Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Cái Gái" của tác giả Văn Duy
12/09/2023 12:00:00

 

 
Từ khi đi làm ăn, nó không mang cái tên là Gái nữa. Nó đã đổi rồi. Tên hay và rất kêu. Nhưng làng tôi người ta cứ quen mồm gọi nó là Gái. Nhất là lớp các cụ già vẫn gọi nó là “cái Gái”. Cũng như cái Tí, cái Nhớn, cái Bé con, thằng cu, thằng còi... Không phải là tên nhưng làng cứ gọi thế. Lúc đầu là đùa vui, rồi sau thành thật và người được gọi cũng “Dạ, vâng”. Thế là thành tên. Một loại tên dân gian, truyền miệng chứ rất ít khi ghi vào hồ sơ, lý lịch. Vả lại người làng tôi hình như cảm thấy gần gũi thân tình khi gọi tên theo kiểu ấy. Chả thế mà tháng trước, ông thiếu tướng Hoàng Dũng về làng, mấy cụ già còn hỏi: “Còi về bao giờ thế?”. Hỏi xong, các cụ vội xin lỗi rối rít. Ông Hoàng Dũng cầm tay các cụ bảo: “Các cụ không phải xin lỗi. Cháu thích vẫn được các cụ gọi là “Còi” như ngày cháu còn bé. Có về quê hương, có được sống trong tình làng xóm mới được như vậy. Cháu tướng ở chỗ tướng chứ với các cụ vẫn là con là cháu cơ mà”. Còn cái Gái thì cả làng cùng gọi như thế chứ có riêng gì các cụ đâu và cũng chẳng ai áy náy, ngại ngùng hoặc xin lỗi khi gọi nó là “cái” vì Gái cũng còn ít tuổi lại chẳng học vị, chức tước gì. Đã thế cái Gái lại đi làm một nghề mà xã hội khinh ghét. Ấy là làng tôi cứ đoán thế chứ có ai gặp nó “bán” ở đâu. Nhưng mà không phải nghề ấy thì sao nó giàu lên nhanh như vậy?

Nhà cái Gái mới làm có dễ đến dăm bảy trăm triệu, ba tầng, chóp nhọn, gương kính sáng choang. Hôm chuẩn bị khánh thành, nó đưa hẳn một ô tô cây cảnh về bày từ cổng vào đến hiên. Tầng hai, tầng ba cũng có. Có cây đến ba bốn triệu. Nó thuê hẳn một anh nông dân ở nhà bên mà nó gọi bằng chú họ tranh thủ trông nom, tưới tắm, cắt tỉa cái “vườn” cảnh ấy với mức lương mỗi tháng bốn trăm. Bố nó còn làm tốt nhưng nó không cho làm. Nó bảo “Bây giờ bố đã già rồi, thích ăn gì, bố cứ ăn, không phải làm cho mệt, làm cả đời rồi, khổ nhiều rồi”. Nhà cái Gái thành toà biệt thự to đẹp nhất làng. Hôm khánh thành nhà, cái Gái làm cỗ to lắm. Nó mời cả phố làng và đại diện các gia đình trong họ. Người ta đếm được hơn mười cái xe con bóng loáng mang biển số Hà Nội có, Hải Phòng có nhưng đa số là Quảng Ninh và Lạng Sơn.

Ấy là mấy anh lái xe về nghỉ hưu mới biết cụ thể như vậy chứ dân làng tôi không biết được. Chỉ thấy xe nào cũng đẹp, cũng oai. Nghe nói có cái ngót bạc tỉ. Eo ôi cái xe bé con thế mà gấp rưỡi toà nhà của cái Gái thì sợ thật.

Lại nói cái ngày ăn cỗ nhà mới cũng buồn cười. Các ông bụng phệ cho cái Gái những gì thì không biết, còn bà con trong họ và ở dọc thị tứ của làng thì người đưa hai chục, người đưa mười lăm ngàn. Cái Gái nhất định không nhận của ai. Kẻ đưa, người trả, đùn đẩy nhau. Mãi về sau ông bác họ của nó quát lên: “Mày không lấy tiền là mày chê ít, là mày coi chúng tao là người ăn chực. Chúng tao nghèo thật nhưng không thèm ăn chực con cháu”. Nghe có vẻ căng, cái Gái phải miễn cưỡng cầm tiền.

Thực ra, cái Gái không phải làm cỗ để thu tiền của bà con. Vài triệu đối với nó chả thấm vào đâu, chưa mua nổi một cây cảnh loại xoàng của Trung Quốc. Trong thâm tâm nó vẫn cú vợ chồng nhà Sắc Toe. Nói là Sắc Toe vì anh chồng là Sắc, chị vợ là Toe. Làng cứ gọi gộp để phân biệt với Sắc Lan, Sắc Hiền.

Mối hận của cái Gái có nguồn rễ của nó. Ấy là vào năm 1985, vùng núi heo hút xã Thái Hoà bỗng nhiên được xây dựng nhà máy điện lớn nhất ở miền Bắc nước ta. Ánh sáng công nghiệp làm mở mày mở mặt cho những làng quê hẻo lánh. Một con đường nhựa lớn phẳng lì hiện dần trước mảnh vườn nhà cái Gái. Những nhà khá giả trong làng; những công nhân nơi khác đến đây đua nhau mua đất mặt đường. Khu nhà cái Gái trở thành thị tứ sầm uất. Lúc ấy, nhà Sắc Toe thuộc loại “có máu mặt” nhất làng. Anh chồng làm cán bộ gì ở trên tỉnh. Chị vợ ở nhà cày cấy. Vợ chồng Sắc Toe mua đất bên kia đường, đối diện với vườn nhà cái Gái và dựng lên ngôi nhà hai tầng đồ sộ. Xe ra xe vào, người làm tấp nập như một công trường. Đấy là ngôi nhà tầng đầu tiên và cũng phải nói là đẹp nhất khu thị tứ, nhất cả xã. Sau khi làm nhà xong, chị Toe cũng bỏ luôn ruộng, cho người ta cấy. Mỗi sào thu năm mươi cân thóc một vụ. Chị Toe ngày ngày ra chợ làng mua thức ăn, đỏng đảnh và kiêu kỳ như một bà quan. Chị chê miếng thịt này, lắc đầu dè bỉu con gà nọ. Trước thái độ bất nhã ấy, nhiều người ghét lắm nhưng họ không nói ra, chỉ bĩu môi nhổ bọt khi chị Toe đã đi qua.

Ngược lại, nhà cái Gái rơi vào đốt túng quẫn nhất. Bố mẹ Gái lấy nhau mãi mới sinh được nó. Năm nó ra đời thì bố nó đã vào tuổi năm mươi, mẹ nó bốn nhăm. Nhưng trời bắt nó khổ. Khi cái Gái lên năm thì mẹ nó ốm thập tử nhất sinh rồi nằm liệt giường liệt chiếu. Bố nó vừa bòn mót vừa làm thuê làm mướn, được đồng nào cũng dốc vào thuốc thang cho vợ hết. Khi cái Gái mười tuổi thì mẹ nó chết. Nó thành đứa trẻ mồ côi vào lúc bố nó đã sáu mươi với hai bàn tay trắng. Cảnh gà trống nuôi con, bố nó định cố nuôi nó ăn học hết cấp trung học cơ sở nhưng cũng không được. Năm mười bốn tuổi nó phải bỏ học mặc dù chỉ còn một năm nữa là hết cấp. Thương bố già yếu nên nó rất chăm làm. Ở cái tuổi học hết lớp tám ấy, nó đã cấy gặt, làm cỏ lúa, ngâm mạ, bón phân thành thạo. Ngoài việc đồng áng nó lặn ngụp bắt cáy, bắt cua, tát cá tép bán ở chợ làng để đong gạo ăn hoặc may áo quần. Có thể nói nó thuộc loại sớm biết đảm đang, tháo vát và cũng rất khôn ngoan. Những lúc cơ nhỡ, nó thường sang nhà chú Sắc vay gạo. Có năm thiếu thóc ăn, cô chú còn cho bố nó vay hai thúng thóc. Mối quan hệ giữa hai nhà bị rạn vỡ từ cái năm nó mười bảy tuổi. Ấy là vào năm 1992. Trên bờ tường xây nhà chú Sắc xuất hiện dòng chữ to tướng, viết bằng than, nét chữ non nớt: “Nhà tham nhũng”. Sáng ra, cô Toe nhìn thấy tím mặt lại. Mấy ngày sau, cô Toe cứ đứng trên gác hai nhà mình chõ sang phía nhà cái Gái mà chửi, mà nhiếc “Đồ ăn cháo đái bát”; “Đồ vô ơn bạc nghĩa”; “Không có bà thì chết đói rã họng ra”; “Biết thế thì đổ cơm cho chó ăn còn hơn”; “Cái loại ghen ăn ghét ở, thấy người ta có thì tối mắt lại”; “Đồ cô độc”; “Chúng mày cả đời không mở mặt lên được. Bà cứ nói trước cho mà biết...”. Bố cái Gái tức lắm nhưng không làm gì được. Một hôm ông gàn mấy câu. Cô Toe vớ được cái đó càng làm già, cho là “Có tật giật mình”; “Sợ nghe chửi”... Cái Gái cũng tức lắm nhưng nó cố nén. Một hôm nó tát được mớ tép ngon. Toàn tép gạo có trứng, tươi rói, nhảy tanh tách. Gái mang ra chợ bán. Thấy cô Toe đi qua, nó đon đả mời “Cô mua cho cháu mớ tép”. Cô Toe dừng lại nhìn vuốt từ đầu đến chân nó, miệng trề ra, xùy một tiếng rồi bảo: “Mày cũng còn nhận cô cháu cơ à”. Cô Toe bỏ đi và buông thêm một lời: “Ăn tép rặm đít không ỉa được”. Cái Gái uất lắm. Nó để rổ tép đấy bước dấn lên, chặn lại trỏ vào mặt cô Toe: “Cô ăn nói khốn nạn vừa chứ. Cô khinh ai? Tôi nghèo thật nhưng tôi không ăn cắp...”.

Hai bên cãi nhau to. Họ cùng ra sức chửi bới, nhiếc móc nhau thậm tệ. Không còn cái gì họ không tung ra. Cô Toe đanh đá có tiếng ở làng đã đành (Vốn trước cô tên là Te. Vì đanh đá nên mọi người gọi thành Toe). Cái Gái lớn lên chưa thấy cãi nhau với ai mà sao hôm ấy nó cũng khiếp thế. Nó nói trơn tru như cháo chảy, mắt ráo hoảnh. Hình như cãi nhau cũng là một loại năng khiếu bẩm sinh.

Đêm hôm ấy, cái Gái không tài nào ngủ được. Trong căn nhà tuềnh toàng, trên cái giường cũ kỹ, ọp ẹp nó cứ trở mình hết bên phải lại sang trái. Nhiều lúc đôi mắt nó giàn giụa nước. Nó khóc ư? Không! Trong đầu nó vẫn văng vẳng những lời lăng mạ, xúc phạm của cô Toe. Nó thấy căm tức và cả nhục nhã nữa. Nó không được học hành đến nơi đến chốn. Nó lại là con nhà nông không vai vế trong xã hội. Nhất là nó nghèo nên nó bị khinh bỉ, xem thường... Và cũng trong cái đêm ấy, ý nghĩ làm giàu đã loé lên trong nó. Rồi những ngày tiếp theo, ý nghĩ ấy càng nung nấu trong đầu. Đi làm gì, ở đâu, bất cứ lúc nào nó vẫn nghe thấy một lời thôi thúc: Phải làm giàu. Phải làm giàu. Nó quyết phải giàu có hơn nhà Sắc Toe mới hả, mới không bị nó khinh, mới mở mặt với thiên hạ được. Nhưng làm giàu bằng cách nào? Khi mà vốn không, trình độ không! Có lẽ nó chỉ còn một cách... Nó tặc lưỡi. Cũng được. Thiên hạ đầy người chứ đâu phải riêng mình. Song nó vẫn tin rằng không xấu bằng ăn cắp. Thế là nó ngấm ngầm chuẩn bị.

Hơn một tháng sau, cái Gái nói với bố nó vào một buổi tối sau bữa cơm:

- Bố ơi! Mẹ con mất sớm. Bố gà trống nuôi con. Nhà mình nghèo quá. Đã nghèo thì hèn bố ạ. Con đã lớn nên con thấy tủi nhục lắm. Cứ ở nhà với mấy sào ruộng thì làm sao đủ ăn, nói gì đến làm nhà làm cửa. Rồi con phải đi lấy chồng. Nhà giàu sang phú quý thì họ chọn chỗ giàu sang phú quý. Đời con nghèo. Có đẻ con ra, các cháu cũng khổ như con mà thôi. Vì thế con đã tính toán kỹ, con sẽ ra đi tìm việc làm. Con nhờ được mối manh rồi. Bố chịu khó ở nhà một mình vậy. Con sẽ dè xẻn gửi tiền về cho bố chi dùng hằng tháng. Bố cứ yên tâm... Nhất định con sẽ làm được. Khi nào vốn liếng khá giả con sẽ về xây nhà, mở cửa hàng ngay tại cái đất này để thiên hạ biết mặt...

Cái Gái còn nói dài. Nghe con nói cũng có lý. Nó đi làm ăn chứ có gì phải sợ. Sau những phút ngần ngại, ông bảo:

- Năm nay con sắp mười tám rồi, tuỳ con định liệu. Bố chả giúp gì được con đâu.

Nghe bố nói như vậy, cái Gái ứa hai dòng nước mắt. Lại một đêm trằn trọc. Mai nó đi rồi. Nó phải xa bố, xa làng xóm quê hương. Nó sẽ nhớ nhà, sẽ buồn. Rồi bỗng nhiên nó lo, nó sợ nữa. Nó sẽ làm ở đâu? Gặp những con người hay thú vật? Vui hẳn là không. Khổ chắc là có. Rồi khinh bỉ. Rồi nhục nhã, ê chề... Song ván đã đóng thuyền. Kế hoạch đã bàn với người ta rồi. Quần áo đã sắm. Tiền đã cầm. Thôi không nghĩ ngợi nữa. Đã quyết là quyết. Có thế mới hy vọng thoát nghèo.

Sau chuyến ăn mừng nhà mới, cái Gái còn ở nhà hẳn một tháng. Nó vừa nghỉ ngơi, vừa để xem nhà Toe có còn dám giở trò gì nữa không. Chẳng biết của chìm có bao nhiêu nhưng của nổi thì nó hơn là cái chắc. Nhà nó đã cao hơn một tầng, thiết bị lại toàn đồ đắt tiền hơn hẳn nhà sắc Toe. Ngày nào nó cũng son phấn rực rỡ, xức nước hoa thơm phức ra chợ làng mua thức ăn. Nó thích gì mua nấy. Người bán nói bao nhiêu nó trả bấy nhiêu. Không mè nheo, mặc cả. Đôi khi còn lại vài ba nghìn, nó không lấy tiền trả lại. Nhất là những lúc gặp nhà Toe ở chợ thì cái Gái trêu ngươi ra mặt.

Buổi sáng, nó thường lên sân thượng tập thể dục, vừa là để nhìn xuống nhà Toe cho bõ tức, vừa là để khoe với trời, với đời cái thân hình tuyệt vời của nó - cái nguồn vốn để nó làm nên giàu có ngày hôm nay.

Tập thể dục xong, nó vào trong bồn tắm làm vệ sinh và trang điểm. Đứng ngắm mình trong gương, nó tự thấy mình đẹp thật. Nó thầm tự hào về nhan sắc của nó. Nó nghe tiếng cánh cổng kẹt mở và tiếng người đàn ông vồn vã:

- Ông Lão có nhà không?

Ông bố nó chưa kịp nghe thấy thì cái Gái đã đon đả:

- Dạ có ạ! Rồi nó mở cửa “Mời bác vào chơi”. “Bố ơi, có bác Tiến đến chơi. Bố ra uống nước”. Nó thoăn thoát đổ bã chè, tráng ấm, pha nước mời bố và khách. Cái nhà ông Tiến này cũng khiếp lắm đây. Nó thầm nghĩ như vậy. Nó đã được nghe người ta nói rằng ông Tiến đã từng rêu rao bóng gió về nhà nó, về bản thân nó ở hội nghị những người cao tuổi trong thôn. Nhưng thôi, cho qua. Chấp làm gì. Để xem hôm nay ông ấy giở trò gì với bố con nó. Còn đến chơi thì chắc là không rồi.

Uống xong tuần trà, ông Tiến vừa khen nhà nó đẹp, đồ đạc sang trọng, cây cảnh quý và đắt tiền. Rồi ông vào đề:

- Đã lâu rồi mới có dịp ngồi uống nước và mừng cho ông và cháu có nhà cao cửa rộng, sung sướng. Tôi cũng có chút việc muốn nhờ cháu. Chẳng nói giấu gì ông và cháu, thôn ta có truyền thống bóng đá từ lâu, nay quyết định thành lập lại. Để tạo ra phong trào và có điều kiện cho anh em luyện tập, mua sắm quần áo cầu thủ, chúng tôi thống nhất vận động bà con tài trợ đội bóng. Vậy ông và cháu có thể giúp đỡ ít nhiều.

- Cái này tuỳ cháu, còn tôi già rồi, có làm ra đồng nào đâu.

- Bố nó nói vậy rồi đưa mắt nhìn con gái. Hiểu ý bố, cái Gái vui vẻ nhưng cũng cay độc trả lời ông Tiến:

- Thưa bác, cháu sẵn sàng tài trợ đội bóng của thôn nhưng chỉ sợ bác chê, không nhận thôi.

- Sao lại không nhận?

- Dạ vì đồng tiền của cháu nó không được sạch.

- Cháu cứ nói thế chứ tiền nào chả là tiền.

- Bác nói vậy cháu mừng quá. Cháu không có nhiều nhưng xin ủng hộ đội bóng thôn ta một triệu. Mong bác nói với anh em giúp cứ tập luyện. Nếu có nhiều trận thắng, cháu có thể sẽ tài trợ thêm. Rồi nó rút túi xách, lôi tập tiền đếm mười tờ loại một trăm ngàn mới cứng nâng hai tay đưa cho ông Tiến, ông Tiến đỡ số tiền bằng một sự ngạc nhiên, vui sướng không ngờ:

- Bác thay mặt cho tất cả anh em trong đội xin cám ơn cháu, cám ơn ông.

Chuyện cái Gái ủng hộ đội bóng của thôn một triệu đã loang ra khắp thị tứ và khắp làng. Mọi người lại có dịp bàn tán, nhất là mấy cái quán bán thịt và đồ ăn ở ngã ba, thôi thì đủ giọng: khen có, chê có, khinh cũng có và phục cũng có. Trong cái màn hỗn ca ấy bỗng vang lên tiếng anh hàng thịt. Tiếng anh oang oang, cục cằn mà thực:

- Thôi thôi, tôi xin các ông các bà, tranh cãi làm gì. Tôi hỏi nhá, nếu chê tiền nó bẩn mà nó đánh rơi ra, các ông các bà trông thấy liệu có nhặt không? Cả làng này, cả cái phố này, thiếu gì nhà giàu có, thiếu gì người lương cao đã ai ủng hộ như nó chưa? Tôi thì tôi thua nó rồi. Tôi chịu nó rồi. Các ông các bà chắc sẽ hơn nó chứ? Xin lỗi. À lại còn chuyện này nữa; tôi nghe nói là nó sẽ mời cả phố này, mỗi nhà một người đi ra Tuần Châu thăm đảo mới. Tiền xe và ăn uống nó bao hết, cả vé nữa. Nếu đi thì có ông bà nào chê không? Ai chê thì giơ tay. Ơ kìa sao các bà cứ cụp tay xuống thế? Mọi người cười ồ trước lời lẽ diễn thuyết oang oang, hơi thô nhưng rất thật của anh hàng thịt.

Tuần sau, chuyện đi Tuần Châu do cái Gái tổ chức đã thành sự thật. Hai chiếc xe chở ngót trăm người khởi hành vào sáng sớm ngày mồng hai đầu tháng và chập tối lại về đỗ ở phố làng. Mọi người hả hê, chuyện như pháo rang. Nhiều người gọi nó là cô Gái, chị Gái, và cảm ơn rối rít. Chỉ riêng có chị Toe là không đi.

Trong thâm tâm, cái Gái rất quý bà con làng xóm. Tính nó thảo nên làm những việc ấy là để bà con bớt đi cái nhìn xấu về nó. Nhưng cái chính là nó muốn chơi trội. Nó muốn trả thù nhà Sắc Toe. Đấy, cứ cậy giàu có, chức tước chứ đã ủng hộ ai, giúp đỡ ai cái gì. Còn nó, ừ xấu đấy nhưng nó biết làm việc tốt. Vậy ai hơn? Nhà Toe gặp nó thường lánh mặt. Nó lấy thế làm hả hê. Còn với anh chồng tên Sắc thì nó đã cho một vố rồi. Chuyện này bà vợ mà biết chắc phải lăn đùng ra tự tử mất thôi. Nó cứ để đấy mai kia ông ta cũng về. Ai đến tuổi chả nghỉ hưu. Nó sẽ không nói với ai. Cứ im lặng. Cứ tra tấn bằng im lặng. Hằng ngày cứ gặp nhau ở phố làng và nó thấy ông ta cúi mặt là đủ.

Chuyện là thế này. Khi nó bỏ làng đi, nó quẳng thân xác nó cho đất biên giới Quảng Ninh. Lúc thì Móng Cái, lúc thì sang hẳn bên Tàu. Đời nó đã thừa khổ sở về thân xác nhưng nó thấy đau đớn hơn là tinh thần. Nó thừa nhục nhã, ê chề, khinh rẻ. Nhiều lúc nó thấy nó sai lầm. Nó đã đổi cái nghèo lấy cái nhục là sai lầm. Song nó đã vào con đường ấy. Đã trót thì trét. Vả lại nó thấy công bằng mà nói, nhiều khách làng chơi còn khốn nạn hơn nó nhiều: sự lường gạt, sự đểu cáng, sự thú vật, sự ti tiện... lộ ra từ những kẻ có cái mẽ rất sang trọng, oai vệ kia; từ những bộ mặt sáng sủa lịch lãm và cao đạo kia. Giá như nó có học, khi giải nghệ nó sẽ viết hồi ký, chắc sẽ được nhiều tập, in ra, bán sẽ đắt hàng. Không, nó không mô tả chuyện xác thịt mà chỉ toàn viết về sự mất nhân cách của họ cũng hay lắm rồi. Nhiều kẻ còn cho nó các-vi-dít, còn chụp ảnh, tặng ảnh nó nữa. Ảnh còn một đống ở trong hòm của nó kia.

Sau ba bốn năm ở Quảng Ninh, cái Gái chuyển lên Lạng Sơn. Vừa đến được một tuần thì vào một buổi chiều, tầm năm giờ, có người khách đánh xe đến nghỉ tại khách sạn “Tô Thị” với yêu cầu phải có Hoàng Mỹ đến tiếp (Hoàng Mỹ là tên cái Gái từ ngày ra Quảng Ninh).

Khi Hoàng Mỹ son phấn và ăn mặc bộ đồ ngắn, mỏng và hết sức khêu gợi bước vào phòng, người khách háo sắc lao ra, bế bổng lên, quẳng vào giường đệm lò xo. Hoàng Mỹ nảy lên mấy lần.

- Trời ơi! Hoàng Mỹ của anh! Em có biết là anh tìm em khổ như thế nào không? Anh là người chuyên săn lùng người đẹp. Cả đất Quảng Ninh, ai cũng nghe tiếng Hoàng Mỹ. Nhiều người khao khát được đến với em một lần. Dù chỉ một lần thôi rồi chết cũng được. Hôm nay anh đã bắt được em. Anh phải giữ em suốt đêm, cả ngày mai, cả đêm mai nữa...

Người khách còn thì thào vào tai Mỹ nhiều nhưng Hoàng Mỹ ngắt lời:

- Sao anh tham thế? Hoa thơm mỗi người hưởng một tí. Vả lại sức anh được bao nhiêu? Đụng đến em hơi bị đắt đấy!

- Hoàng Mỹ đánh giá anh hơi thấp. Anh có thể bao em cả đời. Em là của riêng anh. Em có cá không?

Cái Gái không trả lời.

Nó biết người khách này muốn gì. Cũng một lũ hứa suông cả thôi. Cũng giả dối cả thôi. Sau những giây thoả mãn thể xác, họ cũng khinh bỉ nó. Vớ được tiền chùa thì họ ăn chơi cho đã chứ nghĩa tình gì cái bọn ấy. Nó chưa thấy ai dám bỏ tiền kéo cô gái nào ra khỏi vũng lầy nhơ nhớp về làm vợ như cái gã Thúc Sinh thôi chứ chưa nói đến ông Từ Hải trong “Truyện Kiều”.

Sau những phút cuồng loạn của một gã khát dục, và háo sắc, hắn nằm ôm ấp, vuốt ve Hoàng Mỹ, miệng không ngớt buông lời đường mật:

- Hoàng Mỹ ơi! Em có biết là anh yêu em đến mức nào không? Anh muốn em là của anh. Em về với anh. Anh sẽ mua cho em ngôi nhà ở Hà Nội. Chúng mình sẽ sống hạnh phúc với nhau. Em chưa hiểu, đời anh nhiều cay đắng, cho nên hay cảm thông những người khổ cực...

Hắn nói dài lắm. Hoàng Mỹ nằm im nghe. Trong đầu Hoàng Mỹ đã nghi nghi từ lúc hắn mới vào. Qua giọng nói và nhất là cái nốt ruồi bên mép trái, đôi lông mày rậm thì không lẫn vào đâu được. Bây giờ thì Hoàng Mỹ đã khẳng định một trăm phần trăm là hắn rồi. Hoàng Mỹ quyết trả mối hận:

- Anh nói hay lắm nhưng em sợ là anh nói dối. Anh giả vờ thương em là anh khinh em.

- Anh xin phục dưới chân em mà thề là anh không nói dối. Rồi hắn dựng Hoàng Mỹ dậy và phục dưới chân cô mà thề thốt. Hoàng Mỹ nâng hắn dậy:

- Em cám ơn lòng tốt của anh nhưng phải để em suy nghĩ đã. Còn đêm nay, em không ở lại với anh được. Em ốm mấy ngày rồi. Anh thông cảm. Xin anh để hôm khác ta gặp nhau.

Nói rồi, Hoàng Mỹ mặc lại quần áo và mở cửa. Hắn giữ thế nào cũng không được. Để tỏ ra quân tử, hắn rút tập tiền đưa cho Hoàng Mỹ:

- Hôm nay là lần đầu tiên gặp gỡ, anh tặng em một triệu.

Hoàng Mỹ cầm tập tiền, nhìn thẳng vào mặt hắn, giọng lạnh lùng:

- Xin cám ơn ông. Khi nào ông bỏ được bà Toe thì tôi mới tin là thật. Còn hôm nay, miễn phí, coi như tôi đã trả xong cái ơn giúp đỡ, ông hàng xóm ạ.

Rồi Hoàng Mỹ vứt trả xấp giấy bạc và bước đi để lại làn hương thơm và sự nuối tiếc, bàng hoàng cho hắn. Hắn không kịp hiểu ra sao cả. Đêm thao thức và nặng nề đến với hắn. Mãi sau hắn mới lờ mờ nhận ra bằng linh cảm: Thôi chết rồi, cái Gái. Đích thực là cái Gái. Bỏ mẹ...

*

Hai năm sau, trong một dịp vô tình tôi được xem trận đấu chung kết bóng đá nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, đội bóng làng tôi thắng cuộc, đạt giải Nhất. Trong lễ trao giải, tôi thấy một cô gái đẹp và đứng tuổi ôm hoa ra tặng. Hỏi ra mới biết cô gái trạc ngoài ba mươi ấy là phó giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn xi-măng lò đứng ngay ở quê tôi: Cái Gái! Thì ra... Và tôi bị không khí vui vẻ cuốn đi.
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Bút ký "Những kỹ sư của đất" của Nguyễn Thu Hằng(08/09/2023)
Trên đỉnh Mẫu Sơn(08/09/2023)
Men tình xứ Lạng(08/09/2023)
Nhớ làng(18/07/2023)
Hoa rụng(18/07/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na