Lý luận phê bình
Thơ gián tiếp và thơ trực tiếp – Tiểu luận của Anh Ngọc
16/03/2022 07:56:47

Đây là một câu chuyện khá dài dòng và cũng khá… cũ kỹ. Tuy nhiên, lâu lâu không thấy ai nhắc tới, vả lại nhân ngày xuân rỗi rãi, ăn cơm mới nói chuyện cũ cũng là việc thường thấy.

Về đại thể, ngôn ngữ thơ xưa nay có thể chia làm hai loại: Một loại tạm gọi là gián tiếp (hoặc khách quan) – là thứ thơ chỉ dùng ngôn ngữ kể và tả để tái hiện chất liệu đời sống một cách khách quan như cách đưa ra một câu chuyện, một bức tranh… còn tất cả dụng ý và định hướng về ý tưởng và cảm xúc của tác giả đều được giấu kín ở phía sau; loại thứ hai thì ngược lại, ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ trực tiếp của tác giả ở ngôi đại từ nhân xưng thứ nhất, trong đó người viết giãi bày những suy tư và cảm xúc của mình như một lời tự sự. Có những bài thơ chỉ dùng một trong hai loại thủ pháp nói trên, nhưng không ít trường hợp hai loại được dùng đan xen với nhau.

Nhà thơ Anh Ngọc

Có vẻ như xưa nay loại thơ thứ nhất được vì nể hơn, vì quả thật đây là loại thơ đòi hỏi tài năng của người làm thơ rõ rệt: tài năng sáng tạo và cấu trúc tứ thơ, tài dùng hình ảnh, liên tưởng, tài dựng chuyện và tả cảnh . . . Tất cả những cái tài ấy tạo cho loại thơ này – đương nhiên với những bài thành công – đạt được những giá trị rất cao sang của thơ như tính hàm súc kiệm lời, khả năng ý tại ngôn ngoại, sức lay động có tính trực giác của chi tiết và hình ảnh, và cuối cùng là khả năng lưu giữ ấn tượng tức là sự ám ảnh. Xin lấy một vài ví dụ: Đây là khổ thơ quen thuộc trong bài “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư:

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô

Trừ câu đầu dùng để đưa đẩy, còn lại đều là ngôn ngữ tả, khách quan và lạnh lùng. Tất cả hiệu quả cảm xúc và cả ý tưởng đều nằm ở phía sau bức tranh và nó tuỳ thuộc rất nhiều vào tâm thế, tính cách và sự từng trải của người thưởng thức – do đó nó thực sự chỉ là phần nhìn thấy của một tảng băng chìm theo cách nói của Hemingway, nó gợi và mở đến vô cùng.

Gần hết cả bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên cũng như vậy:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Đó là ngôn ngữ kể. Giữa kể thỉnh thoảng xen vào tả:

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Bài thơ quả là một bức tranh, hay đúng hơn, một đoạn phim quay nhanh với cái vẻ khách quan đến mức như là tác giả chỉ tình cờ mà chộp được – nhưng chính vẻ lạnh lùng và dửng dưng ấy vô tình hay hữu ý lại khiến cho cảm xúc của bài thơ bị nén lại như cuộn lò xo, để rồi cuối cùng, đúng lúc không nén nổi nữa thì nó bật ra:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Đây là câu thơ thuộc loại ngôn ngữ trực tiếp duy nhất của bài thơ – đó là thái độ của tác giả bộc bạch thẳng không qua hệ thống hình tượng. Như vậy trong bài thơ này, tác giả dùng cả hai loại ngôn ngữ và dùng rất thành công: Tiết kiệm đến cùng và chính xác đến cùng.

Những ví dụ về loại thơ này nhiều vô kể, nó như là một phép tắc làm thơ đã trở thành kinh điển mà kim cổ Đông Tây đều tuân theo. Chẳng hạn trong một bài thơ vào hàng bất hủ của thơ phương Đông như “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu ta cũng thấy tác giả sử dụng thủ pháp ấy. Phần lớn bài thơ là ngôn ngữ kể và tả, từ “Hạc vàng ai cưỡi đi đâu” đến “Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non”, phải đến hai câu kết mới lại bật lên thứ ngôn ngữ trực tiếp của tác giả:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

(Bản dịch của Tản Đà)

Tóm lại, đã bao đời nay, loại thơ thứ nhất này ngự trị nền thơ thế giới, nhất là ở phương Đông và chắc nó vẫn trường tồn, vì dẫu cho có vật đổi sao dời, cách tân đổi mới kiểu gì thì đây vẫn là một trong những cái lõi bất biến của đặc trưng ngôn ngữ thơ, không ai có thể tuỳ tiện bỏ đi được.

Riêng tôi cũng luôn kính trọng loại thơ này, thậm chí thèm khát vươn tới nó. Nhưng kỳ lạ là vào những khoảnh khắc buồn bã, cô đơn hay khắc khoải nhất, tức là những phút cần đến thơ nhất, tôi lại trở về với những câu thơ thuộc loại thứ hai như đã nói trên đây: Thứ thơ giãi bày trực tiếp hồn mình trên trang giấy. Hãy nghe những dòng quá tha thiết của một Xuân Diệu:

Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm

Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em

Ấy là phút không còn thấy trước mắt một chàng thi sĩ hào hoa, duyên dáng hay uyên bác gì gì nữa, mà chỉ gặp một con người trần trụi trong đau buồn, nhớ nhung hay tiếc nuối đến tái tê, đến quên cả mọi phép tắc làm thơ, để tuôn ra rối rít những từ ngữ trùng lặp như một anh chàng quẫn trí đang lắp bắp những lời lẽ sáo mòn và lộn xộn:

Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh

Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi

Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi

Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời

Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm…

Trong năm câu thơ mà có đến tám từ “nhớ”!

Ngẫm cho cùng, thứ thơ trực tiếp này mới thực là cội nguồn của thơ vì nó ra đời từ thuở nhân loại thậm chí còn chưa có các thi sĩ, nói gì đến nghệ thuật và kỹ thuật. Bởi thế nó thực dễ mà cũng thực khó, thật cao mà cũng thật thấp, hay đúng hơn từ cao đến thấp chỉ cách nhau một sợi chỉ. Sợi chỉ đó là ranh giới giữa có hay không, nhiều hay ít một sự bảo lãnh tối thượng: Ấy là cường độ của cảm xúc. Hãy ngẫm nghĩ một chút về những câu thơ của Tố Hữu, chẳng hạn:

Anh Vệ quốc quân ơi

Sao mà yêu anh thế

Hoặc:

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi

Và nhất là câu này:

Mây của ta, trời thắm của ta

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Chúng ta thấy ngay, không phải lúc nào những câu sáo ngữ, thậm chí ngôn từ hành chính chay như vậy mà có thể ung dung đi vào thơ, mà đi vào một cách đắc địa và rất thơ! Phải chăng đây chính là ma lực của tình cảm được thốt lên đúng chỗ.

Cũng chẳng khó khăn gì để trích ra đây những câu thơ thuộc loại này mà gây ấn tượng vô cùng. Những thi sĩ đa cảm, đa tình và đa tài bậc nhất đều có lúc phải dùng đến thứ ngôn ngữ trần trụi này. Ấy là lúc họ quên hết mọi ý định làm thơ để khoe sắc diệu tài, họ chỉ còn đặt bút theo nhịp đập của trái tim. Xét theo định nghĩa gốc rễ của thi ca, đấy chẳng phải là tiêu chí tối thượng mà thơ phải vươn tới hay sao?

 Nguồn: https://vanvn.vn/
 
 
Các tin mới hơn
Ngôn ngữ phê bình của Chu Văn Sơn – qua “Đa mang một cõi lòng không yên định”(30/08/2022)
Truyện ngắn của Hồ Anh Thái vào giáo trình đại học Hà Lan(18/08/2022)
Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của Văn học Việt Nam đương đại(09/08/2022)
Nhà văn Thạch Lam những câu chuyện vang bóng thời gian(25/07/2022)
Người thơ, nhà thơ Lưu Quang Vũ(13/07/2022)
Các tin cũ hơn
Thế nào là “một tác phẩm hay”?(09/03/2022)
Môtip người xưa - "người đẹp trong thơ Hoàng Cầm(03/03/2022)
Khơi lên những mạch nguồn của sự sống và tình hữu nghị(28/02/2022)
"Núi Đôi" và cô du kích mãi mãi mười bảy tuổi(21/02/2022)
Luận về thể tính thơ Bùi Giáng qua “Ngàn thu rớt hột”(17/02/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na