Lý luận phê bình
Văn xuôi Hải Dương (2016 - 2020) Cảm nhận và suy ngẫm
01/11/2021 12:00:00

Trong đời sống văn học nghệ thuật, mốc thời gian 5 năm không dài để nhìn nhận những thành tựu, hạn chế. Chặng đường 5 năm của văn xuôi Hải Dương tuy chưa đủ để phác họa bức tranh tổng thể song ở nhiều chiều cạnh của lao động sáng tạo nghệ thuật cũng đọng lại những điều đáng suy ngẫm.



Chững chạc, khởi sắc

Văn xuôi được đề cập trong bài viết này bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết và ký. Mốc thời gian 5 năm được tác giả sử dụng định danh cho bài viết lấy theo thời gian của Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn- Hải Dương, giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật của UBND tỉnh Hải Dương, được tổ chức 5 năm một lần. Thời gian trong bài viết cụ thể là mốc thời gian diễn ra Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn- Hải Dương lần thứ VIII, giai đoạn 2016- 2020. Tác giả bài viết không kỳ vọng nhìn một giai đoạn cụ thể của văn xuôi Hải Dương đương đại dưới cặp mắt toàn năng của người làm công tác học thuật, nghiên cứu, lý luận phê bình văn học với bộn bề các hệ lý thuyết, trường phái, trào lưu, mà chỉ đi sâu, điểm xuyết những điểm tâm đắc hoặc chưa tâm đắc, những cảm nhận và suy ngẫm thấy, biết, động chạm đến chiều sâu cảm xúc, tâm tưởng mang tính chủ quan của người làm nghề.

“Chững chạc, khởi sắc” đó là những từ xác đáng để nói về văn xuôi Hải Dương giai đoạn 2016- 2020. Sự “Chững chạc, khởi sắc” thứ nhất thể hiện ở đội ngũ sáng tác “sung sức, có nghề, có tâm, có tầm”.

“Sung sức” ở đây thể hiện ở cả đông đảo đội ngũ sáng tạo và đa dạng về độ tuổi. Hiếm khi nào văn xuôi Hải Dương có đội ngũ người cầm bút vừa đông đảo vừa đa dạng về độ tuổi như giai đoạn 5 năm vừa qua. Hiện tại Ban Văn xuôi của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có lực lượng hùng hậu với 27 thành viên. Đó là chưa kể các hội viên của các ban khác như Lý luận phê bình, Văn nghệ dân gian, Thơ… cũng tham gia sáng tác văn xuôi. Về độ tuổi của các tác giả đang tham gia sáng tác cũng trải với biên độ khá rộng và đồng đều. Thế hệ đi trước vẫn miệt mài sáng tạo và có tác phẩm in ấn công bố phải kể đến Đỗ Thị Hiền Hòa, Nguyễn Thanh Cải, Vũ Tuyết Mây, Khúc Kim Tính, Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Sỹ Đoàn, Đỗ Tuấn Tơn… Thế hệ các cây bút trẻ đang độ sung sức phải kể đến: Trương Thị Thương Huyền, Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Thu Hằng, Bùi Thu Hằng, Trần Thúy Lành, Vũ Thị Thanh Hòa, Đinh Ngọc Hùng…

“Có tâm, có tầm, có nghề” thể hiện ở thái độ người cầm bút và độ chín, khả năng xóa nhòa ranh giới, khoảng cách để hội nhập vào dòng chảy của văn học đương đại nước nhà.

Có thể khẳng định, đội ngũ các cây bút văn xuôi Hải Dương có thái độ, tư tưởng, đúng đắn, tích cực, coi sáng tạo văn học nghệ thuật là một phần quan trọng trong thực hiện sứ mệnh của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Với suy nghĩ, thái độ tích cực, các cây bút văn xuôi phát huy tối đa tính chủ động sáng tạo, xâm nhập thực tiễn sinh động của đời sống xã hội để sáng tác những tác phẩm văn học không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn đặc sắc về nội dung có sức lan tỏa và được công chúng đón nhận, góp phần tuyên truyền, quảng bá quê hương, con người Hải Dương với bạn bè cả nước. Những tác phẩm văn học đó vừa phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương vừa đảm bảo tính nghệ thuật, hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

Có nghề, có tầm hay độ chín người cầm bút còn được khẳng định rõ qua việc các cây bút văn xuôi Hải Dương thường xuyên xuất hiện không chỉ trên tạp chí Văn nghệ Hải Dương, tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà và các tạp chí, báo văn nghệ của Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành trong cả nước, mà tên tuổi, sáng tác của họ còn thường xuyên được xướng tên trên các báo, tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật của trung ương. Đặc biệt những cây bút trẻ sung sức như: Trương Thị Thương Huyền, Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Thu Hằng, Bùi Thu Hằng, Trần Thúy Lành, Vũ Thị Thanh Hòa… đã trở thành cái tên quen thuộc trên Báo Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, vanvn.vn (Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam), các nhà xuất bản… Hơn thế nữa, những năm vừa qua đội ngũ các cây bút văn xuôi Hải Dương còn khẳng định qua việc một số tên tuổi được ghi nhận, kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam như Vũ Tuyết Mây, Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Hải Yến...

Sự xuất hiện chững chạc đó minh chứng, các tác giả văn xuôi Hải Dương đương đại, đặc biệt trong 5 năm qua đã thể hiện ở độ chín, khả năng xóa nhòa ranh giới, khoảng cách để hội nhập vào dòng chảy của văn học đương đại nước nhà.

Sự “Chững chạc, khởi sắc” thứ hai là ở số lượng, chất lượng các tác phẩm đăng tải trên báo chí, đầu sách được công bố, xuất bản 5 năm qua. Về số lượng, trong giai đoạn 5 năm vừa qua, riêng mảng văn xuôi đã xuất bản gần 40 đầu sách thuộc các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, văn nghệ thiếu nhi. Có những tác giả có tới ba, bốn đầu sách được xuất bản. Đó là còn chưa kể hàng trăm truyện ngắn, bút ký được công bố đều đặn trên các báo chí chuyên ngành văn học nghệ thuật của Trung ương và địa phương.

Về chất lượng, xin được đi vào từng thể loại, như đề cập từ đầu trong bài viết này bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết và ký.

Ở thể loại tiểu thuyết, 5 năm vừa qua ghi dấu với một loạt đầu sách như: Chỉ có một tấm lòng (Đỗ Thị Hiền Hòa); Người đàn bà nông nổi (Nguyễn Thị Bích); Rừng xanh đá đỏ (Nguyễn Thanh Cải); Phù sa đỏ, Con của đảo (Trương Thị Thương Huyền); Phăng đỏ (Bùi Thu Hằng); Bay qua thời gian (Nguyễn Xuân Bối)… Mỗi tác phẩm có mức độ phủ sóng khác nhau song chất lượng khá chững chạc.

Đáng chú ý, những tác phẩm như “Chỉ có một tấm lòng” (Đỗ Thị Hiền Hòa), “Rừng xanh đá đỏ” (Nguyễn Thanh Cải), “Phù sa đỏ”, “Con của đảo” (Trương Thị Thương Huyền) không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn có giá trị cao về tư tưởng khi đi vào mổ xẻ các vấn đề lớn của đời sống như lịch sử, chủ quyền biên giới hải đảo, nông thôn mới, vấn đề phát triển kinh tế đồi rừng, xây dựng nông trường trong điều kiện kinh tế mở cửa, phê phán, đấu tranh với việc khai thác tài nguyên khoáng sản, môi trường một cách lãng phí, kém hiệu quả...

Thể loại tiểu thuyết cũng ghi dấu nhiều sự tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật. “Chỉ có một tấm lòng” (Đỗ Thị Hiền Hòa) xây dựng được một cốt truyện linh hoạt, tài tình. Lúc đầu là hai mạch truyện chạy song song về hai chiến sĩ cách mạng anh hùng của tỉnh Hải Dương là Đặng Quốc Chinh và Mạc Thị Bưởi. Cách dựng cốt chuyện đầy chủ ý của tác giả khi chọn hai nhân vật anh hùng tiêu biểu của cách mạng Hải Dương này làm cho khung cảnh cách mạng tỉnh Hải Dương thời kỳ đó được nhìn nhận toàn diện, bao quát tổng thể cả vùng thành thị lẫn vùng nông thôn và vùng miền núi. Sau khi anh hùng Đặng Quốc Chinh hy sinh, mạch truyện không chỉ bó hẹp trong nhân vật chiến sĩ cách mạng Mạc Thị Bưởi và mở rộng ra với gần chục nhân vật cả chính diện và phản diện. Với nghệ thuật dựng truyện độc đáo này, tác phẩm có chiều sâu, có sức cuốn hút, hấp dẫn, chuyển tải được mọi góc khuất trong suy nghĩ, tâm tư tình cảm của nhân vật. Thủ pháp nhấn nhá, chậm rãi trong quá trình kể chuyện, bình tĩnh xử lý tình huống trong không gian lịch sử với nhiều nhân vật, sự kiện, biến cố đan xen cho thấy tác giả rất chắc tay trong quá trình viết. Mặc dù viết về đề tài lịch sử cách mạng song tác phẩm không khô cứng mà sống động, thấm đẫm chất văn. Ở “Con của đảo” (Trương Thị Thương Huyền) cách xây dựng cốt truyện độc đáo bằng cách bám vào những tình tiết, chi tiết, câu chuyện mà chỉ có thể thấy ở nơi biển đảo khiến người đọc bị lôi cuốn, dẫn dụ vào thế giới chuyện rất riêng. Truyện cuốn hút ngay từ ban đầu, cuốn hút từ cách vào chuyện, cuốn hút bởi không khí truyện, cuốn hút bởi ngôn ngữ tung tẩy, trẻ thơ của người dẫn chuyện. Không chỉ ngôn ngữ hội thoại mà ngôn ngữ kể, tả đều vui tươi, nhí nhảnh, hồn nhiên đầy âm thanh, hình ảnh tạo nên sự thành công của một tác phẩm viết cho thiếu nhi. Ở “Rừng xanh đá đỏ” (Nguyễn Thanh Cải) xây dựng hai mạch truyện triển khai song song tạo sự độc đáo trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện cũng như tạo sự hấp dẫn, tránh được sự nhàm chán. Các nhân vật được khắc họa tính cách, cá tính rõ rệt tạo nên sức sống cho thế giới tiểu thuyết được tạo ra.

Thể hiện khá rõ nét sự chững chạc, khởi sắc của văn xuôi Hải Dương là thể loại truyện ngắn. Một loạt các tác phẩm như: Mùa trăng khuyết (Đỗ Thị Hiền Hòa); Dấu chân (Nguyễn Thanh Cải); Hạnh phúc trở về (Nguyễn Thị Việt Nga); Mùa về (Trương Thị Thương Huyền); Quán thủy thần, Hoa gạo đáy hồ (Nguyễn Hải Yến); Một thời dấu yêu (Nguyễn Sỹ Đoàn); Giữa hoàng cung (Khúc Kim Tính); Mưa ngâu, Cánh đồng xa xăm, Bám biển, Đảo thức (Nguyễn Thu Hằng); Đi qua mùa trăng (Trần Thúy Lành); Hoàng hôn phía chân trời, Vầng trăng nhỏ cô đơn, Dưới mưa (Bùi Thu Hằng); Vũ điệu lửa (Đinh Ngọc Hùng); Quầng sáng hoàn thiện (Nguyễn Duy Tiến)… là những thanh âm mang sắc thái riêng trong bản nhạc đa âm sắc. Những mảng hiện thực đời sống ít được phản ánh bấy lâu, nay được các cây bút truyện ngắn dấn thân trải nghiệm. Người cầm bút đã nhìn hiện thực đời sống, các mặt tiêu cực của xã hội bằng con mắt trần trụi hơn nhưng cũng khách quan hơn, có trách nhiệm hơn. Đặc biệt, ở thể loại truyện ngắn, xuất hiện khá nhiều kiểu nhân vật được giới phê bình trong nước đề cập là nhân vật mới chưa từng xuất hiện trong văn học (nhân vật cô đơn, nhân vật bản năng, nhân vật sám hối...) như trong tập: Mùa về (Trương Thị Thương Huyền), Quán thủy thần (Nguyễn Hải Yến), Cánh đồng xa xăm (Nguyễn Thu Hằng), Đi qua mùa trăng (Trần Thúy Lành), Vũ điệu lửa (Đinh Ngọc Hùng)... Cùng với sự cởi mở trong đề tài là sự cởi mở, mạnh dạn dấn thân trong nghệ thuật. Không chỉ làm chủ, sử dụng thành thạo, điêu luyện các thủ pháp nghệ thuật truyền thống, mỗi cây bút đều thể hiện rõ khát vọng tìm tòi, khám phá, làm mới bản thân qua mỗi truyện ngắn. Các thủ pháp nghệ thuật dòng ý thức, kỳ ảo, mảnh vỡ, giấc mơ… cũng được các tác giả trải nghiệm. Tuy mức độ thành công khác nhau song mỗi sự tìm tòi, trải nghiệm đều đáng quý, đáng trân trọng. Có thể nói, truyện ngắn của các cây bút Hải Dương 5 năm qua đã làm thật tốt vai trò xóa nhòa ranh giới, khoảng cách để hội nhập vào dòng chảy của văn học đương đại nước nhà.

Ở thể ký, số lượng tác phẩm khiêm tốn hơn song cũng để lại dấu ấn khá sâu đậm. Tiêu biểu phải kể đến tập ký “Trường Sa! Trường Sa!”, “Tổ quốc, đường chân trời” của cây bút Trương Thị Thương Huyền. Tập bút ký “Trường Sa! Trường Sa!” được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 2016 gồm 13 bút ký, tái hiện sinh động cuộc sống của chiến sĩ và ngư dân trên quần đảo Trường Sa. Tác phẩm tuy không tham dự Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn- Hải Dương lần thứ VIII, giai đoạn 2016-2020 song đã được định danh bằng những giải thưởng như: Giải A trong cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt I (2016-2018) do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức; Giải B (không có gải A) hạng mục sáng tác văn học về đề tài Hải quân do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức. Tập ký “Cổng trời mây trắng” của tác giả Vũ Tuyết Mây cũng để lại một dấu ấn khá riêng. Tác phẩm gồm 15 bút ký viết về các vùng miền của tổ quốc: Vùng cao biên giới, miền Trung, miền Tây Nam bộ và các địa danh, di tích lịch sử văn hóa, đất và người của các địa phương thuộc tỉnh Hải Dương. Mỗi bút ký được tác giả đào sâu cảm nhận, tìm tòi các chi tiết độc, lạ hấp dẫn của chủ đề, của vùng miền để tạo đắp thành tác phẩm dày dặn về nội dung, đa dạng về chi tiết, tình tiết, thấm đẫm chất truyện. Về nghệ thuật, với cách viết có nghề, cách bố cục, dàn dựng khéo léo mỗi bút ký lại đưa người đọc đến một khám phá trải nghiệm với rất nhiều sự mới lạ, hấp dẫn. Sự tìm tòi tổng hợp, nghiên cứu tư liệu công phu kết hợp với cách kể truyện vừa tự nhiên vừa cài cắm giúp tác phẩm giàu chất văn...

Cần những bứt phá, trải nghiệm mới

Nói thế không phải 5 năm qua văn xuôi Hải Dương đã trở thành viên ngọc được mài giũa, trau chuốt không tì vết. Những điều chưa tâm đắc xin được bộc bạch biết rằng có thể động chạm, có thể khiến nhiều người không thích và nếu không phải người biết lắng nghe có thể cảm thấy tự ái.

Có thể khẳng định, bên cạnh sự “chững chạc, khởi sắc” được phô khoe, văn xuôi Hải Dương vẫn còn đó những mặt hạn chế mà cần phải thẳng thắn nói với nhau, trao đổi với nhau.

Về bút ký, một số bài mới đi được phần bên ngoài của chủ đề, chưa có sự đi sâu tìm tòi khám phá, thâm nhập khiến người đọc có cảm giác chờn vờn, hời hợt. Thể loại bút ký đòi hỏi dữ liệu, sử liệu, sự kiện, địa danh phải chính xác. Tuy vậy có bút ký còn có những sai sót nghiêm trọng về địa danh, tên gọi, tên nhân vật, số liệu...

Ở mảng tiểu thuyết, truyện ngắn, văn xuôi Hải Dương đang tự trau chuốt trong lối mòn. Có thể thấy các tác phẩm tiểu thuyết và các tập truyện ngắn xuất bản trong 5 năm qua đạt được hai tiêu chí đặc sắc về nội dung và nghệ thuật rất ít. Kể cả các tác phẩm được xếp vào dạng trội vượt cũng không đáp ứng được điều này. Đa phần các tác phẩm đều viết theo các hình thức nghệ thuật đã cũ, thậm chí quá cũ như: cách dựng truyện theo trình tự thời gian, theo kết cấu đa tuyến... Các chi tiết, biến cố... trong tác phẩm văn học được sắp đặt theo trật tự chặt chẽ của một vở kịch: thắt nút, phát triển, đỉnh điểm, mở nút. Cấu trúc này đã quá cũ nhằm tạo ra những nhân vật điển hình kiểu mẫu mà chúng ta chỉ gặp trong văn học chứ không có ngoài đời thật.

Với các tác phẩm viết về một thời kỳ lịch sử cách mạng thì nhân vật mặc dù có tính cách, có cảm xúc song vẫn ít nhiều bị rơi vào một chiều hoặc lý tưởng hóa. Có tác phẩm các vấn đề đặt ra không lớn, vụn vặt gây cảm giác đơn điệu, buồn tẻ, không đọng lại ấn tượng sâu đậm. Có tác phẩm là tiểu thuyết song giống như một truyện ngắn kéo dài, nghèo nàn tình tiết, chi tiết, giá trị tư tưởng. Phần nội dung có nhiều tình tiết chi tiết không phù hợp với thực tế, không đúng với chủ trương chính sách.

Có tác phẩm rơi vào việc sử dụng quá dày đặc kiến thức chuyên môn (tham kiến thức chuyên môn) làm cho tác phẩm khô cứng, mất đi sự mềm mại của văn học, cuộc sống của các nhân vật trong truyện giống như những cỗ máy không cảm xúc. Có chỗ tác giả dùng quá nhiều hội thoại nên tác phẩm văn học giống tác phẩm kịch.

Có tác giả vừa sử dụng lối viết tả thực, vừa sử dụng lối viết kỳ ảo tạo sự hấp dẫn và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc. Tuy nhiên các truyện khi đứng độc lập thì tạo được sự độc đáo, đặc sắc riêng. Nhưng khi đứng trong cùng một tập dễ nhận thấy sự lặp lại, na ná nhau của nhân vật, của tình tiết, của bối cảnh câu chuyện diễn ra: chẳng hạn mô típ những người đàn bà bị chồng phụ bạc, hành hạ đến cùng cực, không được coi trọng trong gia đình; những người đàn ông độc đoán, mưu mô, sống hằn học với người với đời; những cô gái ma…

Công bằng mà nói, trong mỗi tác phẩm, các tác giả đều có ý thức dấn thân trong nghệ thuật, thể hiện rõ khát vọng tìm tòi, khám phá, làm mới… như đã đề cập. Tuy nhiên kết quả cũng không ấn tượng, không rõ nét, không giúp định hình phong cách hay làm nên dấu ấn cá nhân. Điều đáng nói, một số người cầm bút lại đang ngộ nhận những dấn thân, tìm tòi, khám phá không rõ nét ấy là đón đầu, đi trước thời đại, là sự nhanh nhạy tiếp thu, áp dụng những trường phái, trào lưu mới của văn học.

Nguyên nhân do đâu. Trước hết, do văn tài hoặc kiến thức nghề chưa sâu khiến người cầm bút vừa viết vừa vận dụng, bắt chước những thành công của lớp người đi trước hoặc những quy chuẩn của các hệ hình lý thuyết để học nghề. Điều này không quá đáng ngại. Bởi khi bước vào nghề viết, ai dám chắc mình sẽ trở thành cây bút lão luyện ngay nếu không qua học tập, bắt chước những thành công, kinh nghiệm của người viết đi trước. Dù đang còn phải học nghề song qua thời gian, những sản phẩm được kết tinh từ lao động sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc vẫn sẽ đơm hoa kết trái, mang dấu ấn riêng. Nó chỉ đáng ngại khi người viết mãi chấp nhận là cái bóng của người đi trước.

Nguyên nhân thứ hai, do sự dễ dãi, cẩu thả của tự thân người viết. Đây là điều đáng ngại nhất. Lao động sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi sự dụng công, nghiêm túc cao độ. Một người dễ dãi tự thân trong sáng tạo nghệ thuật thì cũng chỉ làm ra các sản phẩm nghệ thuật dễ dãi, cẩu thả mà thôi. Lao động văn chương hay bất cứ lao động nghệ thuật nào khác không có chỗ cho sự dễ dãi cẩu thả tự thân. Bởi vậy người sáng tạo nghệ thuật ngoài phải nghiêm túc trong quá trình sáng tạo cần nghiêm túc cả trong nghiên cứu, trang bị, bồi bổ phông nền văn hoá, phông nền kiến thức cuộc sống cho chính bản thân mình. Chỉ khi người viết có phông nền văn hóa sâu dày, am hiểu sâu rộng kiến thức xã hội thì các sản phẩm văn chương làm ra mới không ngô nghê, cẩu thả, sai kiến thức.

Nguyên nhân thứ ba do sự dễ dãi thỏa hiệp của người viết. Nguyên nhân này khiến người viết thay vì dốc lòng cho sáng tạo nghệ thuật lại chấp nhận chạy theo thị hiếu người đọc, chạy theo nhu cầu được công bố tác phẩm. Cho dù có dụng tâm sáng tạo nghệ thuật cũng chờn vờn, nửa vời, không hết mình vì sợ độc giả không hiểu, sợ các tờ báo, tạp chí không dung nạp sáng tác của mình. Đây là một trong những nguyên nhân nhức nhối hiện nay. Không ít người viết dốc lòng cho sáng tạo nghệ thuật nhưng tác phẩm lại không được độc giả đón nhận, không có cơ hội in ấn, xuất bản, công bố. Mà nỗi sợ bị độc giả quay lưng, bị các nhà xuất bản, các tờ báo từ chối ám ảnh người viết khiến không mấy ai sẵn sàng xả thân vì tìm tòi nghệ thuật. Còn vô vàn nguyên nhân khiến nghề viết đã nhọc nhằn lại thêm nghiệt ngã xin không kể ra đây.

Cái ấn tượng nhất trong các tác phẩm văn xuôi mà người viết bài nhận thấy là sự dụng công sáng tạo về nội dung. Quả vậy, đọc mỗi tác phẩm, phần nội dung là thứ duy nhất mang đậm bản sắc, dấu ấn, phong cách cá nhân cũng như sự sáng tạo công phu, dụng công đến quằn quại, đau thắt của tác giả.

Nói đến đây, có người sẽ bảo, sao phải quá đề cao hình thức sáng tạo, phương pháp sáng tạo, hệ lý thuyết, trường phái, trào lưu hiện đại, hậu hiện đại hay siêu hiện đại... gì gì đó, mà khi viết tác phẩm miễn nội dung hay, đi vào lòng người, vào trái tim độc giả là được. Cái hay của văn chương không phải nằm ở phương pháp mà nằm ở trái tim nhà văn và giá trị của tác phẩm với cuộc sống. Điều này không sai, nhưng không đầy đủ. Nếu chỉ chú trọng đến sáng tạo nội dung vô hình chung chúng ta đã bỏ đi một nửa cấu thành lên tác phẩm văn học là cái vỏ hình thức nghệ thuật.

Việc chỉ dụng công sáng tạo nội dung trong cái vỏ hình thức nghệ thuật đã cũ chính là đang tự trau chuốt trong cái lối mòn đã được định hình, đóng khung mà không sao thoát thai được. Trong sáng tạo nghệ thuật, sự lặp lại chính mình đã là điều cảm thấy xấu hổ, khó có thể chấp nhận, huống chi bị luẩn quẩn, đóng khuôn trong cái lối mòn đã được định hình mà người ta luôn dựa vào đó để đánh giá, phán quyết, quy chụp... Nghệ thuật là không ngừng tìm tòi sáng tạo. Một người làm nghệ thuật chân chính là một người luôn máu lửa tìm tòi sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật để mở ra những chân trời Chân- Thiện- Mỹ mới. Người làm nghệ thuật phải thấy mình khác với một người thợ lành nghề, giàu kinh nghiệm sử dụng máy móc hay bàn tay để làm ra những sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công tinh xảo nhưng na ná nhau theo một công thức nhất định.

Nói thế để thấy văn xuôi Hải Dương có quyền tự hào về những bước đi “chững chạc, khởi sắc” 5 năm qua song cần những bứt phá, trải nghiệm mới. Trên con đường sáng tạo nghệ thuật đầy cô đơn, cô độc và nghiệt ngã, mỗi tác giả hãy mạnh mẽ dấn thân hơn nữa, lăn xả tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, trải nghiệm để vượt lên khỏi cái bóng của chính mình, vượt lên cả những cái bóng hệ hình lý thuyết, trường phái, trào lưu… dày đặc bấy lâu vẫn che khuất, ám ảnh chúng ta để tìm cho mình những chân trời nghệ thuật mang sắc màu Chân- Thiện- Mỹ mới.
 
Đinh Ngọc Hùng 
Các tin mới hơn
Ngôn ngữ phê bình của Chu Văn Sơn – qua “Đa mang một cõi lòng không yên định”(30/08/2022)
Truyện ngắn của Hồ Anh Thái vào giáo trình đại học Hà Lan(18/08/2022)
Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của Văn học Việt Nam đương đại(09/08/2022)
Nhà văn Thạch Lam những câu chuyện vang bóng thời gian(25/07/2022)
Người thơ, nhà thơ Lưu Quang Vũ(13/07/2022)
Các tin cũ hơn
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na