Về sự tử tế
Ở đâu đó, trong những bức thư của mình, nhà phê bình văn học Nga Belinsky có đưa ra một ý tưởng thế này: những kẻ vô lại luôn chiến thắng những người tử tế vì chúng đối xử với những người tử tế như những kẻ vô lại.
Còn những người tử tế vẫn tiếp tục đối xử với những kẻ vô lại như những người tử tế.
Kẻ ngu ngốc không thích người thông minh, kẻ vô học không thích người có học, kẻ vô giáo dục không thích người có giáo dục, v.v…
Và tất cả điều đó được ngụy trang bằng những câu nói: “Tôi là người đơn giản …”, “Tôi không thích triết lý hão”, “Tôi sống cuộc đời mình mà không cần những thứ đó”, v.v…
Còn trong lòng thì đầy hận thù, đố kỵ, tự ti.
Về đặc điểm của trí thức
Nhiều người nghĩ: trí thức là người đọc nhiều, học vấn cao (thậm chí đa phần là học vấn nhân văn), đi nhiều, biết nhiều ngoại ngữ.
Trong khi, một người có thể sở hữu tất cả những phẩm chất đó, nhưng không phải là trí thức, hoặc anh ta có thể thiếu phần lớn những phẩm chất đó, nhưng bên trong vẫn là một trí thức.
Đặc điểm của trí thức không chỉ ở kiến thức mà còn ở khả năng thấu hiểu người khác. Nó được thể hiện ở hàng ngàn, hàng ngàn điều nhỏ nhặt: ở kỹ năng tranh luận, ứng xử khiêm nhường bên bàn ăn, kỹ năng âm thầm (tôi nhấn mạnh âm thầm) giúp đỡ người khác, bảo vệ thiên nhiên, không xả rác ra xung quanh – không vứt đầu thuốc lá hay văng tục, không có những ý nghĩ xấu xa…
Tôi biết ở miền Bắc nước Nga có những người nông dân là trí thức thực sự. Họ giữ gìn nhà cửa hết sức sạch sẽ, biết quý trọng những bài hát hay, biết kể những câu chuyện thực tế xảy ra với họ và những người khác, họ sống ngăn nắp, gọn gàng, mến khách, cởi mở, thấu hiểu nỗi đau và niềm vui của người khác.
Trí thức là người có khả năng hiểu biết, khả năng tri giác, có thái độ bao dung đối với thế giới và con người.
Về người có giáo dục
Con người có thể được tiếp thu một nền giáo dục tốt không những trong gia đình hoặc ở nhà trường mà còn … ở chính bản thân mình.
Chỉ cần biết thế nào là người thực sự có giáo dục.
Tôi không dám đưa ra những “định nghĩa” về người có giáo dục, vì bản thân tôi không coi mình là người được giáo dục kiểu mẫu. Nhưng tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ với bạn đọc.
Chẳng hạn, tôi tin rằng sự giáo dục thực sự trước hết được thể hiện ở nhà mình, ở gia đình mình, trong quan hệ với những người ruột thịt.
Nếu trên đường phố, người đàn ông không nhường đường cho người phụ nữ không quen biết (kể cả trên xe buýt), còn ở nhà không giúp người vợ bận bịu rửa bát, – anh ta không phải là người có giáo dục.
Nếu như anh ta lịch sự với những người quen biết, còn gắt gỏng với người nhà vì bất cứ lý do gì, – anh ta không phải là người có giáo dục.
Nếu anh ta không tôn trọng tính cách, tâm lý, thói quen và nguyện vọng của những người thân của mình, – anh ta không có giáo dục.
Nếu như ở tuổi trưởng thành, anh ta coi sự giúp đỡ của bố mẹ như một lẽ đương nhiên và không nhận thấy họ cần được giúp đỡ, – anh ta không phải là người có giáo dục.
Nếu anh ta mở đài và ti-vi oang oang hoặc đơn giản là nói chuyện ầm ĩ khi có ai đó trong nhà đang học bài hay đọc sách (thậm chí đó là những đứa con nhỏ của anh ta), – anh ta không phải là người có giáo dục và không bao giờ dạy con mình trở thành người có giáo dục.
Nếu anh ta thích bỡn cợt vợ hoặc con cái, bất chấp lòng tự ái của họ, đặc biệt khi có người ngoài, thì anh ta (xin lỗi!) quả là một kẻ ngu ngốc.
Người có giáo dục là người muốn và biết tôn trọng người khác. Đó là người ứng xử lịch sự với tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác và địa vị.
Người có giáo dục là người không tỏ ra “đao to búa lớn”, biết tiết kiệm thời gian của người khác, nghiêm túc thực hiện những lời hứa với người khác, không quan trọng hóa, không lên mặt và luôn luôn là chính mình: ở nhà, ở trường học, ở cơ quan, trong cửa hiệu, trên xe buýt.
DMITRY LIKHACHYOV – TRẦN HẬU dịch