Âm nhạc-Múa
Ra mắt hai cuốn sách về cuộc đời và âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân
17/02/2022 12:00:00

Những ngày đầu xuân, tháng 2/2022, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Âm nhạc đã ra mắt bạn đọc hai cuốn sách về cuộc đời và âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân, kỉ niệm 4 năm ngày ông rời cõi tạm. Nhạc và Đời và Cho muôn đời sau là những gì sâu lắng và sinh động nhất về tác giả của những ca khúc bất hủ như: Bài ca xây dựng, Hò kéo pháo, Người chiến sĩ ấy, Quảng Bình quê ta ơi, Tôi là người thợ lò...

 
 

Nhạc và Đời bao gồm 15 bài lí luận phân tích về các ca khúc và tác phẩm khí nhạc tiêu biểu do các nhà lí luận âm nhạc, nhạc sĩ, nhạc trưởng nổi tiếng viết và tuyển chọn một số các bài nổi bật của nhiều nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ… viết về con người, cuộc đời của Hoàng Vân được tổng hợp từ nhiều năm. Phần phụ lục bao gồm danh sách tổng tập tác phẩm của ông hiện đã tìm được cũng như thư mục báo chí, sách, luận văn xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ.

 

Qua những bài viết, chúng ta thấy nổi trội lên một Hoàng Vân với bút pháp muôn màu muôn vẻ: hoành tráng trong ngợi ca, dịu dàng thủ thỉ trong tình ca, đậm chất trữ tình trong ngành ca và tỉnh ca, tươi vui nhí nhảnh trong nhạc thiếu nhi… Trong những thể loại tác phẩm lớn và hàn lâm như trường ca, hợp xướng, tác phẩm khí nhạc, phần kĩ thuật và phần nghệ thuật khéo léo đan quyện vào nhau và kết quả âm nhạc luôn luôn ở điểm hẹn, luôn luôn cho người thưởng thức dồi dào cảm xúc. Tính độc đáo trong bút pháp, tính tiên phong, tư duy dàn nhạc trong phong cách, thủ pháp sáng tác và phối khí, tính đa dạng về đề tài là những đặc điểm nổi bật trong sáng tác của Hoàng Vân.

Nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha bày tỏ: Con chiến mã âm nhạc một thời đã thanh thản bay về cõi mây vàng như ngựa Thánh Gióng để lại dương thế một lâu đài âm nhạc Hoàng Vân tráng lệ với những cột trụ sừng sững của quãng 8 đúng quãng sở trường và đặc trưng trong nhiều tác phẩm Hoàng Vân, đã hoá thành bất tử trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Cho muôn đời sau là một cuốn hồi kí, tiểu sử về cha mình thông qua các tác phẩm để đời của ông do con gái Lê Y Linh - Tiến sĩ âm nhạc chấp bút. Cô đã sưu tầm các tài liệu, từ lí lịch tự thuật của ông, phỏng vấn, tìm hiểu, ghi chép những lời kể, kí ức của những người thân, bạn bè đồng nghiệp của nhạc sĩ; sưu tầm các tác phẩm, sưu tầm các bài báo, các phỏng vấn được ghi âm, ghi hình. Các thông tin về nhạc sĩ và các tác phẩm đều được xác minh. Tiến sĩ Lê Y Linh khẳng định: “Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ ‘chỉ cần’ điểm tác phẩm là đã có thể phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông”. Với quan niệm đó Cho muôn đời sau không chỉ cho người đọc biết về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân như một cá nhân riêng tư, một nhà văn hóa, một chứng nhân lịch sử mà còn giúp bạn đọc tiếp cận sinh động với lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam giai đoạn sau 1945.

Cuốn sách được chia làm bốn phần: Phần 1 - giới thiệu về cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân; Phần - 2 về tác phẩm của nhạc sĩ; Phần 3 - quan điểm sáng tác của nhạc sĩ ; Phần 4 - những kỉ niệm với nhạc sĩ trong trí nhớ và trái tim của người thân, đồng nghiệp các thế hệ và người yêu nhạc.

 

Với tư cách một người làm khoa học âm nhạc, tiến sĩ Lê Y Linh đã dành một phần lớn trong Cho muôn đời sau để có thể bước đầu đánh giá về các tác phẩm của ông. Cô đã tổng hợp và phân tích, triển khai các ý kiến đánh giá về các tác phẩm của ông từ các nhà nghiên cứu, các nhà báo, nhà nghiên cứu như Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thụy Loan, Trần Thị Trâm, Phạm Tú Hương, Phan Ngọc Thạch, Trần Văn Luân, Trần Văn Minh… Viết về cha, nhưng Tiến sĩ Lê Y Linh đã chọn cách làm khoa học, để có thể khách quan trong nhận xét đánh giá, hoàn thành tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Khi đọc cuốn sách này, người đọc có thể sẽ hiểu thêm về âm nhạc Việt Nam, hiểu thêm về cuộc đời sáng tạo của một nhạc sĩ, về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc. Cuốn sách cũng giúp bạn đọc cảm nhận được một phần vẻ đẹp của nghệ thuật âm nhạc, được sự hướng thượng trong nghệ thuật, nâng cao gu thẩm mĩ.

Bìa của hai cuốn sách dựa trên bức chân dung tự hoạ của chính nhạc sĩ Hoàng Vân và được thiết kế bởi người cháu họ của ông, họa sĩ Lê Thiết Cương.

Trong vòng hơn nửa thế kỉ sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại khoảng hơn 700 tác phẩm trong gần như tất cả các thể loại và các hình thức âm nhạc. Sau ngày ông rời xa cõi tạm, gia đình đã dày công thống kê, lưu trữ và bảo tồn di cảo của nhạc sĩ. Hai cuốn sách này là kết quả đánh dấu một giai đoạn của công việc bảo tồn và nghiên cứu khối lượng tác phẩm đồ sộ do ông để lại. Yêu nhạc của ông, chúng ta sẽ càng hiểu hơn thêm về các tác phẩm khi đọc những cuốn sách này.

Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930-2018) thuộc về thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đồng hành với cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam đầu thế kỉ XX. Song song với việc sưu tầm và bảo tồn nền âm nhạc dân tộc truyền thống, đây cũng chính là giai đoạn mà Việt Nam đặt nền móng sự phát triển trong tương lai cho một nền âm nhạc chuyên nghiệp hòa nhập với ngôn ngữ âm nhạc quốc tế.

 

Đông đảo quần chúng biết đến Nhạc sĩ Hoàng Vân qua hàng loạt ca khúc để lại dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam. Kể từ Hò kéo pháo (1954), nửa thế kỉ sáng tác ca khúc của ông có thể chia làm ba giai đoạn lớn: cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc (1954-1973), hòa bình đổi mới (1974-1990), và những năm cuối đời (1990-2010). Các ca khúc của ông mang nhiều hình thức và đề tài đa dạng, từ ca khúc nghệ thuật đến ca khúc thời sự, từ tráng ca đến ngợi ca, từ ngành ca đến tỉnh ca, từ tình ca đến du ca, từ dân ca đến những bài hát đậm tình quốc tế năm châu, từ người thợ mỏ đến người nông dân, từ thanh niên tới thiếu nhi, tất cả những đề tài tưởng như rất xa rời nghệ thuật đã được hát lên với những cung bậc xúc cảm nhất… Những tác phẩm mà tôn chỉ của nhạc sĩ là sáng tạo, là sự hướng thượng, là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, và bao trùm lên tất cả là tình yêu Tổ quốc!

Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, Hoàng Vân dành một vị trí quan trọng cho âm nhạc hàn lâm với các bản giao hưởng: Thành đồng Tổ quốc (một trong những bản giao hưởng thơ đầu tiên của Việt Nam viết vào năm 1960), đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Hồi tưởng (1961-1962), hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Điện Biên Phủ (2004), vở ballet Chị Sứ (1968), tổ khúc giao hưởng bốn chương số II Tưởng niệm (1991), bản thơ giao hưởng số II (1994) và số III Tuổi trẻ của tôi (2000).

Dù tác phẩm ở thể loại nào, hình thức nào, đề tài nào, âm nhạc của Hoàng Vân luôn lấy chân, thiện, mĩ làm phương châm và nghệ thuật là tiêu chuẩn tối thượng.

Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/ 
 
 
 
Các tin mới hơn
Âm vang Việt Nam trong Festival Âm nhạc Á Âu mới tại thành phố Kaza(23/09/2022)
Liên hoan “Giai điệu Mùa Thu” 2022 với chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt(15/09/2022)
Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9 năm 2022 - “Hát lên Việt Nam!”(30/08/2022)
Chính thức đưa Nhà hát Ca múa, nhạc dân gian Việt Bắc vào sử dụng(29/08/2022)
Ngày Âm nhạc Mới thế giới ISCM(29/08/2022)
Các tin cũ hơn
Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ(14/02/2022)
Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao(12/02/2022)
Đòn bẩy cho nghệ thuật cộng đồng(11/02/2022)
Cảm âm nhạc khúc ‘Đóa hoa vô thường’ của Trịnh Công Sơn(02/02/2022)
Kết bạn quan họ – nét duyên Kinh Bắc(20/01/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na