Mỗi người cầm bút sẽ đến với văn chương theo một cách khác nhau, hành trang bước vào nghề viết cũng mỗi người chuẩn bị theo một cách, điều đó sẽ tuỳ vào bản mệnh văn chương của mỗi người. Vậy có mẫu số chung nào đó cho những người cầm bút khi đến với văn chương không?
Toạ đàm là dịp để các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình cùng nhau trao đổi về nghề viết.
Theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, người viết cũng cần phải có hành trang, giống như người lính. Hành trang người lính bên cạnh những vũ khí quân trang như súng, đạn, ba lô thì còn là những trang sách, những câu thơ, lời ru, kỉ niệm… Phải có sự trang bị thì mới có thể tự tin đi đến mục tiêu của mình. Điều người viết cần có đầu tiên và quan trọng đó chính là năng khiếu, tiếp đến là trang bị cho mình những tri thức của nhân loại về văn học, triết học, tâm lí học, tôn giáo…; tình yêu thương con người, giàu lòng nhân ái; liên tài, không đố kị; dấn thân (trải nghiệm thực tế); huy động nội lực để trở nên chuyên nghiệp; bồi đắp kĩ thuật viết… Đó là những điều cơ bản nhất phải có của một người viết.
Trong sự trao đổi về trải nghiệm của bản thân có ý nghĩa như thế nào đối với nghề viết, nhà văn Trung Sỹ khẳng định, hành trang nghề viết chính là những gì mà người viết trải qua thì đó mới là cái viết của chính mình. Tác giả Bùi Thị Nhài (Hội VHNT tỉnh Ninh Bình) cũng đồng quan điểm này, chị cho rằng phải có trải nghiệm thực tế đầu tiên thì người viết mới có những trang viết lay động, và thực tế cũng là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong hành trang của nghề viết. Theo chị, trải nghiệm qua không gian của internet và sự nhạy cảm của người viết cũng là hai yếu tố cơ bản mà người viết cần thiết phải có.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ nhiều về cảm xúc của người cầm bút, theo anh, đây là yếu tố quan trọng và đầu tiên mà người viết phải có được. Nhưng nếu viết theo cảm xúc đơn thuần thì người viết không thể đi được đường dài với văn chương, do đó người viết cũng phải biết nuôi dưỡng cảm xúc cho mình. Yếu tố tiếp theo nhà văn nhấn mạnh chính là trí tưởng tượng của người viết, và điều này sẽ quyết định nhà văn có đi được xa hay không.
Nhà văn Vũ Thanh Lịch tham dự toạ đàm với cương vị là Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình, đồng thời là trại viên của trại sáng tác văn học. - Ảnh: Ninh Đức Hậu
Nhà văn Vũ Thanh Lịch đồng tình với nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm rằng, có hai kiểu viết văn, một là kiểu đi từ trang sách đến trang sách, hai là kiểu đi từ đời sống vào trang sách, và chị thuộc kiểu viết thứ hai. Nhà văn cũng nhấn mạnh, trại viết là một hoạt động ý nghĩa dành cho người cầm bút, nơi đây chúng ta có những trải nghiệm và trao đổi quý giá.
Nhà văn Phan Ngọc Chính cho rằng, mỗi người viết cần phải tạo ra cho mình một sinh quyển văn chương riêng. Ở vùng sinh quyển ấy nhà văn sẽ đào sâu, khai thác để tìm ra những vỉa tầng lấp lánh nhất. Bên cạnh đó, nhà văn cũng phải không ngừng mở rộng thêm sinh quyển văn chương của mình, điều này mới quyết định được sự thành công của một nhà văn.
Nhà văn trẻ Đức Anh quan niệm, hành trang của người viết còn cần một vấn đề lớn để người viết theo đuổi và xác định theo đuổi trên cả chặng đường dài. Nếu chỉ nói tôi muốn viết về một ga tàu hay một sự việc quá khứ, thì chưa đủ, chưa lập nên đề tài. Vấn đề, hay đề tài viết, luôn luôn phải ẩn chứa một hay nhiều câu hỏi để người viết truy tầm câu trả lời trong suốt cuộc đời mình. Nó sẽ trở thành một trục xoay, một mô-men động lượng, để họ suy tư, trăn trở và tìm kiếm, bằng việc sống, suy tưởng, nghiên cứu và mở ra một đường leo dốc không thể quay lại. Đó là cái chân lí sống mà họ muốn tìm thấy, chân lí duy nhất chỉ có họ mới tìm ra được. Bên cạnh đó, Đức Anh cũng bày tỏ những suy tư về thời đại và nghề viết: “Tôi được may mắn sinh ra ở lúc giao thời, khi trên đất nước có nhiều mảnh cắt văn hoá khác nhau, vừa từ sự du nhập do toàn cầu hoá, vừa từ sự khôi phục, phát huy của những tiểu vùng văn hoá trong nước, và lại còn có biến số thời gian. Những cái mới nhanh bị cũ đi, và những cái cũ bỗng trở nên mới mẻ. Trước đây chúng ta sống trong chỉ một bộ tiêu chuẩn văn hoá, giờ thì ta có nhiều hơn một bộ tiêu chuẩn. Tự thân thời đại đã cho người viết một hành trang rồi. Tôi luôn đặt câu hỏi chúng ta là ai trong giao lộ của quá khứ và tương lai. Ngôn ngữ tiếng Việt chứa đựng một chân lí quá lớn mà tôi chưa hiểu được. Nhưng tôi tin rằng, chỉ có sự viết mới mở được cánh cửa vào thế giới song song đầy bí ẩn, huyền hoặc nhưng lại chứa toàn bộ điều cần phải giải quyết của cuộc đời ta”.
Hành trang của người viết thơ
Trong khuôn khổ buổi toạ đàm, nhà thơ Bình Nguyên, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Ninh Bình chia sẻ về những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của Hội. - Ảnh: Ninh Đức Hậu
Ở góc nhìn của người làm thơ, nhà thơ Bùi Sỹ Hoa chia sẻ: Hành trang người viết, luôn là một chút năng khiếu cộng với việc học, việc đọc suốt hành trình viết gian khó. Sự vươn lên, bứt lên của mỗi người viết là quan trọng để theo kịp bước chuyển chung đồng thời cũng không thể xem nhẹ môi trường sáng tạo xung quanh. Chẳng hạn, sự chia sẻ đồng cảm của bạn viết, bạn đọc; sự quan tâm, dìu dắt của người đi trước, của các biên tập viên văn nghệ các báo, tạp chí lớn, các trại viết...
Nhà thơ trẻ Hương Giang chia sẻ quan điểm của mình một cách hình tượng: Giống chiếc “bánh bão” được nhắc đến trong Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của tác giả người Mĩ gốc Việt Ocean Vương, chị thấy bản thân cũng như những nhân vật trong truyện đã chuẩn bị tinh thần và đón bão bằng cách đi làm bánh giữa những bão tố của cuộc đời mình. Quá trình làm bánh cần nhiều bước, và chiếc bánh đầu tiên chị làm là chiếc bánh của những cảm xúc những rung động tinh khôi đầu tiên trong cuộc sống nhiều tổn thương của cá nhân. Theo chị, sự rung động nóng rẫy, run rẩy xúc động đó là điểm khởi đầu, là thứ đầu tiên của hành trang người viết. Tiếp theo đó là có đôi mắt biết quan sát tiếp nhận, mở rộng thế giới bên ngoài và bên trong mình. Một đôi mắt biết chọn lọc nhưng vẫn giữ được sự trong sáng hồn nhiên. Và cuối cùng, một trong ba hành trang quan trọng chị muốn nhắc đến chính là tri thức, vốn sống mà mọi người đã nhắc đến đề cập trong buổi giao lưu. Đặc biệt người trẻ, họ là những người cần nghiêm túc và có thái độ cầu thị để trau dồi bồi dưỡng bản thân, nhằm tạo sự phong phú cho đời sống cá nhân và đời sống văn chương của chính họ.
Nhà thơ Trần Lâm Bình chia sẻ: Tạp chí Văn nghệ Quân đội là hành trang quan trọng trong nghề viết của ông. - Ảnh: Ninh Đức Hậu
Trong buổi toạ đàm, nhà thơ Trần Lâm Bình, cộng tác viên lâu năm của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cũng là một người con của đất Ninh Bình chia sẻ: Văn nghệ Quân đội là sự yêu mến rất mực trong ông. Qua việc đọc Văn nghệ Quân đội ông sẽ có những định hướng sáng tác cho chính mình, tạp chí cũng chính là hành trang quan trọng trong nghề viết của ông. Bên cạnh đó, nhân trại viết được mở tại Ninh Bình nhà thơ cũng chia sẻ, đây là mảnh đất có rất nhiều trầm tích, cá nhân ông cảm thấy mình mới xới được bề mặt của nó. Đôi khi các nhà văn, nhà thơ đến từ nơi khác lại là những người đào sâu được vào trầm tích đó. Ông mong muốn ở trại viết này sẽ được đọc những tác phẩm hay về Ninh Bình.
Để tạm kết cho buổi toạ đàm, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa chia sẻ: Suy cho cùng, gói gọn trong hành trang người viết là hai chữ tài năng. Tài năng là điều kiện cần và cũng là điều kiện đủ của chủ thể sáng tạo. Tài năng hoặc bao hàm hoặc quyết định đến tổng hòa các phẩm tính của nhà văn. Tài năng ở đây vừa là tài năng thiên bẩm sẵn có, vừa là tài năng do trau dồi rèn giũa tích nạp mà có. Tài năng thiên bẩm chính là thứ cường lực nội sinh bất khả cưỡng để nuôi dưỡng đam mê, thôi thúc dấn thân, từ đó dần có được thứ trường lực mà đi đường dài với văn chương. Tài năng thiên bẩm phân biệt người khổ luyện và người cố đấm ăn xôi.
Các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học chụp ảnh lưu niệm. - Ảnh: Ninh Đức Hậu