Tin tức
Kết nối văn hóa đọc: Mở cánh cửa thưởng lãm nghệ thuật đương đại
15/04/2022 02:39:46

Để cảm thụ nghệ thuật đương đại muôn màu không phải là điều dễ dàng đối với công chúng không có chuyên môn, không được đào tạo chuyên sâu. Khỏa lấp khoảng trống đó, những cuốn sách nhập môn ra đời, tiêu biểu là cuốn sách “Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật” (Nhà xuất bản Văn học và Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A, tái bản năm 2017) của nhà văn, nhà nghiên cứu xã hội học văn hóa người Anh Sarah Thornton, được nhiều độc giả xem như là chiếc chìa khóa mở cánh cửa để thấu cảm nghệ thuật đương đại.

 
 

Hiện nay, đa phần nghệ sĩ và công chúng ở Việt Nam khi tiếp cận với nghệ thuật đương đại thường cho rằng, mối quan hệ giúp tạo giá trị cho tác phẩm nghệ thuật xoay quanh “bộ ba” là nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật và nhà phê bình. Tuy nhiên, thượng tầng kiến trúc của thế giới nghệ thuật không phải là một hệ thống hoạt động nhịp nhàng, mà ở đó mở ra sự đa dạng về cách nhìn nhận nghệ thuật, cơ chế vận hành của nghệ thuật, vai trò của nghệ sĩ, người đại diện quản lý nghệ sĩ, nhà sưu tầm hay các nhà đầu tư cho những buổi biểu diễn, triển lãm nghệ thuật. Tất cả những thế giới quan đó đều được khảo sát thực địa và ghi chép trong cuốn sách “Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật”.

Trong thời đại cuộc sống bị chi phối từ nhiều sở thích nghe nhìn, các cuốn sách với lối viết cô đọng, gần gũi là lựa chọn ưu tiên, dễ dàng tiếp cận nhất với độc giả. Qua 7 chương, cuốn sách “Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật” lôi cuốn độc giả trải nghiệm kiểu “thực tế ảo”. Mỗi chương khảo sát một định chế thuộc thế giới nghệ thuật gồm nhà bán đấu giá, trường nghệ thuật, tạp chí nghệ thuật, xưởng nghệ sĩ, triển lãm lưỡng niên, hội chợ nghệ thuật và giải thưởng nghệ thuật. Đây là 7 đầu mối trong thế giới nghệ thuật, có mối quan hệ mật thiết với nhau, có tương tác, xung đột để tạo ra giá trị. Suốt 7 chương sách, tác giả đã rất nỗ lực để nối khớp các quan điểm một cách rành mạch và đem lại cho độc giả dù là bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu đều cảm giác như thể đang có mặt ngay tại đó, cùng tác giả đối thoại, phỏng vấn, trò chuyện với nhân vật và trải nghiệm các sự kiện mà không quá đi sâu vào chuyên môn, không đòi hỏi độc giả phải có sự am hiểu sâu sắc về nghệ thuật.

Có câu nói “Nghệ thuật chính là câu trả lời cho sự giàu có tột bậc. Thị trường nghệ thuật là một quái thú phức tạp không bao giờ giữ nguyên hiện trạng”. Thật vậy, nhìn từ góc độ kinh tế-xã hội, cuốn sách cũng chỉ ra nghệ thuật đương đại (hay còn được gọi là ngành công nghiệp văn hóa) đã tạo ra lợi nhuận khá lớn trong thương mại hóa trực tiếp (mua bán tác phẩm) và gián tiếp (du lịch và truyền thông).

Từ cuốn sách này, có thể nhìn về thị trường nghệ thuật đương đại ở Việt Nam đã được đầu tư phát triển hơn rất nhiều, đã có những cuộc đấu giá, hội chợ và triển lãm nghệ thuật. Công chúng ít nhiều sẽ hiểu và sàng lọc được giá trị của những tác phẩm xuất sắc, những sản phẩm nhất thời. Nền công nghiệp nghệ thuật với mô hình toàn cầu sẽ là đề tài thú vị cho những nhà kinh doanh nghệ thuật nghiên cứu, đầu tư, sản xuất ra các tác phẩm Việt Nam giá trị. Còn với nghệ sĩ, cuốn sách này như một người bạn đồng hành giúp họ luôn nhớ mình là ai, làm sao tạo ra được lợi nhuận từ chính sự nỗ lực, niềm đam mê, tính sáng tạo mà không mất đi chất nghệ sĩ riêng của chính mình.

 
Nguồn: http://baovannghe.com.vn/ 
 
 
Các tin mới hơn
Xã hội hóa để lan tỏa các giá trị của văn học nghệ thuật(17/04/2024)
Giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng tại Hải Dương(29/03/2024)
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương(29/03/2024)
Giới thiệu giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ nhất ở Hải Dương(29/03/2024)
Giới thiệu Giải thưởng Văn học Kim Đồng với các tác giả viết cho thiếu nhi tại Hải Dương(29/03/2024)
Các tin cũ hơn
Cả nể, ứng xử xuề xòa khiến vi phạm quyền tác giả tràn lan, khó kiểm soát(13/04/2022)
Hội sách trực tuyến Quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 19/4(13/04/2022)
Mời gửi tác phẩm tham dự Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2022(12/04/2022)
Giải thưởng Nghệ thuật Danube lần đầu tiên trao cho 3 nhà văn Việt Nam(12/04/2022)
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội nói gì về sách bị tố “đạo văn”?(06/04/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na