Luật chưa chặt nên gia tăng vi phạm bản quyền
Những ngày gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy vai trò, trách nhiệm của các đại biểu chuyên trách của Quốc hội cho ý kiến để hoàn chỉnh bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi). Trong đó vấn đề quyền tác giả là một trong những điều cơ bản của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).
Cách đây hơn hai năm, chúng tôi, những người tham gia hoạt động bảo vệ quyền tác giả, được mời tập trung một số buổi để đóng góp ý kiến cho dự thảo luật sửa đổi này. Đọc hơn 30 trang A4 với 225 điều của Luật SHTT, vấn đề về quyền tác giả khá chi tiết, nhưng lại luôn cảm giác chưa thật đầy đủ. Đơn cử bên cạnh quyền tác giả còn có các quyền liên quan. Nhưng luật SHTT chưa có tầm bao quát vấn đề này.
Vì thế mới có vụ Công ty X đòi dừng mở đĩa nhạc Quốc ca trong một cuộc đá bóng quốc tế. Bởi quyền sở hữu đĩa nhạc ấy thuộc về công ty, do công ty đã bỏ công sức, tiền của để phối âm phối khí và tổ chức ghi âm. Câu chuyện từng gây xôn xao dư luận xã hội. Bản quyền Quốc ca đã thuộc về Nhà nước, không ai vi phạm ở đây. Nhưng xét về quyền tác giả và các quyền liên quan thì Công ty X một phần có lý. Chỉ tiếc là cách ứng xử không văn minh trước một sự kiện cần giữ thể diện quốc gia.
Điểm qua việc như thế, chúng tôi cũng muốn nói rằng: Do văn bản Luật SHTT của chúng ta quá dài và quá chi tiết nên càng không đầy đủ, càng khó nhớ, dẫn đến sự hiểu biết và vận dụng vào cuộc sống hết sức khó khăn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dễ bị xâm phạm.
Nhiều hành vi vi phạm quyền tác giả văn học
Nói đến vi phạm quyền tác giả văn học mấy năm gần đây diễn ra dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Điển hình như vụ tranh chấp bản quyền bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” giữa họa sĩ Lê Linh với Công ty Phan Thị; vụ việc nhà thơ được giải văn học Thủ đô, nhưng bị phát hiện đã lấy nguyên bài thơ của nhà thơ khác đổi tên, đảo mấy chữ rồi đưa vào tập thơ của mình; vụ nhà văn Trần Đức Tiến ở Bà Rịa-Vũng Tàu bị lấy cả một truyện ngắn rồi chuyển thành truyện tranh cho thiếu nhi, ghi bìa là tác giả T.H, phỏng theo truyện của Đức Tiến, in hàng nghìn bản rồi phát hành 11 năm, vô tình bạn của nhà văn mới phát hiện ra. Đặc biệt hơn nữa là vụ in lậu hàng triệu bản sách giáo khoa, phát hành ở hàng chục tỉnh, thành phố khác nhau, hàng năm sau, các cơ quan chức năng mới phát hiện và xử lý…
Mới đây nhất, vụ việc giải thưởng văn học đầy kỳ vọng của Hội Nhà văn Việt Nam-Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021-đã khiến giới sáng tác và độc giả bức xúc bởi tác phẩm “Phê bình phân tâm học-Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của tác giả Vũ Thị Trang bị tố đạo văn khi lấy luận văn và một số bài trong một đề tài nghiên cứu cấp viện mà tác giả làm chủ đề tài in thành sách, dự giải.
Như đã nói ở trên, một phần tìm hiểu không kỹ Luật SHTT, hoặc có người cố tình vi phạm khi đã hiểu luật. Nhưng cơ bản chúng tôi thấy, có nhiều sự hiểu sai, hiểu chưa đúng hoặc có sự nhầm lẫn giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng các tác phẩm văn học.
Để nói rõ hơn, chúng tôi xin nhấn mạnh, quyền tác giả có hai nội dung cơ bản. Đó là quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân bao gồm quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, quyền được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm… Thời hạn bảo hộ quyền nhân thân là vô thời hạn. Còn quyền tài sản thì gồm nhiều nội dung và có thời hạn bảo hộ. Đối với tác phẩm văn học thì bảo hộ suốt đời tác giả và kéo dài hết 50 năm sau khi tác giả qua đời.
Nhiều người có sự nhầm lẫn giữa hai quyền này. Vì thế, trong vụ ồn ào gần đây, không lạ khi một vị có trọng trách lại nói rằng: Viết đề tài đã nhận tiền rồi thì chủ nhiệm đề tài được toàn quyền với các văn bản của đề tài! Nói thế thì người mua bản quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan được bỏ tên nhà thơ ra khỏi bài thơ để in tên ông ta vào tên tác giả của bài thơ hay sao?
Theo chúng tôi, các loại luận văn, đề tài nghiên cứu khoa học… là tác phẩm “phi hư cấu” của tập thể, không thể là tác phẩm cá nhân được.
Những vi phạm về quyền tác giả văn học có vụ đưa ra tòa; có vụ tự các tác giả xử lý với nhau; có vụ do nội bộ cơ quan, đơn vị hòa giải… Tóm lại là rất “mềm”, khiến xã hội càng thấy sự vi phạm không đáng lên án nhiều. Vì sao vậy? Một phần do luật của chúng ta khó vận dụng, khó áp dụng. Chẳng hạn, Luật SHTT quy định xử phạt 20 triệu đồng khi vi phạm quyền tác giả; kinh doanh thu lợi bất chính phạt 50 triệu đồng trở lên… Hoặc Điều 225 Bộ luật Hình sự cũng quy định, người vi phạm quyền tác giả mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng bị phạt tiền và bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm…
Vẫn còn khó giải quyết lắm, bởi ai định giá được những việc làm lén lút đó? Hai nữa, kết quả thu về cho tác giả là cái “danh” (quyền nhân thân), tác giả đã thỏa mãn, chứ giá trị kinh tế thì quá ít. Chưa kể, người Việt vốn duy tình, nên rất cả nể, dễ bỏ qua những lỗi không “cháy nhà chết người” như lỗi vi phạm quyền tác giả văn học, nghệ thuật.
Tóm lại, chưa hiểu rõ luật, chưa tự giác thực hiện luật, luật khó vận dụng, cách ứng xử xuề xòa… là những nguyên nhân làm cho việc vi phạm quyền tác giả nói chung, quyền tác giả văn học nói riêng càng có chiều hướng gia tăng.
Tận dụng thành tựu khoa học công nghệ để phòng ngừa vi phạm bản quyền
Cần lưu ý, những năm tới, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhất là khi xã hội bước vào thời đại công nghiệp 4.0, các tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng sẽ ào ạt được đưa lên môi trường internet. Hiện nay, các loại Ibook, Audio book, Video book… đang được chú trọng và phát triển đối với lĩnh vực văn học. Thị trường sách giấy truyền thống sẽ thu hẹp lại. Vấn đề vi phạm bản quyền văn học sẽ có những dạng thức mới, hiện đại và có thể tinh vi hơn. Như thế, việc bảo vệ quyền tác giả văn học trên môi trường mới sẽ đòi hỏi sâu sát và khoa học hơn.
Qua hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt (VCPMC) trên môi trường internet, chúng tôi thấy tự tin hơn trong công việc của mình. Thành lập gần 20 năm, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đã có những bước đi đáng kể. Mỗi năm, VLCC cùng các đối tác khai thác hơn 800 tác phẩm văn học trên các ấn phẩm truyền thống. Trung bình mỗi năm giải quyết từ 10 đến 12 vụ vi phạm bản quyền văn học. Hiện VLCC có hơn 1.300 thành viên, trong đó có hơn 480 tác giả không là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Bởi trên môi trường sách giấy rất khó phát hiện vì rất tản mát, không tập trung, dễ bị người vi phạm lẩn tránh, giấu giếm. Nhưng trên môi trường internet, mọi vấn đề đều trên một mặt phẳng; với một phần mềm được cài đặt nhằm đối soát hay kiểm soát tổng thể, chúng ta có thể dễ dàng quét kiểm tra định kỳ hoặc quét bất thường để tìm ra những vi phạm.
Vấn đề ở đây là sự đồng lòng, nhất trí của các tác giả văn học và sự vào cuộc của các bàn tay kỹ thuật trong việc lập trình và cài đặt trên các nền tảng kỹ thuật số.
Chấm dứt hoàn toàn sự vi phạm quyền tác giả văn học thì khó. Nhưng với lòng quyết tâm, nhiệt huyết cộng với tiến bộ khoa học kỹ thuật, chắc chắn chúng ta sẽ hạn chế được nhiều sự vi phạm trên môi trường internet.
Thông tin như thế là chúng tôi mong muốn các tác giả trong và ngoài Hội Nhà văn Việt Nam nên sớm liên hệ với VLCC, sớm ký ủy thác quyền bảo vệ các tác phẩm văn học của mình. Khi ký ủy thác quyền cho VLCC, các tác giả có thể rảnh tay sáng tác, yên tâm với những đứa con tinh thần của mình khi chúng bước ra đời.