Cách mạng tháng Tám 1945 vừa mới thành công, ngày 25/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, trong đó nói về hoạt động xuất bản: “Các cơ quan chấp hành cấp dưới phải ra những sách báo nhỏ nói về công tác và chủ nghĩa Mác. Tổng bộ Việt Minh phải thành lập một Bộ tuyên truyền điều khiển các tờ báo của Mặt trận và ra một loạt sách phổ thông của Mặt trận”(1). Chấp hành chỉ thị trên, cuối năm 1945, một số nhà xuất bản được thành lập như: Nhà xuất bản Lao động, Nhà xuất bản Sự thật, Nhà xuất bản Văn hóa cứu quốc... Lúc này, ngoài các nhà xuất bản, nhà in quốc doanh còn có các nhà xuất bản tư nhân như: Đời nay của Tự lực văn đoàn, Hàn Thuyên, Đại Việt...Vì vậy, cùng với việc thành lập các nhà xuất bản, hoạt động xuất bản cũng dần được luật hóa để quản lý tốt các cơ sở xuất bản tư nhân, nhằm đưa lực lượng này vào các hoạt động phục vụ lợi ích dân tộc, hạn chế tác hại do xuất bản phẩm gây ra. Ngày 31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh 18/SL về việc lưu chiểu văn hóa phẩm, là cơ sở để thành lập Kho lưu trữ quốc gia xuất bản phẩm văn hóa. Ngày 20/8/1946, Chủ tịch nước tiếp tục ra Sắc lệnh 159/SL về việc kiểm duyệt các thứ ấn loát phẩm: “Trước khi ấn hành, các nhà xuất bản, ấn loát hoặc tác giả phải đệ lên Sở Kiểm duyệt (cấp kí) giấy khai tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp của mình cùng hai bản thảo để kiểm duyệt”(2). Cùng với việc siết chặt quy trình xuất bản, nhà nước cũng chỉ đạo các nhà xuất bản tập trung xuất bản các loại thể loại sách phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, phục vụ phong trào bình dân học vụ, tuyên truyền bản sắc văn hóa-lịch sử dân tộc... Trong đó có thể kể đến một số tác phẩm được xuất bản trong thời kì này như: Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Bản án chế độ thực dân Pháp (Nguyễn Ái Quốc), Đề cương văn hóa Việt Nam (Trường Chinh), Có một nền văn hóa Việt Nam (Nguyễn Đình Thi), Hội nghị non sông (Xuân Diệu)...Chỉ tính riêng trong năm 1946, các nhà xuất bản: Sự thật, Lao động, Văn hóa cứu quốc đã cho ra đời hàng chục đầu sách với 230 nghìn bản.
Nhà xuất bản Lao động - một trong những đơn vị đơn vị xuất bản được thành lập từ những ngày đầu Cách mạng Tháng 8 thành công. Ảnh: TL
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, nhu cầu về sách báo ngày càng cao, đặc biệt là các thể loại sách tuyền truyền về đường lối chính trị, khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách đánh du kích cho bộ đội, huấn luyện kĩ thuật cứu chữa thương bệnh binh,... Đáp ứng nhu cầu trên, Đảng, nhà nước ta cho thành lập thêm nhiều nhà xuất bản mới như: Vệ quốc quân (1947), Văn nghệ (1948), Quân du kích (1948)... Cùng với các nhà xuất bản ở cấp trung ương, ngành, các nhà xuất bản ở địa phương cũng được lần lượt ra đời: Ở Nam Bộ có Nhà xuất bản Nhân dân miền Nam, Khu IV có nhà xuất bản Dân chủ mới...Trong khi đó, ở vùng địch tạm chiếm, thực dân Pháp khuyến khích các nhà xuất bản tư nhân xuất bản các thể loại sách: ca ngợi nước mẹ đại Pháp, xuyên tạc đường lối cách mạng, tuyên truyền công cuộc “khai hóa văn minh” của chúng, lợi dụng các cuốn sách về tôn giáo để chống phá cách mạng, sách văn nghệ lãng mạng “ru ngủ” thanh niên...Nhận thấy được mối nguy hại bởi các xuất bản phẩm của địch gây ra, Đảng ta chủ trương đưa sách xuất bản ở chiến khu và vùng tự do bí mật chuyển vào vùng địch tạm chiếm. Những cuốn sách như: Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Ký sự Cao Lạng (Nguyễn Huy Tưởng), Vùng mỏ (Võ Huy Tâm)...đã khơi dậy truyền thống yêu nước của nhân dân, đồng thời góp phần đập tan luận điệu phản động, đi ngược truyền thống dân tộc, giúp nhân dân vùng tạm chiếm hiểu được mục tiêu chính nghĩa của cách mạng Việt Nam. Để hoạt động tuyên truyền có hiệu quả, dù trong kháng chiến bận “trăm công nghìn việc” nhưng Đảng và Chính phủ vẫn luôn quan tâm đặc biệt đến ngành xuất bản, báo chí, kịp thời có sự đầu tư về “sức người, sức của”. Về “sức người”, Đảng ta phát động phong trào “văn nghệ sĩ đầu quân”, kêu gọi các văn nhân, trí thức, học sinh, sinh viên, thợ in, thợ sắp chữ lành nghề...từ các đô thị, vùng địch tạm chiếm lên chiến khu tham gia kháng chiến. Về “sức của”, nhiều nhà máy giấy dã chiến, nhà máy in được dựng lên ở chiến khu Việt Bắc, miền tây Thanh - Nghệ Tĩnh, cao nguyên Trung phần, các bưng biền ở miền Đông Nam Bộ...Vì vậy, mặc dù hoàn cảnh kháng chiến thiếu thốn nhưng các thể loại sách, báo, tạp chí, nội san, tranh ảnh cổ động...được in đá, in ti pô trên giấy dó mỏng, giấy bồi...vẫn liên tục xuất hiện và được phát hành trong toàn chiến khu, đưa vào nội thành, các vùng bị địch chiếm đóng.
Đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, ngành xuất bản, báo chí cách mạng đã có nhiều tiến bộ, đòi hỏi cần có một tổ chức để quản lí, điều hành chung các hoạt động. Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia, sau này ngành xuất bản đã lấy đây là ngày truyền thống của ngành. Nội dung sắc lệnh chỉ rõ: “Nhà in Quốc gia có nhiệm vụ: Thống nhất tổ chức và quản lý các nhà in của Chính phủ; điều chỉnh và đảm bảo việc in sách báo, tài liệu của Chính phủ và các đoàn thể nhân dân; phổ biến lưu thông các tài liệu sách báo trong nhân dân; giúp đỡ và phát hành việc in và phát hành của các nhà xuất bản tư nhân”(3). Sự kiện ra đời Nhà in Quốc gia đã đánh một dấu mốc to lớn trong lịch sử ngành báo chí, xuất bản cách mạng. Vì chỉ mới nắm quyền lãnh đạo đất nước trong một thời gian ngắn, cuộc kháng chiến kiến quốc còn nhiều gian khổ nhưng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện quyền kiểm soát cả ba khâu của quy trình xuất bản là: xuất bản, in và phát hành. Qua đó cho thấy, Đảng, nhà nước ta đã sớm nhận ra vai trò to lớn của hoạt động xuất bản trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, cần phải quản lí chặt chẽ trong mọi quy trình.
Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/
----------------------
1. Đinh Xuân Dũng-Ngô Trần Ái, Các nhà xuất bản Việt Nam thế kỷ XX, Nhà xuất bản Giáo dục, H.2006. Tr.67.
2. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Sắc lệnh 159 ngày 20 tháng 8 năm 1946, Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vanban.chinhphu.vn.
3. Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Sắc lệnh 119/SL ngày 10 tháng 10 năm 1952, Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vanban.chinhphu.vn.