Văn xuôi
Đông Xên – Truyện ngắn của Du An
25/05/2022 12:00:00

Nghiên lấy củi một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần… một tháng.

 

Củi xếp kín dưới đất, ken nhau đầy níc, chạm hết ván sàn rồi. Củi chiếm chỗ con gà, con lợn, sắp ra vườn rau rồi.

Sáng nay, như mọi ngày, Nghiên cùng dao, búa, nắm cơm đi. Thôi thôi, mày lấy nữa để đốt nhà à? Mẹ giằng con dao. Hai người “vật nhau” một lúc thì Nghiên thua. Nó phịch luôn xuống cầu thang, ngửa cổ lên mái nhà, thở dốc như con chó.

Phải, mới tháng trước thôi, Nghiên làm con chó. Con chó chẳng được sủa gâu gâu, ngoáy đuôi chào mừng.

– Nghiên ơi, giặt cho tao bộ này ngay nhé!

– Dạ.

– Nghiên ơi, anh Hòa nôn đêm qua mà mày để kinh khủng thế này à!

– Dạ

– Nghiên, mày chạy đi mua tao can rượu.

– Dạ.

Những tiếng gọi xoáy vào tai Nghiên, lộng óc. Nghiên ơi, Nghiên cái con củ…, mẹ chúng mày chứ, tao vì muốn làm cán bộ nên chưa đấm vỡ mồm thằng nào. Tại tao mắt mù, ngu quá, đâm đầu vào con đường thối hết cả đầu.

Nhà văn Du An ở Điện Biên
 

Uất ức đau khổ làm người nóng lên, mồ hôi vã ra. Nghiên thấy trong người, mạch máu thớ thịt bò bò, róc rách… Nghiên không cựa quậy, để tí nữa thôi mình sẽ tan ra như que kem. Nghiên nhắm mắt rồi phải mở mắt ngay bởi mồ hôi đang chui vào mũi. Mùi gì tanh tanh lợm lợm như tinh trùng, khai khai nước đái, chua loét mồ hôi, khăn khẳn rượu thịt từ dạ dày nôn ra… Thôi đúng rồi, mùi Nậm Tắc. Đúng là mùi Nậm Tắc. Sao thế nhỉ, một tháng về ăn cơm uống nước bản, đại tiểu tiện bình thường, chả nhẽ cái mùi chết tiệt ấy nó trốn vào xương tủy bây giờ bò ra lỗ chân lông sao.

Những ngày mới từ Nậm Tắc về, Nghiên bị mùi này kinh khủng. Bữa đầu tiên bên mẹ và hai con, mẹ thịt con gà bé, lại có canh rau cải xoong gọi là mừng con, mừng bố ba tháng đi làm “cán bộ” về. Mùa hè, cơm nóng, thức ăn nóng, ai cũng xuýt xoa nhưng mà ngon. Sang bát thứ hai, Nghiên như con gà ngã dưới suối lên. Áo dính bết, đầu rót rít mồ hôi. Mẹ quạt, đứng lên quạt mãi mà mắt Nghiên vẫn cay xè. Thằng này bị ma làm rồi. Ma gì mà ma, chẳng qua nhà mình thấp, lại mỗi cái quạt bé tí. Đúng là ma mà, có ai ăn cơm mà như ngồi ngoài trời mưa thế kia không, mẹ há mồm nhìn Nghiên như gặp quái vật. Nghiên thấy sợ mẹ, ngồi im mấy phút, lúc người có vẻ mát ra, vừa và một miếng thì… ọe… ọe… Nghiên nôn như người uống rượu quá chén ra đường gặp gió độc. Con bị cảm à? Không, con sợ quá, mùi… kinh… khủng… quá… Mùi gì, mẹ có thấy gì đâu. Nghiên im lặng, không thể nói cho mẹ biết mùi này.

Nghiên im, bụng kìm nén nhưng không được rồi… Ộc ộc ộc…, cơm thịt canh như cầu vồng phóng ra. Hai đứa con không né kịp, mặt nhoe nhoét đám lầy nhầy trắng xanh vàng.

Nghiên bỏ bữa, lên giường đắp chăn, Nghiên cố nghĩ chắc mình bị ngộ gió thôi. Đến bữa tối thì kết luận, gió mưa thời tiết bị oan. Mồ hôi vừa rịn rịn, cái mùi kinh khủng khiếp kia như nấp trong áo, trong tóc; đàn đàn sộc thẳng vào mũi, cà cà cuống họng. Nghiên mím môi, véo đùi mấy cái thật đau để giữ nhưng… một trận lũ ống từ dạ dày bắn thẳng lên cuống họng, ào ào bào bào qua miệng. Mới ăn mấy miếng nên “sản phẩm” không đáng là bao, chỉ bãi nhỏ dớt dãi. Nhưng cái bụng vừa qua cơn quặn thắt vẫn còn rung lên, cái họng bằng cây nứa tép phải tiếp một đoàn xe quá tải rầm rập chạy qua, giờ sắp hết thở.

Từ đấy, Nghiên ăn cơm nguội, khoai sắn, nước uống cũng phải nguội. Để tránh mồ hôi, tránh mùi, tránh nôn. Cách ấy ổn được mấy ngày, mấy ngày Nghiên buồn chán, nằm khườn. Nhưng nhà nông, không thể có một anh như sếp Nậm Tắc, ngồi mát chỉ tay rồi uống rượu. Nhà Nghiên, một mẹ già, hai đứa con trứng gà trứng vịt … cái ăn hàng ngày réo gọi, Nghiên phải ra ruộng, lên nương, vào rừng.

Sáng ấy, phát được đoạn bờ ngang thì Nghiên thấy da thịt rịn rịn, người nôn nao. Biết “bệnh” mình Nghiên chống dao, chủ động đón nhận. Nhưng không kịp rồi, nôn nhanh hơn cả nghĩ. Đồng vắng, tiếng ọe ộc chìm ngay. Nhưng đám lúa xanh mướt thì đã bị phủ một lớp keo loãng vàng vàng đỏ đỏ. Nghiên ngồi bờ nhìn mà sợ, sợ khuyến nông lại bảo nấm rầy này nọ. Nghiên đứng phắt dậy lội ào xuống, tát nước lên ngọn lúa. Không ăn thua, thức ăn từ dạ dày ra, vừa gặp khí trời đã bết lại như keo 502, thảm lúa xanh thoắt hóa nhờ nhờ xam xám.

Lên nương cũng chả khá hơn. Từ nhà lên bãi ngô, đi từ gà gáy cũng phải 9 giờ mới tới nơi. Vậy là người đội nắng mà làm. Người nhô mỗi cái đầu lên, lá ngô ken dày, thật chả khác nào cái lò ươm mồ hôi. Nghiên biết, cố gắng cho ý nghĩ đi thật xa… nhưng rồi nó vẫn trở về. Mồ hôi mình, mùi Nậm Tắc đến cùng lúc, ọe ọe ọe ộc ồng ộc… Nương xa, kệ nó chả phải như ruộng lúa gột rửa dấu vết. Nhưng cái mùi ấy, một khi đã trèo đèo lội suối về được rồi thì không phanh nào hãm được. Khăn khẳn thum thủm lớp nhớp, có nắng nóng chắp cánh càng được trể tác oai tác quái.

Chịu đựng được hơn tháng thì thu hoạch lúa ngô. Hai mươi bao thóc, mười lăm bao ngô bốn người ăn chắc chắn lại thiếu ba tháng. Mồm ăn, thuốc ăn, chân ăn, đầu ăn… bao nhiêu thứ xúc từ bao, nếu đủ có chăng cổ tích Thạch Sanh.

Sau tuần tết cơm mới, một ngày liền Nghiên mài dao búa. Từ ngày cha mất, chẳng biết hòn đá mài ở chỗ nào. Nghiên ra sàn ngoài không thấy, xuống gốc muỗm không thấy, lên nhà hỏi mẹ. Mẹ bảo, nó vẫn ở chỗ cũ, cái gì của bố mày thì vẫn nguyên chỗ cũ. Nghiên phải lấy con dao cùn đẽo một lúc mới hết đám rêu phân gà trên mặt đá; rồi hai xô nước kì cọ con dao cái búa mới có mặt mà mài. Nghiên mài theo cách của bố, lấy lực miết từ trên xuống, từ ngoài vào nên dao nhanh sắc sắc lâu mà người không mệt. Không mệt nhưng làm lâu, mồ hôi cũng rịn rịn đằng lưng. Nghiên nghe, chờ đợi cái mùi, sẵn xô nước đây, nôn thì ào xuống. Nhưng, mãi không thấy gì cả; chỉ mùi sắt, mùi đá quen quen. Mẹ từ trong nhà đi ra, chợt nhìn lưng áo Nghiên, hốt hoảng – Nghiên à, mồ hôi ra rồi kìa! Không, không sao cả, nếu đến nó đã đến rồi. Nghiên gồng người, dằn con dao xuống chứng minh, mồ hôi trong bị ép tuôn ra. Vẫn không sao. Nghiên lần lượt đưa dao, búa lên mũi hít hà, nói thầm, chúng mày thế mà được đấy, cùng tao vào rừng chiến đấu nhé.

Nghiên đang ở giữa rừng Đông Xên. Cánh rừng duy nhất còn gọi là rừng của năm xã vùng Mường Sung. Sở dĩ nó còn bởi những câu chuyện thực hư chẳng biết đằng nào mà lần.

… Đông Xên do một đôi vợ chồng rết cai quản. Bà vợ to bằng thân cây sấu, bốn mùa phong lan nở đầy mình, đi đến đâu gió thơm ngát đến đấy. Ông chồng to dài gấp đôi vợ, cây nghiến ba trăm năm tuổi còn thua. Ông ấy có cái mào như vương miện nhà vua, bất kể ngày hay đêm vương miện đều sáng lấp lánh. Mấy “người rừng” của bản bảo, năm con đom đóm trời ở trên đấy dẫn đường cho ngài đi tuần rừng.

Đông Xên đánh sập hẳn một khóa đảng ủy, ủy ban Mằn Co. Khởi đầu từ ông Súa, phó chủ tịch xã cậy mình phụ trách lâm nghiệp, lại có kiểm lâm huyện ăn ở trong nhà. Lần làm nhà cho con trai, ông mượn hai mươi thanh niên vào Đông Xên. Ầm ầm suốt ba tháng hạ, xẻ, người khiêng trâu kéo, ngày đêm cánh rừng như động đất. Trưa ấy gỗ đã ra khỏi rừng, dưới bãi bằng từng đống gỗ thành khí ngổn ngang vàng óng. Ông Súa cắp cặp từ ủy ban đến, vừa là kiểm tra vừa mang túi bánh rán động viên người làm. Ông đứng trên đống gỗ rập rình ngón tay sung sướng đếm. Chúng mày ơi… sao thiếu một cái quá giang? Đủ mà, tất cả bốn cái xuống mà. Chúng mày xem lại đi, có khi còn mắc dọc đường, ông Súa chỉ tay lên vách đá chất ngất. Năm thanh niên miễn cưỡng lên. Họ đi trên đống gỗ thành một hàng dọc, có lẽ vì quá trưa, lại mùi bánh rán nên bước chân loạng choạng. Lúc người loạng choạng vừa đứng thẳng lên thì… ù ù ù… rùng rùng rùng… ầm ầm ầm ầm… một vệt sáng từ vách núi lao xuống, phóng thẳng vào đoàn người.

Cái quá giang thiếu đã về như quả tên lửa. Hai người đầu, ngực nát bét, chết tươi; ba người đưa xuống bệnh viện huyện thì mặt mũi mình mẩy cứ sưng lên như con trâu mộng. Một tắt thở ngay đêm đó, hai giờ còn sống nhưng ngơ ngơ nhặt lá, cười hơ hơ suốt ngày.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

Cả năm đó, thanh tra tỉnh về làm việc, mới té ngửa ra, Đông Xên chỉ còn cái vỏ, ruột rỗng tuếch rỗng toác. Khi vụ việc kết luận thì cũng lúc đại hội Đảng bộ xã khóa XX. Phó chủ tịch, chủ tịch, bí thư, phó bí thư một dây ngồi nhà nghe vợ chửi con nhiếc, đợi ngày ra tòa. Ông Súa giờ suốt ngày ở ngoài cái lán canh cá. Có lần ông ốm vợ con ra bắt về, ông nhìn lên xà nhà kêu rống lên, mắt trước mắt sau, lại trốn ra ao.

Chục năm sau Đông Xên mới tạm phục hồi. Nghĩa là cây đã to to, dây rợ đã rậm rịt, vẻ bí hiểm. Và, câu chuyện vợ chồng rết cũng hồi sinh. Nhưng lại là điềm gở… Chiều tối hôm ấy, mẹ Nghiên hớt hải chạy về kêu – Nghiên ơi, ra mà xem con rết to lắm, hai khúc đang trôi lềnh phềnh ngoài suối… nhanh lên. Nghiên chạy ra đoạn vực xoáy, không thấy gì, chỉ dòng nước gầm gừ đục ngầu, cành cây nhấp nhô. Nghiên thấy bình thường nhưng mẹ thì không hiểu nổi… vừa nãy rõ ràng nó, cái gì trôi cũng quẩn đây ba ngày, làm sao thế nhỉ…

Tối đấy thì bố về, người bạn rừng đặt cái xác bố xuống sàn, lắc đầu nói – chuẩn bị làm ma thôi. Hỏi tại sao chết, người kia bảo, đang ngồi tự nhiên có gió ào ào, một cành cây gãy rơi trúng đầu.

Họa vô đơn chí, tháng năm, Nghiên đang ôn thi tốt nghiệp dưới trung tâm giáo dục thường xuyên thì có người bản tìm đến bảo, vợ mày bị lừa bán cho người Trung Quốc làm vợ rồi.

Đông Xên đúng là đông xên (rừng thiêng) thật rồi. Đợt phòng văn hóa huyện phục dựng lễ xên bản xên mường, mo Hăn và mo Min đặt đồ cúng Then (thần linh trên trời) ngay chính gốc cây hồi xưa ông Súa hạ. Hương khói vừa bay, lời khấn vừa bay, áng chừng lên đến ngọn cây là cùng thì mây trời đen kịt. Ầm ầm, rắc rắc, mưa như trút, bão xoáy, cành cây bị vặn gãy bốn xung quanh lao như điên về mâm cúng. Giàng nổi giận rồi, chạy nhanh! Hai mo nói nhưng vẫn chắp tay, cúi rạp người lầm rầm khấn.

Mươi phút sau thì bão ngừng mưa tạnh. Không ai bị tai nạn nhưng lễ xên mường thì đầu voi đuôi mất hút. Câu chuyện về Đông Xên từ ấy càng “đông xên” hơn. Người ta bảo cái chính là tại chủ xửa (*) lấy gạo cứu đói của dân nấu rượu bán, lấy dê giống nhà nước cho dân, đem về trang trại mình. Còn hai ông mo để điện thoại đổ chuông lúc hành lễ thì chỉ khuyết điểm nhẹ.

Nghiên vào Đông Xên ngoài dao búa mang thêm một cây sáo. Nghiên chả nghĩ mang nó đi làm gì, tiện thấy treo trên vách thì lấy đi cùng thôi. Đến rừng, cây sáo đặt cạnh nắm cơm, can nước. Nghiên đi tìm củi, cành khô, cây chết tròng nhiều chỉ sợ không có sức mà chặt. Buổi đầu Nghiên rụt rè, vừa chặt vừa nghe rừng và… mồ hôi. Lúc thấy đằng lưng dính dính thì dừng ngay. Có thể, cái mùi Nậm Tắc ấy lại về…? Rừng sâu bao nhiêu tiếng chim hót thác réo, nôn ọe chỉ như chiếc lá rơi, mình mình biết, mình mình chịu không ảnh hưởng đến ai. Nhưng bình an vô sự, mồ hôi Nghiên ra còn hơn tắm thế mà khoan khoái nhẹ nhõm như hồi chưa biết Nậm Tắc.

Quá trưa, Nghiên nghỉ ăn cơm xong, nhìn thấy cây sáo, thổi luôn bài Điệu xòe thương nhau.

Cây sáo này bố Nghiên đã ru cả nhà những ngày đói. Cũng nhờ cây sáo này Nghiên đã thi đỗ vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật. Và giờ nó đang nghe chàng tiều phu kể chuyện.

Mười ngày vào Đông Xên, Nghiên thấy người khỏe ra. Về nhà, có hôm quên mất, ăn cơm nóng, đầy mồ hôi mà chẳng thấy gì. Một lần mẹ hỏi khi đưa khăn mặt cho Nghiên lau mồ hôi – con khỏi bệnh rồi à. Bệnh gì, con bị bệnh gì đâu…? Mẹ im lặng không dám nhắc lại, sợ con lại nôn như dạo trước.

Hai tuần từ Đông Xên, lúc gánh củi qua bản, có người hỏi Nghiên, vẫn chưa đi à, mới nhận công tác mà nghỉ nhiều thế. Nghiên ớ ra, buột nói, cháu lấy cành khô cành chết thôi mà.

Một tháng trong Đông Xên, về nhà Nghiên hay cười hay nói hơn. Nghiên kể chuyện ngày xưa các then trên trời mỗi năm xuống Đông Xên một lần. Ngày ấy không ai đốt lửa, người trời người trần cùng tắm suối, ca hát nhảy múa. Lúc mặt trời lặn, mỗi người trần được các then tặng một điều ước. Hai con tròn mắt hỏi, bố có mang điều ước về không. Nghiên lắc đầu, thời bố khác rồi, tại bố thôi.

Đã chục ngày nay Nghiên không vào Đông Xên nữa. Tiếng là ở nhà, nhưng chả mấy buổi Nghiên nghỉ. Lúc lợp lại cái chuồng gà, sửa văng chuồng lợn; khi đi giúp hàng xóm dựng nhà, chặt tre… việc gì cũng hùng hục như trâu. Nghiên muốn ra thật nhiều mồ hôi để xem xem cái mùi chết tiệt kia có dứt điểm được không. Hoàn toàn thoải mái, da thịt tứa ra như khe suối, ròng ròng chảy ngập mắt mũi, không hề ghê cổ trái lại còn đằm đằm ngon ngon.

Như thế là yên tâm, đã đến lúc Nghiên phải nói thật với mẹ.

– Mẹ ơi bây giờ con hết mơ ước làm cán bộ nhà nước rồi.

– Sao mày nói đi làm ở Nậm Tắc mà, đã đi rồi mà.

– Không đấy là thử việc. Mình có mỗi cái bằng, cây sáo cây đàn… không có tiền trăm triệu cho người ta… phải về thôi.

– Thế người ta đuổi à?

– Không, nó vẫn bảo cứ ở đây thử việc đi.

– Sao không ở? Làm thử giỏi rồi thì được làm thật.

– Thử… thử… thử… Thử giặt quần áo, thử dọn bãi nôn… Ba tháng con hỏi nó vẫn bảo chưa ký hợp đồng được, cứ tiếp tục thử đi. Nhục nhã lắm mẹ ơi. Thôi mẹ cho con về với mẹ, số con chỉ làm ruộng làm nương thôi.

Nghiên khóc, rồi mẹ khóc. Hai đứa trẻ chẳng hiểu gì cũng òa lên nức nở. Một cơn gió từ núi về, ngôi nhà sàn rung lên.

Thế là Nghiên về ở nhà hẳn. Nghiên dặn mẹ, ai hỏi mẹ cứ nói thật. Nghiên ra đường, đến nhà khác chơi không thấy ai hỏi mình, nhưng có lần vô tình nghe được câu chuyện ăn nhót sàn ngoài. … Thằng Nghiên học cao nhất bản, đi làm được ba tháng rồi nhưng chửi tục người ta, bị đuổi về. Xin việc bây giờ khó lắm, sao nó lại ngu thế không biết… Nghiên nghe nửa chừng thì đi lùi.

Các bà các chị nhìn cây mà chưa nhìn rừng, bây giờ con em dân tộc trung cấp, cao đẳng, đại học nhiều, chỉ ưu tiên học hành thôi, xin việc thì như nhau con trâu hết. Không phải cái gì muốn là được. Nghiên tự hứa với mình, thôi quên cái bằng cao đẳng ấy đi, cũng như tập quên cô vợ tảo hôn giờ không biết ra sao ở xứ người.

Mấy hôm nay rừng Đông Xên như có giặc. Suốt ngày tiếng cưa, rìu, búa; tiếng rắc rắc, ùm ùm cây đổ. Từ xa thấy chim từng chặp táo tác bay lên. Đến gần thấy gió tạt đập vào mặt. Buổi trưa trai gái ăn cơm xong nắm gác đùi lên nhau. Mấy thằng đang quây quanh một cô gái, hát “không phải dạng vừa vừa vừa đâu” rồi làm động tác xoèn xoẹt lưỡi cưa vào hàng cúc bướm. Tối nhọ mặt người, tiếng gỗ vẫn cộc cộc trên vách đá…

Ba ngày sau Nghiên mới biết chuyện từ Sinh, cán bộ văn hóa xã. Khuya lắm, Sinh đến gọi Nghiên. Nội dung, nhờ Nghiên mai xuống huyện biểu diễn độc tấu sáo cho ngày hội văn hóa các dân tộc và một cái phong bì không ghi gì. Nghiên mắt nhắm mắt mở gắt, làm ăn kiểu gì như lũ ống thế. Sinh nhét phong bì vào cạp quần Nghiên, cười cười – tao nói thật là còn ít gỗ phải chuyển hết về, phải giấu… Mày cứ đi đi, lúc về bồi dưỡng thêm, xuống đấy bảo ban chúng nó làm luôn trưởng đoàn hộ tao.

Nghiên im lặng, định hỏi lấy gỗ ở đâu thì Sinh đã như ma, mất hút từ lúc nào. Nghiên quay vào nhà, lẳng lặng mặc thêm cái áo khoác, thẳng hướng Đông Xên. Đường trăng suông, một lúc đã đến rừng, một lúc đã đến bãi gỗ. Sao lại thế này nhỉ? Sao mình lại vào Đông Xên lấy củi nhỉ? Người ta lấy mình làm lá chắn để noi gương chăng? Nghiên thấy nghèn nghẹn trong ngực. Cứ đà này, chỉ mươi ngày nữa là xóa sổ Đông Xên.

Nghiên chạy về, mồ hôi không được vuốt cứ như mưa khắp đầu tóc mặt mũi. Chả kịp dặn dò mẹ, Nghiên vớ cây sáo, lại chạy. Đến nơi, xem chương trình biết đoàn xã Mắn Co là thứ tư; Nghiên lại chạy đi…

Đến tiết mục của Nghiên thì cả bãi người im phăng phắc. Tiếng sáo lúc đầu có cả tiếng thở, sau rồi bồng bềnh mênh mông vút bay. Trên hàng ghế đại biểu, mấy cái đầu bạc chụm vào nhau: … Đứa này khá đấy nhỉ. Sao năm nay mới thấy nhỉ. À, nó vừa tốt nghiệp cao đẳng văn hóa nghệ thuật đấy, tinh hoa của huyện đấy… Tiếng sáo của Nghiên đang như suối ra sông, ra biển, bay trên cánh rừng, bầu trời, rì rào tha thiết.

Đoàn của Nghiên về, vào ngay trụ sở ủy ban để báo cáo. Ủy ban vắng tanh, cô thủ quĩ kiêm tạp vụ nói, các bác các chú đi hết vào Đông Xên rồi. Nghiên hiểu, gật đầu, thế là được.

Hai tháng sau, Nghiên được chủ tịch xã mời ra ủy ban trao đổi công việc. Nghiên giật mình, sờ sợ nhưng 1 giờ chiều đã có mặt. Chủ tịch bảo, xã muốn lấy cháu làm văn hóa… thay đồng chí Sinh… Trước mắt thử việc sáu tháng, rồi ủy ban trình huyện ký hợp đồng… ý cháu thế nào. Còn gì sung sướng hơn, Nghiên nói một tràng, cháu nhất trí, cháu cảm ơn bác ạ… ôi thật không bác… Thật chứ sao lại không thật, đây là ý kiến gợi ý của chủ tịch huyện đấy. Nghiên ngồi nghe tim đập rộn rã, chân tay muốn múa, giá có cây sáo ở đây thì Nghiên sẽ bay lên. Chủ tịch xã nhìn Nghiên vẻ hài lòng, nói tiếp – cháu về làm một bộ hồ sơ nhé, bác dặn này, nhớ ghi thời gian làm ở Nậm Tắc cho thuyết phục… Hai tiếng Nậm Tắc làm Nghiên bừng tỉnh. Nghiên muốn nói không, không phải… nhưng sao cổ họng cứ nghẹn lại.

Nghiên cầm bộ hồ sơ về nhà viết luôn một mạch. Đến phần “lịch sử” làm gì? ở đâu? thì… bút tắc mực. Nghiên trân trân nhìn mấy dòng kẻ mẫu. Nậm Tắc, Nậm Tắc lẽ nào mày ám tao suốt cuộc đời chăng? Nậm Tắc, Nậm Tắc… khốn nạn đầu đời phải quên nó đi, phải gạt nó ra, không cho ngồi đây…

Mẹ gọi mấy lần Nghiên mới xuống ăn cơm. Cố hết một bát, Nghiên đứng dậy, ngồi bàn luôn. Trước mặt trang hồ sơ… làm gì? ở đâu? lại múa may nhe nhởn. Thôi có quan trọng gì, người ta đã thiện ý, nhòm ngó tới mình thì Nậm Tắc chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng cứ ghi vào có chết người đâu, nghe nói tuyển người thì kinh nghiệm có sức nặng lắm. Kinh nghiệm của mình, chuyện thật như bịa không ai tin. Ai lại cao đẳng văn hóa nghệ thuật chính quy chuyên ngành âm nhạc hẳn hoi mà giặt giũ, nấu cơm, dọn rửa… Sòng phẳng hồi ấy, có hai lần Nghiên được đi theo đoàn khảo sát văn hóa dân tộc La Hủ nhưng chuyên môn là … làm “con ngựa thồ” hết bản này đến bản kia – cá khô, mì tôm cho cả đoàn, năm cây thuốc Thăng Long cho trưởng phòng. Đầu việc những ngày điền dã vẫn là nấu cơm, giặt quần áo và thêm bổ củi dân vận.

Mấy lần là là cây bút trên giấy, hai chữ Nậm Tắc đã ướm vào khoảng không. Nghiên vẫn không dám viết.

Sáng hôm sau Nghiên xuống ủy ban xã. Bác chủ tịch cầm hồ sơ lật lật, Nghiên nói luôn – cháu không ghi thời gian thử việc ở Nậm Tắc bác ạ. Không được. phải ghi vào, cứ làm gì ghi nấy.

Nghiên đã ghi sự thật. Bác chủ tịch đọc lại, quả nhiên cười ngất. Nghiên tái mặt, hỏng việc rồi. Nhưng bác nhìn thẳng Nghiên trầm giọng – không sao, bây giờ nó thế, chỉ tiếc là bọn nó ác quá, không được cũng bảo người ta một câu cho người ta về làm ruộng làm nương.

Nghiên thở phào đón tập hồ sơ từ tay bác chủ tịch. Bác dặn đi dặn lại – cháu phải quay vào Nậm Tắc xin xác nhận, hạn cuối là ngày kia, nộp tại phòng này.

Nghĩ đến phải vào nơi nửa lán công trường nửa lán ao, đàn ông suốt ngày hơi rượu, đàn bà cười hô hố khi tuột cúc áo ngực… Nghiên lại nổi da gà. Nhưng phải đi, phải đi, phải đi.

– A… chú em lại tiếp tục thử việc hả.

– Cháu xin chú…

– Ừ, kiên trì thế là được. Nhiều đứa phải bốn, năm năm mới được hợp đồng đấy.

– Cháu xin chú…

– Không phải xin xỏ gì, đã làm ở đây quen việc rồi cứ thế mà làm.

….

Nghiên bị cắt hết lời, không còn khe hở nào. Trưởng phòng xong một tràng thì đi xuống dãy nhà đối diện, gọi to, chúng mày ơi chiều nay kin lẩu (uống rượu) nhá… thằng Nghiên nó về rồi.

Nghiên bước theo sau trưởng phòng. Trưởng phòng quay lại thấy “thằng bé” hai tay nâng tập hồ sơ. … Nhoằng một cái chữ ký xoạc sang cả đùi kê. Ký xong trường phòng nhìn Nghiên vẻ tiếc rẻ:

– Thế là cháu đi thật đấy… Nhưng mà này chú bảo thật, có chỉ tiêu rồi đấy. Chỉ hai con trâu thôi, cố một tí lấy cả đời.

Nghiên cắn răng lắc đầu, rồi cắm cổ chạy.

Đằng sau, tiếng dao thớt rộ lên, rầm rập cốc cốc như đuổi bắt.

 
Nguồn: https://vanvn.vn/ 
 
 
Các tin mới hơn
Mắt phù sa(23/09/2022)
Trương và Nguyễn(21/09/2022)
Nàng Sita cù lao(25/08/2022)
Tiếng trăng(11/08/2022)
Tiếng rắn hoang(10/08/2022)
Các tin cũ hơn
Mầm thương – Truyện ngắn của Đào Thu Hà(20/05/2022)
Chuyện đêm trăng(18/05/2022)
Thành phố mở và không ngừng mới – Tùy bút của Trần Nhã Thụy(13/05/2022)
Mật gấu(29/04/2022)
Bóng lửa(27/04/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na