Lý luận phê bình
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tài năng lớn trọng chữ “duyên”
18/05/2022 09:27:01

(Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, 1957-2022)

 
Nhắc về sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, những giá trị mà tác phẩm của ông để lại thật đáng kính nể. Đó là những bài học về giá trị nhân văn sâu sắc đã đi cùng với một thế hệ dân tộc trong những ngày chiến tranh khói lửa. Với chất giọng Nam bộ hiền lành, mộc mạc nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng với những tên tuổi khác như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam… đã tạo ra một phong cách văn chương riêng biệt, đậm hồn người hồn đất phương Nam… 
 

Chiều muộn ngày 13.2.2014, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chia tay cuộc đời này để về bên kia của thế giới một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Cuộc đời khép lại ở tuổi 82 nhưng những giá trị mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng để lại sẽ còn đọng mãi với thời gian.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014)

Một cây bút tài ba

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng hưởng thọ 82 tuổi. Ông là người con của xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một cây bút tài ba. Ông bắt đầu sáng tác khi còn khá trẻ. Giọng văn của Nguyễn Quang Sáng giản dị, mộc mạc nhưng phản ánh chân thật giá trị cuộc sống. Từng lời văn, câu truyện của ông đưa tâm hồn độc giả đến những giá trị nhân văn sâu sắc. Và đâu đó, độc giả chẳng bao giờ quên được bé Thu trong Chiếc lược ngà, hay những hình ảnh được cảm xúc trong Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang… những tác phẩm đã đi cùng với lịch sử một giai đoạn của dân tộc hào hùng. Qua những câu chuyện của ông, cả thế giới phải biết đến dân tộc Việt Nam tuy nhỏ bé anh dũng, luôn kiên cường và bất khuất trong mọi hiểm nguy, gian khổ.

Cuộc đời của ông khá đặc biệt. Mới 14 tuổi ông đã giác ngộ cách mạng. Tham gia theo tiếng gọi sông núi khi tuổi đời còn khá trẻ. Ông đã chiến đấu cho hòa bình bằng cả trái tim và khối óc của mình. Trong cuộc đời sự nghiệp của mình, ông viết trên 20 tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, ký và tản văn. Nhiều giải thưởng văn học mà đỉnh cao là giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000. Những tác phẩm của ông khiến người đọc phải day dứt về nỗi đau của chiến tranh, sự căm phẫn về tội ác mà chiến tranh đem lại. 39 năm sau ngày đất nước hòa bình nhưng những giá trị ấy vẫn còn sâu sắc. Ông đã sống, chiến đấu một cách trọn vẹn để rồi những lao động nghệ thuật ấy sẽ luôn tồn tại với thời gian và cuộc đời này.

Ông từng kể về một thời lao động nghệ thuật nghiêm túc của mình, sự ra đời của quyển tiểu thuyết đầy ấp ủ: “Khi ấy tôi viết rất say mê, viết liên miên một hơi ba trăm trang. Ở rừng thiếu giấy tôi viết bằng giấy nhựt trình, viết bên ngọn đèn dầu bên bờ kênh rừng U Minh năm 1952, viết xong tôi đọc cho họa sĩ Hoàng Tuyển nghe, anh khen hay khuyến khích tôi viết tiếp. Kỷ niệm thời thơ ấu, cha mẹ, người thân và cảnh vật quê hương cứ theo dòng mực tràn ngập trên trang viết”. Rồi tác phẩm Chiếc lược ngà ra đời cũng đặc biệt làm sao: “Mùa nước lũ tôi phải kê ván lên sát ngọn cây mà ở. Sống như trên một chiếc xuồng. Không có bàn tôi lấy giấy cát-tông chồng lên làm bàn viết, khi ấy máy bay trên trời rầm rộ”.

Mặc cho những điều đó, nhà văn Nguyễn Quang Sáng luôn chiến đấu bằng ngòi bút của mình một cách cần mẫn và kiên cường. Các tác phẩm của ông ra đời với tinh thần chiến đấu cao. Luôn lao động nghệ thuật nghiêm túc, bởi trong suốt quá trình cầm bút ông luôn quan niệm yếu tố hàng đầu của một người cầm bút, đó là sự trung thực, và sự tâm huyết với nghề, ông chia sẻ: “Yếu tố đầu tiên, là phải có tâm huyết với nghề nghiệp. Không nên nghĩ là mình sẽ làm giàu hay được nổi tiếng. Đôi khi chúng ta phải hy sinh vì nghệ thuật. Yếu tố tiếp theo chính là vốn sống, vốn kiến thức nhất định để quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn. Quan trọng nhất là phải có một niềm say mê, nó sẽ là động lực giúp ta không ngừng học hỏi và sáng tạo”.

Những ngã rẽ bất ngờ bởi chữ “duyên”

Nguyễn Quang Sáng luôn xem trọng chữ “duyên”. Ông bảo cuộc đời ông là những ngã rẽ bất ngờ, đặc biệt. Ngoài tác phẩm văn học, Nguyễn Quang Sáng còn có duyên với kịch bản phim. Ông được xem là của hiếm của làng điện ảnh nước nhà. Ông bảo khi được một người anh chia sẻ rằng, văn của tôi giàu hình ảnh, rất hợp với các kịch bản phim nên tôi đã quyết định thử sức ở lĩnh vực nghệ thuật này. Đặc biệt, những tác phẩm của ông ra đời là do sự tìm tòi, tự học hỏi chứ không qua bất cứ trường lớp nào. Ông từng bảo: “Tôi chưa bao giờ đọc một tài liệu hướng dẫn viết kịch bản nào cả. Tôi tự học bằng cách đi xem phim. Tôi luôn tự đặt ra câu hỏi tại sao rồi tự mình lý giải. Khi đã lý giải được là tôi biết mình có thể viết kịch bản”.

Mặc dù không qua trường lớp, tự học là chính nhưng bằng tài năng của mình, các tác phẩm của ông trở thành những tác phẩm kinh điển của làng điện ảnh Việt Nam. Gây được sự xúc động và sự đồng cảm lớn của người xem. Có lẽ, không ai quên được những bộ phim Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Cho đến bao giờ, Mùa nước nổi, Dòng sông hát, Như một huyền thoại… Nổi bật trong số tác phẩm này là bộ phim Cánh đồng hoang. Khi hỏi ông có hài lòng với bộ phim này không thì ông lắc đầu bảo: “Có một cảnh quay đứa bé nhìn vào máy nên không hay. Nhưng rồi ông cũng bảo đã lỡ rồi không thể bắt đứa nhỏ quay lại được nữa. Và nỗi băn khoăn của ông như chưa bao giờ dứt được”.

Rồi ông lại trăn trở cho nền nghệ thuật nước nhà với sự day dứt, ông bảo: “Bây giờ vốn sống của người viết kịch bản trẻ còn chưa đủ nhiều, cho nên khủng hoảng kịch bản, không chọn ra kịch bản hay, vì vậy người ta dễ chán. Kịch bản phim truyện bây giờ nặng về cách thức giải trí nhiều, mà giải trí không hề đơn giản đâu, giải trí cũng là một nghệ thuật. Có người nói viết giải trí dễ thì không đúng chút nào, bởi nếu dễ thì nó đã hay rồi”. Trăn trở khá nhiều về điện ảnh của nước nhà. Ông cho rằng các kịch bản làm phim chưa thực sự hay. Mà kịch bản không hay không thể nào tạo ra được một bộ phim đặc sắc.

Ông cũng dẫn ra những yếu tố để thay đổi, ông chia sẻ: “Phải có sự hiểu biết về điện ảnh, hiểu biết ở đây không phải là đi học, mà tự học, tự suy nghĩ. Phải có tư duy tốt về hình ảnh nhưng nói chung phải năng khiếu. Chỉ nên viết những gì mình biết thôi, chứ không nên chạy theo lợi nhuận, chạy theo tên tuổi, chạy theo tiền bạc. Bởi những điều này không phải là yếu tố, là nguyên nhân cho sự thành công. Cái thành công là vốn sống của mình đến đâu. Mình biết 10 thì nên viết 1 thôi. Còn bây giờ người ta biết có 1 mà viết đến 10 thì thành ra loãng ngay, nhạt nhẽo. Phải tinh tường và sâu sắc về vấn đề mình viết. Mà phải “nuôi” nó lâu, “nuôi” trong lòng mình đó cho đến khi “chín muồi”, đến một ngày nào đó cảm hứng rồi thì mình mới viết. Không nên viết “non”, cũng giống như trái cây vậy, chín thì ăn mới ngon chứ còn non thì không. Còn đến lúc “chín” rồi mà anh không “hái” thì nó cũng tự nhiên “rụng”.

Nhắc về sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, những giá trị mà tác phẩm của ông để lại thật đáng kính nể. Đó là những bài học về giá trị nhân văn sâu sắc đã đi cùng với một thế hệ dân tộc trong những ngày chiến tranh khói lửa. Với chất giọng Nam bộ hiền lành, mộc mạc nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng với những tên tuổi khác như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam… đã tạo ra một phong cách văn chương riêng biệt, đậm hồn người hồn đất phương Nam. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho một tài năng nghệ thuật cao cả nước nhà. Ở nơi đây, những người con đất Việt xin được thắp một nén hương lên mộ ông để bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với một tài năng, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho quê hương đất nước!

Nguồn: https://vanvn.vn/ 
 
 
Các tin mới hơn
Ngôn ngữ phê bình của Chu Văn Sơn – qua “Đa mang một cõi lòng không yên định”(30/08/2022)
Truyện ngắn của Hồ Anh Thái vào giáo trình đại học Hà Lan(18/08/2022)
Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của Văn học Việt Nam đương đại(09/08/2022)
Nhà văn Thạch Lam những câu chuyện vang bóng thời gian(25/07/2022)
Người thơ, nhà thơ Lưu Quang Vũ(13/07/2022)
Các tin cũ hơn
Sâu lắng hồn thơ Tế Hanh(17/05/2022)
Nguyễn Trãi và một mỹ học mùa xuân!(18/04/2022)
Tìm Nguyễn Huy Thiệp qua “Vong bướm”(15/04/2022)
Đỗ Lai Thúy - một con đường phê bình văn học(18/03/2022)
Thơ gián tiếp và thơ trực tiếp – Tiểu luận của Anh Ngọc(16/03/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na