HẠT GẠO CHO ĐI
Đã thành lệ, trước khi mang gạo đi nấu cơm cho đơn vị, Binh nhất Lê Đức Tình, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân lại múc 2 bát cất vào chiếc chum có dán dòng chữ Hũ gạo tình thương để ở trong góc bếp. Niềm vui của Binh nhất Lê Đức Tình tăng dần theo lượng gạo có trong hũ. Số gạo này ngày cuối tháng sẽ được mang ra chia làm 2 phần dành cho 2 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đối với Binh nhất Lê Đức Tình, từ Hũ gạo tình thương anh đã có thêm bài học về chia sẻ yêu thương với người khó khăn hơn mình. Đây sẽ là kỉ niệm khó quên trong hành trang quân ngũ của người lính trẻ.
Chiến sĩ nuôi quân của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cất gạo vào "Hũ gạo tình thương".
Trong cuộc họp Hội đồng Quân nhân của đơn vị tháng trước, việc duy trì Hũ gạo tình thương được đưa ra họp bàn kĩ lưỡng. Đại úy Nguyễn Đăng Đồng, Phó Đồn trưởng, Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã nói: “Chúng ta sẽ duy trì Hũ gạo tình thương một cách thực chất và ý nghĩa nhất. Đây không chỉ là chia sẻ khó khăn với người dân trên địa bàn mà còn là bài học về lối sống tiết kiệm. Chúng ta học Bác từ việc nhỏ nhất”. Mọi người đã thống nhất, không đóng góp từ tiền lương của cán bộ, chiến sĩ mà bớt khẩu phần gạo mỗi bữa. Việc duy trì Hũ gạo tình thương phải đúng bản chất như ý nghĩa tên gọi của mô hình.
Đã 2 năm nay, bà Căn Plih (81 tuổi, Thôn Kêr, xã Hồng Vân, huyện A Lưới) phải nằm 1 chỗ vì già yếu. Bà Pilh chỉ có người con trai nuôi là anh Nguyễn Duy Da. Từ bé sức khỏe anh Da không được tốt, thường xuyên ốm đau bởi vậy không nói mọi người cũng có thể hình dung cái nghèo của hai mẹ con bà Plih. Anh Da rất thương mẹ, không xây dựng gia đình riêng mà ở vậy chăm sóc mẹ già. Tiền đi vác tràm thuê của anh Da chỉ đủ cho hai mẹ con rau cháo nuôi nhau qua ngày. Bà Căn Khiêng (thôn Tru Pỉ, xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới) khi trẻ không có con nên nuôi một đứa trẻ với mong muốn khi về già có chỗ nương tựa. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình, con trai nuôi của bà Khiêng đã đưa vợ con vào Đà Nẵng sinh sống và làm việc. Vì gia cảnh nghèo khó lại dịch giã nên người con lâu lắm không về thăm cũng không giúp đỡ được mẹ ở quê bởi vậy mà ở tuổi 85 nhưng bà Căn Khiêng phải sống cảnh neo đơn, không nơi nương tựa. Bà Căn Khiêng sống nhờ sự đùm bọc của người trong thôn, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng.
Với hoàn cảnh như vậy thì Hũ gạo tình thương trở thành “cứu cánh” cho bà Căn Khiêng và Căn Plih.
NGHĨA TÌNH NHẬN LẠI
Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân hiện duy trì 4 Chốt quản lí, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 tại thôn Par Ay, thôn Kêr 1 (xã Hồng Thủy), thôn Kêr (xã Hồng Vân) và thôn A Niêng Lê Triêng 1 (xã Trung Sơn). Quân số ít, lại xa đơn vị nhưng các cán bộ, chiến sĩ tại các chốt vẫn đề nghị được tham gia Hũ gạo tình thương. Thượng uý Lê Hữu Bường, Chốt trưởng chốt quản lí, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch số 3 chia sẻ: “Các chốt đều được dựng trên đất do người dân hiến tặng, bởi vậy việc “đáp nghĩa” là việc lúc nào bộ đội biên phòng cũng nên làm. Việc bớt lại một phần nhỏ khẩu phần gạo mỗi bữa ăn ở chốt không thu được bao nhiêu nhưng chúng tôi nghĩ rằng, việc lớn bắt đầu từ việc nhỏ và cơ bản là tấm lòng của chúng tôi dành cho người dân”.
Đại úy Nguyễn Đăng Đồng tặng gạo cho bà Căn Khiêng.
Khi biết việc thiện nguyện của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đang làm, Bà Lê Thị Mai Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới đã bỏ tiền túi để mua 25kg gạo tặng cho Hũ gạo tình thương của đơn vị. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên bà Lê Thị Mai Loan đồng hành, ủng hộ các hoạt động thiện nguyện của những người lính biên phòng. Mới tháng trước, khi biết hoàn cảnh của cháu Lê Thanh Ly Ninh, lớp 7/2 trường THCS - THPT Hồng Vân, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân nhận đỡ đầu theo Chương trình Nâng bước tới trường bà Mai đã đã kết nối tặng cho Ninh chiếc xe đạp để cô học trò nhỏ thuận tiện hơn việc đến trường.
Sống gần nhà nên bà Căn Gion thường sang giúp và chia sẻ phần thức ăn dù ít ỏi với bà Căn Khiêng. Bà Căn Gion thương bà Căn Khiêng lắm, thế nên, khi thấy cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đến trao gạo, bà vui mừng như thể chính mình được tặng, cứ luôn miệng cảm ơn ríu rít. Bà Căn Gion bảo: “Tôi thấy mừng cho bà Căn Khiêng quá. Con cái đi làm ăn xa, lại chẳng khá giả gì, dịch bệnh phức tạp nên cũng không về, không giúp đỡ được. May mà có các chú bộ đội biên phòng đến cho gạo, mắm muối. Từ giờ đỡ phải lo nhiều rồi”.
Ở nhiều bản làng trên dải dọc Trường Sơn, người ta vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện của nhiều năm trước. Khi bộ đội đến bản, già làng sẽ cử một người đeo chiếc gùi sau lưng đến từng gia đình. Không cần phải nói, chủ nhà đều mang ra một vốc gạo bỏ vào gùi. Gạo thu về vì thế mà có hạt trắng hạt đục, hạt dài hạt tròn và đôi khi lẫn cả nếp với tẻ. Thế nhưng, bát cơm vẫn ngon ngọt bởi đó chính là tình cảm của đồng bào dành cho bộ đội. Và hôm nay, Hũ gạo tình thương của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cũng như thế, đong đầy tình nghĩa quân dân vùng cao biên giới A Lưới.
Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/