêm dài mênh mông. Tiếng gà gáy sang canh. Tờ mờ sáng hai bà già sửa soạn ra về. Người đàn ông nhỏ thó cất lời:
– Hai mẹ về trước đi chúng tôi thu xếp xong thì về chùa. Tôi đã gọi chiếc xe ta-xi, nó đến bây giờ đưa hai bà về.
– Xôi chay hai mẹ cầm đi ăn đường – đôi mắt trong bóng đêm để lên bàn cải giỏ mây.
– Mẹ ư? – Hai bà già cùng thốt lên.
– Mẹ muôn đời thì vẫn là mẹ thôi, khác được sao.
– Thật không con? Hay con vẫn ăn nói khôn ngoan thế.
– Mẹ muôn đời vẫn là mẹ thôi, hai mẹ về trước chúng con thu xếp xong về luôn đấy.
Ngôi chùa có thêm hai người, mùa thị chín mẹt thị để ở cổng chùa ai thích thì lấy, ai mua thì bỏ tiền luôn vào mẹt. Khách đường xa đến vãn cảnh chùa đúng mùa sẽ được chiêm ngưỡng màn hái thị vô cùng mãn nhãn của người đàn ông nhỏ thó. Người đàn ông dùng một cây sào rất dài đeo một cái móc sắt để kều một quả thị trên cành. Khi quả thị lìa cành người đàn ông ngửa bàn tay trái hứng trái thị, 100 quả bắt được cả trăm, không một quả rơi xuống đất. Quả thị nào cũng còn nguyên lớp phấn chín từ lúc rơi vào lòng bàn tay người đàn ông…
6.9.2021
Y BAN
Nguồn: https://vanvn.vn/