Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Quả ngọt từ Trại sáng tác văn học nghệ thuật 2023
13/09/2023 12:00:00

Tác giả: Ngọc Hùng

Mỗi một Trại sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) mở ra là gửi gắm biết bao mong chờ, kỳ vọng, xen lẫn hồi hộp. Bởi qua mỗi Trại sáng tác đó sẽ có những tác phẩm văn học nghệ thuật mang đậm dấu ấn riêng cho mỗi mùa trại; những kinh nghiệm quý báu cho công tác chuyên môn, công tác tổ chức được đúc rút. Và khi Trại sáng tác VHNT năm 2023 mở ra, trong tâm tư của những người làm công tác tổ chức cũng ấp iu biết bao sự chờ mong, kỳ vọng như vậy.

Trại sáng tác VHNT năm 2023 được Hội VHNT tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 5/7 đến 21/7/2023 quy tụ hội viên thuộc tất cả các chuyên ngành VHNT, có thành tích sáng tác tiêu biểu trong 5 năm qua. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội X Hội VHNT tỉnh Hải Dương (Nhiệm kỳ 2023-2028).

Tham dự trại lần này có 27 trại viên thuộc tất cả các chuyên ngành VHNT, có thành tích sáng tác tiêu biểu trong 5 năm qua, có tuổi đời dưới 55. Có thể nói đây là lực lượng nòng cốt, đầy nhiệt huyết và đang ở độ chín trong nghề nghiệp ở tất cả các chuyên ngành VHNT.

 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các trại viên tại Lễ Bế mạc Trại sáng tác VHNT năm 2023 - Ảnh: Phùng Tuệ 

Ngay khi nhiệm vụ mở trại được thông qua, công tác xây dựng, tổ chức đã được tiến hành bài bản, chặt chẽ. 15 ngày diễn ra trại là những ngày các trại viên được sống trong môi trường sáng tạo văn học nghệ thuật gần gũi, ấm áp, thân tình thật khó quên.

Về công tác tổ chức, trong những ngày diễn ra trại sáng tác VHNT 2023 đã nhận được sự quan tâm tạo điều kiện tốt nhất của lãnh đạo Hội; sự chuẩn bị, lo toan chu đáo về công tác tổ chức trại và các chuyến đi thực tế của Văn phòng Hội; Ban Tổ chức trại đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ được phân công. Về phía các văn nghệ sĩ tham gia trại với tinh thần đầy nhiệt huyết và ý thức, trách nhiệm cao.

Dấu ấn sâu đậm cũng như điểm nhấn của trại năm nay phải kể đến các chuyến đi thực tế sáng tác. Khẳng định những chuyến thực tế sáng tác là nguồn tư liệu vô cùng quý báu đối với sáng tạo VHNT, trong mùa trại năm nay Ban Tổ chức đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 2 chuyến đi thực tế tập trung ngoài tỉnh và trong tỉnh. Các chuyến đi thực tế là chất xúc tác quan trọng để các trại viên được gặp gỡ giao lưu, gắn kết, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, học hỏi lẫn nhau kỹ năng sáng tác, trau dồi vốn sống, nâng cao chất lượng tác phẩm.

Quả vậy, thật khó mà quên những trải nghiệm, kỷ niệm đẹp trong chuyến đi thực tế tập trung ngoài tỉnh được tổ chức từ các ngày 14 đến 16/7/2023 tại Bắc Ninh và Lạng Sơn. Trong chuyến đi này, sáng ngày 14/7, đoàn đã đến thực tế, nghiên cứu tác các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh: Chùa Dâu trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của Việt Nam; chùa Bút Tháp nơi lưu giữ bốn nhóm bảo vật quốc gia gồm tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay, ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, hương án đều được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ; trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại thôn Đông Khê, xã Song Hồ (huyện Thuận Thành), chùa Tiêu trên núi Tiêu Sơn (Huyện Từ Sơn) nơi nuôi dạy vua Lý Công Uẩn.

Chiều ngày 14/7 đoàn di chuyển lên Lạng Sơn và có chuyến thực tế tại hai danh thắng tiêu biểu của tỉnh Lạng Sơn là động Nhị Thanh và động Tam Thanh ẩn mình trong núi đá vôi tọa lạc tại thành phố Lạng Sơn. Ngày 15/7, đoàn đã có chuyến thực tế sáng tác tại đỉnh Mẫu Sơn nơi có khoảng 80 ngọn núi nhỏ và 5000 hecta rừng rậm mang vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí. Ngày 16/7, đoàn nghiên cứu khám phá đỉnh Nà Lay, các bản làng của người Tày, chợ phiên thị trấn Bắc Sơn. Trong những ngày ở Lạng Sơn, đoàn đã giao lưu, gặp gỡ với các văn nghệ sĩ của tỉnh Lạng Sơn tạo sự thân tình, sâu đậm.

Chuyến đi thực tế tập trung được tổ chức vào ngày 20/7 tại thị xã Kinh Môn cũng để lại cảm xúc đặc biệt trong mỗi trại viên. Tại chuyến đi này, các văn nghệ sĩ đã được đi thực tế tại phường Thất Hùng, xã Bạch Đằng, nghe lãnh đạo địa phương thông tin về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quê hương, về thăm các mô hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp giá trị kinh tế cao như: mô hình trồng thanh long (Bạch Đằng), cam (Thất Hùng). Thăm di tích Kính Chủ nơi được mệnh danh Nam thiên đệ lục động.

Các chuyến đi thực tế không chỉ là hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thiết thực của trại mà còn trở thành nguồn cảm hứng, chất liệu cuộc sống quan trọng để các văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Câu trả lời được thể hiện qua thời gian diễn ra trại, bằng lòng nhiệt huyết yêu nghề, khát vọng sáng tạo, các văn nghệ sĩ đã cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng mang đậm hơi thở cuộc sống.

Có thể thấy các tác phẩm dự trại năm nay khá đa dạng về thể loại, đề tài. Nội dung đề cập đến mọi chủ đề, lĩnh vực của cuộc sống. Song nổi trội nhất vẫn là các tác phẩm phản ánh những đặc sắc của đất và người Hải Dương và đất và người Bắc Ninh, Lạng Sơn nơi có các chuyến thực tế sáng tác.

Ở mảng nghệ thuật có 18 nghệ sĩ thuộc các ban: Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Kiến trúc, Sân khấu, Âm nhạc và Múa tham dự, thu về 38 tác phẩm. Ban Mỹ thuật với 9 họa sĩ tham gia thu được 19 tác phẩm. Với mỗi người một phong cách thể hiện đã tạo được sự đa dạng trong các tác phẩm mỹ thuật. Họa sĩ Phùng Văn Tuệ, Nguyễn Tiến Quân ở thể loại tranh trừu tượng với những cảm xúc ấn tượng về phong cảnh, màu sắc, hình mảng của chuyến đi thực tế Bắc Ninh, Lạng Sơn. Những vệt nắng sự chuyển đổi của thiên nhiên qua từng khoảnh khắc của thời gian đã tạo nên những mảng, nét màu đan xen, như: “Đô thị” của Phùng Văn Tuệ, “Chiều vàng Nà Lay” của Nguyễn Tiến Quân. Với họa sĩ Phạm Văn Trọng, Phạm Đình Tùng, Nguyễn Phương, Nguyễn Quang Hoan các tác phẩm được thể hiện ở loại hình ấn tượng thông qua khung cảnh thiên nhiên, hoa lá của vùng đất mà tác giả đã trải nghiệm và đặt chân đến, tiêu biểu là: “Đồng chiều” của Phạm Đình Tùng, “Phong cảnh Tà Nung” của Phạm Văn Trọng, “Hoa rừng” của Nguyễn Quang Hoan, “Phong cảnh Bắc Yên” của Nguyễn Phương. Ở loại hình hiện thực họa sĩ Nguyễn Đinh Duy Quyền trình làng với tác phẩm “Đầm sen”. Ở loại hình biểu hiện họa sĩ Nguyễn Hùng Cường với những suy tư tạo cho người xem cách nhìn đa chiều qua tác phẩm “Phù thủy” và “Nhà hiền triết 1”. Nữ họa sĩ Đinh Thị Thu Mai ấn tượng với tác phẩm tranh lụa “Rối nước” trong khi nữ họa sĩ Hà Thị Hương Thanh khẳng định thế mạnh ở mảng tranh cổ động với tác phẩm “Giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới”.

Ban Nhiếp ảnh có 3 tác giả thu được 12 tác phẩm. Với những góc máy và ý tưởng độc đáo mỗi tác phẩm đã tạo nên những khoảnh khắc sinh động: “Cần mẫn, Kỳ thú Tam Thanh” của Nguyễn Thiện Tín; “Thu hoạch dưa, Nghề tráng bánh đa” của Phùng Trọng Tuệ; “Sân golf Chí Linh, Phố lên đèn” của Mạnh Hiển.

Ban Sân khấu tác giả Trần Phương Hạnh tham gia với tác phẩm “Không thể nào quên” viết về trận chiến lịch sử mùa mưa năm 1968 tại mặt trận đường Chín - Khe Sanh. Tác phẩm như một nén tâm nhang nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc hôm nay; nhắc nhở con cháu muôn đời sau không được phép quên đi quá khứ; mãi khắc ghi đạo lý “Uống ngước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Tác giả Vũ Kim Hoàn gửi về tác phẩm đặc sắc: “Ru cỏ” (lời thơ Trần Thùy Linh). Ban Âm nhạc và Múa tác giả Hoàng Thành sáng tác 2 ca khúc khá ấn tượng: “Khúc hành quân tiếp nối”, “Lê Lợi tình yêu trong tôi” (Ca khúc viết về Đảng bộ và nhân dân xã Lê Lợi, TP Chí Linh). Tác giả Thúy Nghệ hoàn thành 2 làn điệu chèo nhuần nhụy: “Đường mới quê em” (theo điệu Đào liễu), “Quê hương Cổ Dũng yêu thương” (theo điệu Luyện năm cung). Mảng Kiến trúc, kiến trúc sư Trần Việt Thắng cũng góp mặt với “Bản quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư và dịch vụ thương mại thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa”.

Đối với khối Văn học, có 9 tác giả thuộc các ban: Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình tham dự. Mặc dù số lượng trại viên tham dự chỉ bằng 1/3 khối nghệ thuật song phát huy thế mạnh của khối mình, các tác giả khối Văn học vẫn tạo nên điểm nhấn sâu đậm với số lượng tác phẩm dồi dào và đa dạng thể loại. Kết thúc trại, các tác giả khối Văn học đã gửi về Ban Tổ chức 37 tác phẩm thuộc các thể loại truyện ngắn, thơ, truyện thiếu nhi, tiểu thuyết, bút ký, lý luận phê bình, tản văn.

Ban Văn xuôi, tác giả Trần Thúy Lành không chỉ thể hiện độ sung sức trong sáng tạo mà còn thể hiện sự đa dạng khi có tác phẩm ở hầu hết các thể loại văn học. Trong 6 tác phẩm nộp về trại có 3 tản văn, 1 truyện ngắn, 1 bút ký và 1 tác phẩm lý luận phê bình gắn với công tác chuyên môn của Hội: “Diện mạo mới từ truyện ngắn của các cây bút nữ xứ Đông đương đại”. Với 3 tác phẩm gửi về, tác giả Nguyễn Thị Hải Yến không chỉ tiếp tục thể hiện sở trường của mình ở thể loại truyện ngắn mà “Ma đồng bằng” đã đánh dấu cho sự lấn sân của tác giả sang thể loại tiểu thuyết. Cùng với truyện ngắn “Cánh đồng mùa nước đổ”, sau hàng loạt những thành công của mảng văn học thiếu nhi, tại trại sáng tác lần này, tác giả Nguyễn Thu Hằng có hai truyện ngắn thiếu nhi khá đặc sắc: “Quả mũi cho bữa sáng” và “Bông hoa bị lãng quên”. Đặc biệt ngay sau chuyến đi thực tế Kinh Môn, tác giả Nguyễn Thu Hằng đã hoàn thành bút ký “Những kỹ sư của đất”. Điều này khẳng định những chuyến thực tế sáng tác là nguồn tư liệu vô cùng quý báu đối với sáng tạo VHNT.

Tham dự trại tác giả Ngọc Hùng cũng đóng góp 3 truyện ngắn về đề tài người lính và cuộc sống. Tác giả Bùi Thu Hằng hoàn thiện 2 tác phẩm ký về vùng đất Ninh Thuận và làng chài Việt Hải (Cát Bà) cùng 2 truyện ngắn. Bằng sự chân thực, sâu sắc, sau chuyến đi thực tế tại Bắc Ninh và Lạng Sơn, tác giả Vũ Thị Thanh Hòa đã sáng tác 3 bài thơ sâu lắng đầy cảm xúc: “Một chiều Bút Tháp”, “Đợi mưa”, “Men tình xứ Lạng”.

Ban Thơ, tác giả Thanh Hải đã hoàn thiện 5 bài thơ, trong đó các bài “Hoa nơi cửa Phật, “Vào chùa”, “Khách”, “Tô Thị”, được sáng tác từ những cảm xúc chân thực trong chuyến thực tế sáng tác tại Bắc Ninh và Lạng Sơn. Tác giả Trần Thùy Linh ngoài 5 bài thơ còn mạnh dạn dấn thân sang văn xuôi với 2 truyện ngắn “Sinh ra bởi mùa thu” và “Giờ này em ở đâu”.

Ở mảng Lý luận phê bình, tác giả Trần Thị Xuyến cũng hoàn thiện 2 bài viết: “Đọc lại hồi ký “Tôi đi học” của Nguyễn Ngọc Ký” và “Thân phận người phụ nữ vùng cao trong truyện ngắn “Mầm đắng” của Tống Ngọc Hân”.

Với tổng số 75 tác phẩm chất lượng khá trở lên, trại sáng tác VHNT năm 2023 của Hội VHNT tỉnh Hải Dương đã có một mùa bội thu trái ngọt. Trại sáng tác và tác phẩm thu được là hoạt động vô cùng thiết thực, ý nghĩa chào mừng Đại hội X Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương (Nhiệm kỳ 2023-2028). Trại sáng tác VHNT 2023 thành công giúp khẳng định sự đúng đắn trong hướng đi cũng như việc lựa chọn trại viên tham gia các trại sáng tác văn học trong thời gian qua. Trại lần này còn có tác dụng khích lệ, thúc đẩy phong trào sáng tạo văn học nghệ thuật của tỉnh Hải Dương tiếp tục phát triển, có được nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng phục vụ đời sống.
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Cái Gái" của tác giả Văn Duy(12/09/2023)
Bút ký "Những kỹ sư của đất" của Nguyễn Thu Hằng(08/09/2023)
Trên đỉnh Mẫu Sơn(08/09/2023)
Men tình xứ Lạng(08/09/2023)
Nhớ làng(18/07/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na