Văn học
Đêm gió Thượng Phùng – Ký của Cao Xuân Thái
15/02/2022 12:00:00

Bởi nơi đây là máu thịt, dẫu là sỏi đá, nhưng là đất cha ông để lại, thiêng liêng lắm dứt tình sao được. Nhìn dáng mẹ lầm lũi, gập lưng gùi nước trên đường về nhà. Trong ráng chiều hầm hập nắng, cả gia đình: ông bà, bố mẹ, con cháu vần đá để làm bờ kè giữ đất để rồi sau một mùa mưa, công việc nặng nhọc ấy tiếp tục lặp lại…

 
 

Thế kỷ trước, Xín Cái, Thượng Phùng, Sơn Vĩ thuộc hệ thống 3 xã phía đông Nho Quế, có tính độc lập tương đối và đầy biến động. Đây cũng là vùng đất trồng nhiều thuốc phiện và là một trong những đường dây buôn bán thuốc phiện lớn ở Hà Giang. Năm 1997, con đường liên xã mới được mở, điều đó cho thấy tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đất này còn đặc biệt khó khăn.

Vùng đất lắm gian nan

Vào những năm 1980, tôi đi cùng một nhóm nhà báo lên vùng cao phía bắc. Đến Mèo Vạc, chúng tôi lên ngay Thượng Phùng, thời gian rất gấp nên không ghi chép được nhiều. Trở về Tuyên Quang, tôi viết bài thơ “Đêm gió Thượng Phùng” gọi là chút tình của người viết với vùng đất còn nhiều gian lao vất vả, vùng đất được mệnh danh là “rốn gió” của cao nguyên đá. Bài thơ có đoạn: Gió đập ầm ầm trên những mái tôn/ Viên ngói mũi bay vèo như ném/ Gió mài rít trên hàng cột điện/ Cây chuối đâm bông bật gốc mất rồi…Tôi đã đi dài rộng những miền quê/ Bao vùng đất bờ xôi, bãi mật/ Đến Thượng Phùng gặp trùng trùng đá sắc/ Gió thổi xác xơ nghèo khó bao đời…

Từ Sủng Máng đến Mèo Vạc 15 cây số, chúng tôi qua xã Pả Vi, đến chân Mã Pì Lèng thì rẽ phải, con đường dốc, trơn lỳ xuôi mãi đến cầu Tràng Hương. Đường lên Thượng Phùng là con đường dốc ngược, quanh co và quá hiểm trở. Bên đường, đá dăm đổ từng đống, thi thoảng lại gặp một nhóm công nhân làm đường, một nhóm bộ đội biên phòng làm kênh mương dẫn nước. Xe chúng tôi liên tục vấp những ổ voi, ổ gà…

Chúng tôi dừng ở ngã ba Sủa Nhè Lử, hướng tầm mắt về phía Mèo Vạc, nắng chiều đổ lênh láng trên một vùng núi non: Đỉnh núi màu đá trắng bạc trần trụi. Vài chòm bản quây quần lưng chừng núi, xúm xít màu xanh của tre trúc, cây ăn trái, trông giống như những tiểu ốc đảo giữa một sa mạc mênh mông. Tầng dưới cùng là màu xám lạnh đất đá xen kẽ và cũng chỉ cần một trận mưa rào là bao nhiêu màu mỡ trôi hết xuống sông Nho Quế…

Từ Mèo Vạc vào đây 30 cây số đường đất mà chiếc xe Nhật gầm cao phải chạy mất 3 giờ đồng hồ. Thượng Phùng hiện ra trong mắt tôi thật thân thương, đầm ấm. Trụ sở xã, điểm trường chính 2 tầng dành cho học sinh tiểu học, trạm y tế đã đưa vào sử dụng từ mấy năm trước. Nhiều chương trình, dự án của Chính phủ, của tỉnh đầu tư cho địa phương, Thượng Phùng đã khẩn trương triển khai một cách tự tin. Mục tiêu cao nhất của toàn Đảng bộ là đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng. Thượng Phùng còn có nhiệm vụ bảo vệ bình yên đường biên giới Tổ quốc dài 18,5km.

Bí thư Đảng uỷ xã Thào Mớ Sò, 28 tuổi, dân tộc Mông tâm sự với chúng tôi: Thượng Phùng là vùng núi đá vôi, độ dốc lớn, chia cắt mạnh, cao hơn mặt nước biển từ 1.600 – 1.800m. Hệ thống giao thông thôn bản rất yếu kém. Thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa thường xảy ra bão lốc, lũ quét, mùa đông rét đậm kéo dài. Đặc biệt là tình trạng thiếu nước sinh hoạt và thiếu nước sản xuất. Thượng Phùng có 3.200 khẩu, gồm các dân tộc: Mông, Lô Lô, Giáy cư trú ở 9 thôn bản trên một diện tích tự nhiên: 3.420 ha; diện tích gieo trồng hằng năm 900 ha. Cây trồng chính là ngô, lúa, đậu tương, rau quả các loại. Dân số tăng nhanh, thu nhập bình quân đầu người thấp nên mức sống ngày càng tụt hậu xa so với các vùng quê khác. Tỷ lệ đói nghèo ở Thượng Phùng hiện giờ gần 60%. Lủng Chư 1, Lủng Chư 2 là hai bản khó khăn gay gắt nhất: Không có nguồn nước, không có rừng, đất đai bạc màu, chưa có điện, chưa có đường. Người dân muốn xuống xã phải đi tắt mất một tiếng rưỡi.

Nhà thơ Cao Xuân Thái (giữa), bên cạnh là vợ ông và nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Vào vùng rốn gió

Mặt trời đang chói chang trên đỉnh núi, tôi quyết định lên hai thôn xa nhất của Thượng Phùng. Đường lên Mỏ Phàng, Xín Phìn Chư chao ôi là đèo dốc nhọc nhằn. Cỏ dại, sim mua quấn lấy bàn chân như muốn níu giữ con người lại. Những dòng suối nhỏ cạn khô tận đáy, con đường mòn ngược lên cao mãi… Chừng hơn một giờ đồng hồ, tôi cũng tới được cái rốn gió của cả vùng cao nguyên. Trưởng thôn Mỏ Phàng, dân tộc Mông, gặp khách vui vẻ hẳn lên. Sau cái bắt tay thân mật, tôi hỏi:

– Có gió đâu thế mà gọi là gió Mỏ Phàng?

Trưởng thôn tủm tỉm cười:

– Lát nữa bác khắc biết!

Đúng thật, những trận gió từ phương bắc bắt đầu tràn về như bão, lạnh lẽo. Hàng chuối tiêu lùn, chuối tây lá tướp táp, xơ xác, còi cọc. Vạt sắn sau nhà Trưởng thôn oằn oại cứ muốn rạp xuống đất… Trưởng thôn bùi ngùi:

– Gọi là trồng trọt để tận dụng đất đai hoang đá, chứ đến mùa thu hoạch bới lên chỉ thấy toàn rễ. Gió mạnh quanh năm như vậy con người cũng thấy mệt, nữa là…

Mỏ Phàng có 50 hộ đồng bào Mông sinh sống, chủ yếu trồng ngô một vụ hè thu, do thời tiết khắc nghiệt nên năng suất thấp. Mỏ Phàng có điểm mốc giới 21 của Tổ quốc, giáp với chấn Thèn Phàng, huyện Phú Linh, châu Vân Sơn, Vân Nam – Trung Quốc. Qua nhiều biến động của lịch sử, người dân nơi đây đoàn kết một lòng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, từng bước cải tạo thiên nhiên, thích ứng với thiên nhiên, vươn lên trong công cuộc xoá đói giảm nghèo…

Khi trở về Đồn Biên phòng 163 nghỉ ngơi, những trận gió Mỏ Phàng cứ thổi mãi trong tôi buốt giá… Trước những cơn “gió mạnh quá nghẹn hơi tức thở”, trước hiện thực đời sống đồng bào rẻo cao, cảm xúc ấy cứ lớn dần trong tôi thật lạ lùng… Tôi tự hỏi, tại sao đồng bào không chọn vùng đất khác thuận lợi, dễ dàng hơn mà chọn chính vùng đất đầy khắc nghiệt này để sống, rồi sinh con đẻ cái, dựng vợ gả chồng, học hành, khao khát… đời này nối tiếp đời khác. Bởi nơi đây là máu thịt, dẫu là sỏi đá, nhưng là đất cha ông để lại, thiêng liêng lắm dứt tình sao được. Nhìn dáng mẹ lầm lũi, gập lưng gùi nước trên đường về nhà. Trong ráng chiều hầm hập nắng, cả gia đình: ông bà, bố mẹ, con cháu vần đá để làm bờ kè giữ đất để rồi sau một mùa mưa, công việc nặng nhọc ấy tiếp tục lặp lại… Những ngôi nhà trình tường thấp, tối, mái lợp phibrô xi măng hay ngói âm dương cứ như một thứ đồ chơi gá vào vách núi. Chiếc bể nước sau nhà cạn khô tận đáy, đồ đạc không có gì đáng giá…

Trăn trở thoát nghèo

Các anh lãnh đạo đồn biên phòng, nói chuyện với tôi rất khuya. Đêm biên giới vắng lặng, gió lạnh hun hút, sương giăng mờ ảo. Tiếng chim từ quy gọi bạn khắc khoải xa xăm…

Tôi hỏi các anh duy nhất một điều: Làm sao để Thượng Phùng sớm thoát nghèo, đồng chí chính trị viên bảo: Nên tổ chức lại sản xuất, mau chóng quy hoạch cụm dân cư tập trung chứ đỉnh núi này một vài gia đình, chân núi nọ một vài nhà dân thì khó xây dựng được các công trình phúc lợi hoặc có làm thì hiệu quả sử dụng thấp. Tiếp nữa là đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng. Các dự án kinh tế xã hội, giáo dục, văn hoá, sinh đẻ có kế hoạch, kinh tế cửa khẩu… phải được triển khai đồng bộ. Đưa giống mới năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi đàn gia súc: bò, ngựa, dê… Trồng rừng cần tính toán, trồng cây nào sống cây ấy, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột, bệnh thành tích. Ngừng một lát, đồng chí Chính trị viên bảo: Tuy nhiên, Đồn còn tham gia dự án làm kênh mương cấp nước cho xã. Một đường kênh bằng xi măng cốt thép từ đầu nguồn Xín Chải, dài gần 5.000m, tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng đã hoàn thành, 150 hộ dân được hưởng lợi từ chương trình này. Một đường kênh nữa từ Mỏ Cớ (Thượng Phùng) dài 2.000m cũng đã được đưa vào khai thác đảm bảo cho việc canh tác và 100 hộ gia đình của thôn được sử dụng nước. Đặc biệt, tổng sản lượng lương thực năm trước của xã đạt: 1.300 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 395 kg, không còn hộ đói, tình hình an ninh trật tự xã hội được giữ vững.

Thượng Phùng, Thượng Phùng! Cái địa danh nghe vang như tiếng trống trận, như tiếng trống lễ hội bản làng vào mùa “ăn năm uống tháng”. Cái rốn gió của cả cao nguyên ngàn đời vật vã cứ thổi xiết trong tôi không dứt… (!)

 Nguồn: https://vanvn.vn/
Các tin mới hơn
Tương lai nào cho trinh thám Việt Nam?(23/09/2022)
Delia Owens đã viết ‘Xa ngoài kia nơi loài tôm hát’ trong 10 năm(31/08/2022)
Cơn gió lạ từ tiểu thuyết gia 12 tuổi Cao Việt Quỳnh(31/08/2022)
Những bí ẩn vẫn chưa có lời giải của văn học Anh(31/08/2022)
Ngày càng vắng những tác phẩm viết về công nhân mỏ(31/08/2022)
Các tin cũ hơn
Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học và kết nạp hội viên năm 2021(14/02/2022)
Lặng lẽ mà tỏa sáng(26/01/2022)
Nguyễn Nhật Ánh viết để chữa lành tổn thương(19/01/2022)
Nhuận bút tính theo đơn vị tô phở, bữa ăn, căn nhà…(11/01/2022)
Văn học, nghệ thuật đã gắn bó với những vấn đề lớn của đất nước như thế nào?(29/12/2021)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na