Nhiếp ảnh
Nhiếp ảnh – Phương thức chung tay hiệu quả quảng bá và phát huy giá trị di sản
26/04/2022 12:00:00

Di sản phải trải qua cả quá trình hình thành, phát triển, lưu tâm, gìn giữ phát huy giá trị mới có được. Nhưng không phải di sản nào cũng được cộng đồng, dân cư biết đến. Và Nhiếp ảnh, một trong những phương thức thiết yếu góp phần không chỉ quảng bá mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, lưu giữ được nhiều hình ảnh giá trị của quá khứ – Trí nhớ về Nơi chốn, góp phần gợi nhớ tình cảm yêu thương quê hương, đất nước.

 
 

Những góc máy đẹp quảng bá giá trị Di sản, kích thích phát triển kinh tế khu vực

Đối với những địa danh có di sản quy mô lớn, giá trị cảnh quan, thiên nhiên được UNESCO công nhận như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) với những đảo núi nhấp nhô trên biển, Sơn Đoòng, Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình) với hệ thống hang động lớn, sâu, dài; Tràng An (Ninh Bình) với non nước sông núi, kiến trúc cảnh quan hữu tình… hoặc giá trị nghệ thuật kiến trúc như thành cổ Thăng Long (Hà Nội) đánh dấu kinh đô ngàn năm tuổi, Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) xây bằng những phiến đá lớn cả tấn, Thành cổ Huế nơi ghi dấu Nhà nước phong kiến cuối cùng ở Việt Nam…, hay công trình Nhà hát Lớn (Hà Nội) kiến trúc Tân Cổ điển có giá trị được xếp hạng… thì không cần chờ đến các đoàn làm phim, nhiếp ảnh lưu tâm đến thì bản thân giá trị cảnh quan đó, công trình đó đã nổi tiếng trong nước, xứng đáng là di sản thiên nhiên, cảnh quan, nghệ thuật, phong cách kiến trúc đại diện, tiêu biểu của một thời kỳ lịch sử, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.

Tuy nhiên, từ khi những bộ phim nước ngoài lấy bối cảnh tại các di sản đó, hay từ lúc những bức ảnh nghệ thuật được đăng tải trên mạng internet thì thực sự giá trị của địa danh, di sản đó đã được lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ, khiến du khách bị quyến rũ, khao khát và đến bằng được để được chiêm ngưỡng, góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong những năm vừa qua trước đại dịch Covid-19.

Ngay cả trong thời gian dịch bệnh cuối 2019 đến nay, việc du lịch qua mạng cũng làm nhiều người biết đến hệ thống di sản phong phú của Việt Nam. Hấp dẫn đến mức, du khách chỉ chờ ngày mở cửa trở lại là đã có mặt ngay tại các địa danh này, kích thích du lịch và các ngành nghề dịch vụ , kinh tế phát triển theo.

Đó một phần lớn là từ những hình ảnh di sản mà Nhiếp ảnh đem lại.

Những địa danh mới, dù nhỏ chỉ là di tích nếu có những bức ảnh đẹp thì cũng giúp góp phần tạo nên thành yếu tố tạo thị, kích thích sự phát triển dịch vụ, du lịch cả khu vực. Ví dụ về một nơi, một công trình thuộc dạng phế tích nếu không có hình ảnh thì không ai biết đến. Đó là Nhà thờ Hải Thịnh (huyện Hải Hậu, Nam Định) dù đến nay không còn nguyên vẹn nhưng tên “Nhà thờ đổ” đã thành địa điểm đến check in của mọi lứa tuổi, nghề nghiệp sống ảo, nhất là giới trẻ, kích thích phát triển cả khu vực với những nhà hàng, nhà nghỉ, dịch vụ chụp ảnh cưới… nhộn nhịp, tấp nập từ sáng sớm đến tối mịt.

Chụp ảnh Di sản Kiến trúc – lĩnh vực Trắng vì Vắng

Chụp ảnh Di sản, công trình kiến trúc theo 2 thể loại:

  • Chụp nghệ thuật phong cảnh;
  • Chụp tư liệu kiến trúc.

Nếu như công trình, di sản được chụp theo thể loại chụp nghệ thuật, kể cả chụp nội thất… thì ngày càng nhiều người tham gia chụp vì đem lại những hình ảnh với khoảnh khắc, thời khắc đẹp như ảnh phong cảnh với trời mây, nắng mật ong, cây, hoa thay lá… thì dòng ảnh tư liệu lại ngày càng hiếm và khó phát triển lên dạng phong trào như thể loại chụp nghệ thuật nêu trên.

Ngày nay, kỹ thuật chụp ảnh đã khác xa ngày xưa, công cụ chụp ảnh cũng dễ dàng hơn bao giờ hết. Đề tài về phong cảnh, các mùa hoa, mùa lúa chín, đổ nước ruộng bậc thang, mây vờn đỉnh núi… hấp dẫn và lôi cuốn các tay máy chuyên nghiệp và nghiệp dư nhiều hơn.

Một ảnh nghệ thuật chụp một di sản, công trình được đăng tải lên trang cá nhân là cả một phong trào, kéo theo lượng người đông chụp cho bằng được hình ảnh tương tự trong máy ảnh hay điện thoại, ipad. Thật dễ dàng, nhanh chóng.

Nhưng với dòng ảnh tư liệu lại là chuyện khác hẳn. Ngay chủ đề Hà Nội hay từng địa phương cũng luôn là đủ lớn, đủ mọi loại hình đẹp, quyến rũ để mỗi nhiếp ảnh gia có những tác phẩm độc đáo của riêng mình. Và bằng tình yêu với nơi chốn, nhiều nhiếp ảnh gia gắn bó với thành phố qua các bức ảnh. Thế nhưng, dù công trình kiến trúc, di sản, di tích có đẹp, giá trị đến mấy cũng không thể nào hấp dẫn được các nhiếp ảnh gia đi vào thể loại ảnh tư liệu kiến trúc, di sản này.

Người Pháp đã tạo ra một quỹ di sản ảnh Việt Nam phong phú. Từ 1845 đã có tác giả người Pháp, trong đó nổi bật là Albert Kahn với bộ ảnh “Hồ sơ hành tinh”, chụp về Việt Nam và Hà Nội những năm 1910-1920… Những người Việt tiên phong trong nghệ thuật nhiếp ảnh là cụ Đặng Huy Trứ với hiệu ảnh Cảm hiếu đường, rồi ông Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký) mở hiệu ảnh ở phố Hàng Da…

Trong các loại phương thức để lưu giữ công trình có giá trị, di sản, di tích… có vẽ ghi, dựng hồ sơ bảo tồn, chụp ảnh, quay phim, scan… trong đó chụp ảnh là ngày càng phổ biến, thông dụng và dễ dàng, nhanh chóng thực hiện nhất.

Một công trình giá trị, đẹp muốn được biết đến thì không thể chỉ bằng lời mô tả, bằng bản vẽ khô khan mà phải bằng những cảm xúc từ những hình của những người chụp ảnh. Nhờ những hình ảnh này mà mọi người biết đến công trình với các giá trị của chúng; có thể hiểu, biết về các thay đổi của công trình, một khu vực từ lúc xây dựng ban đầu, quá trình chỉnh sửa; và cũng từ ảnh cũng có thể góp phần phục dựng các chi tiết trong công tác bảo tồn công trình có giá trị.

Chính vì vậy, chụp ảnh công trình kiến trúc có giá trị, di sản, di tích để cùng hệ thống bản vẽ đã trở thành công cụ hữu ích của các Viện bảo tồn, nghiên cứu, các Bảo tàng trong việc giới thiệu công trình qua hình ảnh trình chiếu, trang web.
Đặc biệt, việc chụp ảnh các phía, xây dựng hình ảnh 3D để mọi người hình dung về quy mô, hình khối công trình, từ đó làm cơ sở để chế tác, phục dựng thành các sản phẩm phục vụ công tác bảo tồn hoặc trưng bày, triển lãm.

Ảnh tư liệu về di sản kiến trúc phải tả chân từng mặt đứng công trình, cấu kiện đến từng chi tiết, hoa văn. Tùy hướng của công trình để lựa chọn cho mặt chính đón nhận được đúng hướng sáng để quyết định chụp buổi sáng hay chiều và giờ nào chụp để bóng đổ công trình không làm mất nét của các chi tiết nằm trong bóng đổ. Đồng thời góc bao nhiêu độ thì xác định được độ vươn ra của các gờ phào, ban công, mái nhà? Đó là chưa nói đến chuyện đến việc phải hiểu từng loại hình, phong cách, kiểu dáng nguyên gốc của di sản, những diễn biến về kiến trúc, nghệ thuật tạo hình qua các thời kỳ.

Về kỹ thuật chụp: Việc góc chụp không vuông góc diện chụp, không đúng yêu cầu ảnh tả chân thực của tư liệu còn liên quan, ảnh hưởng, thậm chí hậu quả trọng việc dựng bản vẽ, hồ sơ di sản cũng như phục dựng chi tiết khi cần bảo tồn, tôn tạo, phục chế.

Flycam, thiết bị hữu ích trong việc chụp ảnh tổng thể nếu không phải chuyên ngành cũng chưa hẳn đã được khai thác theo góc nhìn tư liệu mà mới chỉ là dạng ảnh nghệ thuật phong cảnh. Những bức hình chụp không đúng quy ước cũng sẽ không khớp về chiều hướng khi lên hồ sơ, bản vẽ, sách nghiên cứu về di sản.

Đối với công trình tôn giáo, tín ngưỡng, nếu không nắm bắt được các trục của tổng thể, từng công trình, di sản… thì đôi khi lại không toát ra được vị thế, nguyên cớ xác định công trình xoay về hướng đó, thần linh tựa lưng vào đâu, hướng mặt nhìn ra đâu, những lớp lang phong thủy không được thể hiện qua góc nhìn của flycam.

Từng chi tiết cấu kiện, họa tiết hoa văn rõ hình nổi khối để người xem cảm xúc với cả chất liệu tạo nên. Gia giảm nhiệt độ màu của máy, chỉnh sửa ảnh sáng màu sắc sao cho vẫn giữ độ chuẩn về vật liệu và phần hồn, thần thái của mẫu vật, cấu kiện. Chưa nói đến các hình tượng, muông thú diễn biến thay đổi theo các thời kỳ… nếu không thật sự đam mê cũng sẽ làm nản lòng.

Đây cũng là điều khó cho nhiếp ảnh gia không thuộc chuyên ngành kiến trúc, di sản muốn chụp ảnh tư liệu về di sản, kiến trúc. Chính vì thế chụp ảnh tư liệu di sản kiến trúc vẫn là mảng Trắng vì số lượng người chụp vẫn Vắng.

Mấy năm gần đây, Viện Bảo tồn di tích của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã làm công việc hữu ích với những đề tài khoa học, cuốn sách về các di sản, từng loại hình: Nhà thờ gỗ, Đình, Đền, Chùa các tập, các Làng cổ đặc thù… từ ảnh chụp đến bản vẽ cụ thể từng mặt cắt, cấu kiện công trình… phục vụ cho công tác bảo tồn, duy tu bảo dưỡng công trình. Công việc thật đáng cổ xúy và khuyến khích nhân rộng. Và những người tham gia chụp tư liệu về di sản như Trần Trung Hiếu, Nguyễn Hoài Nam, Hoàng Trung Đức…thật đáng trân trọng, Và chúng tôi gọi họ là những Hiệp sĩ di sản.

Nhưng số lượng chuyên sâu, có nghề để chụp ảnh cho đúng chất tư liệu không phải là nhiều, thậm chí đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Đó là những người nguyên là cán bộ nghiên cứu của đơn vị. Hiểu sâu về nghề và kỹ về kỹ thuật nhiếp ảnh khiến cho những bức ảnh tư liệu về di sản kiến trúc của họ cũng trở thành những bức ảnh giá trị nghệ thuật, đáng trân trọng.

Ảnh cũng là di sản, cũng cần phải được xây dựng Bảo tàng dữ liệu ảnh

Ảnh là một bộ phận tư liệu lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật quan trọng. Ảnh chứa sự kiện và dung lượng thông tin tạo nên giá trị nhân văn. Tuy nhiên, cho đến nay, Ảnh di sản chưa được coi là Di sản ảnh. Tất nhiên, ảnh di sản còn là giá trị của bức ảnh, nếu không chỉ là tư liệu quý.

Công trình được xây dựng từ bao nhiêu năm, tồn tại, hư hại bởi thiên tai, địch họa, trải qua những biến cố lịch sử nào, đã được trùng tu, tôn tạo ra sao…? Ảnh sẽ thay lời muốn nói. Nếu không có ảnh, dù có mô tả thế nào chúng ta cũng không hình dung ra được Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945 ra sao, các chi tiết, cấu kiện đình chùa được thay thế, biến đổi thế nào.

Khó khăn khi chụp ảnh tư liệu là có, tốn phí nhiều công sức, thời gian là có. Nhưng nếu nghĩ, những bức hình mình chụp sẽ giúp ích cho công tác quảng bá, giới thiệu di sản, được in lên sách hay lưu giữ trong các Viện Bảo tồn di tích, Viện Bảo tàng cũng như phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn… thì những cống hiến của các Hiệp sĩ di sản thật đáng tự hào và thôi thúc chúng ta bấm máy, lưu giữ hình ảnh – thời khắc của di sản ngay từ hôm nay.

KTS. Nguyễn Phú Đức

Nguồn: https://www.tapchikientruc.com.vn/ 
 
 
Các tin mới hơn
Công bố danh sách các tác phẩm triển lãm Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng Sông Hồng lần thứ 24 năm 2022(08/08/2022)
Trao giải Cuộc thi sáng tác nghệ thuật với chủ đề “Bảo vệ tầng ô-dôn để bảo vệ khí hậu trái đất”(02/08/2022)
FIAP công bố danh sách các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam được phong tặng tước hiệu năm 2022(11/07/2022)
Thể lệ cuộc thi ảnh đẹp du lịch "Khám phá Quảng Trị năm 2022"(20/06/2022)
Lễ trao giải và khai mạc Triển lãm Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 11 tại Việt Nam năm 2021(13/06/2022)
Các tin cũ hơn
Thông báo Thể lệ Cuộc thi "Ảnh đẹp du lịch Tây Ninh - 2022"(25/04/2022)
Thông báo: Tập hợp tác phẩm của các NSNA có tước hiệu được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phong tặng(25/04/2022)
Phát động thi ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2022(12/04/2022)
Thể lệ Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia với chủ đề Tự hào một dải biên cương năm 2022(04/04/2022)
Tổ chức Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2022(28/03/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na