Văn nghệ dân gian
Nghề dệt vải vuông ở Hoàng Xá - Thanh Hà - Hải Dương
28/10/2021 02:44:54

Hoàng Xá vốn rất gần thị xã Hải Dương. Đường chim bay chỉ ba cây số. Đi đường bộ theo đường 190A mất 7 km, đi đò ngang qua xã Nam Đồng chỉ mất 5 km. Hoàng Xá vốn là một xã lớn, dân cư đông (theo cuốn "Lịch sử các làng xã Việt Nam" xuất bản năm 1938 thì năm 1925, Hoàng Xá đã có trên 2500 người).


Hoàng Xá vốn rất gần thị xã Hải Dương. Đường chim bay chỉ ba cây số. Đi đường bộ theo đường 190A mất 7 km, đi đò ngang qua xã Nam Đồng chỉ mất 5 km. Hoàng Xá vốn là một xã lớn, dân cư đông (theo cuốn "Lịch sử các làng xã Việt Nam" xuất bản năm 1938 thì năm 1925, Hoàng Xá đã có trên 2500 người).

Người Hoàng Xá từ xa vốn đi lại, buôn bán thường xuyên với thị xã, vì vậy đã có nhiều người sinh sống, dựng vợ gả chồng ở đó. Bấy giờ tại phố Khách (Hoa Kiều) thị xã có hãng vải sợi thường phát sợi gia công cho một số nơi dệt rồi thu vải, trả công, sau đó chỉ bán vải sợi, người dệt tự lo thị trường tiêu thụ.

Đầu tiên một số người thôn Chiềng (còn gọi là Thượng Trình thôn - nay là xóm Đoàn Kết) xã Hoàng Xá nhận vải về thuê người đóng khung dệt, mời thợ ở hãng từ thị xã về hướng dẫn công nghệ dệt. Thấy có lãi hơn cày cấy, giải quyết được nhiều công ăn việc làm, lại hợp với phụ nữ, người Hoàng Xá nhanh chóng truyền cho nhau tay nghề, mở rộng nghề dệt. Đến đầu thế kỷ XX, số khung dệt đã lên tới trên 300 cái, sang thập kỷ 30, 40 thì hầu hết các gia đình Hoàng Xá có khung dệt. Nhiều gia đình có từ 3 đến 6 khung dệt. Hầu hết giới nữ tuổi từ 13 trở lên đến 60, 70 tuổi đều biết dệt vải. Nhiều thế hệ kế tiếp nhau dệt vải. Nhiều người có tay nghề điêu luyện. Nhiều gia đình lấy nghề dệt vải làm nghề sống chính.

Từ thập kỷ 30 trở đi, ngoài nhận vải sợi của hãng, Hoàng Xá còn trồng bông để kéo sợi. Có gia đình trồng tới năm sào, hoặc mua bông từ huyện Quỳnh Côi tỉnh Thái Bình về làm. Nghề dệt vải Vuông làng Hoàng Xá phát triển đến đỉnh cao của cả vùng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù đi tản cư nhưng dân Hoàng Xá vẫn đưa cả nghề dệt đi theo. Nghề dệt vải Vuông Hoàng Xá tồn tại đến những năm 1960 thì chuyển sang khung dệt cải tiến, dệt vải khổ rộng (80 cm) và làm gia công cho công ty bách hoá Hải Dương để lấy tiền công. Năm 1965- 1969 làng có tới 70 khung dệt vải khổ rộng để gia công cho Công ty vải sợi Nhà nước và thu về cho ngân sách hợp tác xã lượng tiền công khá lớn. Nhiều thợ dệt đã nổi tiếng khắp vùng.

- Đặc điểm vải đượng Hoàng Xá

Vải Vuông có bề ngang 40 cm, mịn, dày. "Vuông" chỉ đơn vị đo, mỗi chiều 40 cm 40x40. "Đượng" cũng là đơn vị đo. 20 vuông thành 1 đượng. Một khung dệt mỗi lần được từ 5 đến 7 đượng. Vải vuông Hoàng Xá sợi săn chắc rất bền. Quần áo may bằng vải vuông Hoàng Xá bền gấp 2,3 lần vải dệt khổ rộng ngoài thị trường. Đương thời ngoài dệt tự túc, vải Hoàng Xá chủ yếu làm hàng hoá.

Quá trình dệt vải đượng.

Quá trình dệt vải gồm các công đoạn: Cán bông, bật bông, vê cúi, kéo sợi, ngâm, đập, giày giáo, phơi, đánh ống, mắc, chải, trục vải, tra trục, đánh suốt, tra thoi, dệt.

Thành phẩm đạt được là cuộn vải trước bụng người thợ chiều dài 7 đượng, mỗi đượng 20 vuông. Mỗi vuông dài 40 cm 40 x 40. Hoàn thành một đượng vải người dệt bình thường hết 1 ngày. Người dệt thạo mất từ 3- 4 ngày, một lứa từ 5 đến 7 đượng.

Để chủ động có nguồn sợi bông dệt quanh năm, Hoàng Xá đã học luôn kỹ thuật trồng, chế biến bông. Hàng trăm gia đình trồng bông. Ruộng trồng bông được chọn là chân ruộng đẳng điền, sau này người Hoàng Xá vẫn gọi loại ruộng đẳng điền là chân "Sướng bông", có cả cánh đồng mang tên là Đồng Bông.

Ruộng cày phơi ải, làm nhỏ đất, luống cao, bổ hốc, tra phân chuồng mục, hạt bông được chọn, ngâm nảy mầm, đầu tháng Giêng tra hạt. Cây bông được chăm sóc cẩn thận. Người trồng bông ngày nào cũng phải có mặt tại ruộng. Ngoài vun xới tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ phải thường xuyên. Tháng Ba bông cao 40, 50 cm, lá to, cây cứng bắt đầu ra hoa. Hoa màu trắng, màu tím kết quả, tháng 4, tháng 5 quả bông già màu sẫm, các múi nở, bông trắng xoá trên cây. Lấy bông về nhặt hết vỏ, phơi khô. Bông khô xốp nhẹ được đưa vào xa cán nhằn hạt ra. Đem bông cán vê thành con cúi. Từ con cúi đưa vào xa quay kéo thành sợi cuốn thành từng "con vải", tiếp tục các khâu ngâm đập, giày giáo… trong quá trình dệt vải như phần trên đã nêu.

Từ nghề dệt đã tạo nên một lớp thợ dệt lành nghề. Nghề dệt vải vuông đã thu hút tới 50% nhân lực vào công việc. Từ trồng bông, cán xe cúi, bật bông kéo sợi, ngâm đập chải mắc… đến khâu dệt, buôn bán, chế biến, sản xuất dụng cụ phục vụ nghề dệt.

- Hoàng Xá có nhiều thế hệ thợ dệt giỏi: ông bà, bố mẹ, con cháu. Tên tuổi hàng trăm người còn lưu lại đến nay.

Nghề dệt vải vuông đã tạo công ăn, việc làm cho lớp người nghèo

Nhờ nghề dệt vải đã tạo ra nhiều công việc cho người dân trong làng, đặc biệt là lớp người nghèo, họ không có hoặc rất ít ruộng đất giờ có việc làm. Làng đã có hàng trăm người đi ở để dệt vải suốt đời.

Thợ sản xuất dụng cụ nghề dệt:

Các dụng cụ cho nghề dệt vải vuông gồm khung cửi, mấy loại xa. Xa cán bông, xa quay kéo sợi, bàn mắc, ống, suốt, chày đập, go bìa… Sản xuất các dụng cụ này không phải thợ mộc nào cũng làm được, không phải gỗ, tre nào cũng làm được. Gỗ xoan già là thích hợp nhất, dễ kiếm, vừa nhẹ vừa mềm dễ vận chuyển làm khung dệt, bàn mắc. Chọn tre bánh tẻ, chuốt, uốn vành xa. Xa cán bông phải chọn gỗ táu mịn, rắn làm 2 trục cán, tay quay, ác cuộn vải. Con ống, con suốt chọn trúc thẳng đẹp đều cắt tiện nhẵn. Trong làng số thợ đóng khung dệt, sửa chữa dụng cụ dệt vải chỉ tính chừng chục thợ. Cụ Vệ Khu chuyên nghiệp làm bìa, cụ Tổng Luận chuyên xe sợi làm go.

Thị trường buôn bán, tiêu thụ vải đượng Hoàng Xá

Vải Hoàng Xá, có cách gọi dân dã là vải Vàng. Vải Vàng nổi tiếng khắp nơi.

- Nơi tiêu thụ chủ yếu là các hãng vải sợi đặt gia công tại thị xã Hải Dương. Người nghèo trả vải lấy sợi về dệt chỉ lấy tiền công dệt. Nhà khá thì mua hẳn vải sợi về dệt và tự tiêu thụ tại thị trường tự do.

- Thị trường tại chỗ: Khách mua từ khắp nơi về mua vải tại nhà khi vải còn trên khung. Xem mặt vải, khách buôn giam tiền, hẹn ngày về lấy. Nhiều khi chính những lái buôn hoặc dân trong làng biết tay nghề thợ dệt đã đăng ký từ khi vải mới lên khung để đi chợ xa hoặc để may mặc.

- Chợ Vàng là trung tâm buôn bán của cả vùng. Ngoài các mặt hàng khác, vải vuông là mặt hàng nhiều người bán, lắm người mua nhất. Phiên chợ vào ngày 5, ngày 10 hàng tháng. Ngày phiên rất đông. Khách từ Hải Dương, Nam Sách, Kim Thành, Gia Lộc đổ về, gần chợ Vàng còn có 4 chợ khác, mỗi chợ cũng cứ 5 ngày một phiên, nhưng cắt lân, không chợ nào trùng phiên lên nhau, nên để nhớ phiên chợ mà đi, người làng Vàng có câu:

Chợ Vàng quàng chợ Cháy (Cẩm Chế)

Chợ Cháy mà kháy chợ Nứa (Tân An)

Chợ Nứa cứa chợ Côm (Tân Việt)

Chợ Côm ôm chợ Huyện (Nam Sách)

Chợ Huyện quyện chợ Vàng...

- Vải Vàng Xá xuống thuyền theo lái buôn đi Quảng Ninh, Hải Phòng và xa hơn.

- Vải Vàng còn đến các phiên chợ trong vùng như chợ Huyện- Nam Sách, chợ Cuối- Gia Lộc, chợ Cháy, chợ Nứa, chợ Côm. Ở những chợ này, người buôn vải Hoàng Xá còn mua chỗ ngồi, dựng quán để bán vải.

Thợ buôn nổi tiếng có hàng chục người như các cụ lái Mạnh, cụ lái Cương, cụ lái Thường, cụ Nghĩa Tiêu, cụ Lê Văn Cự, cụ Khoá Bính (cụ bà), cụ Sộp…

Hoàng Xá giàu có nhờ nghề dệt vải vuông

* Chế biến sử dụng

Vải vuông Hoàng Xá chế biến một phần là để tự cấp, tự túc. 100% hộ, 100% dân số của làng dùng vải dệt ra may mặc. Vải Vàng nhuộm vài nước nâu thành vải nâu non dùng may áo phụ nữ, vải dệt mịn màng nhuộm vỏ cây, lá rừng ra màu xanh màu đỏ may yếm, bao tượng cho phụ nữ (Hỡi cô mặc áo nâu non…), nhuộm nhiều nước nâu, vải săn bền, may một lần mặc ba năm. Vải nâu dấn bùn ao đen láy dùng may váy, may quần phụ nữ. Vải dệt thưa dùng may đồ lót…

Vải vuông Hoàng Xá dùng để làm hàng hoá.

- Thời gian đầu vải Hoàng Xá dệt theo gia công cho các hãng trên phố Hải Dương. Phương thức là hãng vải cung cấp sợi, người Hoàng Xá lấy về dệt, đúng thời gian hợp đồng đem đi trả. Sau này nghề mở rộng ra cả làng. Một phần tự túc được vải sợi do nghề trồng bông, một mặt hãng vải sợi cũng nới rộng chỉ cung cấp sợi, thu một phần vải, còn lại người dệt tự tìm đầu ra. Do đó vải được người Hoàng Xá đem bán thị trường tự do. Người mua tự đến bên khung dệt chọn, đặt hàng. Chợ Vàng ngày phiên thành chợ vải trắng xoá một màu. Khách hàng từ các nơi về mua. Ngoài bán chợ làng, vải Vuông Hoàng Xá còn được đem bán tại các chợ như: chợ huyện Thanh Lâm, chợ Cháy, chợ Nứa, chợ Cuối Gia Lộc, vải Vuông xuống thuyền tại bến làng đi các nơi, lên vai đi Quảng Ninh, Hải Phòng. Từ đó Hoàng Xá hình thành một lớp người chuyên buôn bán vải sợi, bông, vải thành phẩm. Nhiều người được mệnh danh là những "Ông Lái" vải nổi tiếng như cụ Đào Văn Mạnh, cụ Lê Cự, cụ Cương, cụ Thường, cụ Du, cụ Tiến…

Vải Hoàng Xá đem lại giá trị khá cao. Một đượng vải (20 vuông x 40 cm = 8 mét có giá 2 đến 3 hào, bằng hơn thúng thóc. Bình thường mỗi gia đình làm xong (đoạn) một mẻ trung bình 5 đượng bằng 80 vuông thu được, lãi suất trên 50%. Trong khi đó phần đông số hộ 2 khung dệt. Nhiều hộ như chùa Cả, cụ Vi có đến 5- 7 khung dệt.

Người dân sống trong chế độ cũ có 2 điều tối thiểu phải phấn đấu là cái ăn, cái mặc. Người Hoàng Xá trồng bông, kéo sợi, dệt vải vuông trước hết đã tự túc được cái mặc. Bên cạnh còn có thêm tiền cải thiện đời sống. Thời ấy, Hoàng Xá được thiên hạ coi là một xã giàu có. Bên cạnh một hệ thống đền chùa, chợ, lăng tẩm… kiến thiết quy mô bằng vật liệu gỗ tứ thiết và đá, Hoàng Xá còn một hệ thống cầu đường bằng đá đều do sự đóng góp của dân. Một phần là do tiền thu nhập từ vải vuông. Còn nhớ năm chết đói 1945, so với các địa phương đông dân lúc bấy giờ, Hoàng Xá cũng là địa phương có số người chết ít hơn, chủ yếu chết do dịch tả. Có thể nói nhờ có nghề dệt vải vuông, sống trong xã hội thực dân phong kiến, đời sống người dân Hoàng Xá nói chung đỡ khó khăn hơn nhiều. Có một số gia đình không có ruộng, nhờ có nghề dệt vải thuê mà có công ăn việc làm quanh năm. Nghề dệt vải vuông trở thành một nghề đem lại cho Hoàng Xá có kinh tế khá giả, sung túc hơn nhiều những làng không có nghề.

Văn hoá dệt vải vuông Hoàng Xá

Số nhà có khung dệt chiếm 80% số hộ, số người biết dệt vải chiếm 90% dân số, chủ yếu là phụ nữ. Trong đó có hàng chục thợ dệt giỏi. Ngồi trên khung dệt, không cần mắt nhìn mà chân giận, tay đưa thoi như múa. Người ngoài nhìn chóng mặt. Chỉ khi biết có sợi vải cộn, hoặc đứt, khi cần dầu bôi trơn go, bìa, con thoi mới dừng lại. Cách nối vải rất nghệ thuật. Không đèn vẫn nối được sợi đứt. Nháy mắt đã xong mối nối vải. Mối nối được giấu kín trong mặt vải, khó phát hiện. Dệt vải đối với nhiều phụ nữ khéo tay đã thành nghệ thuật hấp dẫn các chàng trai, khiến nhiều người thán phục.

Tên những người dệt nổi tiếng:

Thời gian đã xa, nghề dệt vải vuông Hoàng Xá cũng mất, nhưng tên tuổi những người thợ dệt đầu tiên, lành nghề của làng vẫn được người dân truyền tụng mãi và tỏ lòng luyến tiếc như cụ Xá, cụ Phúc, cụ Ước, cụ Kha, cụ Khích, cụ Thịnh, cụ Quýnh, cụ Đám, bà Thấu, cụ Nhỡ, cụ Hỹ, cụ Nhỡ…

Nét đẹp văn hoá từ nghề dệt vải vuông ở làng

Người dệt vải vuông Hoàng Xá từ đời này sang đời khác cứ truyền cho nhau bài thơ "Dệt vải" của Hồ Xuân Hương vừa tục vừa thanh cho vui trong khi dệt vải, cán, xe sợi, ứng xử đối đáp nhau. Tiếng cười vang lên sau khung dệt khi đêm khuya, buổi mưa phùn

Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau

Con cò mấp máy suốt đêm thâu

Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,

Một suốt đâm ngang thích thích mau

Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả

Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau

Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ

Chờ đến ba thu mới dãi màu.

Các bà, các ông đứng tuổi trong khi thao tác còn thi nhau đọc thuộc Kiều, kể chuyện nàng Kiều, Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, ngâm vịnh các câu ca dao, đối đáp, rồi chuyện làng, chuyện xã… Vừa đọc vừa chêm những câu bình của mình thật ý nghĩa.

- Nghề dệt đã tạo ra phong cách riêng làm cho người Hoàng Xá về cách ứng xử nhanh nhạy hơn, giao lưu thông thoáng hơn, làm phong phú ngôn ngữ, tay chân mềm mại hơn và sức khoẻ tốt hơn.

- Làng xóm đầm ấm vui lên. Chiều tối khi mặt trời khuất sau luỹ tre, từ các cầu ao trong làng lại rộn lên tiếng chày đập vải, có khi mãi canh khuya.

Đêm đêm tiếng thoi lách cách, tiếng "con cò" kĩu kịt trên đầu thợ dệt, tiếng xa quay vù vù, ro ro.

Những câu Kiều ngâm ngợi khi ngồi quay sợi, ống suốt, những tích chuyện dân gian được kể truyền cho nhau từ thế hệ trước qua thế hệ sau.

Sáng nào sân nhà cũng vải con phơi trắng sào, trắng dây dọc sân, vườn nhà.

Từ nghề dệt làm cho phiên chợ Vàng đông vui tấp nập. Vải bày bán trắng xoá từng dãy hàng ngang dọc, khách bốn phương trở về chọn mua, tiếng cười xen trong tiếng xé vải. Có tiền lãi sau một lứa vải các nhà thường sắm sửa đồ dùng mới, quà bánh từng nón, từng bị đem về. Chủ nhà, thợ dệt vải, con cháu quây quần.

Từ nghề dệt vải tạo ra sự cảm hứng cho người Hoàng Xá sáng tác những câu ca dao còn được truyền mãi:

Làng Vàng dệt vải thâm trôn

Làng Côm nấu rượu để ... chấm tro

Hay:

Hỡi cô thắt dải lưng xanh

Có về Hoàng Xá với anh thì về

Hoàng Xá lúa tốt bề bề

Có nghề dệt vải, có nghề trồng bông

Muốn đẹp mặc áo nâu non

Thì về Hoàng Xá làm con dâu hiền

Yếm nâu non trông mòn con mắt

Muốn mặc vải Vàng tiền trước, vải sau

Trên sân khấu vào những ngày hội đình, ngày kỷ niệm lớn người Hoàng Xá sáng tác nhiều màn chèo, màn kịch về nghề dệt vải.

Vào những ngày phiên chợ Nứa (Đông Phan), vải làng Sét cạnh tranh với vải Vàng Xá. Để miêu tả sự cạnh tranh ấy, người dân nơi đây liền sáng tác ra những câu ca đối nhau thật tinh tế:

Con yêu, con ghét

Con vải Sét, con vải Vàng

Đối lại:

Yêu con chọn tấm vải Vàng

Vừa bền vừa đẹp vừa sang con người.

Hoặc:

Vải Vàng sợi có khí to

Dãi nâu dăm nước, chẳng co, mặc bền. (Vải làng Sét mỏng chỉ bóng bẩy bởi lớp hồ).

 
Nguyễn Long Nhiêm 
Các tin mới hơn
Nhìn lại 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh(12/04/2022)
Hình tượng “ông Táo” trong văn hóa dân gian Á Đông(27/01/2022)
Các tin cũ hơn
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na