Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Trên đồi cỏ lau" của tác giả Vũ Thảo Ngọc
30/05/2023 03:04:48

Mùa đông năm ấy cũng đã bắt đầu rét. Nếu không bận bịu với việc đưa các con đi sơ tán, tham gia đào công sự của thị xã, chắc chị em nhà máy của Thúy năm ấy cũng sẽ lao vào công việc đan len, đan khăn để chuẩn bị cho bọn trẻ có tấm áo, tấm khăn diện Tết. Ấy thế mà, mọi việc đảo chiều. Nóng nực hơn, căng thẳng hơn, lo lắng cho mạng sống của cả nhà chưa bao giờ căng hơn dây đàn như thế...

 

Ngọn đồi ấy cao nhất thị xã, cỏ lau, sim mua mọc rậm rì, mỗi khi mùa áp Tết, những bông lau thi nhau trổ cờ, nên cả ngọn đồi nhìn từ dưới thị xã lên chỉ thấy trắng một màu lau phơ phất. Màu trắng đồi lau lâu dần thành tên gọi của dân thị xã là đồi cỏ lau. Dạo này Mỹ đánh phá ra miền Bắc dày hơn, những trận bom thả xuống biển, thả xuống khu dân cư nhà sàng, tan hoang cả thị xã. Các gia đình phải cho các con đi về các miền quê sơ tán. Công sự dọc các tuyến phố thị xã đã kéo dài. Những lớp học dưới hầm, những chiếc mũ rơm thấp thoáng dưới đường hầm công sự đến lớp. Cả thị xã không có điện, còi ủ của nhà sàng cũng ít dùng, vì còn phải chú ý nghe còi báo động của thị xã để tránh bom...

 
Minh hoạ: Bùi Quang Đức
 
 

Thúy vẫn nhớ như in đêm ấy, Hạ về lúc nửa đêm. Câu đầu tiên nhìn thấy vợ là Hạ nói luôn, anh được trên điều động cấp tốc. Thúy chỉ biết lúc ấy đã nửa đêm, còn đang nghĩ anh về sẽ được ở lại đến sáng mai mới đi, Hạ còn mặc nguyên bộ quần áo bê bết bụi mỏ và nắng gió trên thao trường mãi bên kia sông Bang về, anh nói như thì thầm, em ở nhà chịu khó chăm mẹ và các con nhé, lần này gấp quá, trên điều anh đi học cấp tốc bên quân khu, hình như sắp có đánh lớn. Em cố gắng nhé, đừng buồn. Nói rồi Hạ ôm choàng lấy Thúy, hít hà cho đã hơi hướm của nhau thì Hạ thu dọn vài thứ đơn giản cho vào chiếc balo đã bạc màu từ lâu của Hạ vẫn dùng mỗi khi đi tập trung huấn luyện dân quân tự vệ.

Thúy nhớ mãi đêm chia tay mà như không phải là chia tay ấy. Cảm xúc của Thúy lúc nào cũng trào dâng những miền riêng mà chỉ vợ chồng chị có được. Giờ thì Hạ đã về. Nhưng Hạ lại ở trên đồi cỏ lau. Dù chỉ cách nhà khoảng nửa giờ đi bộ, nhưng tinh thần trực chiến đã căng lắm, Hạ phải bám sát trận địa, vì trên phân công anh làm Đại đội trưởng đại đội pháo cao xạ, cả tuần bám sát trận địa, chỉ vội tranh thủ xuống núi ngó qua nhà chốc lát rồi lại đi cũng thật khó khăn. Tin tức quân sự mỗi ngày một nóng, bến phà đi qua sông Bang vẫn kẽo kẹt đi về hàng ngày, đây là con đường huyết mạch từ phía đồng bằng ra biên giới phía Bắc, đó là trọng điểm Mỹ chọn đánh phá, mục tiêu Mỹ muốn làm đứt mọi liên lạc của miền trong và miền ngoài, cô lập về mọi phương diện giữa các địa phương ở miền Bắc. Vì thế, cả thị xã trong tình trạng báo động. Cuộc sống, công việc của mỗi người như không còn chỗ dành cho nỗi buồn, cho sự nghĩ ngợi. Mỗi ca đi làm từ nhà sàng về, người ngợm còn vương đầy bụi than, Thúy lại lao ngay vào công việc chợ búa, cơm nước cho mấy mẹ con bà cháu. Mẹ chồng đã già yếu, bà phải ôm con Tư suốt ngày cho Thúy và Hạ mải mê với công việc của nhà máy, giờ thì vừa nhà máy, vừa đi trận địa trực chiến. Thúy đẻ sòn sòn bốn đứa cách nhau không xa mấy nên bọn trẻ như một đàn gà con nhiếp nhiếp trong cái căn nhà cấp bốn nhà máy phân cho thấp tè và ẩm ướt. Cái màn quanh năm mắc trên giường không kịp tháo ra vì mỗi lần bà nội ru được con Tư ngủ thì cả hai đứa chưa đi mẫu giáo cũng rúc vào, sợ muỗi, bà chả kịp tháo, Thúy thì cũng quá bận chả kịp tháo màn vì hàng núi việc ập vào trong quãng thời gian tan ca với bốn đứa con lít nhít ấy. Nhưng mà chiều chiều khi Hạ chưa bị trực chiến thì còn thở được, chứ từ lúc trực chiến thì Hạ ở hẳn trên Đồi Cỏ Lau, chỉ còn mình Thúy xoay xỏa với núi việc không tên ấy. Hiếm lắm thì Hạ tranh thủ về nhà hỏi mẹ một câu, động viên vợ một câu, ăn vội bát cơm rồi lại rốt ráo lên Đồi Cỏ Lau. Hạ bảo, tình hình vẫn căng lắm, hôm qua bọn anh suýt bị tiêu diệt vì lộ mục tiêu, may mà mấy thằng “thần sấm, con ma” nó bỏ qua. Anh thấy cấp trên nói, tình hình còn căng nữa, Mỹ nói sẽ đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, nó sẽ bỏ bom nhiều hơn nữa, nó sẽ hủy diệt thị xã than, nó sẽ... Ôi, ôi, em xin anh, anh đừng nói nữa, đừng để em và mẹ ở nhà lo thêm. Anh cứ yên tâm lên trực chiến, ở nhà em lo mọi việc ổn thỏa. Anh yên tâm nhé, nói rồi Thúy xăn xỏa nắm cơm, chị tiện tay gói cả bọc ruốc thịt thơm lừng chị vừa làm xong định bụng để bà nội ở nhà trông con Tư thì cho nó ăn thêm cho có chất. Thấy vợ gói cả gói ruốc và nắm cơm nắm dúi vào túi chồng, Hạ cố gượng cười bảo, em ơi, mang cả gói ruốc đi à. Con Tư đã không khỏe vì em vất vả mà thiếu sữa, thôi, cơm nắm, muối vừng anh mang đi, gói ruốc em bỏ lại cho con ăn, cho mẹ ăn... Thúy rơm rớm nước mắt nhưng giọng chị kiên quyết, không, anh cầm lên đi, cả tuần nay, mấy anh em cùng đại đội có ai được về đâu, mang lên cho họ ăn cùng anh nhé. Mai có phiếu thịt tháng mới, em sẽ đi mua tạm ứng cả tiêu chuẩn tháng sau nữa rồi em sẽ làm hết ruốc cho các con và mẹ ăn, anh yên tâm đi. Thế thôi, anh chào mẹ và lên đồi trực đi không anh em họ mong đó, anh đừng cậy chỉ huy tạt về nhà hơi lâu rồi đó, nếu có chuyện gì... Không, không đâu, em yên tâm. Nhưng mà hôm nay em cũng thấy lạ, mọi lần bọn “thần sấm, con ma” ve ve như con ve ì ầm đâu đó, hôm nay có vẻ ắng nhỉ. Hơi bị lạ anh ạ. Ừ, đúng thế. Vậy anh đi nhé. Mẹ ơi, con lên đồi trực chiến đây, mẹ đừng lo lắng nhé. Chắc thằng giặc trời cũng chỉ quấy quá vài bữa thôi mẹ ạ. Cấp trên cũng nói mình sắp ký hiệp định đình chiến với Mỹ ở mãi bên Pháp rồi mẹ ạ, hòa bình sẽ trở lại thôi mẹ nhỉ. Thôi con đi đây mẹ, anh đi em nhé, lát các con đi học về cho anh gửi mỗi đứa một cái hôn, em làm đúng như thế cho anh nhé. Thúy cố gượng cười bảo Hạ, anh chỉ được cái tếu là không ai bằng. Hạ khoác cái balo bạc phếch rảo bước khỏi ngõ. Trăng giữa tháng cũng vừa nhô lên đỉnh. Thúy nghe xa lắm như có tiếng ì ầm, ì ầm của bọn “thần sấm, con ma”... Cái âm thanh ấy đã nén chặt vào tai mỗi người từ khi Mỹ thả bom xuống phá tan khu tập thể nhà máy. Xa lắm tiếng ì ầm, ì ầm... Đêm trăng mùa đông như trong hơn, Thúy chả ngủ nổi sau những công việc lo toan tơi bời từ sáng sớm cho cả gia đình, nhất là vừa tiễn Hạ ra khỏi con ngõ khu tập thể của nhà máy. Thúy ngước nhìn lên đồi cỏ lau. Phía ấy cũng phải căng mắt mới nhìn được mấy ngọn lau cao phơ phất theo gió theo ý nghĩ của Thúy, chứ thực ra làm sao nhìn được bông lau ấy trong đêm. Trăng rãi khắp nơi. Đường tàu chở than rẽ ngang khu tập thể như nhuộm ánh trăng loang loáng ánh than... Đêm nay còi báo yên nhưng tàu than vẫn ngừng chạy vì hình như có lệnh ở trên, tạm thời chưa chở than rót ra phía con tàu ở phía cảng. Đêm lạnh thêm. Trăng đêm cũng sáng thêm. Rồi tiếng ì ầm rõ dần, ban đầu nghe xa lắm, rồi gần thêm, rồi túi bụi gầm rú. Đất cát bỗng như lộn nhào. Cả thị xã bị tắt điện tức thì. Tai Thúy không còn nghe được gì nữa. Cả mấy bà cháu mẹ con ôm nhau lăn cuống cuồng chui dưới gầm giường ọp ẹp. Tiếng còi báo động của thị xã như xé tai. Thật lâu sau những âm thanh chói gắt ấy thì yên ắng đến lạ lùng. Ai đó hét lên phía đầu khu tập thể. Anh em ơi đại đội pháo của ta trên Đồi Cỏ Lau bắn rơi máy bay Mỹ rồi, chạy mau qua phà Bãi Cháy xem phi công bị tóm đi anh em ơi. Chiến thắng này ăn mừng thôi, thằng Hạ đại đội trưởng tự vệ lần này được phong anh hùng rồi. Ăn mừng thôi mẹ Thúy ơi, ăn mừng thôi mẹ Thúy ơi... Thúy gần như bị bấn loạn, các loại âm thanh như xé tai đã làm Thúy không phân biệt nổi đâu là yên đâu là động. Mãi rồi cũng hoàn hồn thì trời cũng vừa sáng bảnh. Người đầu tiên của đại đội pháo trên Đồi Cỏ Lau đến nhà báo Thúy là Sáng. Khi nhìn thấy Thúy, Sáng nói luôn:

- Chị theo em mau. Nói bà nội trông nom bọn trẻ.

- Sao hả chú, anh Hạ nhà chị...

- Không sao cả, đi theo em lên bệnh viện

- Úi trời ơi, chồng chị... chồng chị...

- Khổ, đã bảo theo em mau, chạy nhanh chân lên.

Khi Sáng và chị chạy bộ đến được bệnh viện tỉnh thì Thúy gần như không còn hơi để bước, đồng đội của chồng phải dìu chị vào mà đôi chân của chị cứ nhũn ra. Chị gục vào những đồng đội của Hạ. Chị không khóc nổi. Chị không nói được. Chị như một xác chết. Hạ đã hy sinh, tiếng ai đó nói vào tai chị. Dù Hạ cùng đại đội đã phối hợp rất tốt với lực lượng bộ đội phòng không ở thị xã tiêu diệt được một tên “thần sấm”, nó rất anh hùng...

Thúy gục hẳn, một nỗi đau không gào lên được, không khóc thành tiếng được. Hạ như thiêm thiếp trong giấc ngủ sâu. Mảnh băng gạc quấn quanh mái tóc xanh còn loang máu nhưng nó hiện trước mắt Thúy là một vòng hoa lửa. Rồi nó lại hiện ra trong mắt Thúy là một vòng hoa hồng mà có lần Thúy đã nói với Hạ, khi nào nhà mình hết gieo neo, bọn trẻ con lớn lên em sẽ trồng nhiều hoa hồng để vợ chồng ngắm hoa trong những buổi sáng nhàn hạ. Giấc mơ hoa hồng là đây ư. Hạ ơi, Hạ ơi, Hạ ơi... sao anh bỏ mẹ già, bỏ con thơ, bỏ cả em đi mà không nói lời nào ư. Thúy chỉ thốt lên ngần ấy lời nhói buốt trong lòng chị, cái âm thanh không ai nghe nổi và chắc chị nói chỉ để cho Hạ nghe...

Nỗi đau mùa đông hơn bốn mươi năm trước chưa bao giờ chị nguôi quên. Ba đứa anh chị và con Tư đã yên bề gia thất, nhưng mỗi khi nhớ lại quãng đời ấy, lòng chị như xát muối. Mỗi khi đến mùa đông chị lại leo lên Đồi Cỏ Lau để tìm Hạ. Thúy có thể ngồi cả ngày trên đó nói chuyện với Hạ, với lau trắng, với mênh mang gió sông Bang thổi về. Chị nhìn xuống lòng thị xã bây giờ đã tấp nập mang diện mạo một thành phố hiện đại mà lòng không hết nguôi ngoai, vẫn biết Hạ đã đi xa, xa lắm, nhưng với Thúy, đó là chuyến đi chơi xa đâu đó của Hạ, với Thúy anh vẫn còn ở bên chị, bên các con, bên Đồi Cỏ Lau này.

Trên ngọn đồi ấy, bây giờ người ta đã xây tượng đài dũng cảm mang tên anh, đúng nơi mỏm đồi anh đã ngã xuống và vĩnh viễn xa chị và đàn con sau cơn bom thù dữ dội ngày đó. Một tượng đài uy nghi giữa miền sông Bang đầy nắng gió, là biểu tượng anh hùng của vùng đất này. Anh đã hóa thân vào ngọn Đồi Cỏ Lau, anh đã hóa thân vào quê hương mình, anh đã trở thành niềm tự hào, niềm kiêu hãnh vô bờ bến của đất và người sông Bang.

Nhưng với Thúy, lòng chị vẫn vời vợi triệu triệu nỗi buồn thương, Hạ không là tượng đài, Hạ mãi mãi là một hơi thở nhẹ, là mùi mồ hôi nồng nã ở ngực chị, ở trong căn nhà chật hẹp với đàn con lít nhít của vợ chồng chị. Nhất định tượng đài ấy không phải của Thúy, vì chị chỉ có Hạ giữa miền cỏ lau cứ trổ bông trắng cả mùa đông mà thôi. Hạ của Thúy vẫn ở đó, anh là tượng đài trong lòng chị, của riêng chị, Hạ vẫn ở đó, là một bông lau trên Đồi Cỏ Lau của Thúy.

Ngàn năm sau vẫn thế! 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Tuỳ bút "Âm vang tháng Tư" của tác giả Vũ Hoàng Luyến(30/05/2023)
Sống mãi với non sông!(30/05/2023)
Những khẩu súng thần công trước cửa bảo tàng(30/05/2023)
Những chuyển mình của văn học nghệ thuật Hải Dương(30/05/2023)
Về quê thăm mẹ(12/05/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na