Tin tức
Hành trình tới nước Nga (phần 1)
07/07/2022 12:00:00

 

Trích Hồi ký của Hertor Berlioz (Lê Ngọc Anh và Nguyễn Tuấn Anh dịch)

Đặt mua sách tại đây: https://bit.ly/pre-order-Berlioz

Ký hiệu ở các chú thích:

HB - chú thích của tác giả Hector Berlioz.

DC - chú thích của David Cairns, dịch giả bản tiếng Anh.

Ngoài ra, chú thích nào không có ký hiệu HB hay DC là chú thích của người dịch sang tiếng Việt.

Một số tên người, địa danh và thuật ngữ âm nhạc trong bản dịch tiếng Việt được để nguyên tiếng Pháp, ngôn ngữ mà Berlioz dùng để viết hồi ký.

Chương 55

Gã bưu tá người Phổ - Ông Nernst - Chiếc xe trượt tuyết - Tuyết - Những con quạ ngu ngốc - Bá tước Wielhorski - Tướng Lwoff - Buổi hòa nhạc đầu tiên - Hoàng hậu - Tôi phát tài - Chuyến đi đến Moskva - Chướng ngại kỳ cục - Đại nguyên soái - Những người yêu nhạc trẻ tuổi - Những khẩu đại bác ở điện Kremlin

Thời điểm thuận lợi nhất để tổ chức các buổi hòa nhạc ở Saint-Pétersbourg mà không gặp trở ngại nào là vào Mùa Chay, vì các nhà hát đóng cửa trong thời gian này, nghĩa là trong cả tháng Ba. Vậy nên tôi khởi hành từ Paris vào ngày 14 tháng 2 năm 1847. Mặt đất được bao phủ bởi lớp tuyết dày sáu inch khi tôi rời đi, và suốt từ đó đến khi tới được Saint-Pétersbourg hai tuần sau tôi chẳng lúc nào thôi cảnh giác. Ở Bỉ tuyết rơi nhiều đến nỗi tàu phải chờ vài giờ tại ga Tirlemont trong khi công nhân dọn dẹp đường ray. Có thể mường tượng ra cái lạnh căm căm đang chờ đợi tôi vào tuần tiếp theo khi tôi đi qua Niémen.

Tôi dừng lại vài giờ ở Berlin để thỉnh một lá thư giới thiệu tới Hoàng hậu Nga từ anh trai của lệnh bà là Quốc vương Phổ; vị Vua với lòng tốt thường lệ đã gửi ngay cho tôi.

Từ Berlin đến Tilsit tôi đã gặp vận rủi khi phải đi cùng một gã bưu tá cuồng nhạc, người đã quấy rầy tôi khủng khiếp ngay từ lúc tôi đặt chân vào cỗ xe ngựa trạm của gã. Gã đã nhìn thấy tên tôi trong danh sách của mình và ngay lập tức quyết định khai thác tôi trên đường đi. Gã thích thú ứng tác vài điệu polka và valse dành cho piano; và tại mỗi bưu cục dọc đường mà đôi khi gã dừng lại khá lâu, trong khi người ta cho là gã đang quyết toán sổ sách với trưởng bưu cục thì gã lại kẻ vài khuông nhạc và viết lên đó các giai điệu vũ khúc mình đã huýt sáo liên lục trong ba giờ qua; sau đó khi trở lại cỗ xe ngựa trạm, gã hạ lệnh cho hành trình tiếp tục đồng thời đưa cho tôi điệu valse hoặc polka mới sáng tác cùng một cây bút chì để tôi có thể bổ sung bè trầm và hòa âm. Bè trầm được viết một cách thích đáng, sau đó là một mớ nhận xét, tại sao và vì sao, những thán từ thích thú xen lẫn ngạc nhiên. Lúc đầu tôi thấy rất thú vị nhưng tới lần thứ hai rồi thứ ba, việc này buộc tôi phải nguyền rủa sự hiểu biết sơ sài về âm nhạc và tiếng Pháp của một người tốt bụng. Người ta sẽ không bao giờ gặp vận rủi như vậy ở Pháp. Khi đến Tilsit, tôi yêu cầu được gặp ông Nernst trưởng bưu cục (tôi sẽ kể ngay làm thế nào tôi biết tên ông và tận dụng lòng tốt của ông ra sao). Tôi được chỉ cho văn phòng của ông và khi bước vào tôi thấy một người đàn ông to béo đội mũ vải, khuôn mặt nghiêm nghị nhưng vẫn thể hiện sự dí dỏm và rộng lượng. Ông ngồi trên một chiếc ghế cao và vẫn ngồi im ở đó khi tôi bước vào.

- Ông Nernst phải không ạ?” - tôi vừa hỏi vừa cúi người chào.

- Đúng rồi. Tôi có thể hỏi tôi đang vinh dự được nói chuyện với ai không?

- Hector Berlioz.

- Không thể nào! - ông kêu lên, bật ra khỏi ghế và đứng thẳng trước mặt tôi với chiếc mũ trên tay.

Và rồi con người đáng kính ấy làm tôi choáng ngợp với những cử chỉ quan tâm lịch sự và thậm chí còn thân tình hơn nữa khi tôi tiết lộ người đã giới thiệu ông với tôi.

“Trên đường đi qua Tilsit đừng quên tìm ông Nernst, trưởng bưu cục” - một người bạn đã khuyên tôi trước khi rời Paris - “Ông ấy là một người tuyệt vời, hiểu biết và có học thức, anh sẽ thấy ông ấy rất cừ”. Người bạn đã cho tôi lời khuyên này, ở góc phố nơi tôi gặp anh lúc mười một giờ vào đêm trước ngày tôi rời đi, là Honoré de Balzac[1]. Chính anh đã đến Nga chỉ một thời gian ngắn trước đó. Khi tôi tiết lộ rằng mình sắp đến Saint-Pétersbourg để tổ chức một số buổi hòa nhạc, anh đã một mực cả quyết rằng tôi sẽ trở lại với 150 nghìn franc. “Tôi biết nơi này. Anh bạn sẽ không thể mang về ít hơn đâu”. Điểm yếu của tâm trí tuyệt vời đó là ở bất cứ nơi đâu cũng nhìn thấy những vận may - những vận may chắc chắn đến nỗi anh sẽ không ngần ngại yêu cầu một chủ ngân hàng ứng trước tiền cho mình. Anh toàn mơ đến bạc triệu; đó là một ảo tưởng mà những nỗi thất vọng triền miên phải chịu đựng suốt đời cũng không thể nào xua tan được. Tôi mỉm cười trước con số anh định giá chuyến đi của mình mà không tỏ chút nghi ngờ nào về tính chính xác của nó.

Ta sẽ sớm thấy liệu các buổi hòa nhạc ở Saint-Pétersbourg và Moskva có mang lại cho tôi nhiều hơn mong đợi, nghĩa là tôi có thể đem về một khoản lớn lợi nhuận dù ít hơn 150 nghìn franc như Balzac tiên đoán hay không.

Theo lẽ tự nhiên nhà văn phi thường và nhà giải phẫu vô song đã thăm dò chính trái tim của xã hội Pháp đương đại này đã đem lại một chủ đề trò chuyện hiệu quả cho ông trưởng bưu cục và tôi. Ông Nernst kể cho tôi nghe những chi tiết hấp dẫn trong chuyện tình cảm và hy vọng hôn nhân của Balzac ở Galicie[2]. Ông là một trong số ít người nước ngoài ngưỡng mộ Balzac với niềm đam mê thực sự, biết tiếng Pháp đủ tốt để có thể hiểu văn của Balzac. Tôi nhớ khi trở về Pháp, lúc kể với gia đình tình tiết này trong hành trình của mình, cha tôi đã phá lên cười khi tôi kể đến câu cảm thán của ông Nernst: “Không thể nào!”. Lúc đó ông rất yếu, tinh thần xuống dốc và đau đớn triền miên. Nhưng niềm tự hào ngây thơ mà ông nắm giữ bất chấp mọi triết lý của mình, với bằng chứng độc đáo này về sự nổi tiếng của cậu con trai, đã gần như vô tình được bày tỏ.

- Không thể nào! - ông lặp lại rồi cười vang.

- Con nói ở Tilsit đúng không?

- Vâng, ở Niémen, biên giới phía Đông của Phổ.

- Không thể nào! - và ông lại cười.

Sau vài giờ nghỉ ngơi, được trang bị bằng những hướng dẫn của ông Nernst và được sưởi ấm bằng vài ly curaçao tuyệt vời mà ông không ngừng thúc ép, tôi bắt đầu phần nhọc nhằn nhất của hành trình. Một cỗ xe ngựa trạm đã đưa tôi đến tận Taurogen trên biên giới Nga. Ở đó, tôi bị tống vào trong một chiếc xe trượt tuyết bằng sắt, không rời nó một lần nào nữa cho tới khi đến Saint-Pétersbourg sau biết bao chịu đựng, bốn ngày cam go và nhiều đêm kinh khủng, nỗi thống khổ mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ lại tồn tại ngay cả trong những giấc mơ khủng khiếp nhất. Hãy tưởng tượng một hộp kim loại được bịt kín nhưng những hạt tuyết lấm tấm vẫn khéo léo len lỏi vào làm cho khuôn mặt bạn trắng bệch. Hãy tưởng tượng bạn liên tục bị rung lắc dữ dội như những hạt chì được cho vào để làm sạch một chiếc chai. Hãy tưởng tượng những vết bầm tím ở đầu và tay chân kết quả từ việc chúng thường xuyên va đập mạnh vào lớp vỏ của chiếc xe trượt tuyết. Hơn hết thảy, hãy tưởng tượng một cảm giác khó chịu cộng với ham muốn nôn mửa mạnh mẽ, có thể gọi là say tuyết, bởi sự tương đồng của nó với say sóng.

Ở vùng khí hậu ôn đới chúng ta thường tưởng rằng những chiếc xe trượt tuyết kiểu Nga do những con ngựa nhanh nhẹn kéo sẽ lướt đi êm ái trên tuyết như băng qua một hồ nước đóng băng; điều này cho chúng ta một ý niệm khá dễ chịu về việc di chuyển bằng xe trượt tuyết. Sự thật lại rất khác. Chắc chắn là, nếu bạn may mắn gặp được kiểu nền đất nơi tuyết mới bao phủ hoặc được làm phẳng thường xuyên, bề mặt đồng đều, thì tiến độ của xe trượt tuyết nhanh chóng và hoàn hảo. Nhưng cơ may để gặp đoạn đường như thế chỉ là một phần năm mươi. Những đoạn đường còn lại bị xáo trộn, rách ngang với những rãnh đào tạo ra bởi những xe chở hàng nặng của nông dân (được sử dụng trong “thời đại vận tải” này để vận chuyển gỗ với số lượng lớn). Hậu quả là chúng giống như một vùng biển đang giận dữ bỗng bị đông đặc lại. Khoảng thời gian giữa các đợt tuyết này tạo thành những rãnh sâu thực sự, chiếc xe trượt tuyết miệt mài trèo ra khỏi một máng lên đỉnh sóng rồi lao xuống cái máng tiếp theo với một cú va chạm mạnh cùng sự va đập đủ làm vỡ hộp sọ của bạn - đặc biệt là vào ban đêm khi ngủ thiếp đi trong giây lát, bạn có thể bị bất ngờ bởi cú giật kinh hoàng nhất. Khi sóng tuyết nhỏ dần và không đồng đều, chiếc xe trượt tuyết tạo thành một chuyển động lên xuống đều đặn như một chiếc xuồng trên biển, dẫn đến chứng buồn nôn và thậm chí là nôn mửa. Và tất cả điều này chưa là gì so với cái lạnh căm căm khi màn đêm buông xuống, ngày càng trở nên khó chịu hơn mặc dù có lớp áo bảo vệ, áo choàng lông và túi ngủ lông thú cùng cỏ khô lấp đầy xe trượt tuyết; cho đến khi bạn có cảm giác cơ thể bị châm chích bởi hàng triệu mũi kim nhỏ, và dẫu tự trấn an thế nào, bạn vẫn rùng mình vì sợ đóng băng đến chết bởi cái lạnh thực sự. Vào ban ngày khi mặt trời chiếu sáng và tôi có thể nhìn ngắm những tia sáng yếu ớt hoang vu kéo dài vô tận về phía chúng tôi, tôi rùng mình khi nghĩ tới đội bại binh đáng thương của chúng ta trong cuộc rút lui chết người đó và hình dung ra những con người khốn khổ, không áo ấm, không có giày, không có bánh mì, không có rượu để làm ấm, tinh thần và thể lực giảm xuống bằng không, phần lớn bị thương, lê lết vào ban ngày như một đội quân ma, vào ban đêm nằm trải dài ngoài trời giống như xác chết, trên nền tuyết kinh hoàng đó trong cái lạnh khủng khiếp hơn; và tôi tự hỏi làm thế nào dù chỉ một người lính trong số họ có thể vượt qua và sống sót để thoát khỏi địa ngục băng giá này. Phải là một con người phi thường mới có thể thoát chết.

Rồi tôi quan sát những con quạ đói khát với đôi cánh tê dại bám theo chiếc xe trượt tuyết và thỉnh thoảng ăn phân ngựa, sau đó nằm ép bụng xuống để truyền chút hơi ấm lên đôi chân sắp sửa đông cứng; và tôi bật cười trước sự ngu ngốc của chúng khi mà chỉ cần vài giờ bay về phương Nam là chúng đã có thể tìm thấy một vùng khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ và đồng cỏ tươi tốt. Có thể đó là quê hương thân yêu với trái tim loài quạ chăng? Nếu quả thực là vậy, như những người lính của chúng ta thường nói, bạn có thể gọi đó là quê hương.

Cuối cùng, vào một buổi tối chủ nhật[3] hai tuần sau khi rời Paris, trong trạng thái quắt queo vì lạnh tôi đã đến thành phố Saint-Pétersbourg đầy tự hào nơi phương Bắc. Từ những gì tôi được nghe ở Pháp về sự nghiêm ngặt của cảnh sát Hoàng gia, tôi đoán trước ​​sẽ bị tịch thu các gói bản nhạc trong ít nhất một tuần; chúng hầu như không bị đụng đến ở biên giới. Nhưng không có gì như thế xảy ra. Cảnh sát thậm chí không hỏi tôi chúng chứa gì trong đó và tôi có thể mang chúng đến khách sạn. Một bất ngờ dễ chịu!

Tôi được nghỉ ngơi thoải mái một giờ đồng hồ trong một căn phòng ấm áp đến khi ông De Lenz, một người rất dễ thương và người yêu âm nhạc đầy hiểu biết (xem bài phân tích cuốn sách ông viết về Beethoven trong cuốn Những buổi tối với dàn nhạc[4] của tôi), đến gọi cửa chào đón tôi. Chúng tôi đã gặp nhau ở Paris vài năm trước.

- Tôi từ nhà Bá tước Michel Wielhorski tới đây - ông nói - Chúng tôi vừa nghe tin anh đến. Có một bữa tiệc lớn tại nhà Bá tước tối nay, mọi nhân vật quan trọng trong giới nhạc Saint-Pétersbourg đều ở đó và Bá tước cử tôi đến để thưa rằng ngài ấy sẽ rất vui nếu anh có thể đến.

- Nhưng làm thế nào mà mọi người biết tôi đang ở đây?

- À, đừng bận tâm; họ biết cả. Đi cùng tôi nào.

Dành chút thời gian chỉ để rã đông khuôn mặt, cạo râu và mặc quần áo, tôi đi cùng người cố vấn đáng mến của mình đến nhà Bá tước Wielhorski. Tôi nên nói “các Bá tước” vì có hai người: họ là anh em sống cùng nhà, người nào cũng thông minh và tận tâm với âm nhạc. Thanh thế về thị hiếu nổi tiếng công bằng, ảnh hưởng của sự giàu sang cùng nhiều mối quan hệ và vị trí chính thức của họ tại hoàng gia, thân thiết với cả Hoàng đế và Hoàng hậu, kết hợp cùng nhau để biến ngôi nhà của họ thành một Bộ Nghệ thuật thu nhỏ ở Saint-Pétersbourg.

Họ đón tiếp tôi hết mực thân tình. Trong một vài giờ, họ đã giới thiệu cho tôi tất cả các nhân vật hàng đầu, các văn nghệ sĩ có mặt trong phòng khách. Một trong những người đầu tiên tôi gặp là Henri Romberg đáng ngưỡng mộ, lúc đó là nhạc trưởng của Nhà hát Opéra Ý; với lòng tốt phi thường, ông ngay lập tức trở thành người dẫn đường cho âm nhạc của tôi ở Saint-Pétersbourg và hứa sẽ huy động nghệ sĩ biểu diễn cho tôi. Ngày diễn ra buổi hòa nhạc đầu tiên của tôi được ấn định ngay tại chỗ bởi Tướng Guédéonoff, cố vấn nhà hát Hoàng gia, hội trường quý tộc được chọn làm địa điểm tổ chức và giá vé được chọn sau khi thảo luận là 3 rúp (12 franc). Vì vậy, chỉ bốn giờ sau khi đến đây, tôi đã ở vào thế không còn đường lui. Ngày hôm sau Romberg đến đón và chúng tôi cùng nhau đi quanh thành phố, ghé thăm và thuê các nghệ sĩ bè trưởng mà tôi cần sự giúp đỡ. Dàn nhạc của tôi đã sớm hoàn thiện. Với sự giúp đỡ của Tướng Lwoff, sĩ quan hầu cận Hoàng đế, giám đốc dàn nhạc Hoàng gia, một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ trình diễn với tài năng hiếm có, người mà tôi ngay lập tức tìm thấy sự đồng cảm, chúng tôi đã nhanh chóng tập hợp một dàn hợp xướng lớn và thành thạo. Chỉ còn thiếu hai ca sĩ solo, một giọng basse và một giọng ténor cho hai màn đầu của Faust mà tôi đã đưa vào chương trình. Versing, giọng basse đến từ Nhà hát Đức, đảm nhận vai Méphistophélès và Ricciardi, một ténor người Ý mà tôi biết ở Paris, đã đồng ý hát vai Faust. Anh phải hát bằng tiếng Pháp trong khi Méphistophélès hát bằng tiếng Đức; nhưng công chúng Nga, vốn quen thuộc với cả hai ngôn ngữ, đã chấp nhận sự kỳ quặc này mà không phản đối gì. Để các ca sĩ hợp xướng hát được tiếng Đức, ca từ phải được phiên âm lại bằng các chữ cái tiếng Nga, loại chữ cái duy nhất họ quen thuộc[5]. Tệ hơn nữa, vào cuối buổi diễn tập đầu tiên Romberg tuyên bố rằng bản dịch tiếng Đức mà tôi đã cho thực hiện ở Paris với chi phí lớn lại rất tệ và vụng về ở ngôn điệu đến mức hầu như không thể hát được. Vì vậy, để không trì hoãn buổi diễn khai màn, ông đã nhanh chóng sửa chữa những sai lầm ngớ ngẩn. Nhưng vài tuần sau tôi đã quyết tâm phải tìm một dịch giả khác, và đã đủ may mắn để tìm thấy, Minzlaff một nghệ sĩ dí dỏm và thông minh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo[6] và giúp tôi làm chủ tình hình. Buổi hòa nhạc đầu tiên của tôi ở hội trường quý tộc là một đêm diễn tráng lệ[7]. Tôi có một dàn nhạc và dàn hợp xướng lớn được luyện tập kỹ càng, và một ban quân nhạc để khởi động được Tướng Lwoff chọn ra trong số các nghệ sĩ của đội Vệ binh Hoàng gia. Hai vị kapellmeister của Saint-Pétersbourg, Romberg và Maurer, thậm chí còn chịu trách nhiệm chơi các bè cymbale nhỏ loại cổ trong khúc scherzo của Nữ hoàng Mab. Các nghệ sĩ của tôi vỡ òa trong sự phấn khích, một dấu hiệu báo trước màn biểu diễn tốt đẹp, và tôi chỉ vừa phát hiện ra một người đồng hương trong hàng ngũ của họ - Tajan-Rogé, nghệ sĩ violoncelle xuất sắc và cũng là một nghệ sĩ thực thụ, người đã ủng hộ tôi bằng cả trái tim và tâm hồn. Chương trình, bao gồm ouverture Ngày hội La Mã, hai màn đầu của Faust, scherzo của Nữ hoàng Mab và khúc phong tặng trong bản Giao hưởng Tang lễ và Chiến thắng của tôi, trên thực tế đã được biểu diễn rất tốt. Sự nhiệt tình của đông đảo thính giả lừng lẫy lấp đầy hội trường vượt xa mọi thứ tôi có thể tưởng tượng - nhất là với Faust. Tôi đã choáng váng bởi vô số tiếng gọi nghệ sĩ quay trở ra sân khấu, tiếng vỗ tay và la hét, những yêu cầu chơi lại. Vào cuối màn thứ nhất của Faust, Hoàng hậu, người cũng đang có mặt tại buổi hòa nhạc, đã truyền gọi tôi đến qua Bá tước Michel Wielhorsky và tôi phải xuất hiện trước lệnh bà trong tình trạng đỏ ửng, toát mồ hôi, thở hổn hển, với cravat nhàu nát, nóng bừng bừng như bước ra từ trận chiến[8]. Hoàng hậu đón tiếp tôi hết mực niềm nở, giới thiệu tôi với các hoàng tử, trò chuyện về anh trai mình là Vua nước Phổ và sự quan tâm mà Hoàng thượng dành cho tôi (như những lá thư của Hoàng thượng đã thể hiện), ca ngợi âm nhạc của tôi và bày tỏ sự ngạc nhiên trước màn trình diễn đặc biệt của tôi. Sau khi chúng tôi trò chuyện được mười lăm phút, bà nói:

- Nào giờ ta phải trả anh lại cho khán giả. Họ rất háo hức, anh không được để họ chờ lâu hơn nữa để nghe phần hai buổi hòa nhạc.

Tôi rời khỏi phòng chờ với lòng biết ơn sâu sắc bởi tất cả những dấu hiệu của ân sủng Hoàng gia này.

Vào cuối Hợp xướng của Nữ thần gió, cảm xúc của thính giả được đưa lên đến cực điểm. Họ không ngờ tới một thứ âm nhạc tinh tế, uyển chuyển, êm ái đến mức phải thật chú tâm để nghe. Thú thật với tôi đó là một khoảnh khắc say sưa ngây ngất.

Trong lúc đó tôi hơi lo lắng về ban quân nhạc của mình. Họ sắp sửa phải chơi tiết mục cuối cùng, khúc phong tặng; nhưng chẳng thấy tăm hơi họ đâu. Tôi sợ khi bước vào dàn nhạc ở giữa một chương nhạc họ sẽ tạo ra tiếng ồn làm hỏng hiệu ứng âm nhạc. Tôi đã cho rằng họ không có kỷ luật quân đội. Khi quay trở lại sau khúc scherzo của Nữ hoàng Mab - khúc nhạc mà để nghe được cần phải hết sức sự im lặng - tôi trông thấy sáu mươi người đứng ngay hàng thẳng lối đúng vị trí của mỗi người, với nhạc cụ sẵn sàng trên tay. Họ đã tiến vào chỗ của mình mà không ai nhận ra. Hoan hô!

Buổi hòa nhạc kết thúc, sau những cái ôm ghì thật chặt và một chai bia được nốc cạn, tôi hỏi kết quả tài chính của dự án. “Mười tám nghìn franc”. Chi phí tổ chức buổi hòa nhạc là 6.000 franc. Lãi ròng là 12.000 franc! Tôi đã được cứu.

Vô tình tôi quay về hướng Tây Nam và không thể không nhìn về hướng nước Pháp, thì thầm những lời này: "Ôi! Người Paris thân mến!".

Tôi tổ chức buổi hòa nhạc thứ hai mười ngày sau đó với kết quả tương tự. Tôi đã phát tài. Sau đó tôi lên đường đến Moskva[9], nơi chờ đợi tôi là những nghệ sĩ hạng ba, các ca sĩ hợp xướng lạ thường và một số chướng ngại kỳ cục, nhưng công chúng nhiệt tình và nhạy bén như công chúng ở Saint-Pétersbourg, cùng khoản lợi nhuận 8.000 franc. Một lần nữa tôi lại quay về hướng Tây Nam mà thầm thì với những người đồng bào hờ hững và thờ ơ của mình: “Ôi! Người Paris thân mến!”. May thay đó không phải là lần cuối cùng: kể từ đó, ở Luân Đôn, tôi thường có dịp quay về hướng Đông Nam...

Phần dịch của Nguyễn Tuấn Anh

(Còn nữa)


[1] Honoré de Balzac (1799-1850) là bạn và rất ngưỡng mộ âm nhạc của Berlioz. Berlioz có thể là nguồn gốc của những ý kiến ​​về Beethoven và Rossini được thể hiện trong truyện ngắn Gambara của ông. Một truyện khác của Balzac, Ferragus, được đề tặng Berlioz. Một số chi tiết trong Le médecin de campagne (Thầy thuốc nông thôn) cũng có thể được Balzac sáng tác dựa trên các cuộc trò chuyện với Berlioz (xem Barzun, I, 26 n.). Lá thư Berlioz gửi Balzac chấp nhận lời đề nghị cho mượn chiếc áo khoác lông để mặc đến Nga được in trong Correspondance générale (Toàn tập thư từ), III, 405-6 (DC).

[2] Một tài liệu tham khảo về quá trình tán tỉnh lâu dài của Balzac với nữ bá tước Ba Lan Eveline Hanska. Ông cưới cô ba năm sau đó, vài tháng trước khi ông qua đời (DC).

[3] Ngày 28/2/1847 (DC).

[4] Tên gốc tiếng Pháp: Soirées de l’orchestre, cuốn sách tổng hợp từ các bài báo của Berlioz.

[5] Điều này chỉ có thể áp dụng cho một phần của dàn hợp xướng - các ca sĩ trung đoàn và ca đoàn của nhà thờ - chứ không phải các ca sĩ hợp xướng người Đức đến từ Nhà hát lớn, những người cũng tham gia vào dàn hợp xướng. Thành phần dàn hợp xướng của Berlioz, xem lá thư gửi Morel ngày 31/3/1847 (CG, III, 413) (DC).

[6] Bản dịch của Minzlaff có trong tổng phổ đầy đủ được xuất bản năm 1853 và được tìm thấy trong bản tổng phổ thu nhỏ của Eulenberg hiện tại (DC).

[7] Ngày 15/3/1847 (DC).

[8] Điều này gợi nhớ lại ghi chép của Le Sueur về lần ông được triệu đến trước Napoléon sau màn ba của vở Ossian, ou Les bardes (Ossian, hay những thi sĩ hát rong) (xem Fouque, op. cit., 120-2) (DC).

[9] Vào đầu tháng Tư năm 1847. Chuyến đi kéo dài bốn ngày (DC).

 
Nguồn: http://www.hoinhacsi.vn/ 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng tại Hải Dương(29/03/2024)
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương(29/03/2024)
Giới thiệu giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ nhất ở Hải Dương(29/03/2024)
Giới thiệu Giải thưởng Văn học Kim Đồng với các tác giả viết cho thiếu nhi tại Hải Dương(29/03/2024)
Khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2024(16/03/2024)
Các tin cũ hơn
Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc dự án: Sửa chữa, nâng cấp vườn hoa Lâm Viên, thị xã Sa Pa(06/07/2022)
Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII(05/07/2022)
Lý do Amazon đầu hàng trong mảng kinh doanh hiệu sách truyền thống(05/07/2022)
Bộ TT&TT công bố 25 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật(04/07/2022)
Công điện về việc ứng phó với bão số 01 và mưa lớn trên địa bàn tỉnh Hải Dương(04/07/2022)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na