Theo thông tin xác nhận từ người thân của nhà văn Triệu Xuân, ông mất vào trưa nay (26/10/2021). Sự ra đi của nhà văn Triệu Xuân để lại nỗi mất mát to lớn trong giới văn chương và nhiều độc giả, đồng nghiệp yêu mến ông.
Nhà văn Triệu Xuân – tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết ấn tượng.
Tháng 2/2019, nhà văn Triệu Xuân phát hiện bệnh ung thư nhưng đã ở giai đoạn cuối. Suốt hơn 2 năm qua, mặc dù lâm bệnh nặng nhưng nhà văn vẫn giữ tinh thần lạc quan và sáng tác cho đến những ngày cuối đời. “Cuộc sống với rất nhiều thử thách khắc nghiệt nhưng tôi yêu vô cùng. Cuộc đời này đẹp vô cùng…” – ông tâm sự – “cả cuộc đời Triệu Xuân sống để viết và giờ vẫn vậy”!
Theo cáo phó, linh cữu nhà văn Triệu Xuân được hỏa táng tại Đài hỏa táng Phước Lạc Viên, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Nhà văn Triệu Xuân tên thật là Triệu Xuân Điến, ông còn có các bút danh Triệu Minh, Minh Đức, Triệu Minh Đức. Ông sinh năm Nhâm Thìn (04/9/1952), tại An Đức, Ninh Giang, Hải Dương.
Thời học sinh phổ thông, Triệu Xuân là học sinh giỏi văn, đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông tình nguyện vào Khu 5 Trung Trung bộ làm phóng viên chiến trường. Sau 1975, ông sống ở Sài Gòn và công tác ở đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Đầu tư, rồi Nhà xuất bản Văn học. Triệu Xuân sống ở ba miền tổ quốc, tiếp xúc nhiều người, xông xáo trong nhiều lĩnh vực… Nhờ có vốn sống phong phú đó, ông đã sáng tác hàng chục tiểu thuyết và truyện, ký có giá trị. Phần lớn những tiểu thuyết của ông như “Giấy trắng”, “Bụi đời”, “Nổi chìm trong dòng xoáy”, “Đâu là lời phán xét cuối cùng”, “Sóng lừng”, “Trả giá”, “Cõi mê”… được tái bản nhiều lần…
Ngay từ những năm 1980, Triệu Xuân từng được đi công tác ở nước ngoài nhiều lần, thường là đi một mình cả tháng trời. Ông đã tới hầu hết các nước lớn, và khi về nước đã cho in hàng loạt bút ký văn học ngồn ngộn vốn sống, hiện thực xứ người… Ông bảo rằng, đi khảo sát nước người để suy ngẫm về hiện tình đất nước mình, và vì thế, hàng loạt bút ký đã ra đời, để lại những tác phẩm đồ sộ cho thế hệ sau.
Là nhà văn, đam mê văn học, Triệu Xuân dũng cảm phanh phui những mảng tối trong đời sống xã hội. Ông luôn luôn đứng về phía nhân dân lao động, những người nghèo khó có số phận thiệt thòi. Ngoài tiểu thuyết, ông viết truyện ngắn, ký, tập truyện, ký chọn lọc.
Không chỉ là một tiểu thuyết gia xuất chúng, Triệu Xuân còn tham gia các hoạt động văn nghệ trên nhiều cương vị khác nhau. Ông từng làm Phó Chủ tịch Hội đồng văn xuôi của Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Bản thân ông cũng đứng ra sáng lập Quỹ phát triển Tài năng văn học Việt Nam và nhóm văn chương Hồn Việt. Từ khi còn làm việc ở cơ quan cho đến khi nghỉ hưu, ông vẫn không ngừng viết lách để thường xuyên có bài in sách báo và đăng trên trang web trieuxuan.info. Triệu Xuân không xa rời các hoạt động văn hóa nghệ thuật nên các bài viết của ông cũng mang đầy tính thời sự, thể hiện sự tâm huyết với con đường văn chương, báo chí ở mọi thời đại ông đi qua.
Ông từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP. HCM 2 nhiệm kỳ 4 & 5, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi. Ủy viên BCH Chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại TP. HCM nhiệm kỳ I & II. Phó Trưởng Chi hội Hội Nhà văn VN tại TP. HCM nhiệm kỳ 2011-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020. Nhà văn TRiệu Xuân đồng thời là nhà sáng lập Quỹ Phát triển tài năng Văn học Việt Nam, là Phó Chủ tịch thứ nhất. Sáng lập Nhóm Văn Chương Hồn Việt, là Chủ tịch Nhóm.
Ông còn là chủ biên: Nguyệt san Văn chương Ngày nay. Chủ biên Hợp tuyển Văn Thơ Chọn Lọc. Nhóm Văn Chương Hồn Việt liên kết cùng NXB Văn học, NXB Hội Nhà văn.
Khi phát hiện mình mắc chứng bệnh nan y và biết sức khỏe ngày một xấu đi, dù gia đình đã chữa chạy cho anh với tất cả khả năng có được, nhà văn Triệu Xuân đã gởi gắm cho vợ và các con của mình, như lời di chúc, là cố gắng duy trì trang www.trieuxuan.info mà chính anh tạo lập và bền bỉ vun đắp mỗi ngày để nó phát triển thành Thư viện văn chương điện tử đúng nghĩa, nơi mỗi giờ, mỗi ngày đều có nhiều bạn đọc vào, tìm kiếm, thưởng thức hoặc tìm hiểu và nghiên cứu tác phẩm văn học, văn hóa trong nước và thế giới.
Nhà văn Triệu Xuân là tấm gương sống và lao động sáng tạo không ngừng nghỉ. Dù biết điều này rồi sẽ đến, nhưng khi nhận được thông tin nhà văn đã mãi mãi ra đi, bạn bè trong giới văn chương đều đau xót và tiếc thương cho tài năng, đức độ của ông. Những tác phẩm giá trị mà cố nhà văn để lại cho đời sẽ là di sản quý giá được bảo tồn và lưu giữ lâu dài.